Bài 13: Siết chặt kỉ cương, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ công chức

02/10/2018 08:33

(Pháp lý) - Nhận thấy tầm quan trọng của chính sách liên quan đến cán bộ, chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, Đảng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung hàng loạt chính sách liên quan công tác cán bộ. Pháp lý xin trích đăng và giới thiệu một số chính sách cụ thể.

Dựa vào nhân dân để xây dựng đội ngũ cán bộ

Cụ thể hóa đường lối Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận và ban hành Nghị quyết về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương được xây dựng trên quan điểm đổi mới, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt, đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị và mọi quá trình đổi mới đều hướng vào mục tiêu vì con người. Yếu tố cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược trong Nghị quyết, là trung tâm, xuyên qua mọi đổi mới trên các lĩnh vực, có vai trò quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng của Đảng.

 Nhiều văn bản của Đảng được ban hành kịp thời để chấn chỉnh công tác cán bộ.
Nhiều văn bản của Đảng được ban hành kịp thời để chấn chỉnh công tác cán bộ.)

Trên thực tế thời gian gần đây, Đảng ta đã xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Việc để lọt có thể do tổ chức nhận thức, đánh giá về người cán bộ đó chưa đúng hoặc việc lựa chọn là đúng nhưng khi người cán bộ được trao quyền họ lại lạm quyền, lộng quyền dẫn tới những khuyết điểm, sai lầm. Có thể nói từ bài học công tác cán bộ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng cho đến nay có những vấn đề đáng suy nghĩ khi xây dựng đề án công tác cán bộ làm sao thật chặt chẽ.

Nghị quyết xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Nghị quyết chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. Nghị quyết có nội dung xác định và xử lý hài hòa MQH giữa tiêu chuẩn và cơ cấu cán bộ, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Dựa vào nhân dân để xây dựng đội ngũ cán bộ là quan điểm rõ ràng được khẳng định tại Nghị quyết 26. Theo đó, xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ.

Cán bộ cấp cao: Tuyệt đối không tham vọng quyền lực

Trước đó, Bộ chính trị cũng ban hành Quy định số 90 -QĐ/TW ngày 4/8/2017 nêu rõ các tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tại Quy định số 90 -QĐ/TW, Bộ Chính trị nêu rõ tiêu chuẩn chung cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cán bộ cấp cao cần có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị.

Về đạo đức, lối sống, cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ)

Bên cạnh đó, cán bộ cấp cao phải chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ.

Về năng lực và uy tín, cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận.

Ngoài quy định chung, Bộ Chính trị cũng qui định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh là: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Thường trực Ban Bí thư; Trưởng ban đảng Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Quy định 90 QĐ/TƯ được đánh giá là những quy định vừa cụ thể vừa khái quát trong tiêu chuẩn, yêu cầu đối với một cán bộ cấp chiến lược. Quy định thể hiện kỳ vọng của Đảng, trong việc tìm những lãnh đạo có đạo đức cách mạng, trong sáng, không bị lợi ích nhóm dụ dỗ, có tầm nhìn, có thực lực … Nó vừa thể hiện những tư tưởng của Bác về người lãnh đạo Đảng, lãnh đạo cách mạng, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam.

Quy định chặt chẽ quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử

Ngày 19/12/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 105-QÐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định gồm ba phần: Phân cấp quản lý cán bộ; Bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; Ðiều khoản thi hành và hai phụ lục kèm theo.

Trong phần Phân cấp quản lý cán bộ, Quy định nêu rõ nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ. Những vấn đề về công tác cán bộ và cán bộ phải do tập thể cấp ủy và tổ chức đảng có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Cá nhân, tập thể đề xuất; cơ quan tham mưu; cơ quan thẩm định; tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề xuất, tham mưu, thẩm định, quyết định của mình…

Quy định chỉ rõ, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ đang công tác, sinh hoạt trong tổ chức mình (kể cả các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng) theo các nội dung quản lý cán bộ trong phạm vi được phân cấp và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, thủ trưởng cấp trên về cán bộ thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình.

Tại Phần bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, Quy định nêu rõ nguyên tắc, trách nhiệm và thẩm quyền, quy trình và thủ tục bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định một cách dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phải căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường của cán bộ và tiêu chuẩn chức danh. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu, các thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự và nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất. Nếu người được giới thiệu là cán bộ công tác trong cơ quan, đơn vị thì phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm. Ðối với nhân sự từ nơi khác đến thì phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định,... Cá nhân, tập thể đề xuất bổ nhiệm; cơ quan thẩm định; tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền chịu trách nhiệm về đề nghị, thẩm định, quyết định của mình,... Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể lãnh đạo có ý kiến khác nhau thì báo cáo đầy đủ lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu hai người có số phiếu ngang nhau thì chọn nhân sự do người đứng đầu giới thiệu để quyết định bổ nhiệm, hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.

Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó ở cơ quan, đơn vị trong bộ máy tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp nhà nước. Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng. Cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn một nhiệm kỳ; có đủ sức khỏe. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. Ðảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức danh tương đương và cao hơn. Cán bộ đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm, hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn.

Khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định, phải xem xét có hay không bổ nhiệm lại hoặc giới thiệu tái cử. Những cán bộ sau khi được bổ nhiệm vì những lý do cụ thể như sức khỏe không bảo đảm, uy tín giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật,... thì các cơ quan tham mưu đề xuất và cấp lãnh đạo có thẩm quyền cần xem xét, thay thế kịp thời. Việc bổ nhiệm lại hoặc giới thiệu tái cử được tiến hành từng bước, phù hợp quy định và yêu cầu của từng lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, bảo đảm ổn định và hiệu quả thiết thực,... Việc điều động và biệt phái cán bộ phải căn cứ yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị, quy hoạch cán bộ nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo sự đồng bộ trong đội ngũ cán bộ; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, địa phương, tổ chức.

Về quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thuộc diện Trung ương quản lý; đề xuất nhân sự cụ thể sau khi được cấp trên đồng ý về chủ trương. Ðối với nguồn nhân sự tại chỗ phải thực hiện theo năm bước. Bước 1, trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ, nguồn cán bộ trong quy hoạch, người đứng đầu, các thành viên lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cơ quan tham mưu tổ chức cán bộ thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự,... Bước 2, tập thể lãnh đạo thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Bước 3, tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng của cán bộ; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự bước hai, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Bước 4, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự (tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt). Bước 5, tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự, nếu có vấn đề mới nảy sinh phải xác minh kết luận... Tại mỗi bước, mỗi thành viên giới thiệu một người cho một chức danh; trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu thì chọn hai người có số phiếu giới thiệu cao nhất để giới thiệu ở các bước tiếp theo. Kết quả kiểm phiếu ở các bước không công bố tại hội nghị.
Quy định này có hiệu lực từ ngày ký; thay thế Quyết định số 67-QÐ/TW và Quyết định số 68-QÐ/TW, ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị khóa X và các quy định trước đây trái với Quy định này.

Minh Hải

Bạn đang đọc bài viết "Bài 13: Siết chặt kỉ cương, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ công chức" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin