Giám sát quyền lực tư pháp: Yêu cầu bức thiết từ cuộc sống

27/09/2016 08:09

(Pháp lý) - LTS: Trong các nhánh quyền lực nhà nước thì quyền lực tư pháp gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Thực tế tố tụng tư pháp những năm qua cho thấy xảy ra không ít vụ án oan sai nghiêm trọng, tình trạng hình sự hóa các vụ việc kinh tế dân sự chưa chấm dứt, tình trạng khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn rất phức tạp… Vì thế, giám sát hoạt động tư pháp là yêu cầu bức thiết từ cuộc sống.

Trong số Tạp chí đặc biệt tháng 9 này, Pháp lý sẽ đi sâu phân tích làm rõ thực trạng, ý nghĩa quan trọng của việc giám sát quyền lực tư pháp và đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường giám sát quyền lực tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Bài 1: Không thể buông lỏng giám sát hoạt động tư pháp

Báo cáo về kết quả giám sát về tình hình oan sai của UBTVQH khóa XIII (Báo cáo ngày 20/5/2015) cho thấy thiếu sót, sai phạm xảy ra ở hầu hết các giai đoạn tố tụng trong hoạt động tư pháp.
Phát hiện sai sót ở tất cả các khâu

Tại hội nghị tổng kết công tác nhiệm kỳ XIII của Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng ngày 3/3/2016, báo cáo cho biết thời gian qua UBTP đã tổ chức các đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương, tổ chức các phiên giải trình, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Trong đó, nổi bật là hoạt động giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Qua giám sát, UBTP đã kiến nghị các cơ quan điều tra, VKSND, TAND các cấp khẩn trương giải quyết các trường hợp có dấu hiệu oan hay bỏ lọt người phạm tội và bồi thường cho người bị oan. Nhờ vậy, thời gian qua đã giảm thiểu các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển sang xử lý hành chính. Chấn chỉnh việc lạm dụng áp dụng Điều 125 BLHS và Điều 107 BLHS để đình chỉ điều tra, dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

[caption id="attachment_149525" align="aligncenter" width="410"]Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII[/caption]

Ngoài ra UBTP cũng đã làm rõ được những hạn chế, thiếu sót trong công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.

Trước đó Báo cáo số 870 /BC-UBTVQH13 ngày 20 /5/2015 của UBTVQH về Kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” cho biết: Trong kỳ giám sát, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02% trong đó CQĐT đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; VKS đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp TA tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; có một số trường hợp làm oan khác là do người tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật đơn thuần, chỉ chú ý đến hậu quả xảy ra, không xem xét lỗi và điều kiện khách quan dẫn đến hành vi vi phạm trong các trường hợp như gây thương tích nhẹ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…

Trong 3 năm còn để xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. Các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật, điển hình như vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng.

Qua giám sát cho thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm (ngoài kỳ giám sát) nhưng gần đây mới được phát hiện. Điển hình như vụ Lê Bá Mai (Bình Phước) phải xét xử 7 lần, gần 10 năm mới kết thúc; quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án này đã cơ bản khắc phục được những thiếu sót, vi phạm; bản án phúc thẩm sau cùng năm 2013 có hiệu lực pháp luật kết án Lê Bá Mai tù chung thân về các tội “hiếp dâm trẻ em, giết người” đến nay chưa có căn cứ kết luận Lê Bá Mai bị oan.

[caption id="attachment_149523" align="aligncenter" width="410"]Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh đã bị cách chức vì có sai phạm trong xử lý vụ quán cà phê Xin Chào Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh đã bị cách chức vì có sai phạm trong xử lý vụ quán cà phê Xin Chào[/caption]

Đối với một số vụ án khác được nhiều cử tri quan tâm như vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về các tội “giết người, cướp tài sản”; vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội “giết người”; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về các tội “hiếp dâm trẻ em, giết người”, vụ Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án 6 năm tù về tội “Mua bán phụ nữ” chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng qua giám sát đã xác định các vụ án này có những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay các vụ án này đang được điều tra lại.

Đáng chú ý là đến nay vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) đã chính thức được minh oan, xin lỗi và đang làm thủ tục bồi thường. Thủ phạm gây ra vụ án giết người, cướp tài sản khiến ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan cũng đã được đưa ra xét xử sơ thẩm.

Bản báo cáo nhận định: “Bên cạnh việc để xảy ra các trường hợp làm oan người vô tội; trong kỳ giám sát cho thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những thiếu sót, sai phạm trong việc áp dụng pháp luật”.

Báo cáo trên đây còn cho thấy thiếu sót, sai phạm xảy ra ở hầu hết các giai đoạn tố tụng trong hoạt động tư pháp. Trong giai đoạn điều tra thì thiếu sót, vi phạm trong việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và việc khởi tố vụ án. Trong 03 năm, CQĐT còn để quá hạn 9.754 tin, chiếm 3,1% là đáng quan tâm; nhiều trường hợp xác minh không đầy đủ, giải quyết chưa đúng, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. Trong 2 năm 2013 và 2014, VKS các cấp đã phát hiện 8.715 trường hợp vi phạm và ban hành 2.419 yêu cầu, kiến nghị CQĐT khắc phục vi phạm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

[caption id="attachment_149524" align="aligncenter" width="410"]Quang cảnh buổi xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén Quang cảnh buổi xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén[/caption]

Thiếu sót, vi phạm trong áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ hình sự, tạm giam. Theo báo cáo, còn 4.998 người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính, chiếm 2.3% số người bị tạm giữ; có nơi, tỷ lệ này khá cao như huyện Vụ Bản, Xuân Trường (Nam Định) trên 10%. VKS các cấp đã không phê chuẩn 861 người bị bắt khẩn cấp, hủy bỏ tạm giữ và không gia hạn tạm giữ 758 người. Nhiều trường hợp chưa đủ căn cứ hoặc không cần thiết phải tạm giam nhưng CQĐT cũng ra lệnh bắt giam, VKS các cấp đã không phê chuẩn 548 lệnh tạm giam. Việc khởi tố bị can có những trường hợp chưa chính xác, thiếu căn cứ, tiềm ẩn nguy cơ làm oan, bỏ lọt tội phạm. Theo báo cáo, VKS các cấp đã hủy bỏ 795 quyết định khởi tố bị can; yêu cầu khởi tố 1.366 bị can; thay đổi tội danh đối với 428 bị can.

Ngoài ra còn nhiều thiếu sót, vi phạm trong thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra… đặc biệt đáng lo ngại là tình hình bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra. UBTVQH nhận thấy, còn để xảy ra một số trường hợp bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm và trong một số trường hợp chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai.

Qua giám sát cho thấy, các hành vi bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ngay sau khi bắt, tạm giữ hoặc khi lấy lời khai mà đối tượng không nhận tội. Việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh việc bức cung, dùng nhục hình thường gặp khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín, chỉ có người lấy lời khai và người bị tình nghi phạm tội. Nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát hiện.

Nhìn chung, việc giải quyết các đơn tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra còn chậm, ảnh hưởng quyền con người, quyền công dân. Việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra, có trường hợp bỏ lọt người phạm tội (như vụ 05 Công an ở Tuy Hòa, Phú Yên dùng nhục hình nghiêm trọng dẫn đến chết người nhưng bản án hình sự sơ thẩm lần đầu chỉ xử phạt 01 bị cáo 05 năm tù, 01 bị cáo 02 năm tù, 01 bị cáo 06 tháng tù, còn lại 02 bị cáo khác được hưởng án treo; vụ hai cán bộ Công an thị xã Gia Nghĩa Đăk Nông phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” dẫn đến nạn nhân chết nhưng Tòa án đều cho các bị cáo hưởng án treo là quá nhẹ).

UBTVQH nhận thấy, hoạt động phòng, chống oan, sai của VKS các cấp trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với việc để xảy ra 27 trường hợp làm oan người vô tội thuộc trách nhiệm bồi thường của VKS; quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát tư pháp của VKS các cấp còn có những thiếu sót, vi phạm trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra; trong việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can; trong việc truy tố của VKS các cấp…

Về hoạt động xét xử, UBTVQH nhận thấy, hoạt động phòng, chống oan, sai của TA các cấp đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong kỳ còn để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội; đồng thời, công tác xét xử còn để xảy ra những thiếu sót, sai phạm.

Ở Tòa án cấp sơ thẩm, có 1.653 bị cáo bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại, trong đó chưa đủ căn cứ kết tội 629 bị cáo, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội 186 bị cáo, sai tội danh 110 bị cáo, áp dụng hình phạt không đúng 190 bị cáo. Có một số trường hợp có đủ căn cứ kết tội bị cáo nhưng TA cấp sơ thẩm lại tuyên bị cáo không phạm tội. Trong kỳ, có 11 bị cáo, TA cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội, nhưng TA cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xét xử theo hướng có tội. Trong số 47 bị cáo TA sơ thẩm tuyên không phạm tội thì 43 trường hợp bị kháng nghị phúc thẩm, trong đó 32 trường hợp TA cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại và tuyên 14 bị cáo có tội. TA cấp phúc thẩm sửa tội danh 228 bị cáo; một số địa phương tỷ lệ này khá cao. Có trường hợp đủ căn cứ tuyên bị cáo vô tội, nhưng TA không tuyên vô tội mà lại trả hồ sơ điều tra bổ sung để đình chỉ điều tra, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị oan.

Những thiếu sót, sai phạm của Tòa án cấp phúc thẩm, số bản án, quyết định phúc thẩm bị kháng nghị và đã xét xử giám đốc thẩm 125 vụ/210 bị cáo. TA cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại 184 bị cáo, trong đó sửa tội danh 16 bị cáo, áp dụng hình phạt không đúng 95 bị cáo, chưa đủ căn cứ kết tội 25 bị cáo, dấu hiệu bỏ lọt tội phạm 10 bị cáo, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, sai về phần dân sự 38 bị cáo. 58 bị cáo TA cấp phúc thẩm cho hưởng án treo bị TA cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra xét xử lại, chiếm tỷ lệ 0,87%. Trong số 6 bị cáo được TA phúc thẩm tuyên không phạm tội thì có đến 5 trường hợp bị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm để điều tra, xét xử lại với cả 5 trường hợp. Có trường hợp TA cấp phúc thẩm (Tiền Giang) còn nhận định sai rằng “việc truy tìm vật chứng không phải do CQĐT tiến hành mà do người bị hại qua nhà lục soát mang giao nộp là vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTHS…”

Thiếu sót, vi phạm trong quyết định hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo. Một số bản án, quyết định của TA còn xác định sai khung hình phạt, áp dụng không đúng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 46 và Điều 48 BLHS.

Có trường hợp TA áp dụng hình phạt quá nặng, không phù hợp với chính sách hình sự trong BLHS. Điển hình như vụ Vũ Văn Thành cùng đồng phạm (ở Tiên Lãng Hải Phòng) đều là học sinh, cướp giật tài sản giá trị nhỏ nhặt (01 chiếc mũ trị giá 30.000 đồng, 01 chiếc nón lá trị giá 60.000 đồng) bị TA hai cấp ở Hải Phòng tuyên phạt tù các bị cáo tổng cộng 92 tháng về tội cướp giật tài sản. Vụ án này đã bị TA cấp giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại và sau đó hầu hết các bị cáo được hưởng án treo. Ngược lại, có những trường hợp quyết định hình phạt quá nhẹ hoặc cho hưởng án treo không đúng pháp luật đối với bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng (như vụ Nguyễn Đại Tuyên ở Quảng Bình tham ô gần 96 triệu đồng và gây thất thoát 212 triệu đồng được hưởng án treo).

Một số trường hợp cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm để giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo thiếu căn cứ, nhất là đối với các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Việc xem xét, giải quyết đơn giám đốc thẩm còn chậm, trong đó có phần trách nhiệm của VKS. Đáng lưu ý có những trường hợp để quá lâu như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị oan xảy ra cách đây 10 năm; mặc dù trong nhiều năm ông Chấn và gia đình liên tục gửi đơn kêu oan nhưng chỉ khi hung thủ Lý Nguyễn Chung ra đầu thú năm 2014 thì vụ án này mới được xem xét theo trình tự tái thẩm (thực chất là giám đốc thẩm), hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại. Có trường hợp Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC là chưa hoàn toàn chính xác, gây khiếu kiện bức xúc như: vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về các tội “giết người và cướp tài sản”.

...Nguyên nhân dẫn đến các trường hợp oan, sai thuộc trách nhiệm tòa án chủ yếu do trình độ, năng lực của một bộ phận Thẩm phán còn hạn chế; chất lượng tranh tụng tại nhiều phiên tòa còn hạn chế, hình thức; năng lực áp dụng pháp luật và trách nhiệm trong xét xử của một số Thẩm phán còn yếu; có trường hợp còn tiêu cực, cố ý ra bản án, quyết định hình sự trái pháp luật...

Không thể buông lỏng

Kết quả giám sát trên đây của UBTP cho thấy, giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Qua giám sát, UBTP đã giúp Quốc hội làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tư pháp đối với việc chấp hành pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động. Qua đó, kiến nghị các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp, cùng các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết các trường hợp có dấu hiệu oan và bồi thường cho người bị oan. Đồng thời, nghiêm túc chấp hành pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra… các vụ án hình sự, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tại hội nghị tổng kết công tác nhiệm kỳ XIII của UBTP của Quốc hội, đại diện TANDTC và VKSNDTC cũng đề nghị UBTP tăng cường hơn nữa công tác giám sát oan sai để góp phần nâng cao trách nhiệm, năng lực của cán bộ. “Đối với những vụ án có nhiều quan điểm khác nhau thì UBTP có thể làm trọng tài để đưa ra phán quyết cuối cùng. Bởi có những vụ việc tranh luận, kéo dài dai dẳng đến 20 năm” - một đại biểu kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khóa XIII cho rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới, cần tăng cường đồng bộ các phương thức, hình thức giám sát, tính công khai trong hoạt động giám sát. Trong đó, tăng cường hoạt động giải trình tại Ủy ban, các phiên chất vấn, thảo luận có truyền hình trực tiếp tại Quốc hội. Đồng thời, chú trọng tới các nguồn thông tin đa chiều từ báo chí, nghiên cứu của các tổ chức xã hội, tiếp xúc cử tri… để phục vụ hoạt động giám sát.

Cơ chế giám sát hoạt động tư pháp còn có các chủ thể khác như HĐND các cấp với hoạt động tư pháp tại địa phương, MTTQ các cấp và đặc biệt là giám sát xã hội của nhân dân, của báo chí.
Khi các thiết chế, các chủ thể này cùng phát huy vai trò của mình giám sát hoạt động tuân thủ, chấp hành và áp dụng pháp luật trong việc xử lý các tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, việc thực hiện điều tra, truy tố, xét xử và thi hành các bản án theo quy định của pháp luật; giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật do các cơ quan tư pháp ban hành; giám sát việc thực hiện pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của công chức, lãnh đạo về hoạt động tư pháp ở Trung ương và địa phương; giám sát trách nhiệm bồi thường nhà nước về thiệt hại cho công dân do hoạt động tư pháp gây ra; giám sát hoạt động tài chính của các cơ quan tư pháp; giám sát việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền các cơ quan tư pháp và việc cung cấp các thông tin hoạt động tư pháp cho các cơ quan ngôn luận và việc trả lời các vấn đề tư pháp theo yêu cầu của các cơ quan ngôn luận thông tin đại chúng; giám sát việc thực hiện pháp luật về các vấn đề khác mà pháp luật quy định… thì hoạt động tư pháp chắc chắn hạn chế được oan sai, nâng cao được chất lượng xét xử.

Vũ Thái Đăng

Bạn đang đọc bài viết "Giám sát quyền lực tư pháp: Yêu cầu bức thiết từ cuộc sống" tại chuyên mục Bài nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin