Bài 28: Phát huy vai trò của Quốc hội trong PCTN: Cần làm tốt chức năng lập pháp và giám sát

30/11/2018 09:44

(Pháp lý) - Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, một số cựu ĐBQH đánh giá cao hiệu quả từ các hoạt động của Quốc hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực của các hoạt động Quốc hội với PCTN thì cần có những sự thay đổi nhất định…

Một số tội danh chưa được thể chế - lỗi hẹn của pháp luật về PCTN

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thực hiện tốt cả 3 chức năng trên, Quốc hội sẽ góp phần vào PCTN hiệu quả. Đánh giá riêng về hoạt động lập pháp, ông Độ cho rằng: Đây là chức năng quan trọng nhất của Quốc hội, làm tốt chức năng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với PCTN. Các đạo luật mà Quốc hội đã thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Có thể kể đến như: Luật PCTN, Luật Cán bộ công chức, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…

Có thể nói, từ thảo luận của Quốc hội đã lập ra được nhiều quy định chặt chẽ, hạn chế được những sơ hở mà cán bộ có thể lợi dụng để tham nhũng và xử lý được những hành vi tham nhũng trong thực tế. Có thể kể ra các quy định như: Trong BLHS hiện nay, hình phạt đối với hành vi tham nhũng ở mức cao nhất có thể là mức tử hình. Đây là mức hình phạt có tính răn đe, phòng ngừa chung. Quy định giảm án từ tử hình xuống chung thân nếu khắc phục được 2/3 thiệt hại do hành vi tham nhũng, quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước. Việc sửa đổi Luật PCTN, cũng đưa ra được cách thức xử lý đối với tài sản của cán bộ công chức không giải trình được nguồn gốc… Đó là những quy định, chế tài pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động PCTN.

image001

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Độ cho rằng: Một số tội danh mà luật pháp nhiều nước coi là tội phạm, nhưng chưa được thể chế trong Bộ luật Hình sự như tội Làm giàu bất chính; Nhận quà biếu có giá trị lớn; Lạm dụng quyền hạn khi bổ nhiệm cán bộ… Thực tế này làm cho hiệu quả của công cuộc PCTN bị hạn chế. Bởi thực tế, không phải lúc nào ta cũng chứng minh quan chức giàu bất thường là hành vi tham nhũng. Không quy định các hành vi trên là tội phạm, dẫn đến việc bỏ lọt, không xử lý hết được các hành vi vi phạm pháp luật của các quan tham.

 PGS.TS Trần Văn Độ (cựu ĐBQH khóa XIII) cho rằng, Quốc hội thực hiện tốt các chức năng của mình là đã góp phần vào PCTN hiệu quả.
PGS.TS Trần Văn Độ (cựu ĐBQH khóa XIII) cho rằng, Quốc hội thực hiện tốt các chức năng của mình là đã góp phần vào PCTN hiệu quả.)

Chỉ ra một quy định đột biến, có sức mạnh thật sự với PCTN, PGS.TS. Trần Văn Độ chia sẻ với sự nuối tiếc: Tôi vẫn mong mỏi ở Quốc hội có một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập, có quyền lực để phát hiện và xử lý những tham nhũng lớn. Hầu hết các vụ việc tham nhũng lớn bị phát hiện trong thời gian gần đây, là chuyển từ các cơ quan thanh tra, sang cơ quan đảng, sau đó mới sang cơ quan điều tra. Quá trình để phát hiện tội phạm quá dài, tạo điều kiện cho người tham nhũng tẩu tán tài sản. Theo quan điểm của cá nhân tôi hiện nay, Quốc hội vẫn chưa có một cơ quan thực quyền và mạnh mẽ trong việc PCTN.

Chống tham nhũng: Cần đẩy mạnh xuống đại phương

Ông Trần Ngọc Vinh từng là ĐBQH khóa XII và XIII. Người ta biết về ông như một ĐBQH có nhiều phát ngôn đáng nhớ. Nhiều cử tri, cảm kích ông đã nói được nỗi lòng mình. Không chỉ có những phát ngôn nổi bật, ông Vinh còn đóng góp nhiều ý kiến của mình vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Từ kinh nghiệm của một đại biểu đã có 2 khóa ở Quốc hội, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng để tham gia kiểm soát quyền lực và PCTN hiệu quả, Quốc hội cần cải thiện trong các hoạt động của mình…

Ông Trần Ngọc Vinh (Chủ tịch Hội luật gia Hải Phòng, cựu ĐBQH các khóa XII, XIII) bày tỏ băn khoăn và nuối tiếc trong một số hoạt động của Quốc hội.
Ông Trần Ngọc Vinh (Chủ tịch Hội luật gia Hải Phòng, cựu ĐBQH các khóa XII, XIII) bày tỏ băn khoăn và nuối tiếc trong một số hoạt động của Quốc hội.)

Thời gian gần đây, theo dõi những thảo luận của Quốc hội, có thể thấy nhiều phát ngôn sâu sắc, nhiều trăn trở về thực trạng tham nhũng của nước nhà. Qua tranh luận của các đại biểu có thể thấy những vấn đề trong cuộc chiến chống tham nhũng cần tiếp tục phải xử lý rốt ráo hơn như: công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ, phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế… Những phát biểu của đại biểu nêu ra thực tế, từ đó hiểu được khó khăn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Mặt khác việc phát ngôn thẳng thắn, trung thực về những thực trạng đó còn là cơ sở để Quốc hội kịp thời xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật sát thực tiễn.

Tuy nhiên theo ông Vinh: Dường như cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta “nóng trên, lạnh dưới”. Trung ương có rất nhiều chuyển động tích cực nhưng phía các cơ quan ở dưới địa phương vẫn chậm chạp. Bởi vậy cần lan truyền khí thế của Trung ương và Quốc hội đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở địa phương.

image004

Giám sát chuyên đề về tình trạng tham nhũng còn chưa có…

Hằng năm, tại các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp của các Ủy ban trực thuộc Quốc hội, đại biểu thường được nghe báo cáo PCTN do đại diện của Chính phủ trình bày. Sau khi nghe báo cáo, các ĐBQH thường đưa ra ý kiến, nhận xét, thẩm tra báo cáo trên. Đó là một phần của giám sát của Quốc hội đối với hoạt động PCTN. Hoạt động đó có thể cung cấp cho cử tri rất nhiều thông tin, đồng thời là nguồn tư liệu thực tế tác động trực tiếp đến quá trình làm chính sách.

Nói về công tác giám sát của Quốc hội thông qua báo cáo của Chính phủ, ông Vinh tâm tư: Giám sát theo số liệu báo cáo có ưu điểm là có thể thấy được tình hình trên bình diện rộng lớn. Tuy nhiên, lại không giám sát được cụ thể. Để phát huy hiệu quả của hình thức giám sát này, đòi hỏi cơ quan giám sát, người giám sát phải có thực tế., đi vào thực tế. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của hoạt động giám sát này, thì trước những vi phạm lớn tiềm tàng tham nhũng thì phải xác định vi phạm do đâu? Do con người hay cơ chế chính sách? Phải có chế tài xử lý cán bộ tiếp tay, gây ra sai phạm. Cần làm triệt để từ cấp địa phương thì mới củng cố được niềm tin của người dân với hoạt động PCTN.

Cũng đề cập đến vấn đề trên, ông Độ cho rằng: chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn xã hội, quyết tâm chống tham nhũng là của toàn đảng toàn dân… Theo tôi, việc lắng nghe và phản biện về báo cáo hiện nay chưa phát huy được hết ý nghĩa với PCTN. Vì báo cáo chỉ nêu con số mà không cụ thể được trường hợp cụ thể nên hiệu quả đấu tranh chưa cao. Nhiều năm là ĐBQH, tôi chưa thấy những giám sát chuyên đề của Quốc hội về PCTN tại địa phương, bộ ngành? Đây phải chăng là thiếu sót trong hoạt động giám sát của Quốc hội cần đổi mới trong thời gian tới.

Vũ Anh Tâm (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Bài 28: Phát huy vai trò của Quốc hội trong PCTN: Cần làm tốt chức năng lập pháp và giám sát" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin