Xử lý TNHS pháp nhân thương mại : Những vấn đề cần lưu ý

(Pháp lý) - Trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là vấn đề mới, hết sức phức tạp, do vậy, để bảo đảm sự thận trọng trong việc quy định chính sách mới, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã xác định rõ giới hạn áp dụng chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo hướng thu hẹp cả về chủ thể lẫn về loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Đáng lưu ý, theo quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại (PNTM) chỉ phải chịu TNHS khi có đủ 04 điều kiện .

Loại tội phạm mới

BLHS năm 2015 lần đầu tiên quy định chế định TNHS của pháp nhân và được thể hiện tập trung tại Chương XI của Bộ luật. Đây là điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt. Chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS 2015 được quy định nhằm tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân gây ra.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm “ TNHS của pháp nhân thương mại theo  BLHS 2015”
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm “ TNHS của pháp nhân thương mại theo BLHS 2015”)

BLHS 2015 quy định PNTM chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh được liệt kê cụ thể tại Điều 76 của BLHS (chiếm tỷ lệ 9,87%). Các tội danh này đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường.

Nguyên tắc xử lý đối với PNTM phạm tội được xác định như sau: Mọi hành vi phạm tội do PNTM thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; (Mọi PNTM phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; Nghiêm trị PNTM phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Khoan hồng đối với PNTM tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra (Khoản 2 Điều 3 BLHS năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của BLHS năm 2015)

Về hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy định tại Điều 33 và Điều 46 của BLHS bao gồm 3 hình phạt chính: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; 3 hình phạt bổ sung: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính và 04 biện pháp tư pháp: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, thì theo Điều 76 BLHS 2015 quy định 33 tội mà PNTM phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự chủ yếu trong các lĩnh vực như: Lĩnh vực bảo vệ môi trường, lĩnh vực thuế, kinh doanh, thương mại; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội của PNTM được quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS 2015 cụ thể như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Cũng như đối với người phạm tội, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của BLHS năm 2015, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do PNTM gây ra, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS áp dụng đối với PNTM.

Các tình tiết giảm nhẹ TNHS đối với PNTM phạm tội bao gồm: Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm. Tuy nhiên, đối với PNTM, việc ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm có thể do PNTM hoặc lãnh đạo của PNTM thực hiện vì lợi ích của PNTM mình. Nếu lãnh đạo của PNTM cũng bị truy cứu TNHS thì tình tiết giảm nhẹ này là tình tiết giảm nhẹ “kép” vừa được áp dụng khi quyết định hình phạt đối với PNTM, vừa được áp dụng đối với người phạm tội của PNTM; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội…

Các tình tiết tăng nặng TNHS đối với PNTM phạm tội, bao gồm: Câu kết với PNTM khác để phạm tội. Tình tiết phạm tội này cũng tương tự như tình tiết phạm tội có tổ chức đối với người phạm tội, nhưng đối với PNTM thì hành vi phạm tội bao giờ cũng là hành vi có tổ chức nên không cần phải quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng TNHS. Tuy nhiên, hình thức phạm tội có tổ chức của PNTM ở tình tiết tăng nặng được mở rộng hơn, đó là “câu kết với PNTM khác để phạm tội”. Tình tiết có tính đặc thù chỉ đối với PNTM thương mại mới được bổ sung.

Và một số tình tiết tăng nặng khác như: Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng; phạm tội 2 lần trở lên; tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm…

Đáng lưu ý, BLHS 2015 cũng quy định rõ 04 điều kiện để một PNTM phải chịu trách nhiệm hình sự

BLHS 2015 quy định PNTM chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh được liệt kê cụ thể tại Điều 76 của BLHS (chiếm tỷ lệ 9,87%). Các tội danh này đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường.

Điều kiện để pháp nhân thương mại phải chịu TNHS

Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở chịu TNHS quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Điều 74 BLDS năm 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Điều 75 BLDS năm 2015 cũng quy định về pháp nhân thương mại, theo đó pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Như vậy, chỉ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận mới có thể là chủ thể của tội phạm.

Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp (ảnh minh họa))

Theo quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS khi có đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Việc thực hiện hành vi phạm tội này do các cá nhân trong pháp nhân thương mại thực hiện, nhân danh pháp nhân đó và mục đích là thu được lợi ích kinh tế, vật chất cho pháp nhân đó. Trong các quan hệ chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ nhân danh pháp nhân thương mại, sử dụng danh nghĩa, nguồn vốn, con dấu của pháp nhân và lợi ích thu được cũng thuộc về pháp nhân.

Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Tương tự như điều kiện trên, hành vi phạm tội của các chủ thể vi phạm phải hướng tới một mục đích nhất định của pháp nhân như lợi ích về kinh tế, tài chính,…Vì vậy, người đứng đầu pháp nhân (người đại diện theo pháp luật của pháp nhân) hoặc những người được cấp lãnh đạo của pháp nhân trực tiếp ủy quyền trực tiếp thực hiện tội phạm nhằm tối đa hóa lợi ích cho pháp nhân như trốn thuế, xả thải gây ô nhiễm môi trường nước, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước…thì pháp nhân phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật.

Quy định này cũng không loại bỏ việc cá nhân có hành vi vi phạm trong pháp nhân lại không bị truy cứu TNHS. Điều này có nghĩa là, đồng thời với việc pháp nhân bị truy cứu TNHS về một tội phạm cụ thể thì những cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân cũng phải chịu TNHS. Điều này không trái với nguyên tắc “không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” theo Điều 31 Hiến pháp năm 2013 vì trong trường hợp này, pháp nhân với những đặc điểm của mình đã trở thành một thực thể pháp lý có những quyền, nghĩa vụ độc lập với những cá nhân tham gia với tư cách là thành viên. Như vậy, pháp nhân và cá nhân khi thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm) và bị kết án thì sẽ được hiểu là hai chủ thể khác nhau.

Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Xuất phát từ việc hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân mà những hành vi phạm tội của pháp nhân chủ yếu do chính các quyết định, các kế hoạch, điều hành, quản lý của pháp nhân mà đứng đầu là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Yếu tố quản lý, điều hành mang tính quyết định và nếu không có những chỉ thị, quyết định này thì hành vi vi phạm có thể sẽ không được thực hiện.

Thứ tư, hành vi vi phạm chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS. Theo đó, thời hiệu truy cứu TNHS được quy định cụ thể tại Điều 27 BLHS năm 2015 như sau: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Một thực tế đặt ra cần có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng luật để xử lý trách nhiệm hình sự của PNTM , đó là cần làm rõ trách nhiệm đại diện pháp nhân của các tổ chức và cá nhân; trường hợp nào được miễn trách nhiệm hình sự; hay việc vi phạm mà pháp nhân đã khắc phục hậu quả thì sẽ xử lý ra sao…?

BLHS 2015 quy định rõ 04 điều kiện để một PNTM phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hà Trang

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin