Hôm qua (14/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng (dự án Luật). Qua thảo luận, thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để tránh quy định chồng chéo với các luật liên quan; đồng thời, xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong dự thảo Luật về an ninh mạng.
Cấp thiết trong tình hình hiện tại
Trình bày tờ trình dự án Luật, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tình hình an ninh mạng nước ta đang ngày càng diễn biến phức tạp. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, đồng thời thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng cũng như bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong quá trình soạn thảo dự án Luật đang có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật này chỉ nên tập trung vào an ninh quốc gia; tuy nhiên cũng có luồng ý kiến cho rằng Luật An ninh mạng không chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia mà phải bảo đảm được trật tự an toàn xã hội.
Do đó về vấn đề này, Chính phủ nhận định, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có thể được tiến hành không giới hạn về không gian, thời gian và có thể xảy ra trên mọi lĩnh vực.
Vì vậy, yêu cầu bảo vệ an ninh mạng cũng được đặt ra đối với mọi lĩnh vực, hoạt động mà không gian mạng đang bao phủ. Nếu bảo vệ an ninh mạng chỉ tập trung vào bảo vệ an ninh quốc gia sẽ bỏ sót nhiều đối tượng, mục tiêu, nội dung cần bảo vệ, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để tránh quy định chồng chéo với các luật khác liên quan. Đồng thời, cần xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong dự thảo Luật về an ninh mạng.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đặt vấn đề: “Chúng ta phải bảo vệ, phòng thủ trước. Tuy nhiên, hiện chúng ta sử dụng công nghệ thông tin chủ yếu trên hạ tầng của nước ngoài như Mỹ, Nga. Do đó chúng ta có thể làm chủ được khi có vấn đề về tấn công mạng xảy ra hay không?”.
Phải đảm bảo bình đẳng trong cạnh tranh
Cùng ngày, UBTVQH đã cho đã cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Trình bày Tờ trình tóm tắt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Dự thảo luật sửa đổi lần này đã mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng, theo đó, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, còn có “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”, trong đó bao gồm cả cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh băn khoăn, trong Điều 7 của dự thảo chưa thấy quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, nhưng trong tất cả các chương còn lại thì nhắc đến cơ quan này rất nhiều. “Vậy cơ quan này là ai mà nhiệm vụ, quyền hạn lại nhiều đến thế? Với địa vị pháp lý là cơ quan hành chính bán tư pháp, nhưng nhiều quyền hành như vậy thì có phù hợp hay không?”- bà Anh đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cơ quan soạn thảo chỉ khi sửa Luật Cạnh tranh theo hướng xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với Bộ chủ quản mới hy vọng bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng hiện lại sửa đổi Luật theo hướng cơ quan chủ quản trở thành Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, tức là Cục Quản lý cạnh tranh trở thành cơ quan tố tụng, cần hết sức cân nhắc. Bởi khi cơ quan chủ quản lại quản lý một số doanh nghiệp lớn sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm, sân sau, bắt tay “kinh tế ngầm”.
Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ đã có văn bản đóng góp ý kiến; đặc biệt phiên họp của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật trong tháng 8 vừa rồi đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ và khẳng định không lập cơ quan này thuộc Chính phủ. Các quy định của Bộ Chính trị hiện quy định chấm dứt việc quy định tổ chức bộ máy, biên chế trong văn bản quy phạm pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Trong trường hợp khác phải xin ý kiến Bộ Chính trị.
Góp ý vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vấn đề này. Theo bà, việc sửa luật là cần thiết và đồng ý mở rộng phạm vi để hoàn thiện thể chế cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch. Tuy nhiên, liên quan đến mô hình tổ chức bộ máy phải quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Theo Bao Phapluat