Ngày 10/1, TAND Cấp cao tại Tp.HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ án liên quan đến bị cáo Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 8.800 tỷ của DAB (đại án DAB giai đoạn 2).
Phiên tòa được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt bị bị cáo Bình; Phùng Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty M&C và của nhiều bị cáo khác trong vụ án. Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo.
Để phục vụ xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm triệu tập đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Ba Son, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Vĩnh Thái cùng 12 đơn vị, cá nhân khác tham gia phiên tòa với tư cách người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.
Trước đó, hồi cuối tháng 11/2020, TAND Tp.HCM mở phiên xử sơ thẩm đối với Trần Phương Bình và 11 đồng phạm về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.
Sau nhiều ngày xét xử, tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình tù chung thân; Phùng Ngọc Khánh 18 năm tù giam; Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB 4 năm tù giam.
9 bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án thấp nhất là 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến cao nhất là 7 năm tù, cùng về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Về trách nhiệm dân sự, TAND Tp.HCM căn cứ mức độ thiệt hại, vai trò từng bị cáo, cá nhân, tổ chức liên quan để tính toán mức bồi thường.
Do trực tiếp chiếm đoạt hơn 75,6 tỷ đồng nên bị cáo Bình phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền trên cùng lãi suất phát sinh tính đến thời điểm cơ quan chức năng khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, HĐXX buộc bị cáo này bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng (gốc và lãi) từ hành vi lập chứng từ khống.
Bị cáo Phùng Ngọc Khánh bồi hoàn số tiền hơn 3.949 tỷ đồng đã gây thiệt hại cho DAB thông qua các khoản vay của nhóm M&C.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử tuyên buộc các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn trả nhiều khoản tiền lớn khác cho DAB như buộc bà Vũ Thị Liên và Công ty Tân Vạn Hưng hoàn trả hơn 1.857 tỷ đồng cho DAB,...
Đồng thời, cơ quan xét xử sơ thẩm tiếp tục làm rõ chủ sở hữu, kê biên, phong tỏa nhiều tài sản liên quan đến các khoản vay nhằm đảm bảo thu hồi tiền thiệt hại.
Án sơ thẩm xác định, Trần Phương Bình được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc DAB từ năm 1998. Trong giai đoạn từ năm 2007 - 2013, bị cáo Trần Phương Bình với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, đã chỉ đạo cấp dưới cho các nhóm khách hàng, gồm: Hiệp Phú Gia vay gần 3.140 tỷ đồng, Đồng Tiến vay 393 tỷ đồng, M&C vay 3.950 tỷ đồng.
Sau đó, nhóm khách hàng này không có khả năng trả nợ. Để che giấu tình trạng nợ xấu, bị cáo Bình chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng cơ cấu những khoản vay vàng đến hạn thành dư nợ tiền mặt.
DAB thông qua thủ tục cho cá nhân, tổ chức vay vàng, vay khoản tiền mới mà không cần tài sản đảm bảo. Đến hạn trả nợ, khách hàng tiếp tục không thể trả, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho ngân hàng.
Ngoài ra, Trần Phương Bình còn chỉ đạo thuộc cấp xuất quỹ chi sai nguyên tắc 75 tỷ đồng để trả nợ các khoản vay và sử dụng cá nhân.
Các hành vi sai trái mà bị cáo Bình và các đồng phạm gây ra đã làm thất thoát của DAB trên 8.800 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Phương Bình được xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo trong vụ án và những người liên quan thực hiện hành vi phạm tội, dẫn đến thiệt hại số tiền cực lớn của DAB.
Các hành vi trên là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015, lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
VKSND Tối cao cáo buộc bị cáo Trần Phương Bình là người chỉ đạo toàn bộ hoạt động cho vay, có bàn bạc với nhóm khách hàng lớn của DAB.
Sai phạm của bị cáo Bình và các đồng phạm mang tính hệ thống. Hậu quả từ sai phạm của bị cáo Bình và các đồng phạm vô cùng lớn, trong đó bị cáo Bình giữ vai trò cầm đầu.
Đối với bị cáo Phùng Ngọc Khánh, quá trình làm hồ sơ vay, giữa bị cáo Bình và Khánh có sự bàn bạc, thống nhất với nhau.
Bị cáo Khánh đã thế chấp tài sản đảm bảo không đủ điều kiện, vay tiền nhiều lần với mục đích đảo nợ tại DAB. Những khoản vay do nhóm khách hàng M&C đứng tên vay ở DAB không có khả năng tất toán khiến ngân hàng thiệt hại khoảng 3.600 tỷ đồng.
Những bị cáo từng là cán bộ, nhân viên DAB không tiếp xúc khách hàng, không thẩm định tài sản bảo đảm... trong quá trình duyệt, thông qua hồ sơ vay vốn, coi chỉ đạo của Trần Phương Bình trên cả quy định pháp luật.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/phuc-tham-vu-tran-phuong-binh-va-dong-pham-gay-thiet-hai-hon-8800-ty-a539613.html