Bị cáo Phạm Thanh Hải bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xử phạt mức án tù chung thân. Tuy nhiên, điều bất ngờ là nhiều nhà đầu tư, là bị hại trong vụ án, cử Ban đại diện đi kêu oan cho bị cáo. Họ cho rằng họ không bị lừa đảo, không bị chiếm đoạt tài sản.
Kết án lừa đảo
Theo Bản án số 186/2018/HS-ST của TAND Tp Hà Nội, Công ty cổ phần Thương mại và phát triển công nghệ Quốc tế (Công ty IDT) là công ty cổ phần, được thành lập và hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103016055 do Sở Kế hoạch - Đầu tư Tp Hà Nội cấp ngày 13 /3 /2007, thay đổi lần thứ 11 ngày 24 /12 /2014. Hoạt động chính của Công ty bao gồm: Dịch vụ hỗ trợ giáo dục; Hoạt động tư vấn quản lý; Sản xuất bán buôn và bán lẻ thực phẩm; Bán buôn hóa chất công nghiệp; Dịch vụ tổ chức hội thảo, hội nghị. Trụ sở chính của Công ty đặt tại Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội. Địa điểm kinh doanh tại tầng 20 tòa nhà Charm Vit, 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội. Phạm Thanh Hải là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Ngày 19 /10/2015 tổ công tác gồm Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội và Phòng An ninh tài chính tiền tệ đầu tư Công an Hà Nội, trong quá trình làm việc tại tòa nhà Charm Vit đã phát hiện tại tầng 20, đã diễn ra việc ký hợp đồng và giao nộp số tiền lớn của một số cá nhân cho Công ty IDT. Trong đó, ông Đinh Trung Nghĩa địa chỉ Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội là bên A, ký hợp đồng với ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc IDT là bên B, với nội dung bên A ký hợp đồng về việc cùng góp vốn với bên B để đầu tư vào các dự án của công ty. Số tiền góp vốn là 500 triệu đồng; ông Hà Minh Thiện ở Nam Thượng, Kim Bôi. Hòa Bình ký kết hợp đồng tương tự, góp vốn với bên B là 100 triệu đồng. Tổ công tác đã phát hiện 4 hợp đồng 4 phiếu thu, 2 phiếu chi đứng tên ông Đinh Trung Nghĩa và ông Hà Minh Thiện. Trên các hợp đồng có chữ ký của ông Phạm Thanh Hải và dấu Công ty.
[caption id="attachment_206152" align="aligncenter" width="410"]
Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên tòa sơ thẩm[/caption]
Qua kiểm tra sơ bộ xác định, trong Giấy phép đăng ký kinh doanh không có nội dung huy động vốn, hoạt động tín dụng, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Phạm Thanh Hải và lập biên bản tạm giữ tổng số tiền 480.000.000 đ và đồ vật tài liệu liên quan đến sự việc trên.
Quá trình điều tra xác định, sau khi thành lập Công ty IDT hoạt động kinh doanh trên mạng internet, từ năm 2008 Phạm Thanh Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân. Mặc dù huy động vốn cho cá nhân nhưng tất cả các hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư biết và góp vốn cho Hải đều được thực hiện thông qua Công ty với danh nghĩa Công ty và tại trụ sở Công ty. Hải đã tổ chức hội thảo, thành lập trang mạng xã hội hoclamgiau.vn.
Là Tiến sĩ Vật lý, Hải giới thiệu bản thân có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô. Công ty IDT do Hải làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “tỷ đô”. Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng 40 đến 50%/năm, cắt lãi lại ngay sau khi nộp tiền (mặc dù chưa có hoạt động kinh doanh) đồng thời khuyến khích được mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2 đến 10% tiền thưởng kết nối môi giới trong mỗi hợp đồng mới. Hải chỉ đạo một số nhân viên kế toán công ty soạn thảo ký kết hợp đồng thu chi, kiểm đếm tiền giúp Hải. Hải đưa ra các hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư với nội dung bên A là các nhà đầu tư, bên B là Phạm Thanh Hải… để đầu tư vào các dự án của Công ty IDT, Công ty cổ phần đầu tư phát triển mắc ca Maccadamia Quốc tế ( Công ty IDMA).
Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ tháng 10/ 2014 đến tháng 10/ 2015, Phạm Thanh Hải đã huy động được số tiền rất lớn từ các nhà đầu tư. Sau khi có tiền, Hải sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân. Hải chỉ sử dụng một phần số tiền huy động được để góp vốn với danh nghĩa cá nhân vào một số công ty dự án. Kết quả điều tra xác minh các dự án đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi cao như Hải hứa hẹn với các nhà đầu tư và đều không phải là dự án của Công ty IDT như Hải đã cam kết trong hợp đồng với các nhà đầu tư.
Căn cứ tài liệu đến nay thu thập được, xác định từ tháng 10/ 2014 đến tháng 10 /2015, Hải đã thu tiền và sử dụng tiền của 2574 nhà đầu tư với tổng số 8303 hợp đồng, trị giá theo phiếu thu trên 2725 tỷ đồng; tổng số tiền chi thưởng kết nối là trên 40 tỷ đồng, tổng số tiền chi phí khác là trên 55 tỷ đồng, tổng số tiền Hải góp vốn đầu tư vào công ty dự án là 114 tỷ đồng.
Bản án cho rằng: Sau khi huy động vốn, tất cả các hoạt động sử dụng nguồn tiền những người cho vay đều trái thỏa thuận trong hợp đồng. Mặc dù vậy Phạm Thanh Hải không thông báo cho các nhà đầu tư biết mà tự cho mình được quyền đó là tiền của mình, mình thích làm gì là việc của mình. Như vậy hành vi chiếm đoạt của Phạm Thanh Hải đã hoàn thành từ lúc nhận tiền.
HĐXX sơ thẩm TAND tp Hà Nội đã tuyên bố bị cáo Phạm Thanh Hải phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị xử phạt mức án tù chung thân và buộc bị cáo phải bồi thường hoàn trả lại ngay số tiền cho những người bị hại có danh sách yêu cầu cụ thể là 506 người, với tổng số tiền trên 386 tỷ đồng…
Những nội dung cần làm rõ
Điều đáng quan tâm là khác với những vụ án lừa đảo khác, trong vụ án này là các nhà đầu tư, được xác định là bị hại trong vụ án gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền và báo chí kêu oan cho bị cáo Phạm Thanh Hải.
Trong lá đơn kêu cứu khẩn thiết của ban đại diện cho nhiều nhà đầu tư trong vụ án Phạm Thanh Hải, gồm ông Lê Hồng Cải (1953, thương binh ¼) ở thôn Đại Vỹ, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội; bà Trần Thị Thanh Tâm (1963) ở 32 ngách 6/15 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội; ông Lê Văn Bàn (1956) ở khu đô thị Văn Phú,Hà Đông, Hà Nội và ông Dương Văn Khoa (1944) ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm Hà Nội, nêu quan điểm, họ là những người cựu chiến binh, thương binh, cán bộ từng công tác và làm việc trong các cơ quan nhà nước, đã nghỉ hưu và cũng là nhà đầu tư góp vốn cho Tiến sĩ doanh nhân Phạm Thanh Hải – Công ty IDT. Sau khi TAND Tp Hà Nội kết án chung thân bị cáo Phạm Thanh Hải với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, họ cho rằng bản án chưa khách quan.
[caption id="attachment_206153" align="alignleft" width="410"] Phạm Thanh Hải khi chưa bị khởi tố[/caption]
Sau khi có bản án sơ thẩm những nhà đầu tư này tiếp tục có đơn gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí. Theo họ, cho đến ngày bắt giam ông Phan Thanh Hải chưa chiếm đoạt của bất kỳ ai, tất cả các hợp đồng đến hạn đều được thanh toán đầy đủ. Điều này có thể xác minh qua các hợp đồng mà ông Hải đã kí với các nhà đầu tư. Chính xác nhận của Cơ quan CSĐT tại Công văn 6380/PC46 - Đ10 ngày 28/10/ 2015 đã ghi nhận: “Sau khi huy động vốn của nhiều người, Hải dùng tiền để đầu tư nhiều dự án, đến kỳ hạn trả tiền thì Hải căn cứ vào hợp đồng để trả lại tiền cho khách, đến nay Hải vẫn trả đầy đủ tiền cho khách theo hợp đồng, chưa có khách hàng nào thắc mắc hay khiếu kiện”. Trên thực tế ông Hải đã huy động khoảng 800 tỷ đồng. Tổng số tiền trên 2725 tỉ đồng là cả gốc lẫn lãi chứ không phải tổng số tiền ông huy động được. Như vậy, các nhà đầu tư này khẳng định không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại trang 12 bản Cáo trạng cũng ghi nhận tổng số tiền ông Hải huy động là 2.725 tỷ đồng và đã chi trả lại cho các hợp đồng là 2.905 tỷ đồng. So sánh con số huy động và con số chi trả thì rõ ràng thấy ông Hải đã chi trả nhiều hơn con số tiền đã huy động. Với những tình tiết nêu trên họ cho rằng ông Hải bị truy tố, xét xử oan sai.
Bản án sơ thẩm cũng đề cập đến số tiền ông Hải “tự nguyện trả lại” là trên 71 tỷ đồng, trong khi con số này không có trong kết luận điều tra, không có trong bản cáo trạng. Khi bị bắt thì tất cả tài khoản của ông Hải đều bị phong tỏa, ông Hải không giữ riêng cho mình một khoản tiền nào, vậy “thực hư sự việc “tự nguyện trả tiền” này là gì? Ai có quyền lấy tiền của ông Hải để “tự nguyện trả lại khắc phục” cho nhà đầu tư, và nhà đầu tư nào đã nhận số tiền này trong lúc ông Hải đang bị giam giữ rất nghiêm ngặt, khi vụ án chưa được xét xử, chưa có bản án?”.
Những người có đơn khiếu nại cũng cho rằng ông Hải không hề mất khả năng thanh toán, với các dẫn chứng như trong dự án Happyland Long An, ông Hải mua một diện tích trị giá khoảng 500 tỷ, có hợp đồng chuyển nhượng nhưng chưa có trong hồ sơ vụ án; ông Hải có 134 tỷ đồng gửi ngân hàng để dự trữ thanh toán cho những hợp đồng đến hạn; hay tại dự án Chợ du lịch Cường Phát, ông Hải sở hữu 70% vốn điều lệ… nhưng chưa có trong hồ sơ vụ án. Do đó, những người có đơn chờ đợi tin tưởng vào phiên tòa phúc thẩm sắp tới vụ án sẽ được được xét xử đúng pháp luật.
Chúng tôi cho rằng, với tinh thần cải cách tư pháp, để không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan, chắc chắn vụ án sẽ được cấp xét xử phúc thẩm xem xét khách quan và toàn diện, để dưa ra một phán quyết đúng đắn, nghiêm minh và thấu tình đạt lý.
Nguyễn Trọng Minh