Bài 27: Cần nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với công tác PCTN

(Pháp lý) - Giám sát, kiểm soát quyền lực, chống lạm quyền được quy định rất rõ trong Hiến pháp, các đạo Luật về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, thực thi các quy định này trong thực tế còn không ít trở ngại, hạn chế, bất cập…

Hiến pháp 2013 khẳng định "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Ngoài quyền lập pháp, Quốc hội còn thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước và quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Theo Điều 113 Hiến pháp 2013 thì: Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên; Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Đảng và Nhà nước ta hiện đã xác định, tham nhũng là quốc nạn. Bởi vậy, hơn lúc nào hết việc kiểm soát được quyền lực nhà nước lại càng cấp thiết. Là người có mặt trong tổ biên soạn Hiến pháp 2013, trong nhiều trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Trung tướng Trần Văn Độ nhấn mạnh: Muốn PCTN hiệu quả thì phải kiểm soát được quyền lực.

Hiệu lực, hiệu quả giám sát hạn chế của HĐND nhìn từ hai vụ việc nổi cộm

Thế nhưng từ thực tế thì hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử với PCTN còn gây không ít băn khoăn. Trả lời trên báo Người đại biểu nhân dân, ông Đặng Văn Khoa (nguyên Đại biểu HĐND TP. HCM) cho rằng: Cả về lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, quyền lực của cơ quan hành pháp địa phương cần phải được kiểm soát chặt chẽ bởi quyền lực của HĐND địa phương. Thật sự, HĐND, các đại biểu HĐND chưa làm thật tốt nhiệm vụ của mình với vai trò cơ quan giám sát, kiểm soát quyền lực ở địa phương. Chất lượng hoạt động chưa cao, thậm chí có nơi có lúc còn rất hình thức, chiếu lệ, xuê xoa của HĐND là một nguyên nhân quan trọng trong sự thiếu nghiêm minh, kém hiệu quả trong kỷ cương, trong hành động của hệ thống chính quyền.

Ông Đặng Văn Khoa (nguyên đại biểu HĐND TPHCM) từng chỉ ra nhiều vấn đề giám sát của HĐND với các cơ quan tại địa phương.
Ông Đặng Văn Khoa (nguyên đại biểu HĐND TPHCM) từng chỉ ra nhiều vấn đề giám sát của HĐND với các cơ quan tại địa phương.)

Ví dụ gần đây nhất về những sai sót nghiêm trọng của chính quyền có thể thấy qua vụ việc ở Thủ Thiêm (TP.HCM). Kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt những vi phạm của chính quyền như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là Thủ Thiêm) là một “siêu dự án” có đến gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù, giải tỏa với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời. UBND TP.HCM đã vi phạm trong việc thu hồi đất ngoài diện tích đã được quy hoạch; vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu TĐC 160 ha đã được Thủ tướng phê duyệt. Hậu quả là không đủ đất để bố trí TĐC theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 367 và Công văn số 190/CP-NN ngày 22/2/2002 của Chính phủ, dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài.

Quy định về thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội để điều tra… chưa có “cơ hội” đi vào thực tế
Quy định về thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội để điều tra… chưa có “cơ hội” đi vào thực tế)

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, mọi việc đã dần sáng tỏ. Kết luận thanh tra vừa được công bố đã lộ diện những góc khuất của Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm. Sau khi vụ việc trên được phác lộ, nhiều người đặt câu hỏi vai trò của HĐND TP.HCM ở đâu khi để chính quyền thành phố xảy ra những sai phạm ở Thủ Thiêm? Kể từ khi Thủ tướng ký Quyết định số 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm vào thời điểm 4/6/1996 đến nay, quá trình triển khai dự án trải qua 4 đời chủ tịch UBND TP.HCM, gồm: ông Võ Viết Thanh (1996 - 2001), ông Lê Thanh Hải (2001 - 2006), ông Lê Hoàng Quân (2006 - 2015) và đương nhiệm là ông Nguyễn Thành Phong. Người dân mòn mỏi kêu oan, HĐND TP. Hồ Chí Minh ở đâu trong những nỗi oan khuất khổ cực của người dân? Việc giám sát của HĐND TP. HCM với UBND TPHCM như thế nào mà để xảy ra sai phạm trong thời gian dài mà không thể tự phát hiện?

Tương tự với vụ việc ở Thủ Thiêm, những sai phạm kéo dài xảy ra tại Sóc Sơn cũng là một ví dụ. Hiến pháp quy định HĐND địa phương giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, vậy tại sao sai phạm kéo dài liên quan đến đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn thì HĐND huyện Sóc Sơn và HĐND TP. Hà Nội lại không biết hoặc biết nhưng không giám sát, không kiến nghị xử lý?

Băn khoăn về hiệu lực của kết luận giám sát của Quốc hội

Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội. Thời gian qua, hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác… Trên thực tế, việc thực hiện giám sát và các kết luận giám sát của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua giám sát và kết luận giám sát đưa ra được những kiến nghị đóng góp vào hoạt động của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; góp phần tháo gỡ khó khăn trong chính sách, quản lý điều hành kinh tế xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành pháp luật giám sát và thực hiện kết luận giám sát cũng bộc lộ một số hạn chế bất cập như một số quy định về nội dung, hình thức kết luận giám sát chưa rõ ràng, cụ thể, chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để bảo đảm thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội; phạm vi giám sát của Quốc hội còn rộng với nhiều chủ thể, nhiều hình thức giám sát nhưng lại chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể với từng đối tượng chịu sự giám sát, từng kết luận giám sát cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát với nhau. Một số hình thức giám sát rất ít được thực hiện trên thực tế hoặc thực hiện nhưng hiệu quả không cao như quy định Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định để bảo đảm tính khả thi, chính xác của các kết luận giám sát. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, chưa mang lại hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, chưa có biện pháp hữu hiệu theo dõi việc kiểm tra thực tế việc thực hiện kết luận sau giám sát. Cùng với đó, giá trị pháp lý của các hình thức kết luận giám sát chưa được quy định một cách cụ thể, chi tiết gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận giám sát; chưa quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý khi các đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận giám sát của Quốc hội… Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Quyền – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cũng là ĐBQH trong nhiều khóa về những tồn tại trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

“Thanh gươm sắc” vẫn chưa được rút ra…

Cũng liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội đối với các hoạt động chung và PCTN nói riêng, Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND có quy định về thành lập một Ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định. Theo đó: Khi xét thấy cần thiết, theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định. Việc xác định ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Ông Nguyễn Đình Quyền chia sẻ băn khoăn về hiệu quả thực thi kết luận giám sát
Ông Nguyễn Đình Quyền chia sẻ băn khoăn về hiệu quả thực thi kết luận giám sát)

Luật cũng quy định rõ trình tự thành lập Ủy ban lâm thời: Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời. Tờ trình phải nêu rõ lý do, nội dung, đối tượng điều tra, dự kiến thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban lâm thời; Quốc hội thảo luận, ra nghị quyết thành lập Ủy ban lâm thời. Ủy ban lâm thời có nhiệm vụ, quyền hạn như Xây dựng kế hoạch điều tra; Thông báo nội dung, kế hoạch điều tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng điều tra chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày Quốc hội ra nghị quyết thành lập Ủy ban lâm thời; thông báo chương trình và thành phần Ủy ban lâm thời chậm nhất là 05 ngày trước ngày Ủy ban lâm thời tiến hành làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng điều tra; Thực hiện đúng nội dung điều tra; phân công các thành viên Ủy ban lâm thời tiến hành hoạt động điều tra tại địa phương hoặc cơ quan, tổ chức; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng điều tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung điều tra; giải trình những vấn đề Ủy ban lâm thời quan tâm; Trưng cầu giám định, mời chuyên gia tư vấn, thu thập thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với những người có liên quan về những vấn đề mà Ủy ban lâm thời xét thấy cần thiết; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung điều tra; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định trong nghị quyết của Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời; Khi kết thúc hoạt động điều tra, Ủy ban lâm thời báo cáo Quốc hội xem xét kết quả điều tra tại kỳ họp gần nhất. Trước khi báo cáo Quốc hội, Ủy ban lâm thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả điều tra.

Điều này được hiểu rằng, khi cần Quốc hội có thể thành lập một ủy ban lâm thời để điều tra. Với nhiều vụ án tham nhũng lớn, nhiều người cũng kì vọng, hoạt động giám sát này được thực tế hóa. Tuy nhiên đến nay, chưa có Ủy ban lâm thời nào được thành lập ra trong thực tế để đấu tranh với các vụ tham nhũng lớn, liên quan đến cán bộ cấp cao bị điều tra. Như vậy “Thanh gươm sắc” vẫn chưa được rút ra khỏi tấm vỏ như kì vọng. Có ý kiến đề xuất tới đây, cần thể chế quy định này rõ hơn trong Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND để phát huy hơn nữa vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc hội đối với công tác PCTN.

Phan Phan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin