Chính phủ Australia đã ký kết tham gia OGP vào năm 2015. Đây là một sáng kiến đa phương gồm 78 quốc gia, được thành lập nhằm thúc đẩy chính phủ mở, chống tham nhũng và trao quyền cho người dân tham gia vào hoạch định chính sách.
Thế nhưng, những nỗ lực của Australia kể từ đó đã khiến nhóm này thất vọng.
Australia đã không thực hiện theo những lời hứa trước đó - bao gồm cải thiện tính minh bạch của các khoản đóng góp và củng cố khuôn khổ chống tham nhũng của quốc gia - và đã bỏ lỡ thời hạn nộp kế hoạch hành động 2 năm mới nhất cho giai đoạn 2021 - 2023, vốn được dự kiến vào tháng 12/2021.
Điều đó đã khiến Giám đốc Điều hành của OGP, Sanjay Pradhan, viết thư cho Bộ Thủ tướng và Nội các Australia, cảnh báo rằng, nếu không đáp ứng được thời hạn tiếp theo, tư cách thành viên của Australia sẽ được xem xét.
“Thư này là để thông báo rằng, tính đến thời hạn ngày 31/12/2021, Đơn vị Hỗ trợ chưa nhận được Kế hoạch Hành động 2021 - 2023 của Australia, và do đó, Australia đã hành động trái với tiến trình của OGP”, ông Pradhan nói.
“Các chính phủ hành động trái với tiến trình trong 2 chu kỳ liên tiếp sẽ bị Ủy ban Chỉ đạo OGP xem xét, trong đó có hỗ trợ tăng cường để giải quyết các vấn đề dẫn đến tình trạng đó. Tài liệu hướng dẫn cho các tiêu chuẩn mới sẽ sớm có sẵn”.
Chuyên gia về tự do thông tin Peter Timmins, người có vai trò quan trọng để Australia tham gia OGP vào năm 2015, cho biết, thất bại mới nhất cho thấy Australia đang được OGP giám sát một cách nghiêm túc.
Các cam kết trước đây được thực hiện thông qua tiến trình OGP chưa thực sự có kết quả, bao gồm cả cam kết năm 2016 để đảm bảo “các chính sách và thông lệ về luật tiếp cận thông tin của Australia phù hợp với thế kỷ 21”.
Trang web chính thức của Chính phủ Australia trên OGP liệt kê một số cam kết trước đây của nước này “bị trì hoãn”, bao gồm cam kết “nâng cao tính minh bạch của các khoản hỗ trợ và tài trợ chính trị” và “tăng cường khuôn khổ chống tham nhũng quốc gia”.
Australia đã đệ trình 2 kế hoạch hành động riêng biệt lên OGP, kế hoạch đầu tiên từ 2016 - 2018 và kế hoạch thứ hai kéo dài từ 2018 - 2020. Trong đó, kế hoạch thứ hai phần lớn lặp lại các cam kết đã thực hiện trong kế hoạch đầu tiên.
Vào tháng 9/2021, OGP đã công bố một đánh giá độc lập về những nỗ lực của Australia trong giai đoạn 2018 - 2020. Báo cáo cho thấy tiến độ về các vấn đề tài trợ và chống tham nhũng rất chậm.
Theo OGP, “các cam kết về tăng cường khuôn khổ quốc gia về chống tham nhũng và tăng cường tính minh bạch của các khoản đóng góp chính trị đã đạt được tiến bộ rất ít hoặc chậm trong giai đoạn này”.
Đánh giá cũng cho thấy, Australia đã và đang thực hiện một kế hoạch hành động thứ ba, nhưng OGP không nhận được tài liệu nào như vậy từ bộ trưởng có trách nhiệm, Ben Morton.
Báo cáo lưu ý rằng, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn một số công việc OGP của Chính phủ.
Người phát ngôn của Bộ Thủ tướng và Nội các cho biết, Australia vẫn cam kết với OGP và thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia của mình.
Người phát ngôn khẳng định: “Những thành tựu đáng kể đã đạt được kể từ khi Australia tham gia vào năm 2015... Tuy nhiên, công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 đã trở thành ưu tiên của Chính phủ trong 2 năm qua”.
Theo noichinh.vn
Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/tin-quoc-te/202203/australia-nhan-canh-bao-tu-lien-minh-chong-tham-nhung-toan-cau-310695/