Pháp luật qui định thế nào về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ?

(Pháp lý) - Theo kết luận điều tra, trong vụ án xảy ra tại Công ty Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương , căn cứ dữ liệu thu thập được từ các mạng viễn thông, xác định có sự liên lạc giữa Đinh La Thăng ( cựu Bộ trưởng Bộ GTVT), Đinh Ngọc Hệ ( Giám đốc Cty Yên Khánh), Dương Tuấn Minh ( Tổng GĐ Cty Cửu Long). Trong đó, ông Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ có liên lạc trao đổi với nhau tổng cộng 72 cuộc gọi và 35 tin nhắn tại các thời điểm khác nhau; ông Thăng và Dương Tuấn Minh có liên lạc trao đổi với nhau 3 cuộc gọi trong tháng 2/2012 .

Nhiều độc giả thắc mắc, phải chăng cơ quan điều tra đã căn cứ vào các cuộc gọi, tin nhắn giữa các đối tượng trên làm căn cứ để kết luận về các mối quan hệ “khăng khít, giúp sức” giữa các đối tượng và là một trong những nguồn chứng cứ để chứng minh tội phạm? Đây có phải là một trong các biên pháp điều tra tố tụng đặc biệt ? Pháp luật qui định thế nào về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ?

Ông Đinh La Thăng “ giúp sức” cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt 725 tỉ đồng

Ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Theo đó, cơ quan điều tra đã chuyển kết luận sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố các bị can Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT; Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) cùng 17 bị can khác.

Theo kết luận điều tra, với vai trò Bộ trưởng là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương tại Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí.

Ông Đinh La Thăng nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn. Tuy nhiên, tháng 2/2012, sau khi được Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Đinh La Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh chỉ đạo công ty của Út “trọc” là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.

Quá trình tổ chức bán đấu giá, Đinh La Thăng ký quyết định về việc thành lập hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và tổ thường trực giúp việc hội đồng giao ông Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động xây dựng, hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM- Trung Lương tại Bộ GTVT do ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng trực tiếp phụ trách và phải báo cáo các việc liên quan cho ông Đinh La Thăng biết.

Thông qua việc báo cáo, ông Đinh La Thăng biết toàn bộ hoạt động triển khai xây dựng đề án, kết quả đấu giá quyền thu phí được thực hiện không đúng quy định của pháp luật để cho công ty của Út “trọc” trúng đấu giá, phù hợp với ý định giới thiệu ban đầu của ông Thăng. Đồng thời, ông Đinh La Thăng biết việc công ty Yên Khánh kéo dài, không thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời hạn, vi phạm quy chế bán đấu giá và hợp đồng, phải bị chấm dứt trước thời hạn. Khi biết sự việc trên ông Đinh La Thăng không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng mà còn yêu cầu cấp dưới để doanh nghiệp trả từ từ.

Bên cạnh đó, ông Đinh La Thăng còn bút phê đồng ý đề xuất của công ty Yên Khánh (công ty của Út “trọc” làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm và đề nghị chông công ty Yên Khánh cấn trừ vào số tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí dẫn đến công ty Yên Khánh tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định, hưởng lợi.

Từ hành vi sai phạm của mình, ông Đinh La Thăng đã “giúp sức” cho Út “trọc” chiếm đoạt số tiền 725,3 tỷ đồng

Đinh Ngọc Hệ gọi điện, nhắn tin hơn 100 cuộc với ông Đinh La Thăng

Kết luận điều tra còn cho thấy, ông Đinh La Thăng đã nhiều lần gọi điện cho Tổng giám đốc tổng Công ty Cửu Long giới thiệu để "Út trọc" đến làm việc, đề nghị tham gia đấu giá thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Giữa Út trọc và ông Đinh La Thăng đã gọi điện trao đổi hơn 72 cuộc và 35 tin nhắn…

Đinh Ngọc Hệ (tức "Út trọc") tại một phiên tòa.

Cụ thể, theo kết luận điều tra, tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Bộ GTVT về việc chuyến giao quyền thu phí tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Trung Lưong, thông qua mối quan hệ quen biết, “Út trọc” đã nhờ ông Đinh La Thăng gọi điện cho Dương Tuấn Minh (Tổng Giám đốc tổng công ty Cửu Long) để giới thiệu và đề nghị Minh sắp xếp thời gian làm việc với “Út trọc”.

Sau khi được ông Thăng giới thiệu, “Út trọc” điện thoại cho Dương Tuấn Minh xin gặp song ông Minh hẹn “Út trọc” sang tuần sẽ sắp xếp lịch làm việc. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng đã điện thoại lại cho ông Minh, yêu cầu bố trí lịch làm việc cụ thể và chuyến máy cho “Út trọc” trực tiếp trao đổi với ông Minh.

Sau đó, “Út trọc” đã cùng Phạm Văn Diệt đến phòng làm việc của ông Minh hai lần để trao đổi và đề nghị hỗ trợ các công việc liên quan, trong đó có đề nghị cho Công ty Yên Khánh được tham gia đấu giá quyền thu phí tuyến cao tôc TP. Hồ Chí Minh- Trung Lương.

Cũng theo kết luận điều tra, căn cứ dữ liệu thu thập được từ các mạng viễn thông, xác định có sự liên lạc giữa Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ, Dương Tuấn Minh. Trong đó, ông Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ có liên lạc trao đổi với nhau tổng cộng 72 cuộc gọi và 35 tin nhắn tại các thời điểm khác nhau; ông Thăng và Dương Tuấn Minh có liên lạc trao đổi với nhau 3 cuộc gọi trong tháng 2/2012 .

Đáng chú ý, quá trình điều tra, bị can Dương Tuấn Minh khai sau khi trúng thầu thu phí, Công ty Yên Khánh liên tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán nhưng Tổng Công ty Cửu Long không đề nghị sớm chấm dứt trước hạn hợp đồng là do Minh biết Đinh Ngọc Hệ có quan hệ thân thiết với ông Đinh La Thăng. Bị can này còn cho biết từng bị ông Thăng mắng vì yêu cầu Công ty Yên Khánh thanh toán đúng theo hợp đồng.

Với những tình tiết trên của vụ án, nhiều độc giả thắc mắc, phải chăng cơ quan điều tra đã căn cứ vào các cuộc gọi, tin nhắn giữa các đối tượng trên làm căn cứ để kết luận về các mối quan hệ “khăng khít, giúp sức” giữa các đối tượng và là một trong những căn cứ để chứng minh tội phạm? Đây có phải là một trong các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ?

Theo đánh giá của một chuyên gia luật, nhiều khả năng trong vụ án này, cơ quan điều tra có thể đã sử dụng một trong các biện pháp điều tra đặc biệt đã được Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015 cho phép

Pháp luật qui định thế nào về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ?

Các nội dung về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đã được Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) năm 2015 lần đầu tiên quy định tại Chương XVI, từ Điều 223 đến Điều 228.

Trước khi thông qua Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) 2015, pháp luật Việt Nam cũng có quy định trong một số luật chuyên ngành cho phép áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với một số loại tội là các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm ma túy. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu lực pháp lý thì các biện pháp điều tra đặc biệt phải được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.

Việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật tố tụng hình sự lần này là cần thiết, nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”; tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, xác định đối tượng tình nghi phạm tội trong quá trình điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng và để tránh nhầm lẫn thì không nên quy định cả biện pháp nghiệp vụ trinh sát thông thường là biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; tạo cơ sở pháp lý để thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm hiện nay, mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm.

Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, quá trình điều tra theo luật hiện hành tỏ ra không thật hiệu quả, nhất là đối với một số loại tội phạm như tham nhũng. Tham nhũng rất nhiều nhưng phát hiện, xử lý được rất ít, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Lý do có lẽ cũng do thiếu thiết chế đặc thù để phát hiện, thu thập chứng cứ đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng. Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ qua các biện pháp như ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử,… có thể nói trong nhiều trường hợp, đây là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm trực tiếp. Trước đây, các biện pháp này không quy định trong luật thì phải tiến hành thủ tục chuyển hóa chứng cứ, trong nhiều trường hợp thì không thể chuyển hóa được và như vậy đã từ chối một nguồn chứng cứ hết sức thuyết phục, thậm chí người phạm tội phải tâm phục, khẩu phục ngay.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là nguồn chứng cứ rất quý để chứng minh tội phạm. Qua đánh giá không đầy đủ, thì các biện pháp điều tra đặc biệt rất có hiệu quả trong việc thu thập thông tin, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại một số quốc gia. Việc áp dụng các biện pháp này cũng giúp xử lý “sớm” hành vi có dấu hiệu tham nhũng và giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có được thông tin và chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, tạm giữ, kê biên để thu hồi tài sản tham nhũng.

Từ yêu cầu thực tế phòng chống tội phạm tham nhũng của VN và kinh nghiệm thế giới, cơ quan lập pháp đã bổ sung, luật hoá các biện pháp điều tra đặc biệt . Cụ thể các biện pháp đặc biệt này đã được luật hoá trong Bộ luật tố tụng hình sự ( sửa đổi) năm 2015. Theo đó, Luật qui định có 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm: (1) Ghi âm, ghi hình bí mật; (2) Nghe điện thoại bí mật; và (3) Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Các nội dung cơ bản của biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) năm 2015 được qui định như sau:

- Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm: (1) Ghi âm, ghi hình bí mật; (2) Nghe điện thoại bí mật; và (3) Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

-Về thời điểm áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: có thể được áp dụng sau khi khởi tố vụ án;

- Các loại tội có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: (1) Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; và (2) Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Thẩm quyền quyết định áp dụng: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

- Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật này.

- Sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Và các thông tin, tài liệu này có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

Lê Phúc – Văn Thư

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin