Trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam là một trong những quốc gia đã sớm tham gia Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị. Từ khi tham gia cho đến nay, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong vấn đề bảo vệ quyền con người, trong đó có việc áp dụng việc tử hình phạm nhân theo Công ước quốc tế về quyền con người.
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị do Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 3 năm 1976, nêu tổng quan các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người. Ngày 24/9/1982, Việt Nam đã chính thức gia nhập ICCPR và đã có những nỗ lực đáng kể để bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong ICCPR được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn pháp luật.
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị đã dành hẳn một điều khoản để nói về việc thi hành án tử hình, cụ thể trong Phần III, Điều 6 có các khoản quy định về việc tử hình phạm nhân, theo đó chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết.
Khoản 5, Điều 6 Công ước cũng có quy định: “Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai”.
Đối chiếu với luật pháp Việt Nam hiện nay, Bộ luật hình sự cũng đã có những thay đổi đáng kể nhằm áp dụng theo luật pháp quốc tế trong việc quy định hình phạt tử hình. Bộ luật hình sự quy định: “Tử hình là hình phạt đặc biệt, có nội dung cưỡng chế nghiêm khắc nhất tước bỏ quyền sống của người bị kết án, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”.
Theo đó, Quyền sống là quyền tự nhiên của con người, tử hình là tước bỏ quyền sống của người bị kết án. Do vậy tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất của hệ thống hình phạt Việt Nam. Khi áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội, Nhà nước đã loại bỏ hoàn toàn sự tồn tại của họ trong xã hội vì lợi ích chung của cả xã hội.
Từ thực tiễn xét xử các vụ án ở Việt Nam cho thấy, tử hình chỉ được áp dụng trong trường hợp người phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…có ảnh hưởng rất xấu đến xã hội, bị dư luận xã hội kịch liệt lên án.
Theo Điều 40 BLHS 2015 thì:
Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Theo quy định của pháp luật, người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi phạm tội là những đối tượng đặc biệt của chính sách hình sự của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Quy định tại Điều 40 BLHS Việt Nam chủ yếu xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự, đặc điểm tâm - sinh lý của người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ và ảnh hưởng của những đặc điểm này đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ cũng như cân nhắc khả năng cải tạo, giáo dục người chưa thành niên phạm tội và hậu quả áp dụng hình phạt đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ.
Từ vụ án Lê Văn Luyện cho thấy, mặc dù bị cáo này đã gây ra một tội ác cực kỳ khủng khiếp, dã man, tước đoạt đi nhiều mạng người, bị dư luận lên án mạnh mẽ nhưng khi xét xử, bị cáo không bị kết án tử hình do chưa đến tuổi thành niên.
Hay trong vụ án đường dây buôn bán trái phép ma túy xuyên quốc gia do Hoàng Phương Lam cầm đầu ở Hải Phòng. Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng với số lượng ma túy cực lớn, các đối tượng cực kỳ manh động và nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên khi đem ra xét xử, bị cáo Hoàng Phương Lam- đối tượng được xác định là người cầm đầu đã may mắn thoát án tử do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.
Thông qua hai vụ án điển hình này cho thấy, luật pháp Việt Nam đã thực thi theo đúng những gì mà Công ước quốc tế đã quy định, thậm chí còn mở rộng phạm vi với nhiều đối tượng áp dụng hơn so với Công ước Quốc tế về quyền con người.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương giảm hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta nhằm bảo vệ quyền con người, theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế mà nước ta đã tham gia ký kết, phù hợp với xu hướng phát triển văn minh của nhân loại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 đã bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, bao gồm cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch.
Hiện nay, án tử hình chỉ áp dụng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gồm: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội giết người, tội hiếp dâm, tội phạm về ma túy, tội tham nhũng và tội ác chiến tranh. Nếu được ân giảm thì chuyển thành tù không thời hạn (chung thân). Đây cũng được coi là một bước tiến mới trong việc áp dụng công ước quốc tế đối với việc thi hành án tử hình ở Việt Nam.
Theo PL&XH