(Pháp lý) - Hơn 10 năm trước, hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Nhà nước, GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cùng phu nhân GS Lê Kim Ngọc từ nước Pháp xa xôi đã quay trở về Việt Nam và chọn thung lũng Quy Hòa, TP. Quy Nhơn, Bình Định làm quê hương thứ hai. Tâm nguyện cháy bỏng của vợ chồng GS, sẽ biến nơi đây thành một trung tâm đánh thức và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học cho thế hệ trẻ nước nhà và khu vực.
Những ngày cuối năm Canh Tý – 2020, nhóm PV chúng tôi có mặt tại thung lũng Quy Hòa, tận mắt nhìn thấy được một ICISE mang đậm “tinh thần Moriond” đã và đang hình thành đầy nội lực…
Từ gặp gỡ Moriond… đến ICISE
Vào thời điểm đó (2008) có không ít hoài nghi trước quyết định của vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc. Họ không tin là GS và phu nhân sẽ làm nên câu chuyện “cổ tích” tại thung lũng hẻo lánh này. Tuổi tác ngoài 70, nguồn lực tài chính có hạn, mô hình “gặp gỡ” chưa có tiền lệ, xa hơn là tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo rất khó tránh khỏi… là những quan ngại không phải không có lý.
Nặng lòng với lời hứa của lãnh đạo địa phương (lúc đó là ông Vũ Hoàng Hà – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cam kết sẽ miễn tiền thuê đất, nếu vợ chồng GS chọn nơi đây gắn bó vì sự nghiệp khoa học nước nhà) là một chuyện; nhưng ý chí và nghị lực của một nhà khoa học từng trải không cho phép GS Vân thối lui trước khó khăn. Sâu thẳm động lực hình thành trong ông và phu nhân là chính sách cầu hiền của Đảng và Nhà nước, ông có niềm tin, với sự thông minh, chịu khó của người Việt Nam sẽ tạo ra được những thành tựu khoa học nổi bật trong tương lai. Nếu được quan tâm thực sự, nơi đây sẽ sớm hình thành một trung tâm mang “tinh thần Moriond”, kế thừa các “Gặp gỡ Moriond” do GS Vân khởi xướng và điều hành, cung cấp cho đất nước một đội ngũ khoa học dồi dào, đầy nội lực góp phần đưa khoa học Việt Nam bay cao, bay xa hơn…
57 năm trước, tại thủ đô Pari (năm 1963), nền Vật lý thế giới đã biết đến cái tên Trần Thanh Vân - một sinh viên đến từ Việt Nam mới chỉ vừa tròn 27 tuổi, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hạng xuất sắc, với phát hiện đầy mới mẻ, hạt proton không phải là “viên gạch cuối cùng” của vật chất, mà là một cấu trúc gồm nhiều “viên gạch” còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại. GS Trần Thanh Vân đã trở thành một trong 3 người Châu Á được tặng Huy chương Tate (Tate Medal) tại Hội nghị Hội Vật lý Mỹ ở Atlanta, bang Georgia (tháng 4/2012).
Song trên hết, tên tuổi của GS Vân gắn liền với sáng kiến thiết kế nên các cuộc “gặp gỡ” giữa các nhà khoa học mang tên Gặp gỡ Moriond (1966), Gặp gỡ Blois (từ 1989) và Gặp gỡ Việt Nam (1993). Không giống như một hội nghị khoa học thông thường, đến với “gặp gỡ” do GS Vân khởi xướng, sẽ không còn ranh giới về quan điểm khoa học giữa các nhà Vật lý – dù là người đã đoạt giải Nobel hay chỉ là một tiến sĩ trẻ; không gian “gặp gỡ” sẽ được mở ra với những chương trình sinh hoạt dã ngoại gần gũi với thiên nhiên đầy lý thú… Sự mới mẻ và độc đáo đó, đã trở thành chất keo kết dính các nhà khoa học lừng danh khắp nơi trên thế giới, suốt gần 60 năm qua.
Càng thành công nơi đất khách quê người, GS Vân càng đau đáu về nền khoa học nước nhà, mong muốn làm một điều gì đó cho quê hương. Năm 1993, Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam (GGVN) ra đời là kết quả của sự trăn trở đầy tâm huyết đó. Từ đó cho đến nay, Hội GGVN do ông sáng lập đã tổ chức thành công 15 lần các chuỗi hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam”, thu hút hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đến Việt Nam để tham dự và giảng dạy. Năm 2012, Hội GGVN trở thành đối tác chính thức của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Dưới sự bảo trợ của Hội GGVN, các Quỹ học bổng khuyến học khuyến tài mang tên “Vallet – Gặp gỡ Việt Nam”, “Vallet – Fellowship” cũng lần lượt ra đời. Đến nay đã có hơn 30.000 suất học bổng trị giá gần 400 tỷ đồng được trao cho hơn 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Thành công lớn nhất của Hội GGVN là đã phối hợp với các giáo sư Pháp đào tạo hơn 1.500 giáo viên giảng dạy kiến thức khoa học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột – La main à la pâte”. Từ năm 2011, Bộ GD&ĐT đã quyết định đưa phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy chính thức trong nhà trường cấp tiểu học và trung học cơ sở tại Việt Nam.
Nối tiếp chuỗi các cuộc “gặp gỡ” trên là sự ra đời Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) vào ngày 12/8/2013, tại thung lũng Quy Hòa (nay là 07. Đại lộ Khoa học, phường Ghềnh Ráng), thành phố Quy Nhơn), trước sự chứng kiến của Hội GGVN, Bộ Khoa học & Công nghệ và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định. ICISE ra đời là kết quả của bản lĩnh và nghị lực không gì lay chuyển của GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc (một nhà sinh học nổi tiếng thế giới, được Chính phủ Pháp trao tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh năm 2016). Càng trân quý hơn, nó được xây dựng lên từ số tiền ban đầu (khoảng 2 triệu USD) dành dụm cả đời từ hoạt động khoa học mà có của vợ chồng GS.
Đánh giá cao tấm lòng tận tụy, nỗ lực đóng góp cho quê hương và nền khoa học nước nhà, ngày 8/7/2015, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đã trao Huân chương Hữu nghị (huân chương cao quý nhất dành cho người nước ngoài và Việt kiều có đóng góp lớn cho Việt Nam) cho GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc.
Ghi nhận công lao đóng góp của 2 GS cho Cộng hòa Pháp và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị Việt- Pháp, Nhà nước Pháp cũng đã trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho GS Trần Thanh Vân (1999) và GS Lê Kim Ngọc (2016)
(Nguồn: ICISE Quy Nhơn, Việt Nam)
Khát vọng về một ICISE “cháy mãi” trong huyết quản thế hệ trẻ
Từ đây kỳ vọng “ngọn lửa” ở ICISE sẽ bừng cháy đóng góp vào giáo dục, khoa học cho Việt Nam, cũng như sẽ truyền lửa đam mê tình yêu khoa học đến giới trẻ Việt Nam. “Ngọn lửa” ICISE sẽ mãi trường tồn chứ không phải là “lửa rơm” như nhiều người lo lắng. 54 năm sáng lập và nuôi dưỡng mô hình “gặp gỡ” kết nối hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng của thế giới, chúng ta hoàn toàn có niềm tin, khi vợ chồng GS không còn đủ sức nữa, ICISE đã có một đội ngũ rất đông nhà khoa học tại Việt Nam và bạn bè quốc tế lèo lái.
Làm việc với Trung tâm ICISE (6/5/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về nguyên tắc để tỉnh Bình Định xây dựng đô thị khoa học giáo dục. Thủ tướng cho rằng đây là bước đi mạnh dạn, tiên phong để có thể quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, góp phần thúc đẩy khoa học Việt Nam. Thủ tướng cam kết Chính phủ sẵn sàng có chính sách đặc thù trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng trên cơ sở những đề xuất cụ thể.
Sau gần 7 năm ra đời, đã có hơn 100 sự kiện lớn nhỏ diễn ra tại ICISE. Trong đó có hơn 60 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 25 trường học Khoa học chuyên đề, thu hút hơn 5.500 nhà khoa học quốc tế. Trên hết và khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ Việt Nam, đó là ICISE đã quy tụ tới 14 giáo sư đạt giải Nobel, 2 giáo sư đạt Huy chương Fields (còn gọi là Nobel Toán học), 2 giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực Thiên văn học), 1 giáo sư đạt giải Shaw, 1 giáo sư đoạt giải Kalinga (ONU) và CINO DEL DUCA (Viện Hàn lâm khoa học Pháp) và nhiều nhà khoa học lừng danh khác.
Cùng với đó là các khóa học quốc tế theo chuyên đề do Hội GGVN tổ chức, để đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu khoa học cho sinh viên, nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam và Châu Á. Đã có khoảng 100 sinh viên Châu Á theo học và hơn 20 giáo sư quốc tế trình độ cao giảng dạy hàng năm. Ngoài vai trò là một điểm gặp gỡ, giao lưu khoa học giữa Việt Nam và thế giới, ICISE còn thành lập Viện Nghiên cứu khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE). Hiện tại, IFIRSE có 2 nhóm nghiên cứu trẻ (với 4 nghiên cứu viên cơ hữu và 1 nghiên cứu sinh), về vật lý thiên văn, vật lý lý thuyết và vật lý neutrino. Những kết quả nghiên cứu bước đầu đã bắt nhịp và hội nhập được vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản quốc tế…
Trong đó đáng chú ý là công trình nghiên cứu khoa học về Dấu hiệu vi phạm đối xứng vật chất – phản vật chất từ phép đo dao động neutrino (một hạt cơ bản tương tự như electron nhưng không mang điện tích) từ thí nghiệm T2K, do nhóm Vật lý Neutrinos của IFIRSE (trực thuộc ICISE) tham gia nghiên cứu từ tháng 10/2017. Thí nghiệm T2K có sự tham gia của 12 nước thành viên, trong đó Việt Nam là nước Châu Á duy nhất (ngoài nước chủ nhà Nhật Bản) tham gia. Kết quả nghiên cứu đã được nhóm tác giả đồng công bố trên Tạp chí Nature 580, 339 -344 (2020) vào tháng 4/2020; và được Tạp chí này đánh giá là một trong mười phát hiện đáng chú ý nhất trong năm 2020 (http://www.nature.com/articles/d415486-020-03514-8).
Từ điểm nhấn ICISE, năm 2014, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định dành hơn 242 ha đất tại thung lũng Quy Hòa, TP. Quy Nhơn quy hoạch thành Khu Đô thị khoa học và giáo dục đầu tiên ở Việt Nam. Tháng 8/2015, “Tổ hợp không gian khoa học” do Sở KH&CN Bình Định làm đại diện chủ đầu tư (đã được Chính phủ và Bộ KHCN phê duyệt, thực hiện từ nguồn ngân sách) đã chính thức đặt viên đá đầu tiên. Đây cũng là sáng kiến và đề xuất của Hội GGVN trong nỗ lực từng bước giúp địa phương biến ý tưởng xây dựng Khu đô thị khoa học và giáo dục thành hiện thực trong tương lai…
Tại Lễ kỷ niệm 10 năm Dấu ấn gặp gỡ Việt Nam tại Bình Định (tháng 5/2018), GS Trần Thanh Vân tự tin chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi có những đội ngũ khoa học vững mạnh trên thế giới, cũng như trong nước. Những nguồn lực này sẽ làm cho “ngọn lửa” ICISE cháy mãi, bền vững và phát triển mạnh mẽ hơn”.
Current Index - một bảng xếp hạng nhánh của Nature Index công bố, ICISE đã lọt vào tốp 10 cơ sở nghiên cứu của Việt Nam. Kết quả này đã đưa ICISE vào bản đồ KH&CN thế giới, góp phần cùng các trường ĐH và cơ sở nghiên cứu đưa Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới trong lĩnh vực khoa học.
Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid 19 bùng phát và lan rộng toàn cầu, vợ chồng GS Vân không có điều kiện trở lại Việt Nam. Tuy nhiên tại ICISE, “ngọn lửa” khoa học vẫn cháy sáng không hề ngơi nghỉ, bởi từ niềm đam mê khoa học của các sinh viên, học sinh đến từ các trường đại học trong cả nước…
Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE cho biết: Từ đầu năm đến nay đã diễn ra 20 hội nghị mang tính chất quốc tế (tham dự chủ yếu là những nhà khoa học đã có mặt tại Việt Nam trước khi có dịch xảy ra). Mới đây ngày 28/11/2020, ICISE phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quy Nhơn, diễn ra Hội thảo khoa học về “Chuyển đổi năng lượng”. Có hơn 70 học giả là các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, quản trị doanh nghiệp cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến năng lượng của Việt Nam cũng như trên thế giới tham dự.
Và “khoảng lặng” không mong muốn…
Cùng với ngọn lửa khoa học cháy lên tại đây, từ năm 2013, ICISE liên tục nhận được thông báo hối thúc phải nộp tiền thuê đất của Chi cục Thuế TP Quy Nhơn. Lãnh đạo tỉnh này xác nhận đây là việc làm chẳng đặng đừng, bởi sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư không chỉ của địa phương…
Trả lời qua điện thoại, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Quy Nhơn cho biết:“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, từ năm 2018 đến nay, Chi cục Thuế thành phố không còn phát thông báo gửi đến Công ty TNHH Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (một pháp nhân được hướng dẫn thành lập để phù hợp theo quy định pháp luật - PV), để thông báo thu hồi tiền thuê đất nợ đọng. Theo đó, toàn bộ số tiền thuê đất của Công ty được xác định theo quy định pháp luật, Chi cục Thuế phải treo nợ để chờ ý kiến quyết định chính thức từ cấp có thẩm quyền”
Dự án ICISE được UBND tỉnh Bình Định giao hơn 21,1 ha đất (tháng 8/2011), thời hạn 50 năm. Trong đó, gần 4,35 ha xây khách sạn, bungalow (nhà nghỉ riêng biệt) có liên quan đến kinh doanh thì đã trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Diện tích đất còn lại hơn 14,6 ha được dùng để xây dựng các công trình phục vụ khoa học, giáo dục và môi trường, phi lợi nhuận. Rắc rối là ở chỗ, mặc dù không kinh doanh nhưng theo quy định pháp luật không thuộc diện được miễn tiền thuê đất.
Điều kiện để được giảm, miễn tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP là tổ chức nghiên cứu khoa học phải thành lập DN khoa học và công nghệ. Trong khi đó, để được cấp Giấy chứng nhận DN khoa học và công nghệ, phải đáp ứng điều kiện: “Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu” (quy định tại Điều 6). Với mục tiêu đặt ra xây dựng các hạng mục để phục vụ khoa học, giáo dục và môi trường thì rõ ràng là ICISE không thể đáp ứng đủ điều kiện được miễn tiền thuê đất theo quy định.
Nỗi lo lớn nhất của GS Vân, nếu không sớm giải quyết dứt điểm vấn đề nợ tiền thuê đất, ông sẽ rất khó thuyết phục các nhà khoa học tiếp tục tham gia hỗ trợ cho các hoạt động khoa học và giáo dục tại ICISE trước mắt và lâu dài.
“Quan điểm của thầy Vân hiện nay, Tiến sĩ Sơn nói: - Trường hợp nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền cao nhất không thể tháo gỡ được vướng mắc này, đề nghị UBND tỉnh Bình Định, trong thẩm quyền của mình hãy đưa vấn đề này ra xin ý kiến HĐND tỉnh, để xem xét lại giá đất theo hướng có ưu đãi, dựa trên giá đất năm 2008, tạo điều kiện cho ICISE nộp đủ một lần tiền thuê đất”.
Hơn 10 năm qua, tỉnh Bình Định đã trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo nhưng câu chuyện miễn giảm tiền thuê đất của ICISSE vẫn chưa hạ hồi phân giải. Từ cấp tỉnh, đến cấp Bộ, ngành Trung ương đều đã nhập cuộc để tìm cách tháo gỡ “điểm nghẽn” không mong muốn. Nguyên nhân cũng chỉ vì một lời hứa của người đứng đầu chính quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Từ câu chuyện mời gọi đầu tư của tỉnh Bình Định sẽ là bài học chung cho tất cả chúng ta và cần được rút kinh nghiệm sâu sắc.
Vũ Lê Minh