Sau gần hai tuần xét xử, bản án sơ thẩm dành cho 14 bị cáo trong vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) mà tòa đã tuyên phạt cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng thể hiện rõ bản chất nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi; có bị cáo cho rằng phiên tòa này rồi sẽ kết thúc, nhưng tòa án lương tâm sẽ bám theo bị cáo suốt đời.
Nhìn lại quá trình xảy ra vụ án, không thể không băn khoăn, day dứt: Vì sao những cán bộ có trình độ, năng lực, được tin tưởng giao các trọng trách lại phạm tội nghiêm trọng như vậy?
Bất chấp các nguyên tắc và luật pháp
Từ khi cuộc chiến chống tham nhũng được Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo và thực hiện quyết liệt thì đây là vụ án điển hình về tham nhũng, có quy mô lớn; làm thiệt hại hơn 6.590,356 tỷ đồng. Số tiền đưa hối lộ cho bốn bị cáo nguyên lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Mobifone là 6,2 triệu USD, trong đó nguyên Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son nhận 03 triệu USD, tương đương hơn 66 tỷ đồng. Một đại án tham nhũng hiếm thấy. Quá trình điều tra, xét xử, hầu hết các bị cáo thành khẩn nhận tội, gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức trong ngành mình phụ trách. Nhìn lại vụ án cho thấy có nhiều bài học đáng nhớ.
Hầu hết các bị cáo trong vụ án này là cán bộ có trình độ cao về chuyên môn và lý luận chính trị, có hai nguyên bộ trưởng, đáng lẽ phải gương mẫu thực hiện, nhưng lại vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức công vụ. Khi chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương đầu tư; giá mua và hiệu quả đầu tư, hai yếu tố quan trọng đối với dự án cũng chưa được làm rõ, nhưng Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo quyết liệt cấp dưới và giao cho Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236, phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone. Khi phê duyệt dự án, các bị cáo thuộc Bộ TT&TT cũng không yêu cầu Mobifone loại trừ hai khoản ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG (đầu tư tại Công ty CP giống tằm Mai Lĩnh và Công ty CP An Viên B.P), vi phạm Quyết định 929, ngày 17-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ: chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính trước năm 2015. Là cán bộ lãnh đạo của Bộ TT&TT, chắc chắn các bị cáo biết rõ, làm như thế là vi phạm Luật số 69/2014/QH13 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Tần số vô tuyến điện.
Mặc dù biết AVG đang kinh doanh thua lỗ; số lỗ lũy kế từ năm 2010 đến 31-3-2015 là 1.563,7 tỷ đồng, tổng số nợ phải trả là 1.333 tỷ đồng, nhưng Ban Giám đốc Mobifone đã báo cáo không đầy đủ, không đúng thực trạng, vẫn báo cáo đánh giá dự án có hiệu quả về tài chính. Công ty được thuê thẩm định giá trị của AVG cũng đã vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Từ đó dẫn đến việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vượt quá xa so với giá trị thực. Với một dự án đầu tư có số vốn lớn như vậy, nhưng chỉ sau bốn ngày ký Quyết định 236 phê duyệt dự án (21-12-2015), các bị cáo đã ký thỏa thuận bán cổ phần và từng cổ đông AVG ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone và 19 ngày sau (15-1-2016), Mobifone thanh toán xong 95% giá trị hợp đồng, tương đương hơn 8.445,324 tỷ đồng cho tám cổ đông AVG.
Trong quá trình thực hiện dự án, các bị cáo ở Bộ TT&TT, Mobifone, Công ty thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm luật pháp trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG, sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua cổ phần AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Trước tòa, một số bị cáo thừa nhận, việc thực hiện dự án sai ở nhiều khâu, nhiều tầng nấc, có nhiều góc khuất bị bỏ qua. Rất tiếc, trước những vi phạm đó, không thấy đâu vai trò của Ban Cán sự đảng Bộ TT&TT, các cấp ủy trong tổ chức đảng tại các cơ quan, đơn vị này.
Không đấu tranh khi người đứng đầu vi phạm
Trong số 14 bị cáo, có bốn bị cáo nguyên là người đứng đầu Bộ TT&TT và Mobifone - hai cơ quan, đơn vị chính liên quan vụ án. Là Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son có biểu hiện áp đặt, bất chấp các quy định của pháp luật, định hướng và chỉ đạo quyết liệt cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm trong việc mua cổ phần AVG. Bị cáo không đưa dự án ra bàn bạc, thảo luận trong Bán Cán sự đảng, tập thể lãnh đạo Bộ; trực tiếp xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và quyết định nhiều vấn đề về dự án không đúng quy định,… Trước những việc làm sai trái đó, Ban Cán sự đảng và lãnh đạo Bộ TT&TT đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, giám sát. Các Ủy viên Ban Cán sự đảng ở đây không dám đấu tranh, không đề xuất Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng đưa dự án ra thảo luận, mà chấp nhận thực hiện chỉ đạo sai trái của người đứng đầu. Bị cáo Trương Minh Tuấn khi đó là Thứ trưởng, biết việc ký Quyết định số 236, phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone là không đúng lĩnh vực phụ trách, biết trái với các quy định, nhưng không đấu tranh và vẫn làm theo yêu cầu của người đứng đầu.
Tại Mobifone, Chủ tịch HĐTV Lê Nam Trà biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ lớn; giá mua theo tư vấn cao hơn rất nhiều so giá trị thể hiện trên sổ sách; biết việc thực hiện dự án không đúng quy định, quy trình, nhưng vẫn chỉ đạo các ban chức năng lập dự án mua 95% cổ phần của AVG. Các thành viên HĐTV dù biết rõ thực trạng của AVG, nhưng vẫn biểu quyết đồng thuận cùng HĐTV báo cáo Bộ TT&TT xem xét phê duyệt đề án. Các bị cáo buộc làm như thế là do phải thực hiện theo yêu cầu của người đứng đầu Mobifone.
Ngược lại thời gian một chút, khi đó, nếu Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, các ủy viên Ban Cán sự đảng, tập thể lãnh đạo Bộ TT&TT cũng như các thành viên HĐTV Mobifone mạnh dạn đưa vấn đề dự án ra thảo luận trong các cuộc họp trên tinh thần đồng chí, thật sự cộng đồng trách nhiệm, cùng lo cho việc chung và bảo vệ nhau để không mắc sai phạm, phân tích rõ những vi phạm và hậu quả xảy ra khi thực hiện dự án thì người đứng đầu ngành TT&TT và Mobifone khó áp đặt quyền lực vào mọi việc. Làm được như thế thì khó có phiên tòa như những ngày qua; sẽ không có cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng nghiệp cùng vướng vào vòng lao lý. Rất tiếc, những nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu ai cũng hiểu giá trị ý nghĩa của nó nếu được thực hiện nghiêm túc, sai phạm sẽ ít xảy ra, yếu kém, khuyết điểm sớm được phát hiện để khắc phục đẩy lùi. Như thế mới là quý. Nhưng để các nguyên tắc đó thành hiện thực trong cuộc sống không hề đơn giản.
Nhìn lại hàng loạt các vụ án gần đây xảy ra tại Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, các Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa,… đều có chung một điểm là, khi người đứng đầu vi phạm thì cấp dưới ít khi dám đấu tranh. Lý do có thể là vì nể nang, né tránh; sợ bị trù dập, hoặc do biểu hiện cơ hội, yên phận,… Thiếu tinh thần đấu tranh với vi phạm của cấp trên là việc nên phê phán, song cũng phải thấy là cần có một cơ chế cho việc này. Nhiều lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”. Để quyền lực của người đứng đầu được kiểm soát, đồng thời với việc kêu gọi tinh thần nêu gương, ý thức tự giác, thì rất cần có một cơ chế đủ mạnh để nhốt quyền lực. Đó cũng là cách bảo vệ cán bộ, muốn thao túng, làm trái cũng không thể thao túng, làm trái được.
Thời gian xảy ra vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là khi toàn Đảng đang thực hiện các Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI và XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Câu hỏi đặt ra là vì sao trong bối cảnh ấy mà vi phạm nghiêm trọng vẫn xảy ra tại các cơ quan, đơn vị nêu trên? Biết sai mà vẫn chỉ đạo làm, đó là vì động cơ cá nhân, không chiến thắng được bản thân mình, biết là có “lộc” khi đặt bút ký. Con số 6,2 triệu USD đưa hối lộ là câu trả lời, là bằng chứng không thể cãi. Nói về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là cuộc đấu tranh với chính đồng chí mình, rất gian khổ, lâu dài, phải kiên quyết và kiên trì; không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Nhưng không phải kỷ luật nhiều là thành công, “cốt đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến tới mới là thành công”. Điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói không chỉ thể hiện tầm nhìn về công tác xây dựng Đảng mà còn chứa đựng sự bao dung, vị tha và rất nhân văn.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện lợi ích cục bộ của cá nhân và doanh nghiệp, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Việc đưa vụ án ra xét xử và hình phạt dành cho các bị cáo một lần nữa khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, kết luận điều tra, xét xử được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm trung thực, công minh, dân chủ, khách quan, nghiêm minh, nhưng rất nhân văn, đúng người, đúng tội. Một trong những biểu hiện rõ nhất là tòa đã dành thời gian cho bị cáo có mức đề nghị phạt tù cao nhất được gặp gia đình bàn việc nộp lại số tiền đã nhận hối lộ; có thời gian nghị án dài để gia đình lo đủ số tiền nộp lại cho Nhà nước. Lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, sự ăn năn hối lỗi của các bị cáo nói lên kết quả, thành công của các cơ quan pháp luật, nhưng cũng là sự cảnh tỉnh cho những ai vụ lợi, thực dụng, bất chấp kỷ cương phép nước, tự đánh mất mình trước cám dỗ của vật chất tầm thường.
Nói về vụ án này, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính chia sẻ, đây là phiên tòa điển hình về cải cách tư pháp, việc tranh tụng được bảo đảm. Chính nhờ quá trình tranh tụng dân chủ, công khai tại phiên tòa đã giúp các bị cáo nhận thức ra sai phạm của mình và nhận tội; các luật sư bào chữa cho các bị cáo đều theo hướng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng được các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt quan tâm và đây là vụ án đầu tiên thu hồi được toàn bộ số tiền bị thiệt hại, các chi phí liên quan và toàn bộ số tiền chiếm hưởng của các bị cáo. Phán quyết của Hội đồng xét xử đều dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa; Bản án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhưng cũng có sự phân hóa rõ ràng đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Kết quả xét xử vụ án được dư luận đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; đáp ứng yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Theo noichinh.vn
Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201912/bai-hoc-tu-vu-an-mua-co-phan-avg-307329/