Bài 15: Cần đưa vài vụ sai phạm liên quan đến CPH ra xử nghiêm theo pháp luật hình sự để răn đe

11/10/2018 13:27

(Pháp lý) - Một số chuyên gia cho rằng, một số thương vụ cổ phần hóa (CPH) sai phạm làm thất thoát tài sản Nhà nước có dấu hiệu hình sự. Vì vậy, để tài sản Nhà nước không bị thất thoát khi CPH, cần thiết phải đưa vài vụ ra xử nghiêm theo pháp luật hình sự thì mới có tác dụng răn đe.

Có hay không dấu hiệu hình sự trong thương vụ cổ phần hóa cảng Quy Nhơn? Phân tích thương vụ này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Ở thương vụ cảng Quy Nhơn, báo cáo tài chính của Cảng Quy Nhơn cho thấy, năm 2016, Cảng Quy Nhơn đã chi 100 tỉ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Việt Xuân Mới, mà Việt Xuân Mới là đối tác của Công ty Hợp Thành trong thương vụ thâu tóm cảng Vinalines Đình Vũ. Lý do là bà Trần Thị Quỳnh Yên là người nhận chuyển nhượng 45% cổ phần của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành từ ông Lê Hồng Thái. Đồng thời, bà Quỳnh Yên cũng là người đại diện theo pháp luật cho Công ty CP Dịch vụ Hàng không Việt Xuân Mới - đơn vị sở hữu 65% cổ phần của Việt Xuân Mới. Bên cạnh đó, Cảng Quy Nhơn còn được một ngân hàng bảo lãnh gần 120 tỷ đồng mua lại 5 bộ cẩu đã qua sử dụng của Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO – nơi mà ông Lê Hồng Thái đang làm Chủ tịch HĐQT.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh trao đổi với PV Pháp lý
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh trao đổi với PV Pháp lý)

Từ thực tế trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đặt nghi vấn, đây có thể là hình thức rút vốn bí mật của nhà đầu tư chiến lược khỏi Cảng Quy Nhơn. Theo đó, số tiền Cảng Quy Nhơn đổ vào Công ty Việt Xuân Mới tương đương 1/4 số vốn điều lệ của cảng. Số tiền Cảng Quy Nhơn dùng để mua 5 bộ cẩu đã qua sử dụng của IMICO cũng tương đương mức trên. Tính chung lại, tổng số tiền trong hai thương vụ trên đã bằng khoảng 65% số tiền mà Khoáng sản Hợp Thành bỏ ra mua Cảng Quy Nhơn. Như vậy, thực chất sau khi mua cổ phần Cảng Quy Nhơn xong, nhà đầu tư chiến lược lại rút vốn ra. Nói Hợp Thành "tay không bắt cảng" cũng không hẳn là sai.

Theo PGS.TS Thịnh, một số thương vụ cổ phần hóa làm thất thoát tài sản nhà nước như vừa qua, tôi cho là có dấu hiệu hình sự. Theo tôi, việc xác định giá trị tài sản ở cảng Quy nhơn hay cảng Khuyến Lương rất rẻ, chính là dấu hiệu cố tình làm thất thoát tài sản Nhà nước, cần phải điều tra làm rõ và đưa ra xử lý nghiêm minh.

Bày tỏ quan điểm về những giải pháp để tài sản của Nhà nước không bị thất thoát khi tiến hành CPH, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) phân tích và kiến nghị: Trong việc mua bán, sáp nhập công ty, điều quan trọng nhất là định giá tài sản. Không chỉ riêng các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp cổ phần khi định giá tài sản cũng luôn nảy sinh xung đột lợi ích giữa ông giám đốc – nhà quản lý và cổ đông. Bởi vì tài sản công ty chính là tài sản của cổ đông, nhưng người đứng ra tiến hành hoạt động mua bán lại là ông giám đốc. Nếu ông giám đốc cố tình có hành vi định giá sai để trục lợi tài sản cho cá nhân mình, xâm hại lợi ích của cổ đông thì người ta gọi là rủi ro đạo đức và chi phí đại diện. Để đảm bảo CPH, tránh thất thoát tài sản thì không phải dễ dàng. Điều này vừa cần luật pháp nghiêm minh, vừa cần giám sắt chặt chẽ, nhưng cũng đồng thời cần đạo đức của những người tiến hành thương vụ.

Khi định giá tài sản doanh nghiệp Nhà nước, người ta muốn cố tình định giá cao thì họ vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu họ muốn định giá thấp đi thì ngược lại, họ không tính vào tài sản lợi thế thương hiệu, đất đai, giấy phép. Từ trước đến nay có nhiều vụ án bắt đầu từ khâu định giá tài sản sai lệch, bị Thanh tra Chính phủ hoặc Kiểm toán Nhà nước phát hiện. Khi doanh nghiệp bị định giá quá cao hoặc quá thấp so với giá trị, nhóm lợi ích hưởng lợi, cơ quan thanh tra vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết. Tức là khi sự việc đã diễn ra rồi thì mới có chế tài, trong khi có rất nhiều cơ quan, nhiều quy định liên quan để giám sát việc thực hiện CPH rồi. Do đó, luật cần phải thay đổi để buộc khi tính giá trị doanh nghiệp cần phải đầy đủ, để muốn tính giá thấp hay giá cao cũng không được. Do đó, cần phải sửa lại nhiều quy định của pháp luật, đưa việc định giá tiến sát với cơ chế thị trường.

Còn PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích: Lý do chính để xảy ra những thương vụ giá rẻ trong CPH là quản lý giám sát không nghiêm minh, trách nhiệm cụ thể từng người không được xác định rõ ràng. Ví dụ như với kiểm toán, khi ông ký vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nếu báo cáo đó sai thì phải chịu trách nhiệm. Tương tự như vậy, nếu định giá tài sản không đúng giá trị thì cũng phải chịu trách nhiệm, bị xử lý. Nếu quy định và xử lý nghiêm minh thì công tác định giá, kiểm toán sẽ khác ngay. Tuy nhiên, quy trình này hiện nay không chặt chẽ nên rất khó xử lý.

Theo ông Thịnh, các quy định của cơ quan định giá cần phải rõ ràng. Nếu cơ quan quản lý phát hiện có lợi ích nhóm, cố tình sai phạm thì nhẹ nhất là phải tước quyền hoạt động của người giám định, thẩm định còn nặng thì phải đi tù. Vấn đề này chúng ta chưa làm được, truy trách nhiệm không nghiêm nên người ta không sợ. Ví dụ như nhiều nước trên thế giới, họ nắm được danh sách của những người làm trong công tác định giá, kiểm toán, nếu có sai phạm họ tước quyền hoạt động.

Việc xin phép thành lập các công ty kiểm toán, cơ quan giám định theo luật thì rất khó, nên nhiều doanh nghiệp đã mượn người đứng tên, hợp thức hóa thủ tục. Có thực tế thành lập công ty định giá vài năm rồi bỏ đi tương đối phổ biến. Có trường hợp thuê đến 4 tổ chức định giá thì cũng vẫn giá trên trời. Do đó, việc thành lập công ty thẩm định giá tới đây cần phải quản chặt, buộc cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo dõi lĩnh vực CPH doanh nghiệp nhiều năm nay, tác giả nhận thấy thời gian qua chúng ta đã đưa ra ánh sáng nhiều thương vụ CPH có “vấn đề”, có dấu hiệu bắt tay nhau làm giá gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước, nhưng rất hiếm vụ có thể đưa ra xử lý hình sự được. Vì vậy tới đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc xử nghiêm vài vụ theo pháp luật hình sự thì mới có tác dụng răn đe.

Đình Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Bài 15: Cần đưa vài vụ sai phạm liên quan đến CPH ra xử nghiêm theo pháp luật hình sự để răn đe" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin