(Pháp lý) - Báo chí nếu chỉ đóng góp và thay đổi được một số phận có lẽ mới chỉ là đi được một nửa chặng đường. Góp phần phản biện, đấu tranh để thay đổi về chính sách mới thật sự quan trọng, bởi chính sách tác động đến hàng triệu số phận… Đó mới thực sự là gánh nặng cũng như vinh quang nếu báo chí đạt được.
Ra đời cách đây 100 năm, Pulitzer là ý nguyện của Joseph Pulitzer, một đại tài phiệt ngành xuất bản, và cũng chính là người đã sáng lập tờ St. Louis Post-Dispatch, tờ báo mà Roy J. Harris đã phụng sự. Giải thưởng báo chí danh giá này trao cho cả sách, âm nhạc và báo chí với những giá trị tôn vinh rất đặc biệt.
Giải Pulitzer báo chí có rất nhiều hạng mục và tên các hạng mục nói lên tính chất cơ bản của chúng: Báo chí giải thích, bình luận, đặc tả, điều tra, phụng sự cộng đồng... Những năm gần đây nhiều bài báo đạt hạng cao ở các hạng mục khác nhau của Pulitzer đều trực tiếp hoặc gián tiếp nêu ra những tồn tại, bất cập của chính sách đối với những vấn đề xã hội cụ thể. Điều đáng nói là, dựa trên cách thức đưa tin phong phú, báo chí đã khéo léo phản ánh, phản biện những chính sách bất thường, chính sách xa rời cuộc sống... buộc các nhà làm chính sách phải thay đổi chính sách.
“Cú bắn” vào những chính sách tồi
Chỉ ra nguyên nhân làm những đạo luật bảo vệ nữ giới bị trì hoãn là một phần nội dung của loạt phóng sự có tựa đề "Đến chết mới chia lìa" của các phóng viên Doug Pardue, Glenn Smith, Jennifer Berry Hawes và Natalie Caula Hauff tờ The Post & Courier đoạt giải Pulitzer phục vụ cộng đồng trong năm 2015
Loạt bài đó mở đầu bằng thông tin gây sốc, đó là hơn 300 phụ nữ ở bang South Carolina đã bị bắn, đâm, thắt cổ, đánh hoặc thiêu cho đến chết trong 10 năm qua. Trung bình, cứ 12 ngày ở South Carolina lại có một phụ nữ thiệt mạng vì nạn bạo hành trong gia đình. Năm ngoái, South Carolina đứng đầu danh sách 10 bang có tỉ lệ án mạng với nạn nhân là phụ nữ, cao gấp hai lần con số trung bình toàn nước Mỹ. Rất nhiều vụ án mạng đẫm máu đã xảy ra tại South Carolina với nạn nhân là phụ nữ mà hung thủ là chồng hoặc bạn trai. Điều đáng nói là tất cả 46 hạt ở South Carolina đều có ít nhất một trung tâm động vật để chăm sóc chó mèo hoang, nhưng cả bang chỉ có 18 trung tâm hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành gia đình.
Loạt bài của The Post & Courier, phân tích về sự bất bình đẳng giới tại bang South Carolina. Theo đó, người dân sùng đạo sâu sắc, các giá trị gia đình truyền thống là bất khả xâm phạm. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đây là xã hội của đàn ông, phụ nữ chỉ xếp hàng thứ yếu. Mãi đến năm 1949 phụ nữ ở South Carolina mới có quyền đâm đơn ly dị.
Một nguyên nhân khác, South Carolina đã có nữ thống đốc đầu tiên, nhưng số lượng phụ nữ giữ chức vụ cao trong chính phủ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, các dự luật chống nạn bạo hành phụ nữ luôn bị phớt lờ tại nghị viện South Carolina, nơi đàn ông thống trị. “Ở South Carolina, phụ nữ chỉ là vật sở hữu của đàn ông” - thẩm phán Brian Rawl của Hạt Charleston khẳng định.
Từ hệ lụy đó, loạt bài đã phản ánh làm sâu sắc với những nhận xét, góp ý về chính sách bảo vệ nữ giới còn nhiều bất cập, bất công. Nhiều dự luật được đưa ra trong thời điểm hàng loạt phụ nữ bị bạo hành và sát hại, nhưng tất cả đều rơi vào quên lãng. Tội đánh vợ hoặc bạn gái chỉ bị xử tù 30 ngày, trong khi tội hành hạ súc vật bị tù tới 5 năm. Gần 50% vụ bạo hành phụ nữ không bị đưa ra xét xử. South Carolina còn là nơi cực kỳ tôn sùng quyền mang vũ khí, đến mức chỉ một tháng sau khi hung thủ Sheddrick Miller thảm sát cả gia đình, các nghị sĩ bang thông qua luật mở rộng quyền sở hữu súng, cho phép người dân cầm súng vào quán bar và nhà hàng. Các dự luật ngăn chặn những kẻ bạo hành phụ nữ được quyền mua súng đạn đều bị gạt đi dù súng là vũ khí mà hung thủ sử dụng trong 7/10 vụ bạo hành gia đình khiến phụ nữ thiệt mạng. Nêu các vấn đề sắc sảo này trước công luận, các bài báo nhắc nhở chính quyền bang này, phải nỗ lực hơn trong việc ban hành, thông qua các chính sách liên quan đến bảo vệ nữ giới.
Phản biện để có những chính sách giới hạn quyền lực
Từ những phát hiện của các bài báo đạt giải Pulitzer những năm gần đây, đã có nhiều chính sách ở tầm vĩ mô được đưa ra nhằm hạn chế việc lạm quyền của các cơ quan an ninh hay cảnh sát tại Mỹ. Giải Pulitzer 2014, đã được trao cho Guardian và Washington Post với loạt bài đưa tin về chương trình nghe lén bí mật trên quy mô lớn của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho hạng mục báo chí phục vụ cộng đồng. Thông tin của loạt bài nêu Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty Internet Mỹ, thu thập thư điện tử, các cuộc trò chuyện qua video, tin nhắn trên mạng Internet…. Không những thế, NSA còn theo dõi các dữ liệu cuộc gọi của hàng triệu công dân Mỹ. Tiết lộ thông tin như thế, nguồn tin Snowden đã bị các công tố viên tòa án liên bang đệ đơn khiếu nại hình sự, cáo buộc anh có hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản của chính phủ. Snowden hiện sống ẩn dật ở Nga, sau khi được quốc gia này cấp quyền tị nạn tạm thời một năm.
Những bản tin chính xác và sâu sắc của báo chí giúp công chúng hiểu việc tiết lộ những thông tin này nằm trong khuôn khổ lớn hơn của vấn đề an ninh quốc gia như thế nào. Các tin bài phản ánh bê bối này đã làm dấy lên tranh luận trên khắp thế giới về những giới hạn trong hoạt động giám sát của Chính phủ. Các thông tin của bài báo đã tạo ra những cuộc tranh luận trong thượng viện Mỹ.
Trước thông tin đó, đại diện của Liên minh các Quyền Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã lên tiếng phản đối và yêu cầu cần phải có các giám sát mạnh mẽ hơn nữa của khối lập pháp đối với các hoạt động của cơ quan NSA. Tòa án tối cao Mỹ công nhận thông tin về vị trí của công dân Mỹ là nhạy cảm, và cho rằng cần ban hành luật tôn trọng các quyền riêng tư liên quan đến sự đi lại của công dân Mỹ.
Ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Leahy và Chủ tịch Tiểu ban Tội phạm và Khủng bố thuộc Hạ viện Mỹ Jim Sensenbrenner phối hợp soạn dự thảo hạn chế phạm vi theo dõi của giới tình báo Mỹ. Dự thảo của họ nhằm chấm dứt hoạt động thu thập quy mô lớn các hồ sơ cuộc gọi được thực hiện dưới khoản 215 của Đạo luật Yêu nước và giới thiệu một số giải pháp giúp minh bạch hơn tòa án về đạo luật theo dõi tình báo đối ngoại. Dự thảo Leahy-Sensenbrenner có cơ hội vượt lên trên hàng chục dự thảo khác được đề xuất sau loạt tiết lộ thông tin mật của cựu nhân viên CIA Snowden. Các đạo luật mới nhằm hạn chế việc theo dõi thông tin “mang danh” yêu nước xâm phạm các quyền công dân được quy định bởi Hiến pháp. Loạt bài đạt giải Pulitzer 2014 còn tác động Tổng thống Mỹ Barack Obama phải có biện pháp giới hạn quyền lực theo dõi của NSA.
Năm 2017, lễ trao Giải thưởng báo chí Pulitzer cũng được tổ chức tại Đại học Columbia (New York, Mỹ). Năm nay, giải thưởng được đánh giá cao nhất-Giải phục vụ cộng đồng (Public Service) được trao cho loạt bài điều tra của tờ New York Daily News và tờ ProPublica cho loạt bài điều tra chung về tình trạng cảnh sát New York lạm dụng luật cưỡng chế ra khỏi nhà để buộc những người dân thiểu số hầu hết là nghèo khổ phải rời bỏ nhà cửa của mình.
Để hoàn tất loạt bài điều tra này, các tác giả đã nghiên cứu hơn 1.100 vụ cưỡng chế người dân ra khỏi nhà với lý do họ gây tiếng động ồn ào khó chịu, và phát hiện thấy Sở Cảnh sát thành phố New York gần như chỉ nhằm mục tiêu vào những hộ gia đình và những cửa hàng ở các khu vực người thiểu số sinh sống. Đã có sự lạm quyền của cảnh sát ở đây và cần thiết phải hạn chế lạm dụng quyền lực, đẩy người nghèo vào thế khó. Loạt bài này đã buộc thành phố New York phải xem xét lại luật và thông qua các cuộc cải cách sâu rộng.
Thay lời kết
Các tác phẩm báo chí đoạt giải Pulitzer trong những năm gần đây cho thấy, nhà báo dấn thân vì sự thật rất quan trọng. Sự dấn thân đó có ý nghĩa trong việc nêu ra sự thật và tác động đến những thay đổi về chính sách.
Đặc biệt với sự đạt giải của các phóng sự nêu trên cho thấy tầm quan trọng của báo chí trong việc thay đổi về chính sách. “Dù đối mặt với nhiều thách thức và sức ép cải tổ, nhiệm vụ và lý tưởng của các tờ báo vẫn không thay đổi. Đó là phụng sự sự thật. Quan trọng hơn, sự thật đó chỉ có ý nghĩa khi cất lên từ tiếng nói của những người yếu thế và của số đông. Trong những năm gần đây, người ta tập trung nhiều vào sự sa sút của các tờ báo, cả lớn và nhỏ. Tuy nhiên, những tác phẩm giành giải Pulitzer nhắc nhở rằng, chúng ta không phải là đang trong thời kỳ sa sút của báo chí mà đang trong giai đoạn cách mạng báo chí", người điều hành giải báo chí này chia sẻ.
Những bài báo trên vừa là vinh quang, vừa là thử thách. Nó thử thách tính sâu sắc của báo chí, trong giai đoạn cách mạng 4.0, với chức năng phản biện xây dựng chính sách mà không phải cách thức đưa tin nào cũng có thể làm được.
Phan Tĩnh