Quy định về đối tượng cảnh vệ của Luật Cảnh vệ (có hiệu lực vào ngày 1/7/2018) cơ bản kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005 chứ không bổ sung đối tượng cảnh vệ như đề xuất trước đó là Bí thư, Chủ tịch tỉnh thành được có cảnh vệ.
Chiều 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công bố 12 Lệnh của Chủ tịch nước, công bố 12 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba, trong đó có Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an - cho biết, chương 2 của Luật Cảnh vệ (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) nêu rõ đối tượng cảnh vệ, biện pháp, chế độ cảnh vệ áp dụng đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, nhà nước, UB TƯ MTTQ Việt Nam.
Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam cũng được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ. Biện pháp cảnh vệ cũng được áp dụng đối với khu vực trọng yếu, các sự kiện đặc biệt quan trọng…
Luật Cảnh vệ cũng nêu rõ quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội và quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ để tránh lạm quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Để đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ trong tình hình hiện nay, Luật Cảnh vệ bổ sung một số quyền hạn cho cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ như: quy định được sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu xe ưu tiên; Được mang theo vũ khí, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không và lên tàu bay để thực hiện công tác cảnh vệ.
Luật cảnh vệ cũng quy định rõ trường hợp được nổ súng khi thi hành nhiệm vụ.
Cụ thể, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng trong trường hợp: Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; Vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ; Các trường hợp nổ súng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Về huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ, Luật Cảnh vệ quy định rõ, trong trường hợp cấp bách, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện giao thông và người đang sử dụng phương tiện đó…
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Nội dung luật quy định rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan.
So với Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí là Cảnh sát biển, Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm điều kiện cho các lực lượng này thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Luật quy định rõ, khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khi quân dụng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng và phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra…
Theo Dantri