“Trong cỗ xe tam mã, con ngựa thứ ba là khu vực tư nhân trong nước chưa bao giờ thực sự được coi là một động lực quan trọng. Như GS. Võ Đại Lược từng nói vui là thậm chí chúng ta chặt đầu luôn con ngựa thứ ba đó”.
Tại Hội nghị quốc tế “Quản trị kinh tế hướng tới một Nhà nước kiến tạo” tổ chức ngày 13/6 tại Hà Nội, một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đề cập đến tình trạng thân hữu trong bộ máy chính trị và kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề cập đến tình trạng thân hữu trong khu vực kinh tế và sự tác động của hiện tượng này đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Nhận diện nhóm thân hữu trong kinh tế Việt Nam
Đề cập đến tình trạng thân hữu ở Việt Nam, bà Lan nói tình trạng này không chỉ tồn tại ở trong khu vực tư nhân, mà nhóm thân hữu lớn nhất có lẽ ở doanh nghiệp nhà nước, vốn gần gũi với Nhà nước nhất và được hưởng nhiều ưu đãi từ Nhà nước nhất.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp FDI đã trở thành những nhóm thân hữu với Nhà nước, để Nhà nước Việt Nam bảo hộ những ngành không phải là ngành kinh tế quốc dân, ví dụ như ngành ô tô.
Khi Việt Nam tham gia WTO, ngành ô tô là ngành được bảo hộ với mức thuế cao nhất và có lộ trình giảm thuế dài nhất trong các ngành ở Việt Nam. Trong khi đó, nông nghiệp là ngành vốn chiếm đông đảo lực lượng lao động, thuế quan và các hàng rào bảo hộ lại được dỡ bỏ nhanh nhất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài lớn như Samsung, PepsiCo, Coca-Cola đều yêu cầu Chính phủ Việt Nam ưu đãi thuế và quyền sở hữu đất đai rất lớn.
Khu vực tư nhân chịu thách thức từ môi trường pháp lý
Ngoài các lý do như bị các khu vực khác hút nguồn lực, năng suất thấp, tình trạng thiếu các thiết chế thị trường quan trọng như bảo hộ tài sản tư nhân và bảo đảm cạnh tranh tự do cũng là những nguyên nhân làm cho doanh nghiệp tư nhân trong nước khó khăn.
Theo bà Lan, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang được cải thiện nhưng với tốc độ chậm, kể cả ở những lĩnh vực đơn giản như khởi sự doanh nghiệp, dù đăng ký kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn nhiều.
“Nhưng từ đăng ký đến khởi sự kinh doanh là cả một chặng đường dài, vì có quá nhiều cơ quan nhà nước khác nhau liên quan và có quyền cấp phép cho hay không cho họ làm việc này, việc kia. Do đó, quá trình này khiến Việt Nam bị thụt lùi so với các nước khác”, bà Lan nói.
Nói về thách thức bên trong của doanh nghiệp, bà Lan cho rằng tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp chưa cao. “Tinh thần kinh doanh chưa cao cũng phải thôi, môi trường đầy rủi ro thì họ không dám có tinh thần cao thật”.
Ngoài ra, các thách thức còn bao gồm trình độ quản trị còn thấp, trình độ công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp và khả năng tham gia chuỗi giá trị hạn chế.
Cần làm gì để tạo sân chơi bình đẳng?
Để doanh nghiệp phát triển, phải phát triển khu vực tư nhân của Việt Nam và đổi mới sáng tạo như báo cáo “Việt Nam 2035” (do Ngân hàng Thế giới thực hiện) khuyến nghị gồm: Cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền tài sản, và thiết lập quan hệ giữa các nguồn lực.
Để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bà Lan nhấn mạnh 3 yếu tố. Thứ nhất, cần đặt doanh nghiệp nhà nước vào kỷ luật thị trường. Đến nay số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa thì nhiều, nhưng số tài sản được cổ phần hóa mới chỉ chiếm 8%, 92% tài sản của doanh nghiệp nhà nước vẫn nằm trong số còn lại.
“Như vậy, trên thực tế chưa cải thiện được bao nhiêu thực trạng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Về kỷ luật thị trường, ít doanh nghiệp nhà nước phải lo tuân thủ, không phải theo quy chế “lời ăn lỗ chịu”, nhiều khi lời thì chủ doanh nghiệp hưởng, còn lỗ thì xã hội phải gánh chịu”.
Thứ hai, cần đổi mới hệ thống ưu đãi đối với khối doanh nghiệp FDI bởi khối này được quá nhiều ưu đãi đến mức không còn bình đẳng so với các doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, cần cải cách thể chế, đặc biệt là thực thi chính sách, thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ và chi phí tham nhũng cho doanh nghiệp.
Bà Lan cho biết Nhà nước tập trung nhiều hơn và tăng cường năng lực khu vực kinh tế tư nhân trong nước khi điều chỉnh và thực thi chính sách, bởi từ trước đến nay, Việt Nam phát triển dựa vào hai động lực chính là xuất khẩu và FDI.
“Trong cỗ xe tam mã, con ngựa thứ ba là khu vực tư nhân trong nước chưa bao giờ thực sự được coi là một động lực quan trọng. Như GS. Võ Đại Lược từng nói vui là thậm chí chúng ta chặt đầu luôn con ngựa thứ ba đó”, bà Lan ví von.
Bây giờ cần tập trung vào khu vực tư nhân trong nước, bởi đầu tư nước ngoài và xuất khẩu không phải là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Bà Lan cho biết Việt Nam đang có rất nhiều thách thức mới trong các hiệp định tự do thương mại (FTA), trong đó điều lo ngại nhất là năng lực của Nhà nước trong điều chỉnh luật pháp, chính sách và thực thi các cam kết.
“Doanh nghiệp có làm được hay không phụ thuộc rất nhiều vào môi trường kinh doanh và luật pháp, chính sách của Nhà nước. Năng lực cạnh tranh còn yếu ở một số ngành, biết từ lâu rồi nhưng vẫn chưa có động thái cần thiết để cải thiện. Năng lực chuyển đổi nền kinh tế cũng còn rất chậm chạp. Các chương trình tái cơ cấu được đề ra một số năm nay rồi nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu".
Việt Nam rất thiếu sự chuẩn bị, đặc biệt về thể chế, nhân lực trong khu vực Nhà nước cũng như các năng lực cần thiết để tham gia hội nhập. “Do đó, gánh nặng đối với doanh nghiệp càng nặng nề hơn”.
Chuyên gia kinh tế khuyến nghị Việt Nam rất cần những chính sách minh bạch, nhất quán, đồng bộ, và cần được thực thi nghiêm ở mọi cấp của Nhà nước.
“Việt Nam đang nói về chính phủ kiến tạo, nhưng dường như nó chỉ là ý chí chính ở tầng của Thủ tướng và một số Phó thủ tướng. Về đến các bộ ngành, các địa phương, nó rơi rụng rất nhiều rồi”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Theo Bizlive