Ân nhân của chính quyền cách mạng

(Pháp lý) - Nói đến Cách mạng Tháng Tám, đến những ngày đầu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lịch sử không thể không nhắc đến những vị ân nhân, những doanh nhân giàu có đã hết lòng ủng hộ Cách mạng như Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ và đặc biệt là ông bà Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ…

Chân dung ông bà Trịnh Văn Bô hồi trẻ
Chân dung ông bà Trịnh Văn Bô hồi trẻ)

Việt Nam sau ngày giành độc lập

Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Trong lúc, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ còn phải đương đầu với những khó khăn về kinh tế, xã hội chồng chất, sự trống rỗng của các kho bạc buộc chính quyền phải có những biện pháp cấp bách. Giải pháp đầu tiên là ngày 4/9/1945 Chính phủ ra Sắc lệnh số 4/SL về lập “Quỹ Độc lập” nhằm “thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên góp giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia”. “Tuần lễ vàng” từ ngày 16/9/1945 được tổ chức nhằm kêu gọi những nhà giàu đóng góp tài sản cho đất nước mới giành được độc lập còn rất khó khăn.

“Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ vàng” đã thu được tất cả 370 kg vàng và 20 triệu đồng. Ngoài tiền và vàng, nhiều người hiến nhà cửa, ruộng vườn, xí nghiệp cho Chính phủ.
Trong số những doanh nhân yêu nước có đóng góp lớn, lịch sử không thể quên gia đình ông Đỗ Đình Thiện, ông Nguyễn Sơn Hà, cụ Ngô Tử Hạ… đặc biệt là ông bà Trịnh Văn Bô đã tham gia Mặt trận Việt Minh nên đóng góp từ rất sớm.

Đầu năm 1945, ông bà Trịnh Văn Bô đã quyết định ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương, tương đương 25 cây vàng cho Mặt trận Việt Minh. Sau lần đó, ông bà còn ủng hộ nhiều lần nữa. Tính đến trước Cách mạng Tháng Tám, ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá bấy giờ.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông bà được ông Khuất Duy Tiến tiến cử vào Ban vận động “Quỹ Độc lập”. Gia đình ông bà đã tiếp tục ủng hộ “Quỹ Độc lập” 20 vạn đồng, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ. Trong “Tuần lễ Vàng”, gia đình ông bà đã đóng góp 117 cây vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 cây vàng nữa. Bấy giờ, toàn bộ ngân khố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ có 1.200.000 đồng Đông Dương, đa phần không thể lưu thông. Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ thêm cho chính phủ 5.147 cây vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (theo thời giá lúc đó).

Khi Chính phủ lâm thời về Hà Nội, ngôi nhà 48 Hàng Ngang của ông bà được dùng làm nơi làm việc của các lãnh đạo Việt Minh. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tiếp đãi các sĩ quan OSS như Archimedes Patti và Allison Thomas, cũng như viết hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn Độc lập.

Các y phục của các lãnh đạo Việt Minh trong ngày lễ Độc lập, hầu hết do gia đình ông bà cung cấp, thậm chí các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã mặc y phục của ông Trịnh Văn Bô. Riêng chiếc áo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, vải may áo do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp.

Đồng hành cùng cách mạng

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914-2017)
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914-2017))

Ông Trịnh Văn Bô là một nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc. Ông là con trai thứ ba của cụ Trịnh Phúc Lợi. Do điều kiện gia đình giàu có, ông được học hành tử tế, sử dụng được tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, thay vì sang Pháp học như người anh trai, ông lại được cha giữ lại để đào tạo thành người kế thừa sản nghiệp. Với những sản nghiệp ban đầu, hai vợ chồng ông đã kế thừa và nhanh chóng phát triển hiệu buôn Phúc Lợi, trở thành một nhà tư sản lớn thời bấy giờ. Hiệu buôn Phúc Lợi sản xuất và buôn bán tơ lụa sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan, thậm chí có giao dịch buôn bán với thương nhân Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Do được vận động tham gia Mặt trận Việt Minh nên gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là địa chỉ tin cậy về nhiều mặt để Chính phủ lâm thời đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về tạm trú trong những ngày lịch sử đó. Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa về ngôi nhà 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô. Bà Hoàng Thị Minh Hồ nhớ lại: "Tôi nhớ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà tôi. Người mặc rất giản dị, áo nâu, quần soóc nâu, đội mũ dạ, đi dép cao su con hổ trắng, tay cầm can. Khi Người bước vào nhà, vợ chồng tôi ra chào, chúng tôi đưa Người lên gác 3, nơi tôi đã dọn sẵn một buồng đủ tiện nghi để Người ở. Sau đó, Người lại xuống tầng 2 ở luôn cùng các đồng chí mình và làm việc tại đó".

Căn phòng ở tầng 2 dùng làm phòng họp. Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp với Thường vụ Trung ương Đảng để chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời trước quốc dân vào ngày 2/9/1945. Trong phòng họp có một chiếc bàn nhỏ đặt máy chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ chiến khu Việt Bắc đưa về, để đánh các chỉ thị của Đảng và soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Triết lý kinh doanh của ông bà Trịnh Văn Bô là: "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả".

Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông Trịnh Văn Bô tham gia công tác trong chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc trong khi gia đình tản cư lên Cao Bằng. Mãi đến năm 1955, gia đình ông mới trở về Hà Nội. Ông được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu. Ông qua đời năm 1988.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Xã hội Việt Nam và cũng là một trong những người đầu thời kỳ thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà làm công tác phụ nữ đến năm 1974 thì nghỉ hưu.

Dư luận

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội)

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ vừa về với cụ ông Trịnh Văn Bô ngày 5/11/2017 tại Hà Nội trong niềm tiếc thương và ngưỡng mộ của hàng triệu người Việt Nam yêu Tổ quốc. Để bày tỏ niềm thương tiếc và trân trọng cống hiến của cụ đối với đất nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tang lễ cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Lễ tang được cử hành vào chiều ngày 13/11/2017 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) theo nghi thức cấp cao. Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại Nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Rất nhiều bài viết trên báo chí, trên mạng xã hội bày tỏ lòng tiếc thương và kính trọng sự cống hiến lớn lao của gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ.

Theo Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc, gia đình cụ Trịnh Văn Bô là điển hình cho sự đóng góp và cống hiến của lực lượng công thương trong những ngày đầu cách mạng. Không phải chỉ vì đơn giản số lượng của cải cụ đóng góp, dù ở Hà Nội, cụ chưa phải là người đóng góp nhiều nhất. Nhưng cụ Trịnh Văn Bô là người không những đóng góp tiền bạc mà còn cưu mang những người cách mạng. Cụ đã dành nhà ở của mình để thành di tích lịch sử. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá đây là điều rất đáng ghi nhận.

Điều bất ngờ bên cạnh những bài báo ca ngợi công lao, đức độ của ông bà Trịnh Văn Bô, là rất nhiều bài báo nhắc đến nỗi niềm u buồn cụ Hoàng Minh Hồ lúc cuối đời còn mang theo sang thế giới bên kia.

Báo Thanh Niên có bài “Nỗi buồn nhân đôi của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô” của nhà báo Quốc Phong đánh giá: “Có thể coi các cụ là một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, một lòng một dạ phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc, dám hi sinh quyền lợi bản thân mà bất chấp hiểm nguy, nếu như bị mật thám phát hiện, coi như cơ đồ của cách mạng tan trong phút chốc”.

Kể về nỗi buồn nhân đôi của cụ Hoàng Thị Minh Hồ, bài báo cho biết, chuyện thứ nhất là ông Trịnh Văn Bô mất năm 1988. Cả hai ông bà đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Theo qui định sau 10 năm, có thể được xem xét đặt tên đường phố nhưng không thấy Hà Nội nhắc đến điều này. Mãi đến năm 2016, tên cụ Trịnh Văn Bô mới được dự định đặt cho con phố ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, nhưng đến nay việc cũng chưa thành.

Chuyện thứ hai là chuyện cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ mấy chục năm đòi lại căn nhà cho mượn mà không được giải quyết. Năm 1954, sau khi Cách mạng về tiếp quản Thủ đô, gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái mượn ngôi biệt thự tại 34 Hoàng Diệu, Hà Nội, có khuôn viên rộng 3.000 m2 trong 2 năm, khi Bắc Nam thống nhất thì trả lại. Bản giao kèo cho mượn trong 2 năm (từ 1954 đến 1956) có chữ ký cam kết của đại tướng Hoàng Văn Thái. Thế nhưng, có ai ngờ, phải 21 năm sau đất nước mới thống nhất. Vậy là đến năm 1975, họ mới chính thức đệ đơn xin lại nhà nhưng không được giải quyết.

Hơn 30 năm sau, sau khi tướng Hoàng Văn Thái qua đời (1986), ông bà lại có yêu cầu trả lại nhà để làm nơi cư trú cho gia đình, bấy giờ gần 40 người. Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô có 7 người con, đều lập gia đình, có đúng 30 cháu và chắt, tất cả 40 người ở tại ngôi nhà cũ chật chội 24 phố Nguyễn Gia Thiều, gần hồ Ha Le, rất cần có thêm chỗ ở.
Hàng chục chữ ký của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các thời kỳ đều ủng hộ hai cụ. Nếu tính ra thì có đến hơn chục chữ ký ủng hộ trả nhà là của các uỷ viên Bộ Chính trị lão thành và đương chức qua các thời kỳ. Dù có xác nhận của các lãnh đạo cấp cao như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ… và gia đình tướng Hoàng Văn Thái cũng đã chuyển chỗ ở, nhưng mãi sau khi ông Trịnh Văn Bô qua đời năm 1988, căn nhà vẫn chưa được hoàn trả cho gia đình ông.

Trong những năm sau đó, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ tiếp tục hành trình đòi nhà, bằng nhiều lần kiến nghị đến các cấp khác nhau, thậm chí khi có những quyết định, chỉ đạo của các lãnh đạo cấp cao đương nhiệm như Đỗ Mười, Lê Quang Đạo, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Bài báo kết luận: “Được biết, gia đình cụ quả phụ Trịnh Văn Bô đã vào ở ngôi nhà này từ năm 2003, khi Bộ Quốc phòng đã bàn giao lại cho Ban Tài chính Quản trị T.Ư tạm giữ. Ông Phan Diễn, khi còn là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cũng đã đến 34 Hoàng Diệu gặp cụ bà và hứa từ từ rồi Nhà nước sẽ giải quyết thủ tục. Tiếc rằng, lời hứa đó cũng đã 11 năm mà chưa đến hồi kết”.

Vậy là cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã được trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà của mình, nhưng về mặt pháp lý, chưa biết đến khi nào con cháu vị ân nhân mới được nhận lại tài sản mà họ đã cho chính quyền mượn.

* * *

Thời gian ngày càng lùi xa mốc 1945 lịch sử, nhưng bài học về lòng yêu nước, về niềm tin thì còn rất thời sự. Những năm tháng gian nan đó, ông bà Trịnh Văn Bô cũng như những nhà tư sản khác đã hiến tiền vàng, tài sản xuất phát từ tấm lòng yêu nước, khao khát xây dựng nước nhà tự do, độc lập và tin tưởng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ.

Ông Lê Văn Hiến sau này nhận xét: “ Nhìn cuộc sống và việc làm của cán bộ, chiến sĩ, dân rất thương, rất quý, nên dân đóng góp rất hăng hái… Nếu như hồi đó dân thấy cán bộ sống phè phỡn, ăn trên ngồi trốc hoặc sử dụng công quỹ bừa bãi, lãng phí thì dân làm sao hăng hái đóng góp được? Cho nên thanh liêm, không tham ô, không lãng phí là những điều kiện rất quan trọng không những đối với chi mà còn hết sức quan trọng đối với thu nữa”.

 Vũ Chân Thư

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin