Bỏ quyết toán thuế thu nhập cá nhân?

01/09/2017 08:32

Ủng hộ đề xuất bỏ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, nhưng các chuyên gia lo ngại nếu không tính kỹ, người thu nhập thấp sẽ thiệt thòi.

Theo quy định hiện nay, cá nhân phát sinh thu nhập trong năm được cơ quan chi trả tạm khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến. Đối với trường hợp không ký hợp đồng lao động thì khấu trừ theo thuế suất 10% đối với thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên từng lần chi trả. Cá nhân có nhiều nguồn thu nhập trong năm thì đến cuối năm nếu phát sinh số thuế phải nộp thêm hoặc phát sinh số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thì phải quyết toán thuế.

 Dự kiến cá nhân không phải đi quyết toán thuế cuối năm
Dự kiến cá nhân không phải đi quyết toán thuế cuối năm)

Ngoài phương án bỏ quyết toán thuế TNCN, Bộ Tài chính còn đưa ra phương án 2 vẫn giữ quy định quyết toán thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng bổ sung quy định ngưỡng tiền thuế dưới 300.000 đồng thì không xử lý hoàn thuế hoặc phải nộp thêm. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng phương án này không được khả thi khi áp dụng và sẽ phải thay đổi luật liên tục trong những năm tới.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết nhiều cá nhân không nhớ chính xác các khoản thu nhập đã khấu trừ tại nguồn nên việc phải tự tổng hợp thu nhập để xác định có phải nộp thêm hoặc được hoàn thuế rất khó khăn. Nhiều trường hợp khi cơ quan thuế phát hiện sai phạm, vừa bị truy thu thuế, vừa bị phạt mặc dù với số tiền không lớn nhưng cũng gây bức xúc cho người nộp thuế. Từ lý do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải sửa đổi lại cách tính thuế để đảm bảo hạn chế tối đa các trường hợp phải quyết toán thuế, đặc biệt là nhóm người làm công ăn lương là người VN sau khi khấu trừ tại nguồn theo đúng quy định. Vì thế, Bộ Tài chính đưa ra phương án bỏ quyết toán thuế, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hằng tháng theo biểu thuế lũy tiến, cuối năm tổ chức chi trả có trách nhiệm tính lại theo thu nhập bình quân 12 tháng để xác định cá nhân phải nộp thêm hoặc nộp thừa và tự bù trừ cho cá nhân.

Theo Tổng cục Thuế, năm 2015 cá nhân có thu nhập chịu thuế TNCN là 17,7 triệu người, trong đó có hơn 9,37 triệu cá nhân đã quyết toán thuế. Cụ thể, có 490.427 người nộp thêm hơn 2.989 tỉ đồng và hơn 1,28 triệu người được hoàn thuế 2.854 tỉ đồng.

Người thu nhập cao được lợi

Ủng hộ đề xuất trên, luật sư (LS) Nguyễn Duy Hùng, Công ty luật TNHH IPIC, phân tích số lượng người tự đi quyết toán thuế chỉ chiếm 1% trong tổng số 17,7 triệu người nộp thuế, nghĩa là quá ít nhưng cũng dẫn đến quá tải tại các cơ quan thuế vào thời điểm quyết toán thuế năm dẫn đến chi phí quản lý nhà nước cũng tăng lên nhiều. “Mặc dù việc bỏ quyết toán thuế TNCN không phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cái gì không phù hợp với thực tế thì nên bỏ”, LS Nguyễn Duy Hùng nói.

Cũng ủng hộ việc bỏ quyết toán thuế TNCN nhưng LS Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng cần xem xét hay bổ sung thêm một số quy định nhằm tránh gây ra sự bất công trong xã hội. Theo phân tích của ông Trần Xoa, với các cá nhân có ký hợp đồng tại nhiều nơi nhưng không quyết toán thuế, người có thu nhập cao sẽ lợi hơn người thu nhập thấp. Ví dụ một cá nhân có thu nhập 2 nơi, mỗi nơi 30 triệu đồng. Ở nơi đầu tiên, 30 triệu đồng có chiết trừ gia cảnh 9 triệu đồng, thu nhập chịu thuế là 21 triệu đồng, số thuế phải nộp 1,6 triệu đồng. Ở nơi thu nhập thứ 2, 30 triệu đồng sẽ tính theo biểu thuế lũy tiến và số thuế nộp là 2,5 triệu đồng. Tổng cộng mức thuế của người này khi không thực hiện quyết toán thuế là 4,1 triệu đồng. Còn trong trường hợp quyết toán thuế, tổng thu nhập 60 triệu đồng trừ đi giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng, thu nhập chịu thuế là 51 triệu đồng, số thuế tính theo biểu lũy tiến phải nộp là 6,78 triệu đồng. Như vậy, trong trường hợp không quyết toán thuế TNCN, người nộp thuế có lợi gần 2,7 triệu đồng.

Thu nhập thấp khó lấy lại thuế

Một vấn đề khác khi bỏ quyết toán thuế sẽ gây bất lợi cho người lao động đó là Bộ Tài chính dự kiến cuối năm, tổ chức chi trả có trách nhiệm tính lại theo thu nhập bình quân 12 tháng để xác định cá nhân phải nộp thêm hoặc nộp thừa và tự bù trừ. Với quy định này, trong trường hợp người lao động không làm việc đầy đủ 12 tháng sẽ bị thiệt thòi, không lấy lại được số thuế nộp. Ví dụ, người lao động có thu nhập 18 triệu đồng/tháng, chiết giảm gia cảnh 9 triệu đồng, thu nhập đóng thuế là 9 triệu đồng, tính theo thuế suất lũy tiến chịu mức thuế suất 5%, số thuế phải nộp là 450.000 đồng/tháng.

6 tháng, tổng số thuế phát sinh là 2,7 triệu đồng. Qua tháng thứ 7, người lao động nghỉ việc thì cả năm, số thu nhập chưa đến mức chịu thuế nhưng họ không thể lấy lại số thuế đã bị khấu trừ trước đó.

Về những hồ sơ xin hoàn thuế đối với thu nhập vãng lai khá cao nên lần này Bộ Tài chính dự kiến nâng mức thu nhập vãng lai từ 2 triệu lên 5 triệu đồng/lần chi trả mới khấu trừ thuế suất 10% nhưng không được chiết trừ gia cảnh. LS Nguyễn Duy Hùng cho rằng mức thu nhập vãng lai dự kiến 5 triệu đồng mà không được chiết trừ gia cảnh vẫn là quá thấp, vẫn thiệt thòi cho người lao động. Ông kiến nghị tăng mức thu nhập vãng lai cao hơn nữa trong trường hợp không quyết toán thuế vì mức chiết giảm gia cảnh cho cá nhân (9 triệu đồng) hiện gần gấp đôi mức thu nhập vãng lai (5 triệu đồng).

Ông Trần Xoa đề xuất một phương án khác, đó là có thể giữ nguyên mức thu nhập vãng lai 5 triệu đồng để khấu trừ thuế nhưng nên có quy định cho cá nhân được cam kết rằng thu nhập của họ trong năm không quá 108 triệu đồng (9 triệu x 12 tháng) để không bị trừ thuế như hiện nay. Nếu không có quy định này thì người lao động có thu nhập chưa đến mức chịu thuế chịu thiệt khi bỏ quyết toán thuế cuối năm.

Theo Thanh Niên

Bạn đang đọc bài viết "Bỏ quyết toán thuế thu nhập cá nhân?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin