2019: Những Dự Luật kinh tế quan trọng nào sẽ được sửa đổi?

05/04/2019 08:40

(Pháp lý) - Thời gian qua, dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp đã được đưa ra thảo luận trên diễn đàn Quốc hội và lấy ý kiến rộng rãi từ đại diện các hội, hiệp hội nghề nghiệp và các chuyên gia. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận cao, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp luật cho rằng một số quy định của những dự luật nói trên cần phải làm rõ và xem lại...

Thuế phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch và công bằng

 Quản lý thuế phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, bình đẳng và công bằng
Quản lý thuế phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, bình đẳng và công bằng)

Tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua rà soát, có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều.

Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các nội dung lớn như khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; quản lý hoá đơn, chứng từ; áp dụng hoá đơn điện tử; hợp tác quốc tế về thuế; quản lý thuế trong thương mại điện tử, quản lý giao dịch liên kết; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan đến quản lý thuế…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc quy định các nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế có ý nghĩa quan trọng trong định hướng xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến thuế, định hướng và điều chỉnh hành vi của người nộp thuế, công chức thuế. Do đó, cần thiết phải có quy định về các nội dung cụ thể của từng nguyên tắc ngay trong Luật này. Điều này sẽ bảo đảm việc ban hành các văn bản hướng dẫn phải áp dụng nghiêm túc các nguyên tắc này; bảo đảm từng quy định cụ thể trong Luật và các văn bản hướng dẫn thống nhất với nội dung của nguyên tắc; tạo cách hiểu thống nhất và rõ ràng cũng như áp dụng giữa người nộp thuế và công chức thuế khi thực hiện các giao dịch về thuế.

VCCI cho rằng, một số điều khác như Điều 8, Điều 9 của Dự thảo đã có quy định cụ thể nội dung của các nguyên tắc, tuy nhiên các nguyên tắc còn lại – được doanh nghiệp hết sức quan tâm bởi chúng thể hiện tính tiến bộ, cải cách của Dự thảo sửa đổi lần này lại chưa được cụ thể hóa. Cụ thể, về nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người nộp thuế, cần quy định cụ thể minh bạch, công khai như thế nào, đặc biệt là trong khâu tính thuế.

Đáng chú ý, Dự thảo hiện quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. VCCI cho rằng, nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo hướng: Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 1 - 5 tỷ đồng.
Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng Luật sư Interla Hà Nội) cho rằng: Quy định xóa nợ rất cần thiết vì xóa nợ đều dựa vào các đối tượng không thể thu được như đối tượng cá nhân đã chết và các tổ chức đã chấm dứt hoạt động mà không có người kế thừa. Mặt khác, theo danh sách báo cáo nợ đọng thuế hoặc nguồn thu thuế, những đối tượng này không được xóa nợ thì buộc Tổng cục Thuế vẫn phải báo cáo.
Vị Luật sư này phân tích thêm, số dương do nguồn thu ngân sách vẫn thể hiện hằng năm nhưng thực tế lại không thu được sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thu nhập quốc dân hàng năm. Điều này dẫn tới trường hợp khi xây dựng kế hoạch thu ngân sách không sát thực tế. Từ đó, việc chi ngân sách cũng không sát với số tiền mà Bộ Tài chính đang quản trị.

Truy trách nhiệm người thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công

Ngày 16/11/2018, Quốc hội đã đưa ra thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội), Luật Đầu tư công hiện hành có một số quy định chưa hợp lý, điển hình là quy định về trình tự thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án rất phức tạp. Điều này thể hiện ở chỗ khi quyết định một dự án đầu tư có sự tham gia của rất nhiều các cơ quan ban ngành. Khi có chủ trương đầu tư rồi, quyết định dự án đầu tư rồi thì các bước thực hiện dự án đầu tư cũng rất dài dòng, phức tạp, làm cho việc đầu tư khó khăn. Do đó, trong Luật Đầu tư công sửa đổi, điều quan trọng nhất là phải giảm bớt các quy trình quá phức tạp, đặc biệt là khi cần thì phải làm thế nào phân cấp cho các cấp quyết định, cấp nào chịu trách nhiệm kế hoạch đầu tư thì phải chịu trách nhiệm về kết quả, chịu trách nhiệm về thẩm định, tránh tình trạng nói rằng đã lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành rồi nên sau này gần như không phải chịu hậu quả, Đại biểu Cường kiến nghị.

Sửa Luật Đầu tư công cần thiết kế quy định pháp luật quy trách nhiệm người phê duyệt  dự án
Sửa Luật Đầu tư công cần thiết kế quy định pháp luật quy trách nhiệm người phê duyệt
dự án)

“Điểm vướng” khác nằm ở chỗ luật quy định để phê duyệt chủ trương đầu tư phải có nguồn vốn, khi chưa có vốn thì không được phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhưng, cũng theo quy định về phân bổ vốn đầu tư trung hạn, thì dự án phải được phê duyệt chủ trương đầu tư rồi mới được đưa vào kế hoạch phân bổ, dẫn tới câu chuyện “con gà, quả trứng”, không thể giải quyết được, gây khó khăn cho việc xây dựng danh mục các dự án đưa và kế hoạch phân bổ vốn đầu tư.

Về điều chỉnh quy mô dự án trong quá trình triển khai thực hiện, theo ông Cường, thời gian qua có tình trạng khi dự án được phê duyệt thì chỉ thuộc nhóm nhỏ (nhóm B), nhưng trong quá trình triển khai lại có điều chỉnh vốn, dự án chuyển thành dự án nhóm A nhưng cơ quan phê duyệt vẫn là cơ quan ban đầu. Đây là điểm không hợp lý, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng khi trình dự án ban đầu thì trình dự án thấp để đơn giản hóa việc phê duyệt nhưng sau đó khi triển khai thực hiện sẽ nâng mức đầu tư lên. “Đây là kẽ hở lớn dễ bị lợi dụng lách luật, cần phải điều chỉnh theo hướng khi thay đổi tổng mức đầu tư phải thay đổi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án”.

Vẫn theo ông Cường, trong các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành quy định hội đồng thẩm định giúp các cơ quan phê duyệt dự án, sau khi hội đồng thẩm định này đã phê duyệt thì cơ quan phê duyệt gần như không phải chịu trách nhiệm về kết quả. Đại biểu Cường cho rằng ưu điểm của việc này là lấy được ý kiến của nhiều cơ quan, ban ngành nhưng hạn chế là nhiều khi không quy được trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị, cá nhân phê duyệt dự án. Do vậy, ông Cường đề nghị cần cân nhắc việc sử dụng các hội đồng thẩm định mà nên tăng cường vai trò của Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện trong thẩm định dự án.

Đề cập đến chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo về vấn đề này chưa đậm nét, đối chiếu với nghị quyết Trung ương 5 thì cần hoàn thiện thêm, cần quy định rõ trách nhiệm từ khâu đầu tiên lựa chọn dự án, đến thẩm định, triển khai thực hiện và kết quả. Ở mỗi khâu đều phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu, có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả đầu tư.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công có 4 điểm mới. Một là thay đổi quy trình thẩm định nguồn vốn. Bộ KH&ĐT sẽ không thẩm định tất cả các dự án nữa mà chỉ thẩm định những dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, còn lại phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. Thứ hai, có sự thay đổi lớn về công tác kế hoạch hoá bám sát kế hoạch 3 năm của Bộ Tài chính. Thứ ba, dự kiến sẽ điều chỉnh phương án giao kế hoạch (giao tổng mức vốn và giao nhiệm vụ, còn việc bố trí cụ thể uỷ quyền cho các bộ, ngành, địa phương). Thứ tư, dự kiến sẽ phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch và phân cấp mạnh mẽ trong các khâu.

Luật sư Lê Minh Trường, Giám đốc điều hành Công ty luật Minh Khuê đánh giá, điểm mới trong quy trình thẩm định nguồn vốn trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công là phù hợp với thực tế. Theo Luật Đầu tư công cũ thì tất cả dự án do các bộ trực thuộc Trung ương, Chính phủ phê duyệt đầu tư căn cứ trên Tổng dự toán thuộc Chính phủ thì Chính phủ quyết, của các Bộ thì các Bộ quyết. Việc phân cấp sẽ tạo cho cấp tỉnh có quyền quyết trong những dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc hạ tầng của họ. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn hợp lý.

Luật sư Trường cho rằng, việc giao thẩm quyền cho UBND tỉnh thì việc đôn đốc, quản lý, giám sát các dự án sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, theo Luật sư Trường, vấn đề ở đây là Luật cần thiết kế điều luật để cá thể hóa trách nhiệm cá nhân của người phê duyệt dự án để đảm bảo hoạt động đầu tư công không bị lãng phí, hạn chế tham ô, tham nhũng.

Sẽ tăng cường chất lượng kiểm toán và thêm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

 Sẽ thêm quyền thanh kiểm tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Sẽ thêm quyền thanh kiểm tra cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

So với Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán năm 2010, dự luật này có nhiều thay đổi đáng lưu ý như: sửa đổi tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp, đồng thời sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Sửa đổi, bổ sung cơ bản về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng; Đã IPO là phải niêm yết cổ phiếu trên sàn; Thêm quyền trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...

Theo VCCI, việc sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi phải được xem là một hành vi gian lận trong việc cung cấp thông tin ra công chúng và cần phải được xử lý nghiêm. Việc thay đổi thời gian có lãi không giải quyết được vấn đề khi doanh nghiệp tiếp tục sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi trong 2 năm.

Tại Điều 18 của Dự thảo đã quy định “Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận để thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán”.

Quy định này đã được quy định tại Luật Chứng khoán 2006 và Nghị định 84/2016/NĐ-CP. Theo các quy định này, tổ chức kiểm toán phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Sau đó, công ty kiểm toán lại phải nộp hồ sơ cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và được “xem xét, chấp thuận và công khai danh sách” thì mới được hành nghề kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán.

Một cơ chế quản lý như vậy tập trung nhiều vào tiền kiểm, tức là kiểm tra về điều kiện, hồ sơ năng lực của một công ty kiểm toán, nhưng lại xem nhẹ hậu kiểm để bảo đảm chất lượng, chuẩn mực kiểm toán. Trong khi đó, mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán lại là bảo đảm chất lượng, chuẩn mực của hoạt động kiểm toán, nên việc hậu kiểm cần được chú trọng hơn nhiều. Để bảo đảm được chất lượng, chuẩn mực kiểm toán, biện pháp tốt nhất, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, là kiểm tra ngẫu nhiên các báo cáo kiểm toán đã được thực hiện và đưa ra các chế tài tương ứng khi báo cáo kiểm toán không tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.

Do đó, để đơn giản hoá thủ tục hành chính, thống nhất đầu mối quản lỷ và bảo đảm chất lượng công tác hậu kiểm, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng Bộ Tài chính (nơi ban hành các chuẩn mực kiểm toán) sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, công khai danh sách và kiểm tra các công ty kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán.

Về công ty đại chúng, dự thảo Luật nâng điều kiện công ty đại chúng về vốn điều lệ (Có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng - Luật hiện hành là từ 10 tỷ đồng trở lên) và sửa đổi, bổ sung điều kiện về số lượng, cơ cấu cổ đông (có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất một trăm (100) nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ).

Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico) đồng tình với quy định trên và phân tích: “Bình thường điều kiện về vốn điều lệ của các công ty tại thời điểm đăng ký chào bán chào sàn Hà Nội là 20 tỉ đồng, tại Sài Gòn là 30 tỉ đồng. Đây là mức tối thiểu để một công ty bình thường duy trì vốn. Đối với những doanh nghiệp nhỏ, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, tùy thuộc vào quy mô và các thủ tục khác để chào bán riêng lẻ hoặc chào bán cổ đông hiện hữu”.

“Còn lên sàn chào đại chúng thì việc nâng điều kiện vốn điều lệ tại thời điểm phát hành là điều bình thường. Theo đó, việc ban hành quy định mới là điều kiện để công ty đỡ “lặt vặt”. Thêm vào đó, những doanh nghiệp không có năng lực tài chính, không có quyền sở hữu gốc để bảo đảm thì rủi ro sẽ đến ít với công chúng, nhà đầu tư hơn”, Luật sư Đức phân tích.

Luật Doanh nghiệp bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung tập trung vào 6 nhóm chính sách liên quan đến phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động quản trị doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư và các luật về thuế. Đáng chú ý, dự Luật bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư đã áp dụng đối với nhà đầu tư. Đây là điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp.

 Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư
Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư)

Theo Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nguyên tắc bất hồi tố (không hồi tố) là văn bản quy phạm pháp luật chỉ có hiệu lực điều chỉnh đối với những quan hệ xã hội phát sinh từ khi văn bản đó có hiệu lực, nó không có hiệu lực ngược lại thời gian (hồi tố). Như vậy, khi áp dụng nguyên tắc bất hồi tố trong điều kiện đầu tư trong kinh doanh, nhà đầu tư sẽ không buộc phải đáp ứng thêm những điều kiện đầu tư mới quy định, trong trường hợp chính sách pháp luật có sự thay đổi bên cạnh những điều kiện đầu tư mà nhà đầu tư đã đáp ứng theo quy định của pháp luật tại thời điểm đầu tư.

Luật sư Hùng đánh giá, việc quy định nguyên tắc trên là cần thiết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong trường hợp sự thay đổi chính sách quy định những điều kiện chặt chẽ hơn, buộc nhà đầu tư phải đáp ứng thêm những điều kiện bổ sung/ hoặc thay đổi một số điều kiện mới được tiếp tục dự án đầu tư, điều này sẽ gây gián đoạn, trì trệ hoạt động đầu tư. Đồng thời, nếu áp dụng nguyên tắc hồi tố, sẽ khiến nhà đầu tư luôn trong tình trạng buộc phải đáp ứng liên tục các điều kiện đầu tư mới trong tình hình kinh tế - xã hội chính sách luôn thay đổi, đổi mới sẽ khiến nhà đầu tư hoạt động không hiệu quả, gây ra tình trạng tâm lí e ngại đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Sẽ bổ sung cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư sẽ bổ sung một số quy định nhằm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hướng bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối. Đánh giá về điểm mới này, Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng, việc thay đổi thủ tục này mang tính phù hợp cao với thực tiễn. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài thực chất là hoạt động chuyển dòng vốn của nhà đầu tư từ trong nước ra nước ngoài để tiến hành các hoạt động đầu tư, do đó sẽ phù hợp hơn nếu có cơ chế đăng kí hoạt động chuyển vốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế trên thì cần ban hành các quy định cụ thể cũng như các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Đình Hòa

Bạn đang đọc bài viết "2019: Những Dự Luật kinh tế quan trọng nào sẽ được sửa đổi?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin