Những thương vụ “tỉ đô” bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm 2017 đã xoá đi sự “ảm đạm” của tiến trình cổ phần hoá.
Bán vốn nhà nước trong nhiều năm qua, bảo đảm rút nhanh, mạnh nguồn vốn của nhà nước tại các lĩnh vực không cần thiết, nhường chỗ cho vốn và quyền kiểm soát doanh nghiệp của khối tư nhân. Thực tế này mở ra một giai đoạn mới, khẳng định Chính phủ sẽ kiên quyết với những trì hoãn, dùng dằng trong việc bán vốn, tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước.
Tới đầu quý 3 năm nay, nhiều ý kiến cho rằng bán vốn nhà nước sẽ không đạt chỉ tiêu và thậm chí còn nói giá bán cổ phần nhà nước tại Sabeco ở mức trên 300.000 đồng/cổ phần mà Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ không tưởng, cũng là sức ép nặng nề tới Chính phủ và Bộ Công Thương”.
Tuy nhiên, ngày 18/12 vừa qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận giao dịch thành công có trị giá quy đổi là 4,8 tỷ USD lớn nhất khu vực Đông Nam Á khi Bộ Công Thương bán 53,59% vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Sabeco với giá 320.000 đồng/cổ phần. Khoản tiền thu được từ thương vụ Sabeco đã giúp Chính phủ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ thu từ cổ phần hoá, bán vốn nhà nước năm 2017 mà còn tạo ra dư địa cho cả nhiệm vụ thu trong năm 2018.
Theo một số chuyên gia kinh tế, kết quả khả quan trên xuất phát từ các chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ trong công khai, minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Thương vụ Sabeco vừa qua còn chứng tỏ bản lĩnh của Chính phủ khi đặt niềm tin vào tiềm năng và năng lực của doanh nghiệp trong khi một số chuyên gia khuyến cáo việc bán cổ phần cần dựa trên giá trị thực của doanh nghiệp chứ không dựa trên giá trị một lượng nhỏ cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhìn lại cả quá trình “rút lui” của Nhà nước khỏi sản xuất kinh doanh thì vẫn còn những bước tiến chậm chạp. Tính đến hết năm 2017, tổng số giá trị sổ sách mà nhà nước cổ phần hóa, bán vốn tại các DNNN là 114.059,42 tỷ đồng (đạt 8,1% trên tổng số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 1.398.183 tỷ đồng). Như vậy, còn tới 91,9% giá trị vốn nhà nước vẫn nằm tại doanh nghiệp.
Để khắc phục những hạn chế này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg làm cơ sở để thực hiện cơ cấu lại các DNNN trong giai đoạn tới, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg về danh mục DNNN thực hiện cổ phần hoá, bán vốn. Lần đầu tiên danh sách các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành thống nhất, công khai, làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện đúng quy định, thời gian, đồng thời cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần được ban hành đã giải quyết các tồn tại về cơ chế chính sách cổ phần hóa trong giai đoạn trước, qua đó trong công tác thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp trong giai đoạn tới. Nhiều cơ chế chính sách quan trọng khác phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được nghiên cứu, trình Chính phủ như Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp,....
Hy vọng, với hàng lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện, phù hợp yêu cầu và nguyên tắc thị trường, cổ phần hoá và thoái vốn sẽ đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Theo Congly