Ban hành kết luận thanh tra nếu sai thực tế sẽ bị xử lý thế nào?

25/09/2020 09:15

(Pháp lý) - Liên quan đến việc sử dụng ngân sách, mua độc quyền ( không qua đấu thầu) chế phẩm RedOxy-3C để xử lý ô nhiễm nước tại Hà Nội, trước khi Bộ Công an khởi tố vụ án, Thanh tra thành phố Hà Nội đã thực hiện thanh tra toàn diện việc mua bán, sử dụng chế phẩm này theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, ngoài việc quá thời gian công bố kết luận thanh tra, cơ quan Thanh tra của Hà Nội còn ban hành hai kết luận thanh tra không giống nhau về cùng một vấn đề thanh tra, trong một thời gian ngắn, khiến dư luật đặt nghi vấn có bất thường về kết luận thanh tra.

Vấn đề này tới đây chắc cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ. Trong phạm vi bài viết này, PV Pháp lý sẽ cùng chuyên gia phân tích các khía cạnh pháp lý nếu có việc ban hành kết luận thanh tra theo chỉ đạo và kết luận thanh tra sai thực tế

Hà Nội đã mua độc quyền ( không qua đấu thầu) hơn 400 tấn chế phẩm RedOxy-3C để xử lý ô nhiễm nước hồ trên địa bàn thành phố.

Bất thường trong thay đổi kết luân thanh tra…

Xung quanh viêc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội mua đôc quyền chế phẩm RedOxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ nước trên đia bàn TP. Hà Nôi, ngày 31/5/2019, Chánh Thanh tra TP.Hà Nội có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra việc mua sắm, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C. Việc thanh tra toàn diện việc mua bán, sử dụng chế phẩm RedOxy-3C đươc thưc hiên theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.

Ngày 12/2/2020, Thanh tra Hà Nội ban hành Kết luận thanh tra số 555 về việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm RedOxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, sau khi có kết quả thử nghiệm bước đầu và trong khi tổ công tác chưa có báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm đối với 3 hồ (Hố Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát), UBND thành phố chưa có văn bản cho phép nhân rộng, thì ngày 26/9/2016, Công ty Thoát nước Hà Nội có văn bản gửi Sở Tài chính, Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội đề nghị mua 141 tấn chế phẩm RedOxy-3C (20 tấn bằng đường hàng không và 121 tấn bằng đường biển) để xử lý ô nhiễm 81 hồ nội thành.

Theo Kết luận thanh tra, việc làm này là nóng vội. Mặc dù đến ngày 31/10/2016 (sau khi tổ công tác có báo cáo đánh giá, UBND thành phố có văn bản chấp thuận cho nhân rộng), Công ty Thoát nước mới thực hiện ký hợp đồng mua chế phẩm RedOxy-3C nhưng thiếu sót này thuộc trách nhiệm của ông Võ Tiến Hùng - Giám đốc Công ty Thoát nước (người ký văn bản). Bên cạnh đó, Sở Tài chính và liên ngành đã có nhiều văn bản đề nghị Công ty Thoát nước đàm phán, thỏa thuận ký hợp đồng mua 141 tấn chế phẩm RedOxy-3C là chưa thận trọng. Thiếu sót này thuộc Ban Giá (Sở Tài chính), người ký là một Phó Giám đốc Sở Tài chính (nay đã nghỉ hưu).

Ngoài ra, tại kết luận số 555, Thanh tra thành phố Hà Nội cũng cho rằng, liên quan đến một số tồn tại, hạn chế còn có trách nhiệm của Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Ban Duy tu và người đứng đầu Sở Xây dựng thời điểm đó. Từ những vấn đề trên, tại Kết luận 555, Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố giao Sở Tài chính thông báo đến nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính rút kinh nghiệm; Giám đốc Sở Tài chính, Sở Xây dựng tổ chức rút kinh nghiệm đối với các phòng, ban trực thuộc về tồn tại đã nêu.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chỉ 14 ngày sau khi Kết luận thanh tra số 555 được ban hành, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy lại ký ban hành Kết luận thanh tra số 794, ngày 26/2/2020, thay thế Kết luận số 555? Ở Kết luận 794, những vấn đề tồn tại được chỉ rõ ở kết luận số 555 đã “biến mất”. Thay vào đó, Kết luận số 794 chỉ nêu ra thực trạng xử lý ô nhiễm ở các hồ trên địa bàn, đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối chế phẩm RedOxy-3C, quá trình thử nghiệm, mua chế phẩm về quản lý, sử dụng… còn toàn bộ phần nội dung đánh giá về “thiếu sót, trách nhiệm” bị cắt bỏ hoàn toàn. Trong đó có những nội dung về thiếu sót của ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, của Sở Tài chính, Sở Xây dựng đều đã được hủy bỏ.

Kết luân Thanh tra sai thực tế sẽ bị xử lý thế nào?

Việc khởi tố ông Võ Tiến Hùng là diễn biến mới trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan. Và trước khi vụ án được khởi tố thì một vấn đề cũng được dư luận quan tâm là có hay không sự can thiệp làm thay đổi Kết luân thanh tra nhằm chạy tội hoăc bao che cho những sai phạm tại Tổng Cty TNHH Thoát nước Hà Nội.

Chúng ta đều biết kết luận thanh tra là một văn bản hành chính và đươc quy định rõ khi kết luận thanh tra phải có các nội dung: Thứ nhất là đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra; Thứ hai phải có kết luận về nội dung thanh tra; Thứ ba phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; Thứ tư là phải có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị biện pháp xử lý.

Khi cơ quan hành chính thấy văn bản đó không phù hợp thì có thể ra một văn bản khác thay thế. Tuy nhiên, đối với vụ việc nêu trên của TP Hà Nội, kết luận thanh tra trước thì nói có sai phạm, dù sai phạm này chỉ mang tính thủ tục, chưa hẳn là đúng với bản chất sự việc mà Bộ Công an đang điều tra, nhưng việc kết luận sau cắt bỏ toàn bộ phần sai phạm đó là những điều bất thường cần phải làm rõ.

Theo quy định pháp luật về thanh tra, chánh thanh tra là người ra quyết định thanh tra cũng như kết luận thanh tra, phải chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật và không có quy định nào phải xin ý kiến người đứng đầu để ra kết luận thanh tra. Như câu chuyện ở Hà Nội, dư luận đặt câu hỏi có hay không việc thanh tra bị can thiệp hay bị chỉ đạo để kết luận không đúng bản chất là có cơ sở.

Tuy nhiên, Điều 50 Luật thanh tra quy đinh: “Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là người ra quyết định thanh tra thì kết luận thanh tra còn phải được gửi cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp”. Như vậy chúng ta sẽ thấy có “vấn đề” khi thanh tra liên quan đến “người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp”, nó có thể tác động đến báo cáo và kết luận thanh tra. Và câu chuyện can thiệp vào kết luận thanh tra hoặc thay đổi kết luận thanh tra theo dư luận là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhóm phóng viên Pháp Lý khi nghiên cứu các qui định của pháp luật có liên quan và kết nối với vụ việc trên, có mấy ý kiến sau: Khi thanh tra mà không phát hiện vi phạm thì đó là “trách nhiệm” cán bộ thanh tra. Nếu hồ sơ thủ tục đúng mà họ không phát hiện thì không sao, nhưng nếu hồ sơ, thủ tục của đối tượng thanh tra có sai phạm mà họ kết luận không phát hiện sai phạm thì Thanh tra sẽ phải chịu trách nhiệm, khi đó giải quyết theo Điều 42 Luật thanh tra. Trong trường hợp Báo cáo thanh tra đúng với các phát hiện nhưng kết luận thanh tra lại sai hoặc không phù hợp Báo cáo thanh tra thì lỗi của người ra Kết luận thanh tra là Chánh thanh tra.

Ngoài ra, điều 42 Luât thanh tra về xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra. ..qui định rõ: Trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra mà không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra ….thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Ban hành kết luận thanh tra nếu sai thực tế sẽ bị xử lý thế nào?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin