Xây dựng và hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

22/08/2019 06:34

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Lê Thành Long, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, tổng kết thực hiện Nghị quyết 49 về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, Bộ Tư pháp đặc biệt coi trọng và đạt nhiều kết quả trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu CCTP; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự (THADS), hành chính; hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp…

 Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc)

Đối với Chỉ thị 33 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, Bộ Tư pháp đã quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, trong đó chủ trì, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Luật sư năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; thành lập Trung tâm liên kết đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế; chỉ đạo thẩm tra chặt chẽ việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, cấp, thu hồi giấy phép tổ chức, chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam… Trước diễn biến phức tạp trong hoạt động luật sư, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan kịp thời nắm bắt thông tin, có giải pháp ngăn ngừa các vấn đề phát sinh và có văn bản chỉ đạo giải quyết một số điểm “nóng”.

Về phương hướng công tác CCTP giai đoạn 2021–2030, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp – cơ quan giúp Chính phủ trong việc đề xuất các chính sách về CCTP, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan THADS, hành chính để tạo chuyển biến mạnh và bền vững trong công tác này; tiếp tục chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp với lộ trình và bước đi phù hợp; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp; kiểm soát chất lượng các dịch vụ pháp lý; hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý trong xã hội.

Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có khả năng thích ứng nhanh với những biến động của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn về pháp lý cho hội nhập quốc tế; thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác THADS, hành chính, hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác THADS do Quốc hội giao; tiếp tục hoàn thiện các định chế bổ trợ tư pháp, nâng cao chất lượng các dịch vụ luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá, thừa phát lại; đổi mới cơ chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng cán bộ; tiếp tục tham mưu cho Ban Bí thư chỉ đạo thường trực các tỉnh ủy, thành ủy tăng cường sự lãnh đạo đối với tổ chức và hoạt động của luật sư…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và nhận định tại Bộ Tư pháp hội tụ những chuyên gia hàng đầu - tinh hoa của nền tư pháp nước nhà nên bên cạnh việc tổng kết thì các ý kiến đóng góp cho mục tiêu, giải pháp tới đây là rất quan trọng. Bộ thực hiện nghiêm túc, bám sát tinh thần của Nghị quyết 49, Chỉ thị 33, công tác CCTP đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhất là nếu không có hai văn kiện này thì chất lượng công việc, đội ngũ cán bộ không cao được như hiện nay.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát hiện còn nhiều bất cập, còn rất nhiều việc chưa làm xong, thậm chí trong Nghị quyết 49 và Chỉ thị 33 có những kết luận chưa hợp lý, cần sửa đổi cũng như còn một số tồn tại, hạn chế trong THADS, tố tụng hành chính, luật sư, giám định tư pháp, đào tạo, quản lý các hội tư pháp, vấn đề nhận thức xã hội hóa và quan điểm về hoạt động bổ trợ tư pháp…

Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng ghi nhận các kiến nghị của Bộ Tư pháp; trong đó, đặc biệt lưu ý đến kiến nghị tích hợp những vấn đề liên quan từ xây dựng pháp luật, CCTP đến quản lý hoạt động luật sư, phổ biến giáo dục pháp luật, hợp tác pháp luật với nước ngoài vào một nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; cần tham mưu cho Trung ương theo hướng này để nâng tầm vấn đề đảm bảo thực hiện sau Đại hội XIII, đây là sáng kiến đáng ghi nhận.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/cong-tac-tu-phap/201908/xay-dung-va-hoan-thien-the-che-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-306354/

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng và hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin