Tập đoàn Vingroup đã chính thức có đề xuất thí điểm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện với Chính phủ và các Bộ ngành hồi giữa tháng 5 vừa qua.
Với đề xuất của Vingroup, theo nhận định, đánh giá của nhiều chuyên gia, đề xuất của Vingroup là “quá khiêm tốn so với các chính sách đang được áp dụng ở các quốc gia khác”. Nếu Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp xe điện, Chính phủ cần sớm có ngay một tổ hợp chính sách ưu đãi mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện.
Liên quan đến đề xuất của Vingroup, ngày 18/6, trả lời Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Quốc Hưng – Quyền Vụ trưởng vụ Chính sách thuế, bộ Tài chính – cho hay, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, bộ Tài chính mới xây dựng được phương án trình Thủ tướng. Nhưng cho đến nay bộ Tài chính chưa nhận được đầy đủ phản hồi nên chưa xây dựng được đề xuất.
Người đứng đầu vụ Chính sách thuế của bộ Tài chính cũng từ chối đưa ra quan điểm về vấn đề này mà chỉ nói cần phải khách quan lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Còn về phía bộ Công Thương, đại diện cục Công nghiệp cho biết, việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là có thể xem xét.
Lý do được bộ Công Thương đưa ra là việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường.
Việc này là cần thiết và phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025.
Về phía phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế cho biết: Về đề xuất của Vingroup, quan điểm của VCCI là ủng hộ cao. VCCI mong muốn sửa đổi sớm để doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách nhanh.
“Trong văn bản phúc đáp, VCCI đã đề nghị bộ Tài chính trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện chạy bằng pin trong thời hạn nhất định thay vì chờ chỉnh sửa tổng thể luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 15.2 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền và nội dung ban hành”, ông Tuấn nói.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vào sáng 24/6, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết, việc phát triển xe ô tô điện chính là cơ hội để Vingroup cũng như Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình. Cùng với đó, ông Vượng tự tin tính năng tự lái thông minh của xe điện do Vingroup sản xuất là hàng đầu thế giới, tất cả những gì Tesla có Vingroup đều có.
“Câu chuyện xe điện, cả thế giới lo lắng, có tư duy tương tự. Đương nhiên xe điện là những thứ không dễ dàng. Xe điện thực ra là cơ hội để Vingroup cũng như Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình”, ông Vượng nói.
Không phải đến bây giờ, mà ngay từ khi thành lập VinFast và tham gia vào lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện, Vingroup đã xác định mục tiêu, chiến lược là sản xuất và cạnh tranh trên thị trường bằng các dòng sản phẩm ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện thân thiện với môi trường và có hàm lượng công nghệ cao.
Do đó, việc sản xuất và bán ra thị trường các dòng ô tô điện ở thời điểm này, trước đó là xe máy điện và xe buýt điện, đã nằm trong lộ trình vạch sẵn của VinFast.
Lý do VinFast quyết tâm đầu tư vào công nghệ xe điện, đặt mục tiêu trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu và xác định xe điện là sản phẩm trọng tâm trong thời gian tới là vì xe điện là một lĩnh vực hoàn toàn mới.
Việc tham gia vào một lĩnh vực mới như xe điện sẽ giúp một hãng xe trẻ như VinFast có thể xóa nhòa khoảng cách về kinh nghiệm với các nhà sản xuất ô tô truyền thống vốn đã có cả trăm năm hình thành và phát triển. Với xe điện, VinFast và các hãng xe khác gần như đang có xuất phát điểm tương đương.
Thị trường xe điện cũng đang rất rộng mở, cơ hội dành cho những cái tên mới như VinFast lớn hơn nhiều so với ở mảng ô tô truyền thống. Ngoài ra, ô tô điện là một sản phẩm công nghệ cao, cuộc đua giữa các nhà sản xuất thực chất là cuộc chạy đua về công nghệ. Đây là lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều lợi thế, nếu phát triển thành công sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn và tích cực đến cuộc sống của người dân và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để thay đổi quan niệm, thói quen tiêu dùng của khách hàng trong nước, VinFast đã và đang bắt tay vào việc xây dựng hệ thống hạ tầng trạm sạc cho xe điện trên khắp cả nước, dự kiến đến cuối năm nay sẽ có hơn 40.000 cổng sạc xe điện tại tất cả 63 tỉnh thành.
Theo quy hoạch, trên các tuyến quốc lộ chính và cao tốc, cứ cách 60-80km là có một trạm sạc. Còn tại các thành phố, đô thị lớn, cứ cách 2-3km là có một trạm sạc. Mạng lưới trạm sạc rộng khắp sẽ giúp khách hàng an tâm và thuận tiện trong quá trình sử dụng xe điện.
Cùng với đó, VinFast cũng tiên phong triển khai chính sách thuê bao pin cho ô tô điện với nhiều điểm ưu việt, thay vì bán đứt pin kèm xe cho khách hàng. Nhờ đó, khách hàng được hưởng một loạt quyền lợi như: giảm giá thành sản phẩm, an tâm trọn đời về pin, chi phí bảo dưỡng tiết kiệm hơn xe xăng…
Vingroup cũng hợp tác với ProLogium để sản xuất pin thể rắn cho ô tô điện tại Việt Nam. Hiện tại, pin dùng cho ô tô, xe máy điện của VinFast và các hãng khác đa phần là pin lithium.
Công nghệ pin thể rắn mà ProLogium đang phát triển mang đến nhiều ưu điểm hơn như không bị phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu hiếm, thời lượng pin dài hơn, tuổi thọ pin lâu hơn, kích thước pin gọn nhẹ hơn… Phía tập đoàn này cho biết, việc hợp tác với ProLogium có thể giúp VinFast tự chủ về nguồn pin và công nghệ pin cho xe điện trong tương lai.