(Pháp lý) - Nằm sau những dãy núi sừng sững ở độ cao 2.000m giữa trời, bản Mỹ Á - xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ là nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Phú Thọ, Sơn La và Yên Bái. Những năm qua, nhờ có Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân bản Mỹ Á đổi thay từng ngày, đồng bào đã cơ bản có đủ cơm ăn, áo mặc. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, có dịp lên các bản vùng cao ở Phú Thọ dễ thấy trên những triền núi cao, những cây đào phai đang đua nhau khoe sắc đón Xuân. Không khí xuân đang về thật gần trên mỗi nóc nhà, mỗi nẻo đường, góc phố. Trên khắp các bản làng vùng cao, nơi đâu cũng nhộn nhịp, rộn ràng vui đón chào xuân mới.
Bản Mỹ Á xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn Phú Thọ nằm ở vùng đất thung lũng sâu trong núi, hoang sơ, heo hút này gần như người ngoài ít có ai đặt chân đến bởi không có đường cho xe vào, ngoài một con đường mòn mảnh như “sợi chỉ” vắt ngang từng dãy núi, chỉ dành cho người cưỡi ngựa hoặc đi bộ. Cuộc sống tách biệt, khó khăn, nghèo đói bao trùm, kèm theo đó là những hủ tục lạc hậu, khiến cho người dân thêm phần cơ cực. Người Mông thường du canh du cư trên núi cao, cuộc sống khó khăn khiến họ phải loay hoay tìm kế sinh nhai, nay đây mai đó. Đi đến đâu họ lại phá rừng làm rẫy. Song, từ khi đất nước đổi mới, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, đời sống của bà con có những đổi thay đáng kể.
Mỹ Á hiện có 122 hộ với 740 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 68%. Là bản vùng cao Phú Thọ có đến , 99% cư dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Mỹ Á những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc, cuộc sống của người dân cũng ấm no, hạnh phúc hơn, nhất là khi Tết đến, Xuân về. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định; người dân thắt chặt tình đoàn kết, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và quy định của địa phương.
Mùa Xuân mới đang về. Cùng với niềm vui đón Xuân, năm nay người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn Mỹ Á có cuộc sống mới với nhiều niềm vui hơn. Mùa xuân đang đến với mỗi nhà bằng sự ấm áp, bình yên và đầy ắp tiếng cười, chất lượng cuộc sống dần được nâng cao, mang đến niềm vui đón Xuân thêm ý nghĩa hơn. Theo Trưởng bản Mùa A Chơ, từ ngày con đường nối “Ý Đảng, lòng dân” vào tận bản được Nhà nước đầu tư đã tạo thuận lợi cho người dân địa phương, nhất là trên 80% đồng bào dân tộc Mông nơi đây có điều kiện làm kinh tế, đặc biệt là phát triển kinh tế đồi rừng. Cùng với dự án đường giao thông nông thôn có trải nhựa nối quốc lộ 32C qua bản Mường Liên Chung đến bản Mông Mỹ Á, vòng qua bản Dao, bản Mường ở xóm Quẽ, xóm Cón rồi về trung tâm xã dài 13,7km với tổng kinh phí lên tới gần trăm tỷ đồng đã được khởi công sẽ giúp các mặt hàng nông sản của bản Mông được giao lưu với thị trường, những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống cũng chảy từ ngoài Thu Cúc hay Tân Phú vào với Mỹ Á, giúp đời sống bà con vùng cao dễ dàng hơn...
Có đường, người dân được tiếp thêm động lực làm kinh tế, nhất là kinh tế đồi rừng. Người dân Mỹ Á đã noi gương già làng, trưởng bản, chịu khó trồng rừng và coi đây là nguồn thu nhập chính. Ở Mỹ Á hiện có gần 100/117 hộ trồng rừng. Gia đình có đất thì trồng keo, bồ đề, gia đình nào không có đất thì liên kết trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn. Kết hợp với kinh tế rừng, người dân còn tích cực đắp bờ, ngăn nước làm ruộng cấy lúa. Trên diện tích 13ha, mỗi năm cấy 2 vụ lúa, bà con trong bản đủ lương thực ăn, không còn sợ lo đói cơm hoặc phải ăn độn sắn như trước đây. Không chỉ biết trồng rừng, cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, người Mông ở Mỹ Á còn chăn nuôi trâu, bò cùng nhiều lợn, gà, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chị Mùa Thị Pa nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Trước kia gia đình tôi du canh du cư, chỉ biết phá rừng, đốt nương trồng sắn. Nay được tuyên truyền, vận động, bà con đã hiểu được cách trồng lúa nước, cách trồng rừng để mang lại hiệu quả, có lương thực để ăn. Hiện nay gia đình tôi có 3 sào lúa, 3ha rừng nên không lo bị đói nữa”.
Ngoài đường giao thông, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng điểm lẻ trường tiểu học, mầm non và nhà văn hóa để các cháu đi học, người dân có nơi sinh hoạt. Cùng với cấy lúa 2 vụ trên diện tích 13ha, bà con còn tích cực trồng rau màu và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống; bà con đầu tư mua gần 30 máy cày, bừa cùng nhiều máy gặt tay để phục vụ sản xuất…
Đóng góp đáng kể vào sự đổi thay của Mỹ Á hôm nay, tiên phong đi đầu phải kể đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng tích cực. Đây là chủ trương đúng đắn thể hiện sự quan tâm của Chính phủ tới nông thôn, nông nghiệp, nông dân được đông đảo bà con phấn khởi đón nhận. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương đã tập trung phát triển kinh tế toàn diện theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại bản Mỹ Á, tiến tới xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi để đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới. Nhiều giải pháp mới được áp dụng nhằm phát triển kinh tế xã hội như hỗ trợ kỹ thuật canh tác trên nền đất dốc; đưa các loại giống có năng suất cao, chịu hạn và có thời gian sinh trưởng ngắn ngày vào thâm canh đã góp phần tăng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời đảm bảo bảo lương thực, ổn định đời sống.
Theo trưởng bản Mùa A Chơ cho biết có được cuộc sống ấm no cho bà con trong bản, chính quyền địa phương đã đầu tư phát triển sản xuất, hướng dẫn đồng bào khai hoang ruộng lúa nước và kiến thiết nương rẫy. Tiếp đến là xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào; ổn định sắp xếp dân cư, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng thôn bản văn hóa mới. Nhờ vậy, đến nay gia đình nào cũng có vườn, có ruộng, có rừng. Nhiều nhà đã trồng được từ 3-5ha quế, bồ đề, số lượng gia súc, gia cầm ngày càng tăng lên. Với đức tính cần cù, chịu khó, phụ nữ Mông vẫn duy trì nghề trồng lanh, dệt vải và tự thêu váy cho mình. Từng hoa văn trên váy thể hiện sự khéo tay của người phụ nữ, cho nét văn hóa đặc trưng của người Mông từ bao đời nay. Chiếc váy nào càng được chuẩn bị công phu, thêu đẹp và xòe rộng thì càng được các chàng trai để ý...
Theo tục lệ của bản làng, Tết của đồng bào Mông thường kéo dài trong nhiều ngày với những sinh hoạt cộng đồng đặc trưng như lễ hội gầu tào, lễ hội cơm mới... cùng nhiều trò chơi dân gian đã đi vào tiềm thức người dân như thổi khèn, ném quả vải, chơi quay, đẩy gậy, bắn cung... Trong những ngày Tết, nhà nào cũng có thịt lợn, thịt trâu. Nhà có điều kiện thì mổ một con, nhà không có điều kiện thì chung nhau với anh em, họ hàng để mua lợn về mổ... Với sự quan tâm của Nhà nước, Xuân này bản Mông vui hơn nhiều bởi kinh tế phát triển, nhiều hộ dân được hỗ trợ bò giống “Laisin” về phối giống nhân rộng đàn bò bản địa. Có sự hỗ trợ về giống cây, vật nuôi nên diện tích canh tác ngày càng được mở rộng, thu nhập ngày một khấm khá, nhiều hộ đã mua được tivi, xe máy...
Dưới những nếp nhà gỗ, chúng tôi dễ dàng thấy cảnh những người phụ nữ Mông đang thêu những chiếc xà cạp (yếm váy). Trang phục của người phụ nữ Mông có màu sắc sặc sỡ, hoa văn hài hòa và đính thêm những đồng bạc hoa xòe. Váy có nhiều nếp gấp, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa, rung rinh theo mỗi bước chân thiếu nữ tựa như những con bướm sặc sỡ giữa mênh mông núi rừng.
Xa xa cách con đường trải nhựa mềm mại nối dài từ quốc lộ 32C vào bản, những tiếng cười vang của các chàng trai, cô gái miền sơn cước đang hăng say tập luyện văn nghệ thu hút sự chú ý của người đi đường. Họ tập hát bài “Ơn Đảng” và “Xuân về bản Mông” để phục vụ bà con đón Xuân, vui Tết. Tiếng cười vang xa và niềm vui tươi thể hiện trên nét mặt những trai thanh, gái đẹp xua đi cái giá lạnh những ngày mùa đông ở bản vùng cao Phú Thọ. Tết của người Mông ngày nay cũng mổ lợn, thắp hương cúng Tổ tiên, cũng ngồi quây quần cùng gia đình bên mâm cỗ bên bếp lửa, chỉ khác, người Mông không gói bánh chưng mà giã bành dày. Bà con nơi đây thường lựa chọn loại gạo nếp mới, xôi chín vừa tới không nát, rồi đổ ra cối giã. Cối giã bánh phải làm bằng gỗ thịt, thớ mịn, có mùi thơm được khoét rỗng ruột. Công việc giã bánh thường đòi hỏi sức dẻo dai nên chủ yếu được giao cho người đàn ông – trụ cột trong gia đình.
Những ngày giáp Tết, hòa vang nhịp chày giã đều đều vọng lại từ mỗi mái nhà, cuộc sống như khơi sắc hòa cùng niềm vui nhân rộng đón Tết yên bình. Đón tết ở bản vùng cao này, nhà nào cũng có bánh dày để cúng ông bà tổ tiên, sau đó sẽ đem ra thết đãi khách đến chơi. Đồng bào dân tộc Mông ở bản Mỹ Á đang ngày càng hòa nhập với cuộc sống mới hiện đại hơn nhưng vẫn luôn giữ được nét độc đáo, bản sắc văn hóa riêng từ bao đời nay của dân tộc mình.
*
* *
Khi màn sương chiều tà đang dần xuống, sau lưng chúng tôi vẫn vang vọng tiếng suối chảy róc rách hòa cùng lời ca tiếng hát của trai gái trong bản ngân vang núi rừng. Trong cái giá lạnh mùa đông nơi vùng cao, chúng tôi vẫn cảm nhận sự lan tỏa ấm áp của bản làng vùng cao Mỹ Á, nơi đây cuộc sống đã ấm no, hạnh phúc ...kinh tế đang phát triển cùng sự thay đổi từng ngày, một mùa Xuân ấm áp đang tràn ngập khắp bản vùng cao như tín hiệu cho sự đổi thay của đồng bào dân tộc Mông - nơi lưng chừng núi, trập trùng đèo ở Phú Thọ hôm nay.
Chia tay bản làng vùng cao Mỹ Á khi buổi chiều đông đã ngả màu dưới mưa phù lất phất. Cái lạnh tê tái xen kẽ trong màu xanh của núi rừng như muốn níu giữ bước chân, tiếng cồng chiêng khi bổng khi trầm vang vọng khắp núi rừng khiến chân muốn bước chậm lại… Mặc dù quãng đường dài phía trước đã hiện ra trước mắt, nhưng chúng tôi lại thấy niềm vui dâng trào kỳ lạ. Chào đón mùa xuân, tạm gác lại những bộn bề lo toan thường nhật, bà con vùng cao Mỹ Á chuẩn bị đón Tết, một mùa xuân mới lại đến cùng sự ấm no, hạnh phúc và đoàn tụ đang gõ cửa từng nhà..
Bài và ảnh: Ngọc Lam