Vụ Việt Á: 'Có hiện tượng nhiều lực lượng, nhiều nhóm lợi ích bắt tay với nhau'

Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua là rất quyết liệt, nhưng vì sao giữa đại dịch vẫn xảy ra vụ Việt Á? Vấn đề này Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đặt ra trong phiên họp sáng nay.

Sáng 20-1, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã họp phiên thứ 21, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là Trưởng ban  Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng.

Được tổ chức vào thời điểm đầu năm mới, phiên họp 21 có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác năm 2021 và cho ý kiến về chương trình công tác năm 2022. Buổi chiều cùng ngày, Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã họp báo giới thiệu kết quả phiên họp.

3-1642730343.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì phiên họp thứ 21. Đây là phiên họp thường kỳ, được tổ chức 1 tháng/lần. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương.

Theo đó, Ban Chỉ đạo đánh giá công tác PCTNTC trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đáp ứng được các yêu cầu mang tính nguyên tắc, cốt lõi.
Cụ thể, ở nguyên tắc phòng ngừa là biện pháp lâu dài, công tác hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế Đảng lãnh đạo đã được triển khai mạnh mẽ. Số lượng văn bản, quy định được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành bao quát các vấn đề lớn, hệ trọng là minh chứng cụ thể.

Cùng với đó, năm 2021 tiếp tục khẳng định nguyên tắc chống tham nhũng, tiêu cực là tập trung, là cấp bách. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, thông qua cơ chế chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đã được hình thành, đi vào nề nếp những năm qua, nay tiếp tục phát huy hiệu quả. Số lượng các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý, công bố công khai kết quả cho thấy rõ kết quả ấy.

“Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói là những năm qua, có những vụ án mà quá trình xử lý tưởng như phải dừng lại, nhưng cuối cùng đã được thúc đấy đến tận cùng bản chất” – Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông tin tại cuộc họp báo.

“Chẳng hạn như phần đưa, nhận hối lộ trong vụ án Phan Văn Anh Vũ. Chứng minh tội phạm rất khó, nhưng cuối cùng đã đủ chứng cứ để buộc tội. Ra tòa, các bị cáo đã khai nhận thành khẩn. Rồi vụ VN Pharma cũng vậy, ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật ban đầu cũng có ý kiến khác nhau về xử lý đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế. Nhưng cuối cuối cùng cũng đi đến khởi tố điều tra” – ông Học nêu ví dụ.

Ban Chỉ đạo đã đánh giá nguyên nhân của các kết quả tích cực này. Theo đó, điều đầu tiên mà nhiều thành viên Ban Chỉ đạo đồng tình là vai trò quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Có đồng chí bày tỏ là PCTNTC nhiều áp lực, khó khăn, nhưng cứ nhìn vào Tổng Bí thư để lấy động lực, quyết tâm vượt qua” – ông Học thông tin về diễn biến phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo.

Vai trò của Tổng Bí thư trong công tác PCTNTC cũng chính là vai trò lãnh đạo của Đảng. Bởi không chỉ Tổng Bí thư mà ngay cả Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, rồi Thường trực Ban Bí thư – trong các cuộc họp định kỹ mỗi tháng một lần để đánh giá tình hình đất nước, luôn có một  nội dung về công tác PCTNTC.

Sự lãnh đạo trực tiếp, quyết liệt ấy của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước là nhân tố quyết định tạo nên kết quả PCTNTC những năm vừa qua, cũng như năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội XIII.

31-1642730343.jpg
Hai Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, gồm ông Trần Quốc Cường (ngồi) và ông Nguyễn Thái Học (đứng) chủ trì phiên họp báo. Ảnh: Nghĩa Nhân.

Tuy nhiên, với vụ án Việt Á vừa xảy ra, Nhân dân cũng đặt câu hỏi là tại sao “lò” nóng như vậy mà tham nhũng nghiêm trọng vẫn xảy ra? Đây cũng là vấn đề được Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC bàn tới trong phiên họp này.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng một số thành viên Ban Chỉ đạo cũng đặt vấn đề như vậy và các ý kiến thảo luận cũng phân tích làm rõ” – ông Nguyễn Thái Học cho biết.

Theo đó, Ban Chỉ  đạo đánh giá tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng. Đội ngũ cán bộ quản lý vẫn còn một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất. Như vụ Việt Á, người làm công tác khoa học, người làm công tác quản lý có sự móc ngoặc. Sự việc cho thấy ở đây không còn là tham nhũng đơn lẻ, mà có hiện tượng nhiều lực lượng, nhiều nhóm lợi ích bắt tay với nhau.

Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành không say sưa với chiến thắng, không chủ quan thỏa mãn, mà phải tiếp tục khẳng định PCTNTC là lâu dài, không ngừng, không nghỉ. Với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC thì từng thành viên phải gương mẫu, không chỉ riêng mình mà cả người thân. “Đã ngồi vào Ban Chỉ đạo thì phải vô tư, khách quan, trong sáng thì mới chỉ đạo được” – ông Học dẫn ý kiến kết luận phiên họp 21 của Ban Chỉ đạo.

Đây là lần thứ hai Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC tổ chức họp báo thông tin kết quả phiên họp của Ban Chỉ đạo. Đây có thể coi là nét mới trong hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Tin từ Ban Nội chính Trung ương cho biết, nếu các cuộc họp báo này phát huy hiệu quả tích cực thì hình thức thông tin này sẽ dần trở nên thường lệ và sẽ có nhiều thông tin được công bố hơn qua các cuộc họp như thế này.

Theo plo.vn

Nguồn bài viết: https://plo.vn/thoi-su/vu-viet-a-co-hien-tuong-nhieu-luc-luong-nhieu-nhom-loi-ich-bat-tay-voi-nhau-1040138.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin