Cần có chính sách thuế ưu đãi hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cơ quan báo chí

Pháp lý). Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thuế đối với cơ quan báo chí và tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời yêu cầu tăng cường giám sát để đảm bảo các chính sách ưu đãi không bị lạm dụng.

Cần có chính sách thuế ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đánh giá cao việc Quốc hội đưa ra thảo luận về luật thuế thu nhập doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Theo ông Thân, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là vô cùng cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

1-1732784818.jpg

TS. Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh và phát triển. Do đó, một trong những giải pháp quan trọng mà ông đề xuất là cần có chính sách thuế ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông cũng nhấn mạnh, đây là đối tượng doanh nghiệp đóng góp rất lớn vào nền kinh tế, nhưng lại chưa nhận được sự hỗ trợ đủ mức cần thiết từ chính sách thuế hiện hành.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu các chính sách thuế ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao, nhằm khuyến khích sáng tạo, đổi mới sáng tạo và phát triển các mô hình kinh doanh mới, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của nền kinh tế.

Mặc dù trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành việc cần có chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng các đại biểu cũng cảnh báo cần phải làm rõ cơ chế và tiêu chí để tránh tình trạng lạm dụng các chính sách ưu đãi. Theo các chuyên gia, việc áp dụng chính sách thuế phải đi kèm với việc giám sát và đánh giá hiệu quả thực tế, để đảm bảo những chính sách này thực sự giúp ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thảo luận về thuế suất thuế TNDN, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng dự thảo luật đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 15% và 17% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng. Điều này giúp giảm gánh nặng thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn một số bất cập như mức doanh thu 3 tỷ đồng áp dụng thuế 15% là quá thấp, cách phân loại doanh nghiệp chỉ dựa vào doanh thu có thể bị lợi dụng. Đại biểu đề nghị cần tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế 15% và 17%, sử dụng thêm tiêu chí như số lao động và tổng tài sản để phân loại doanh nghiệp, áp dụng lộ trình tăng thuế suất khi doanh nghiệp vượt ngưỡng.

Đề xuất mở rộng, ưu đãi đối với các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận

Một vấn đề khác được đưa ra thảo luận là việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận. Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, đã đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động phi lợi nhuận, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân và trường học dân lập. Các tổ chức này hoạt động với mục tiêu không phải là lợi nhuận mà là để tái đầu tư vào cơ sở vật chất, phát triển dịch vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân.

2-1732784826.jpg

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Theo quy định hiện hành, các tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công nhưng không phải là đơn vị công lập, như bệnh viện tư, trường học dân lập, được hưởng mức ưu đãi miễn thuế đối với phần lợi nhuận không chia. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chính sách này cần được duy trì và mở rộng hơn nữa, bởi nó khuyến khích sự phát triển của các đơn vị giáo dục và y tế ngoài công lập, từ đó giảm tải gánh nặng cho các cơ sở công lập, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận dịch vụ tốt hơn.

Ông Cường cũng nhấn mạnh rằng, những cơ sở này không hoạt động vì lợi nhuận cá nhân hay chia sẻ lợi nhuận cho các cổ đông, mà mục đích chính là tái đầu tư vào các công trình phục vụ cộng đồng. Với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về dịch vụ y tế và giáo dục ngày càng cao, nhưng cơ sở vật chất tại các cơ sở công lập vẫn chưa đáp ứng kịp thời. Chính vì vậy, việc khuyến khích các doanh nghiệp ngoài công lập tham gia vào các lĩnh vực này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, một số đại biểu khác cũng nêu lên quan điểm cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng các tổ chức phi lợi nhuận không lợi dụng ưu đãi thuế để thu lợi riêng cho cá nhân hoặc cổ đông. Cần phải có sự minh bạch và công khai trong hoạt động của các tổ chức này, nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc áp dụng chính sách thuế và tránh tình trạng thất thu thuế.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến quan tâm đến việc giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, khuyến khích chuyển đổi số và áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động kinh doanh. Đề xuất này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời hỗ trợ sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghệ.

Tại phiên thảo luận các đại biểu đã phân tích, làm rõ một số nội dung về những vấn đề liên quan đến tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số, không thường trú tại Việt Nam, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các quỹ tài chính ngoài ngân sách, doanh nghiệp khởi nghiệp và các lĩnh vực khác.

Đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% cho các cơ quan báo chí

Đóng góp ý kiến vào qui định về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa khẳng định: Báo chí là cơ quan hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội, có vai trò định hướng dư luận xã hội hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc tác nghiệp của báo chí hiện nay đang hết sức khó khăn. Đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều và hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều thách thức.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đứng trước sức ép phải cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, từ các nguồn thông tin khác đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn rất nhiều, đầu tư công sức nhiều hơn nhiều. Việc giảm thu nhập cũng ảnh hưởng lớn đến các cơ quan báo chí, tâm tư của nhiều phóng viên báo chí yêu nghề.

3-1732784827.jpg

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Để đảm bảo cho các các cơ quan báo chí ổn định hoạt động, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu giảm thuế hơn nữa cho các cơ quan báo chí. Theo đó, đại biểu đề nghị nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí, không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí mà còn có nghiên cứu thể giảm xuống 5%. Điều này sẽ góp phần ổn định tinh thần của các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí. Bởi khi giảm thuế thì chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao, đấu tranh với các thông tin xấu độc, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước.

Cùng quan điểm đề xuất giảm thuế cho các cơ quan báo chí, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng hiện nay, cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như các doanh nghiệp thông thường. Điều này gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh với các nền tảng số.

Bên cạnh đó, Luật Thuế hiện tại chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí. Đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện. Đồng thời miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc là rất thấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thuế vẫn là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước , xu thế của thế giới hiện nay là đang thắt chặt chính sách tài khóa, tức là tăng thuế suất lên để đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công. Tuy nhiên, với Việt Nam vừa trải qua đại dịch nên vẫn tiến hành giảm thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; so với nhiều nước trong khu vực, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng thấp hơn.

Về doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời gian qua, chúng ta đã thu được thuế từ các sàn thương mại điện tử, mua bán online…

Về thuế đối với đơn vị sự nghiệp và cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng cho biết có ba loại hình đơn vị sự nghiệp: nhà nước cấp toàn bộ, tự chủ thường xuyên và tự chủ toàn toàn diện. Đối với loại hình tự chủ toàn diện, Phó Thủ tướng cho rằng, đã có doanh thu thì cần nộp thuế, nếu dịch vụ công tính chưa đủ, không cần nộp thuế và dịch vụ công trên địa bàn đặc biệt khó khăn được giảm thuế. Đối với cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác, giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Thành Chung (Tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin