(Pháp lý) - Tham nhũng lâu nay đã được ví như giặc nội xâm, có sức tàn phá ghê gớm đối với nội bộ của một quốc gia.
Vì vậy, để chống được giặc nội xâm đột nhập tấn công hủy hoại nội lực của đất nước, thì phải lập nên một hệ thống phòng thủ kiên cố, "nội bất xuất ngoại bất nhập" mới mong giữ vững được những thành quả của chế độ.
Để phòng, chống tham nhũng phát huy hiệu quả, thì sự cần thiết phải xây dựng hệ thống “3 lớp phòng thủ” vững chắc là những yêu cầu bắt buộc và cấp thiết.
Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân
Nguyên lý của tham nhũng chỉ có thể nảy sinh khi quyền lực tập trung rơi vào tay cá nhân. Khi đó, vì được thao túng quyền lực trong tay mà cá nhân dễ dàng thực hiện được hành vi tham nhũng.
Cho nên, khắc tinh của tham nhũng chính là tai mắt nhân dân. Khi quyền lực càng trải đều ra cho nhân dân thì không có cá nhân nào thao túng được quyền lực, vì thế mà tham nhũng không thể thực hiện được.
Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: "Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân". Cho nên nhà nước là người làm việc cho nhân dân thì phải có trách nhiệm báo cáo với nhân dân là người chủ đã trả lương mình. Lẽ tất nhiên đã sử dụng đến 1 đồng ngân sách cũng phải báo cáo, vì tiền đó là của nhân dân giao cho nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chăm lo cho đời sống của nhân dân.
Theo đó, khi mọi hoạt động mua sắm trang trải chi tiêu tiền của dân đều phải báo cáo trước nhân dân, thì với dân số đông đảo giám sát, đảm bảo sẽ không có chuyện kê khống, rút ruột ngân sách nào mà lọt qua được hết hàng triệu con mắt nhân dân giám sát mà không bị phát hiện. Khi hàng triệu người dân được quyền giám sát, sẽ vô hiệu hóa các ban bệ giám sát theo kiểu "đóng cửa bảo nhau", đồng nghĩa với việc không thể có doanh nghiệp nào hối lộ được hết cả 90 triệu dân tham gia giám sát. Nên khi quyền lực không còn chỉ nằm trong tay một số người mà đã rải ra khắp cho nhân dân, nhân dân có quyền định đoạt các dự án đầu tư bằng tiền ngân sách, thì đương nhiên chẳng có doanh nghiệp nào lại còn đi hối lộ với vài người có chức vụ nữa, vì có hối lộ cho họ thì họ cũng không quyết được, mà lúc này nhân dân mới là người quyết cho dự án. Nếu nhân dân có đơn thư phản đối tức là dự án bị phát hiện có vấn đề lợi ích nhóm, thì dự án phải dừng lại.
Cho nên, đây là lớp phòng thủ cơ bản nhất, hiệu quả nhất, làm vô hiệu sự tấn công vào ngân sách của "giặc" tham nhũng.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng tại điểm d) khoản 1 Điều 5 quy định: "Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải cung cấp thông tin trong quá trình phát hiện tham nhũng”, tức là người bên ngoài phải phát hiện thấy cơ quan đó có dấu hiệu tham nhũng thì cơ quan đó mới phải cung cấp thông tin để làm sáng tỏ việc đó. Nhưng trên thực tế, chỉ khi được cung cấp thông tin rồi mới có thể so sánh đối chiếu với thực tế để phát hiện được có tham nhũng hay không. Tức là, trước khi phát hiện tham nhũng thì nhân dân phải được báo cáo chi tiết cụ thể. Không có thông tin thì sao biết nổi trong đó có tham nhũng hay không ?
Cho nên việc chi tiêu một đồng ngân sách cũng phải công khai minh bạch, tức là phải công bố báo chí, báo cáo nhân dân thông qua trên truyền thông, chứ không phải đợi đến khi bên ngoài nhìn vào thấy dấu hiệu tham nhũng thì mới phải cung cấp thông tin.
Vì vậy để thực sự phòng, chống được tham nhũng, dự thảo cần sửa bổ sung thêm điểm d) khoản 1 điều 5 như sau: "d) Thực hiện đầy đủ, chi tiết chế độ báo cáo nhân dân về việc thu chi ngân sách để chủ động phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng.
Và tại điều 13 của dự thảo về "Nội dung công khai, minh bạch", trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thứ đến là mua sắm tài sản công, thì ở dự thảo lại chưa đề cập đến. Lâu nay nhiều công trình bê tông bị phát hiện không có cốt thép hoặc cốt tre nứa, đường bộ bị than phiền là đắt nhất thế giới, mua sắm tài sản công thì bị nâng giá, kê khống để rút ruột ngân sách. Cho nên điều 13 cần bổ sung thêm khoản 3 tiếp cận công khai minh bạch vấn đề này như sau: "Chi tiết các hạng mục trong đấu thầu, thi công công trình, mua sắm tài sản công".
Khi công khai minh bạch chi tiết như vậy thì những "vùng tối" tham nhũng sẽ bị cả xã hội soi xét, khiến cho hành vi rút ruột ngân sách rất khó có thể lọt qua con mắt giám sát của cả xã hội được.
Toàn bộ hệ thống chính trị được huy động vào việc giám sát PCTN
Thực tế thì lớp phòng thủ đầu tiên nêu ở trên khó mà đảm bảo "bất khả xâm phạm", có những nơi vẫn ém nhẹm không báo cáo đầy đủ thông tin với nhân dân, cho nên, bắt buộc cần phải có lớp phòng thủ tiếp theo khi tham nhũng tràn qua lớp phòng thủ thứ nhất. Đó là toàn bộ các cơ quan được giám sát lẫn nhau trong việc thu chi ngân sách, làm cho không có nhóm lợi ích nào có thể đi chia chác lợi ích được hết tất cả các nơi để mà "đóng cửa bảo nhau" được. Các cơ quan giám sát một cách thực chất, thì công dân phải có quyền gửi đơn phản ánh tới bất cứ cơ quan nào và cơ quan đó phải có trách nhiệm tiếp nhận đơn và trả lời chi tiết cụ thể cho công dân biết về vụ việc phản ánh, sau khi đã chuyển đơn đến nơi giải quyết. Nếu công dân không đồng ý với trả lời đó thì có quyền khiếu nại chính cơ quan đã nhận đơn, như vậy sẽ buộc được trách nhiệm phải giám sát chống tham nhũng của cơ quan nhận đơn.
Vậy điều 6 của dự thảo cần bổ sung thêm: "Công dân có quyền phát hiện, thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi có dấu hiệu tham nhũng tới các cơ quan, và được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng.".
Kê khai tài sản đi liền với truy nguồn gốc tài sản đến cùng
Mặc dù huy động mạng lưới chằng chịt giám sát phòng, chống tham nhũng như vậy, nhưng thực tế không phải lúc nào công dân và các cơ quan hữu quan cũng “hết sức có trách nhiệm” trong việc này, nên tội phạm tham nhũng vẫn có thể lọt tiếp qua lớp phòng thủ này mà xâm nhập, đục khoét của công.
Như vậy là phải lập tiếp lớp phòng thủ thứ 3 chống tham nhũng. Đó là quy định phải kê khai tài sản trung thực, để đảm bảo rằng cá nhân có chức vụ quyền hạn không được có thu nhập bất minh..
Dự thảo tại điều 53 quy định: "Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập", thì ở đây chỉ có nghĩa là xác minh về tài sản không minh bạch của người bị quản lý, còn nếu tài sản đó của người thân không thuộc bộ máy nhà nước nên không bị quản lý. Quy định như vậy sẽ rất dễ bị lợi dụng vì người tham nhũng chỉ việc cho người thân, họ hàng viết giấy cho tặng mình, hoặc nhờ họ đứng tên tài sản cho mình là xong trách nhiệm kê khai, luật lại không truy xét đến những người ngoài bộ máy nhà nước này. Điều này giải thích tại sao có đợt cả nước có 11 triệu trường hợp kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện được có 3 trường hợp không trung thực, trong khi rất nhiều cán bộ có nhà lầu xe hơi chỉ với ...lương 3 cọc 3 đồng ? Đây là một kẽ hở rất lớn mà cho đến nay tuyến phòng thủ chống tham nhũng thông qua “kê khai tài sản hình thức” vẫn chưa phát huy tác dụng trong phòng, chống tham nhũng.
Vì vậy dự thảo luật cần quy định khi có đơn tố cáo hoặc nghi vấn tài sản đứng tên người khác thực chất là của người bị kê khai tài sản, thì cần có cơ chế truy xét nguồn gốc tài sản của người đứng tên đó để chứng minh tài sản đó là từ đâu. Khi người đứng tên này không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản thì chuyển sang cơ quan điều tra làm việc với họ, để có thể đi đến việc người đứng tên phải thừa nhận tài sản đó là của người phải kê khai tài sản nhờ mình đứng tên hộ. Từ đó mà có thể chuyển sang giai đoạn điều tra tội phạm tham nhũng.
Theo đó, điều 53 của dự thảo cần quy định bổ sung thêm "người có liên quan": “1. Yêu cầu người đã kê khai, người có liên quan giải trình khi có căn cứ cho rằng việc kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập kê khai không minh bạch hoặc khi có dấu hiệu tăng, giảm bất thường về tài sản, thu nhập, chi tiêu.
2. Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền xác minh khi xét thấy việc giải trình của người kê khai , người có liên quan không hợp lý."
Tuy nhiên đấy là với tài sản nổi, còn trên thực tế với tài sản chìm người tham nhũng cất giấu đi thì rất khó có thể truy xét đến được.
Cho nên, trong 3 lớp phòng thủ chống giặc nội xâm như trên, thì lớp phòng thủ đầu tiên là đáng đặt hi vọng nhất. Chỉ khi quyền lực thực sự vào tay nhân dân, thì không có tội phạm tham nhũng nào còn có quyền lực tập trung để mà thao túng bòn rút được của công nữa.
Phạm Mạnh Hà