720 trong số 870 công ty nước ngoài ở Việt Nam có gian lận thuế trong năm 2013. Các công ty này đã bị yêu cầu hoàn trả gần 400 tỷ đồng tiền thuế và phạt.
Tổ chức phi Chính phủ Oxfam mới công bố báo cáo thu hẹp khoảng cách thu nhập Việt Nam.
Trong báo cáo, Oxfam trích số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy năm 2012, tỷ lệ Palma (đo tỷ lệ giữa phần thu nhập của nhóm 10% thu nhập cao nhất và nhóm 40% có thu nhập thấp nhất) của Việt Nam là 1,74. Có nghĩa là nhóm 10% giàu nhất có thu nhập cao gấp 1,74 lần nhóm 40% thu nhập thấp nhất.
Khoảng cách về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và các nhóm khác đang tăng từ năm 2004 và số người siêu giàu cũng tăng.
210 người siêu giàu (có trên 30 triệu USD) ở Việt Nam có tổng tài sản khoảng 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP cả nước, hay 1/2 GDP của TP.HCM. Ước tính số người siêu giàu sẽ tăng đáng kể ở Việt Nam lên 403 vào năm 2025.
Liên quan đến thuế, bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho hay hiện nay Việt Nam dựa chủ yếu vào thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế xuất nhập khẩu.
VAT là thuế lũy thoái và việc tăng VAT đã tạo gánh nặng quá lớn cho những người nghèo nhất. Tỷ lệ thu thuế VAT trên GDP đã tăng lên, từ 4,02% lên 7,89% trong giai đoạn 2001-2010.
Mặt khác từ năm 2009, Việt Nam giảm thuế doanh nghiệp từ 28% xuống 20%; có nghĩa là lợi nhuận công ty đang chịu mức thuế thấp hơn thuế thu nhập của người lao động. Các công ty cũng đang được Nhà nước trợ cấp dưới hình thức ưu đãi thuế và miễn giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định, làm giảm thêm phần đóng góp của các công ty.
Tuy nhiên, theo bà Babeth Ngoc Han Lefur, việc tránh và trốn thuế cũng đang khiến các công ty đa quốc gia nhẹ gánh và làm thất thoát nguồn thu ngân sách quốc gia.
Một điều tra toàn quốc về tình trạng trốn thuế cho thấy 83% công ty nước ngoài dùng các thủ đoạn khác nhau để giảm thiểu trách nhiệm đóng thuế năm 2013.
Dẫn chứng từ Tổng cục Thuế, 720 trong số 870 công ty nước ngoài ở Việt Nam có gian lận thuế trong năm 2013. Các công ty này đã bị yêu cầu hoàn trả gần 400 tỷ đồng tiền thuế và phạt.
"Việt Nam đang đặt gánh nặng thuế lên nhóm thu nhập thấp hơn trong xã hội, và bỏ lỡ cơ hội đánh thuế những chủ thể có khả năng chi trả cao nhất. Như vậy, cần có thêm hành động để làm hệ thống thuế lũy tiến hơn", báo cáo nhấn mạnh.
Theo Zing