(Pháp lý) - Trong ký ức của làng Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội) câu chuyện về bốn cụ Tú cùng dân làng tự xử bọn côn đồ hung hãn nhiều năm cướp bóc, cưỡng đoạt con gái nhà lành, dắt cướp về làng những năm loạn lạc cuối thời Tự Đức (thế kỷ thứ 19) còn được truyền tụng mãi.
Thay trời hành đạo
Bấy giờ cuối thời vua Tự Đức (trị vì từ 1847 đến 1883), làng Hữu Bằng có một bọn côn đồ nổi lên thành một băng đảng rất ngông cuồng, ngạo ngược. Bọn chúng có bốn tên cầm đầu và chín tên lâu la. Bản doanh của chúng ở phía sau đình Phường Thịt. Bốn tên cầm đầu tự đặt biệt danh là Đình, Đài, Lầu, Các.
Hàng ngày chúng ra chợ Nủa cưỡng đoạt tài sản, cướp hàng hóa, bắt những người bán hàng phải nộp tiền, ai chống lại thì chúng hành hạ tàn nhẫn, khiến những người đi chợ gặp bọn chúng đều rất sợ hãi. Ngạo ngược hơn nữa là chúng cưỡng đoạt con gái nhà lành, chúng bắt cô gái nào đến hầu rượu là phải đến, sự tàn bạo của chúng đến mức sau đó chúng chỉ đến nhà có con gái đẹp lấy gậy gõ vào cổng là buộc phải đưa con gái ra nộp. Có những cô gái đã hứa hôn bị chúng làm nhục, dẫn đến việc nhà trai từ hôn khiến dang dở cả đời và cha mẹ, gia đình cô gái thì tủi nhục, cay đắng. Với một làng quê nền nếp như Hữu Bằng thì tội ác của bọn chúng gây phẫn uất ghê gớm.
[caption id="attachment_143561" align="aligncenter" width="410"] Đình làng, nơi bốn cụ Tú cùng dân làng lập phiên tòa xét xử bọn côn đồ - Ảnh Thái Vũ[/caption]
Bọn chúng còn dắt cướp về làng. Chúng biết hết đường ngang lối tắt, biết rõ các cửa bí mật qua các lũy tre làng vốn dày đặc và biết rõ tài sản những nhà khá giả trong làng nên khi liên kết với bọn cướp từ các địa phương khác đến cướp bóc, thì tuần phiên không thể chống nổi. Làng Hữu Bằng có nghề dệt và buôn bán, nhiều vải sợi và tiền mặt nên lắm gia đình khuynh gia bại sản vì bị cướp.
Tuần phiên và dân làng bất lực. Lý trưởng nhiều lần trình báo lên Tri huyện Thạch Thất, lên Tuần phủ Sơn Tây, nhưng cũng không làm gì được, phần vì chúng mưu ma xảo quyệt, phần vì lúc đó loạn lạc, quan quân còn phải đối phó với giặc Pháp rất gian nan.
Trước tình trạng ấy, các cụ văn thân trong làng bèn bí mật họp bàn việc xử trí với phương châm “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã – Thấy việc nghĩa mà không làm thì không có dũng khí”. Dân làng Hữu Bằng vẫn nhớ bốn cụ Tú tài vì việc nghĩa mà phải giam cầm gồm cụ Nguyễn Văn Thăng (tức Nguyễn Văn Chấn, 1823-1884), đỗ năm Tự Đức thứ 3 (1850) ở nhà dạy học; cụ Nguyễn Huy Diễn, đỗ năm Tự Đức thứ 14 (1861) từng làm Huấn đạo huyện Cẩm Khê; cụ Đặng Trung Thuận (tức Đặng Trung Tu) và cụ Tú mền Phan Lạc Thanh (không nhớ năm đỗ). Trong đó cụ Nguyễn Huy Diễn được dân chúng tôn vinh là “Tú Đông đốc tướng” chắc do võ nghệ giỏi giang. Cụ Tú Thăng khi đó đã ngoài 50 tuổi, là người cao tuổi và đỗ trước trong bốn vị, có uy tín cao trong làng, là người khởi xướng.
Theo Gia phả Họ Phan Lạc thì cụ Tỉnh nguyên (đỗ đầu tỉnh trong kỳ khảo khóa) Phan Lạc Phán (1827-1907) là một trong những văn thân đứng ra trừng trị bọn côn đồ, nhưng sau đó “đồng dân và văn thân bàn nhau” để cụ ở ngoài cuộc, nhằm “đồ mưu mọi việc” nên sau khi bốn cụ Tú lên Tỉnh chịu tội, việc bàn bạc, lo toan bên ngoài, soạn thảo đơn từ kêu oan chắc hẳn do cụ Tỉnh nguyên gánh vác.
Việc đầu tiên là chuẩn bị lực lượng hương dũng. Cụ Tú Thăng chịu trách nhiệm tổ chức lớp đào tạo lực lượng. Cả bốn cụ chọn trong học trò của mình lấy những người có sức khỏe, có nghĩa khí và can đảm chuyển về lớp nhà cụ Tú Thăng để bí mật học võ. Tương truyền các cụ thường đặt tay lên ngực học trò xem mạch đập của tim có đủ tiêu chuẩn mới được tuyển chọn để huấn luyện. Sau hơn một năm âm thầm vừa học chữ vừa học võ, các cụ đã có trong tay một lực lượng gồm những học trò khỏe mạnh, có võ nghệ để sẵn sàng cử sự. Mục tiêu của các cụ đặt ra là bắt bằng được cả bốn tên đầu sỏ và khống chế được lũ lâu la, hạn chế thấp nhất việc đổ máu của anh em hương dũng và dân làng, đồng thời tuyệt đối không để chúng chạy thoát. Nếu việc không thành, chúng chạy được để rồi liên kết với giặc cướp các nơi kéo về trả thù thì hậu quả khôn lường.
Theo lời kể của ông Nguyễn Đăng Bảo, một trong những thành viên tham gia biên soạn bổ sung gia phả họ Nguyễn nhà cụ Tú Thăng thì trong đám lâu la của bọn cướp có một tên khi còn nhỏ đã từng được cha mẹ cho theo học chữ của cụ. Cụ tìm cách tác động, cảm hóa tên này… Nhờ sự ăn năn của hắn, các cụ có đủ thông tin để ra tay.
Hôm đó nhằm ngày họp phiên chợ Nủa, chỉ có bốn tên ốm yếu ở bản doanh để nấu nướng, những tên cầm đầu và đám lâu la ra chợ cướp vải, cướp tiền. Anh em hương dũng mật phục xung quanh bản doanh của chúng. Chừng 11 giờ trưa, bọn chúng kéo về mang theo hàng gánh vải và rượu thịt cướp được ngoài chợ. Bữa rượu được dọn ra, chúng vừa uống rượu vừa cười nói, chửi thề, hả hê vì một ngày cướp được khá nhiều. Trong lúc đó, nhờ có tay trong, đống vũ khí gồm dáo mác, gậy gộc của bọn chúng để ở góc cửa được anh em hương dũng lẻn vào lấy ra hết và bó chặt. Khi bọn chúng đã ngà say, anh em bất ngờ đồng loạt xông vào khống chế, trói nghiến từng thằng. Bị bất ngờ, chúng kinh ngạc và không kịp trở tay. Việc bắt giữ bọn côn đồ diễn ra nhanh gọn.
Hương dũng giải bọn chúng ra đình làng, dọc đường dân làng đổ xô ra chứng kiến, nhiều người phẫn nộ muốn xông vào giết chết bọn chúng nhưng đều được ngăn lại để chúng được nghiêm trị một cách quang minh chính đại. Ngay chiều hôm đó, các cổng làng được đóng chặt, một phiên tòa của dân làng được thiết lập ở sân đình, các cụ Tú ngồi ghế xét xử, dân làng vây quanh vòng trong, vòng ngoài. Hai hàng hương dũng cầm gươm dáo đứng hai bên, uy nghiêm như công đường. Tội trạng của chúng được kể hết với rất nhiều nhân chứng, nhiều nạn nhân lên tiếng. Dân làng đồng thanh cho rằng tội ác của chúng là trời không thể dung, đất không thể tha, làm nhơ nhớp phong thể của làng vốn có tiếng là thuần phong, mỹ tục. Tội ác rành rành, chất chồng như núi nên không thể chối cãi, bọn chúng cúi đầu nhận tội.
Bản án được quyết định, bốn tên đầu sỏ bị tử hình, những tên lâu la được tha tội chết nhưng xử phạt theo lệ làng. Theo Gia phả họ Phan Lạc thì các cụ đưa bốn tên cầm đầu ra trói ở cây gạo phía bên trái cửa chùa ( nơi này tục danh là Gốc Gạo) “và truyền lệnh chém. Chém xong cả làng rất vui vẻ, tranh nhau đem rượu, gạo và mổ bốn con trâu lớn để khao mừng. Dân làng ăn uống, reo vui”.
Có một dị bản cho rằng bốn tên này đã bị thiêu chết bên bờ chuôm Nhớn ở Đồng Nưa, sau đó tro cốt của bọn chúng được đổ xuống chuôm cho đồng bọn không có cớ tìm về làng thăm mộ.
Theo Gia phả họ Phan Lạc, thì “việc đến tai quan trên. Quan huyện Thạch Thất đem lính về làng khám xét. Quan không dám vào làng. Văn thân và toàn dân bèn mở to cổng làng ra đón. Việc ấy được bẩm lên Tỉnh đường”.
Hai người con chí hiếu và can trường
Sau đó, bốn cụ Tú tự lên tỉnh Sơn Tây nhận tội. Quan tỉnh nói rằng, lâu nay bọn cướp lộng hành, gây biết bao tội ác mà chưa xử lý được, nay dân làng bắt được bọn chúng là việc thực đáng khen, nhưng nước có quốc pháp nên không thể tự tiện xét xử rồi giết người. Bốn cụ Tú bị bắt giam để chờ triều đình quyết định. Nhiều con cháu các cụ Tú và dân làng lên xin được đi tù thay cha ông nhưng không được chấp nhận.
Ông Phan Lạc Vọng Húc ghi trong Gia phả: “Vua Tự Đức nhận được hồ sơ vụ án đã phê rằng: Dân hạt Bắc kỳ có nhiều kẻ hung hãn, theo giặc ngoài hại quốc dân, chính nên xử trị đúng quốc pháp để răn đe kẻ khác về sau. Còn như những người văn thân thiện tiện giết bọn nghịch đảng, đáng lý phải xử nặng, song vì thời vụ đa nan, nghịch đảng dấy động như ong, huống lại còn có quân Pháp giúp bọn phản nghịch, đường sá xa xôi cách trở, trình báo chậm trễ khó khăn cho nên phải tòng quyền để phù vận nước, nên việc này nên giảm nhẹ, chuẩn giao cho Tỉnh thần Sơn Tây tạm giam những người văn thân ấy để đợi lệnh triều đình”.
[caption id="attachment_143562" align="aligncenter" width="410"] Cửa Thượng Tứ, Huế gần Tam pháp ty xưa - Ảnh Lưu Thái Bảo[/caption]
Lo lắng cho cha, bà Nguyễn Thị Trung (sinh năm 1848, thường gọi theo tên con là bà Xuyến) con gái thứ hai của cụ Tú Thăng rủ một người con gái một cụ Tú khác (chưa rõ cụ nào) vào Huế đệ đơn kêu oan cho cha. Dân làng bèn đóng góp kinh phí và cử hai người đàn ông khỏe mạnh, biết chữ, là họ hàng của hai bà đi cùng để gánh vác hành lý và bảo vệ. Sau hàng tháng trời, bốn người vào đến Huế. Qua nhiều ngày dò hỏi, họ biết rằng nơi nhận đơn của dân kêu oan là Tam pháp ty, đặt ở góc Đông Nam của Kinh Thành, gần cửa Thượng Tứ. Tam pháp ty - cơ quan thành lập từ ba cơ quan là Bộ Hình, Viện Đô sát và Đại lý tự được vua Minh Mạng cho thành lập năm 1831 để nhận đơn kiện và đơn kêu oan của dân chúng, trực tiếp xét xử các vụ án lớn, nhất là án hình sự. Lịch tiếp dân là các ngày mùng 6, 16 và 26 hàng tháng. Những hôm đó sẽ có các quan trực tiếp xem xét từng trường hợp, còn các ngày khác cũng có người trực nhưng chỉ nhận đơn để trình quan giải quyết sau.
Cơ quan này là một tòa nhà ba gian hai chái, ba bề có tường bao quanh, mặt trước treo biển đề ba chữ lớn “Công chính đường”. Hôm đó, bà Nguyễn Thị Trung và ba người đồng hành đến xin được đánh trống “Đăng văn”. Trống được treo ở gian bên tả đằng trước của Tam pháp ty, nghe tiếng trống một viên công sai ra dẫn hai bà vào công đường. Đơn được đệ trình và được giãi bày hết nỗi niềm của hai người con gái đi kêu oan cho cha. Tam pháp ty thấy vụ án kỳ lạ nên họp lại để nghị xử rồi làm thành tập tấu dâng lên vua Tự Đức. Tam pháp ty cũng lưỡng lự không biết nên tâu Vua quyết định bề nào.
Cuốn “Hữu Bằng xã chí” chép: Vua Tự Đức châu phê vào bản tấu của Tam pháp ty rằng : “Giá án thậm kỳ/ Phi tha án tỷ/ Đường đường nghi vệ/ Thiết lập nha môn”... nghĩa là: Án thật kỳ lạ, không thể so sánh với các vụ án khác, dân làng thiết lập “công đường” với nghi vệ đường hoàng để xét xử (chứ không phải vụng trộm, hay tư thù). Vua Tự Đức cũng phân vân, không biết nên phạt hay nên tha. Họ giết bốn kẻ côn đồ vì lẽ công bằng, vì sự an nguy của dân làng, được dân làng đồng tình, ca ngợi nhưng vẫn phạm tội tự ý giết người, coi thường quốc pháp, không thể không trừng phạt để răn đe. Tình ấy, lý ấy xử phạt sao cho thỏa đáng… Trước đó vài năm, năm Đinh Mão (1867) chính vua Tự Đức đã ban cho làng Hữu Bằng bức hoành phi “Mỹ tục khả phong” với kích thước lớn, “sắc tứ” từ Huế gửi về để khen thưởng phong tục tốt đẹp của làng quê này, nên vua càng ưu tư hơn.
Giai thoại kể rằng, Vua Tự Đức bèn cho triều thần xóc quẻ thẻ để theo ý Trời, nếu được thẻ đen thì trảm quyết, tức là chém ngay; nếu được thẻ đỏ thì xử tội lưu, nghĩa là đày đi châu xa, cách bản quán từ 2000 dặm trở lên; nếu được thẻ xanh thì xử tội đồ, cho làm lao dịch ngay tại địa phương. Kết quả là chiếc thẻ xanh được dâng lên. Vua Tự Đức phán: Đó đúng là lòng Trời. Tội đồ là phạt làm lao công từ 1 đến 3 năm, xem ra các can phạm cũng đã bị lưu giữ quá thời hạn đó nên Vua ban lệnh ân xá.
Theo Gia phả Họ Nguyễn, thì cụ Tú Thăng có bảy người con trai trong đó có ông Nguyễn Văn Lập (1856-1883), năm 19 tuổi thấy cha vì việc nghĩa mà phải nằm nhà lao, ông bèn may cờ mộ nghĩa binh rồi theo tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc chống Pháp để lập công chuộc tội cho cha. Từ đó suy ra, vụ án giết bốn tên côn đồ dắt cướp xảy ra vào năm 1874.
Ông Nguyễn Văn Lập đã lập nhiều chiến công. Đến trận Cầu Giấy ngày 19 tháng 5 năm 1883, quân Cờ Đen giết được viên Đại tá hải quân Pháp là Hăngri Rivie nhưng ông Nguyễn Văn Lập hy sinh, năm ấy mới 28 tuổi. Gia đình nghe tin dữ vội đi tìm, hai ngày sau mới đưa được thi thể ông đưa về quê an táng. Triều đình ghi nhận công lao nên truy tặng ông bức biển đề bốn chữ “Hiếu nghĩa khả phong”.
Nếp làng thuần hậu
Ngay sau khi vụ án được khép lại, lực lượng tự vệ của làng Hữu Bằng chính thức được thành lập với tên gọi là “Hương dũng” – nghĩa là đội ngũ những người có sức mạnh của làng, mà nòng cốt là những học trò của các cụ Tú đã được đào tạo, vừa biết chữ Thánh hiền, vừa có võ nghệ và đã lập chiến công lớn. Lực lượng này cùng với tuần phiên bảo vệ sự bình yên của làng. Các cụ cho đắp con đường Cao Vòng phía trước đình như con đường vành đai, để hương dũng diễu binh. Con đường đẹp, hai bên là ao hồ và ruộng lúa khiến những khi xuất binh, đội ngũ với khí giới đầy đủ, tù và rúc lên từng hồi rất oai nghiêm, dân làng yên tâm tin tưởng mà bọn cướp xung quanh nhìn thấy cũng khiếp vía. Cũng từ đó, dân làng Hữu Bằng nêu cao ý thức rèn luyện võ nghệ, tăng cường phòng bị để bảo vệ làng, các lò dạy võ, nhất là võ gậy thịnh hành. Nhiều người hàng ngày vẫn buôn bán, cày cấy nhưng buổi tối lại luyện võ nghệ, sẵn sàng ra tay khi có trộm cướp… Nhờ thế mà làng Hữu Bằng bước vào một thời kỳ tương đối bình yên. Nếp làng trở lại thuần hậu như xưa.
“Hữu Bằng xã chí” cũng ghi sau khi thành Sơn Tây thất thủ thì các cụ ra về. Thành Sơn Tây thất thủ vào tay giặc Pháp ngày 17 tháng 12 năm 1883. Như thế, vụ án kéo dài đến 9 năm ròng.
Gia phả họ Nguyễn cũng ghi, cụ Tú Thăng được vua ân xá, nhưng ân chiếu chưa về đến nơi thì Pháp đánh thành Sơn Tây, quân Lưu Vĩnh Phúc cho mở cổng thành, tha tù nên cụ được trả tự do. Thấy cụ được về, các tướng cướp trong vùng muốn trả thù cho đồng bọn nên lập mưu lừa cụ ra ngoài Đăm (Tây Tựu, Từ Liêm) chơi. Khi đi đến bãi Lềnh thuộc làng So thì chúng đổ ra định giết cụ. May sao trong số đó có một tướng cướp từng ngồi tù cùng cụ ở nhà lao thành Sơn Tây, đã được cụ cảm hóa, đứng ra xin cho cụ mới thoát nạn.
Về già, năm ấy làng bị dịch tả, cụ xông pha tẩy uế, không nề hà mà nhiều lần tự tay bế những người chết ra để khâm liệm và chôn cất… Bệnh được đẩy lùi, dân làng rất cảm kích và mến phục cụ. Năm 1884, cụ tạ thế, thọ 62 tuổi, dân làng rất thương tiếc, mang 6 con trâu đến để làm tang lễ và đưa tang rất đông.
Về cụ Đặng Trung Thuận, sau khi được trả tự do đã sôi kinh nấu sử và tham dự kỳ thi Hương năm Đồng Khánh thứ 3 - 1888 tại trường thi Hà Nam và đậu Cử nhân. Theo Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, cụ xếp thứ 9 trong số 56 người thi đỗ. Như vậy, cụ đã không bị mang án tích, vì theo luật thi cử đời xưa, ai đã can án thì không được dự thi. Sau khi thi đỗ, cụ Cử Thuận được bổ nhiệm làm Huấn đạo huyện Tiền Hải, Thái Bình, được ban Hàn lâm viện Tu soạn. Cụ thọ 69 tuổi.
Trước đó, cụ Tỉnh nguyên Phan Lạc Phán, tiếp tục dự kỳ thi Hương và đỗ Tú tài năm Tự Đức 31(1878) nên dân làng gọi là cụ Tú Xứ. Ngoài việc dạy học, cụ còn là một nhà phong thủy nổi tiếng đương thời. Cụ thọ 81 tuổi.
**
Ngày nay làng Hữu Bằng đã như một đô thị thu nhỏ, với những đổi thay đến chóng mặt. Lũy tre làng ken dày khi xưa không còn, con đường Cao Vòng đã ra một tuyến phố san sát cửa nhà… Nhưng sau cái bộn bề hối hả ấy, trong trầm tích văn hóa, lịch sử của làng Hữu Bằng, câu chuyện về văn thân xử trị bọn côn đồ dắt cướp năm xưa vẫn được truyền tụng để ghi nhớ truyền thống và công ơn của tiền nhân gìn giữ nếp làng có tục đẹp thói hay.
Nguyễn Phan Khiêm