(Pháp lý) - Là huyện miền núi, địa hình phức tạp, vị trí địa lý xa trung tâm tỉnh, Sông Lô gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Xác định trước được khó khăn này, ngay từ khi thành lập huyện, Lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đặc biệt quan tâm. Theo đó, ngay từ năm 2010, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Sông Lô đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 bằng những mục tiêu cụ thể, những giải pháp đồng bộ … Đây là yếu tố then chốt giúp Sông Lô phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó mà 10 năm kể từ khi thành lập huyện, Sông Lô đã bắt đầu hưởng những “ trái ngọt” và kỳ vọng sẽ có bước phát triển mới nhờ những giải pháp thu hút đầu tư đặc biệt …
“ Trái ngọt” của tầm nhìn quy hoạch: Sông Lô đã hình thành 3khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp
Ngay từ những năm đầu mới tách huyện, ngành nông- lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Sông Lô; công nghiệp và thương mại, dịch vụ chưa phát triển; cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; đời sống của người dân còn khó khăn. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển KT- XH, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông- lâm nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất các ngành công nghiệp.
Ngay sau khi Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Sông lô đến năm 2020 tầm nhìn 2030 được phê duyệt, huyện Sông Lô tập trung nguồn lực để từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông được coi là đòn bẩy để thu hút đầu tư, chuyển dịch kinh tế theo hướng tích cực.
Trong giai đoạn 2015- 2019, huyện đã hoàn thành 4 quy hoạch chi tiết trung tâm huyện lỵ; 3 quy hoạch chung đô thị cho các xã: Đức Bác, Lãng Công, Hải Lựu; quy hoạch 2 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 30ha thuộc địa phận 2 xã Đồng Thịnh và Hải Lựu; quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ 2 bên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với diện tích 151 ha; quy hoạch xây dựng phát triển du lịch, dịch vụ khu vực Núi Sáng, hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc thuộc địa phận 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch …
Đến nay, hạ tầng cơ sở, trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn của Sông Lô đã được đầu tư xây dựng; các tuyến đường liên huyện, đường đến trung tâm huyện được đầu tư nâng cấp, mở rộng; trên 93% đường trục xã, liên xã; 78% đường trục thôn, liên thôn và 50% đường giao thông ngõ xóm đã được đầu tư xây dựng tạo nên diện mạo mới trong quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn.
Đồng thời, để có quỹ đất phục vụ phát triển sản xuất, UBND huyện đã GPMB cho 198 công trình, dự án với tổng diện tích hơn 100ha; đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 179 công trình, trong đó có 109 công trình giao thông nông thôn, 70 công trình giao thông nội đồng. Qua đó, gần 100% các tuyến giao thông huyện lộ, liên tỉnh trên địa bàn huyện được trải bê tông nhựa, đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương với các vùng lân cận; các tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng tại các địa phương từng bước được cứng hóa, nâng cấp gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đối với các dự án do tỉnh làm chủ đầu tư, UBND huyện chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và thi công một số công trình trọng điểm như: Đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai ( xã Văn Quán, huyện Lập Thạch) đến trung tâm huyện lỵ Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; duy tu, sửa chữa thảm lại mặt đường tỉnh lộ 307, đoạn từ xã Lãng Công đến xã Đồng Quế và đoạn từ xã Lãng Công đến xã Quang Yên; xây rãnh, thảm mặt đường tỉnh lộ 307 đoạn từ xã Tân Lập đến xã Nhạo Sơn; sửa chữa, khắc phục hư hỏng tỉnh lộ 307B đoạn trước cửa Trung tâm Y tế huyện Sông Lô…
Đối với các dự án do huyện làm chủ đầu tư, UBND huyện chủ trương ưu tiên triển khai các dự án có khả năng hoàn thành đúng tiến độ và sớm bàn giao đưa vào sử dụng. Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, UBND huyện Sông Lô chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục thi công các công trình như: Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sông Lô; Nhà điều hành 2 tầng trường tiểu học xã Phương Khoan; nhà điều hành trường THCS, trường mầm non xã Đức Bác; nhà điều hành Trường THCS Sông Lô; Nhà điều hành trường THCS xã Hải Lựu; Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Sông Lô…
BOX: Nhìn lại 10 năm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Sông Lô đến năm 2020 tầm nhìn 2030 trên địa bàn huyện đã hình thành quy hoạch tổng thể 03 khu công nghiệp (KCN) Sông Lô 1, Sông Lô 2 và một phần của KCN Lập Thạch 1; 02 cụm công nghiệp và 02 khu đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê.
Quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông được xác định là “huyết mạch” để phát triển kinh tế xã hội, huyện Sông Lô đã tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai và hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Nhiều tuyến đường, cây cầu kết nối vùng miền, trục quốc gia liên tục được cải tạo, nâng cấp và xây mới, tạo sự thông suốt trong “mạch máu” giao thông, là bước đột phá để huyện Sông Lô tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
“Trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Sông Lô”.
Với quyết tâm tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, kéo các nhà đầu tư về làm giàu, giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương, những năm qua, huyện Sông Lô đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng,.. với phương châm “trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Sông Lô”.
Được biết, để gia tăng lợi thế nhằm thu hút các nhà đầu tư về Sông Lô, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đầu tư xây dựng đường giao thông. Năm 2020, Sông Lô đã giải phóng mặt bằng cho 28 công trình, dự án, thu hồi 9,5ha đất, tổ chức khởi công 10 dự án. Phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường từ nút giao giữa đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến trung tâm huyện lỵ và tuyến nhanh đi khu công nghiệp Sông Lô I; cải tạo tỉnh lộ 307, đoạn từ xã Nhạo Sơn đi Quang Yên; đường 307 B, đoạn từ Nhạo Sơn đi Tam Sơn; đường liên xã Phương Khoan, Nhân Đạo, Lãng Công và 8 tuyến đường nội thị. Hết năm 2020, Sông Lô có 100% đường giao thông thôn xóm; 87,2% đường trục thôn; 56,5% đường ngõ xóm được cứng hóa. Giao thông được đầu tư nâng cấp, tạo kết nối liên thông giữa các khu vực, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đưa kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Năm 2020, một dấu mốc quan trọng trong thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Sông Lô đã được xác lập. Theo đó, tổng giá trị sản xuất ngành CN- XD trên địa bàn huyện Sông Lô ước đạt gần 3.000 tỷ đồng, mức tăng trung bình trong 1 thập kỷ trở lại đây bình quân đạt 16,5%/năm.
Về cơ sở hạ tầng, đến nay, huyện đã quy hoạch chi tiết 3 KCN (Sông Lô 1, Sông Lô 2 và 1 phần của khu công nghiệp Lập Thạch 1) tập trung tại các xã: Đồng Thịnh, Tứ Yên, Đức Bác, Yên Thạch; 1 cụm công nghiệp Đồng Thịnh và 3 khu đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê tại các xã: Hải Lựu, Lãng Công, Đức Bác; các khu đất dịch vụ, thương mại tại trung tâm huyện.
Đặc biệt, việc UBND tỉnh phê duyệt tuyến đường từ trung tâm huyện đi nút giao lập thể cao tốc Nội Bài- Lào Cai tại xã Văn Quán và tuyến nhánh từ Văn Quán đến khu công nghiệp Sông Lô 1 không chỉ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, giao lưu, buôn bán, đi lại của nhân dân được thuận lợi, kinh tế- xã hội phát triển, đời sống nhân dân có những bước cải thiện đáng kể.
Những yếu tố đáng chú ý và là những điểm nhấn đặc biệt khiến Sông Lô đang trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư hiện nay phải kể đến đó là hạ tầng cơ sở gấp rút hòan thiện đồng bộ; quĩ đất nhiều; con người nơi đây rất thân thiện mến khách và đặc biệt bộ máy công quyền cởi mở, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân và các nhà đầu tư nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, KCN Sông Lô 1 đã thu hút một số doanh nghiệp lớn đến đầu tư như: Cty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam (VID Group); Cty TNHH May mặc Trường Âu Phát đầu tư xây dựng nhà máy quy mô 5.000 m2, thu hút từ 500- 800 lao động; Cty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Sông Lô; Cty cổ phần Đầu tư phát triển Yên Bình; Cty TNHH May mặc và Xuất khẩu VIT Garment xây dựng nhà máy quy mô 2 ha thu hút từ 1.500- 2.000 lao động…
Tại khu công nghiệp Sông Lô 2 thuộc địa phận các xã: Đức Bác, Tứ Yên, Đồng Thịnh, địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đang tìm kiếm nhà đầu tư hạ tầng và dự kiến sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, thiết bị y tế, thiết bị điện. Vừa qua, sau khi tìm hiểu, kiểm tra thực tế, nhà đầu tư Korea Inductrial Complex (KIC) đã lựa chọn KCN Sông Lô 2 để đầu tư hạ tầng. Dự kiến, thu hút khoảng 35- 40 doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư.
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, một đ/c lãnh đạo huyện cho biết: để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư, thời gian tới, huyện sẽ rà soát cập nhật điều chỉnh bổ sung quy hoạch nông thôn mới cho các xã, nhất là các xã ven sông; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xúc tiến kêu gọi đầu tư đúng trọng tâm và có hiệu quả; xây dựng trang thông tin điện tử xúc tiến đầu tư của huyện; xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH của tỉnh, huyện, quy hoạch ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xúc tiến kêu gọi đầu tư đúng trọng tâm, hiệu quả, trên cơ sở chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, mang tính bền vững.
Đặc biệt, lãnh đạo huyện Sông Lô chủ trương“trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Sông Lô”; quyết liệt thực hiện tốt cải cách hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, tinh thần thái độ cởi mở khi giải quyết các công việc đối với người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất; xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp;
Với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, một trong ba khâu đột phá được Bí thư Phùng Thị Kim Nga nhấn mạnh đó là phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển KT-XH; đổi mới cách thức phân bổ nguồn vốn xây dựng cơ bản để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải không hiệu quả; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tạo sự chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng để thu hút các doanh nghiệp, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế; các khu công nghiệp, khu đô thị, cụm công nghiệp, hạ tầng văn hóa - xã hội, từ đó cải thiện đời sống và nâng cao phúc lợi cho người dân.
Kỳ vọng Sông Lô 2030
Hướng tới tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III (nhiệm kỳ 2021-2025) đề ra, huyện Sông Lô sẽ tập trung thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch thêm các cụm công nghiệp. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về công tác xúc tiến đầu tư; hỗ trợ kinh phí học nghề cho người lao động. Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, tinh thần thái độ cởi mở khi giải quyết các công việc đối với người dân và doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Có thể nói, kể từ thời điểm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Sông Lô năm 2010 từ một huyện vùng sâu, vùng xa “trắng dự án”, song đến nay, diện mạo công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Sông Lô đã thay đổi rõ rệt. Với những lợi thế về nguồn lao động dồi dào, quỹ đất rộng, vị trí giao thông thuận lợi và chính quyền địa phương đoàn kết, đồng thuận tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, quan tâm thu hút đầu tư, là 4 yếu tố đáp ứng gần như tuyệt đối để doanh nghiệp lựa chọn "điểm dừng chân" lý tưởng phát triển sản xuất kinh doanh.
Và một tin vui với Sông Lô khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sông Lô II tại huyện Sông Lô. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.520 tỷ đồng, được thực hiện tại các xã Đồng Thịnh và Yên Thạch thuộc huyện Sông Lô. Cùng với cầu Vĩnh Phú được triển khai xây dựng nối đầu tuyến tại vị trí giao với đê tả sông Lô, huyện Sông Lô đến điểm cuối tuyến tại đường Trần Phú, TP Việt Trì sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối giao thương, phát triển kinh tế xã hội của huyện vùng sâu vùng xa Sông Lô. …
Kỳ vọng và tin rằng Sông Lô sẽ có nhiều khởi sắc và bứt phá trong tương lai !
Với những lợi thế về nguồn lao động dồi dào, quỹ đất rộng, vị trí giao thông thuận lợi và chính quyền địa phương đoàn kết, đồng thuận tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, quan tâm thu hút đầu tư, là 4 yếu tố đáp ứng gần như tuyệt đối để doanh nghiệp lựa chọn "điểm dừng chân" lý tưởng phát triển sản xuất kinh doanh.
Thành Chung – Văn Thư ( thực hiện)