Hành vi lừa dối khách hàng trong kinh doanh ít bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Nghiên cứu từ thực tế và kiến nghị

(Pháp lý) – Lừa dối khách hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của khách hàng cũng như xâm phạm trật tự quản lý thị trường. Hành vi lừa dối khách hàng diễn ra không hề ít trong hoạt động kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy số vụ việc lừa dối khách hàng bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế rất hiếm. Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến hành vi lừa dối khách hàng ít bị khởi tố, trong đó có nguyên nhân từ hạn chế của các quy định pháp luật.
112893832339-bl-1681893110.jpg

Bộ luật Hình sự đã có qui định về Tội lừa dối khách hàng. Tuy nhiên pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng.

Nhận diện dấu hiệu lừa dối khách hàng trong một số lĩnh vực kinh doanh

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong mọi giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại là trung thực, thiện chí. Tuy nhiên, thực tế có không ít doanh nghiệp, cá nhân muốn bán được hàng hóa sản phẩm, thu lợi nhuận cao, đã có những hành vi gian dối khi thực hiện giao dịch như che dấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, tư vấn sai lệch về sản phẩm, dịch vụ, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực bảo hiểm, thời gian qua có không ít những thông tin tiêu cực về chất lượng và sự trung thực trong thông tin tư vấn, hỗ trợ giao kết hợp đồng bảo hiểm của các đại lý bảo hiểm và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm. Nhiều trường hợp khách hàng liên tiếng tố cáo doanh nghiệp bảo hiểm, tư vấn viên, đại lý đã lừa dối khách hàng, tư vấn không đúng, che giấu thông tin,.. khi ký kết hợp đồng . Điển hình như mới đây có hơn 30 người đã đến Công an TP HCM nộp đơn tố cáo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên kết với Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam. Một số người nộp đơn tố cáo cho biết khách hàng được tư vấn đầu tư gói "Tâm an đầu tư" với cam kết sẽ sinh lợi nhuận cao nhưng sau đó phát hiện đây thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải hợp đồng gửi tiết kiệm.

anh-2-1681893133.jpg

Nhiều khách hàng liên tiếng tố cáo doanh nghiệp bảo hiểm, tư vấn viên, đại lý đã lừa dối khách hàng, tư vấn không đúng, che giấu thông tin,.. khi ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (ảnh minh hoạ)

Hay như trước đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) cũng đã lên mạng tố bị tư vấn viên của Bảo hiểm MVI (thuộc Bảo hiểm Manulife) tư vấn mập mờ về gói bảo hiểm nhân thọ, khiến cô lầm tưởng rằng, mua 7 tỷ đồng, sau 10 năm sẽ nhận lại được 10 tỷ đồng, đồng thời cô phải đóng phí bảo hiểm lên 74 năm…

Trước thực trạng này, Cục giám thanh tra, giám sát bảo hiểm đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải nhanh chóng, nghiêm túc rà soát lại tổng thể quy trình bán hàng và thẩm định, quy trình dịch vụ khách hàng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

Hay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cũng xảy ra trường hợp tương tự, có không ít chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh, môi giới BĐS để lôi kéo, dụ dỗ khách hàng xuống tiền đầu tư vào các dự án đã đưa những quảng cáo gian dối, không đúng sự thật; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi trong quá trình thực hiện đầu tư, chất lượng dự án… Hệ lụy là gây ra những tranh chấp, khiếu kiện khiến chính quyền và cơ quan chức năng phải vào cuộc giải quyết.

Nghiên cứu thực tế cho thấy trong một số lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh khác cũng xảy ra nhiều tình trạng gian dối, lừa dối khi bán hàng, quảng cáo không đúng, sai sự thật về thông tin chất lượng sản phẩm….

Tuy nhiên rất hiếm có vụ việc bị cơ quan chức năng đưa ra xem xét trách nhiệm hình sự. Có lẽ mới chỉ có vụ việc xảy ra năm 2019. Cụ thể năm 2019 cơ quan công an đã khởi tố ông Lê Thanh Thản về hành vi lừa dối khách hàng trong lĩnh vực xây dựng kinh doanh bất động sản, liên quan đến dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Kết luận điều tra của cơ quan công an chỉ ra rằng, khi triển khai dự án, ông Thản đã tổ chức xây dựng bất hợp pháp, không đúng quy hoạch phê duyệt. Vi phạm nghiêm trọng tại dự án này đã phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng, xã hội, nhu cầu trường học, bệnh viện, công tác phòng cháy... ông Thản chỉ đạo quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án nhằm bán các căn hộ được tạo lập trái pháp luật. …

Hành vi gian dối trong hoạt động kinh doanh , bán sản phẩm không chỉ xảy ra ở một vài lĩnh vực mà còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ với những hành vi gian dối như cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, giao hàng không đúng chất lượng cam kết, thậm chí gian dối về xuất xứ hàng hoá… điển hình như trường hợp Khaisilk có dấu hiệu lừa dối khách hàng mua khăn lụa, che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Hay vụ việc Asanzo nhập khẩu hàng hóa, linh kiện điện tử có xuất xứ Trung Quốc, thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn "Asanzo" có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam có dấu hiệu của việc lừa dối khách hàng…

Qui định của pháp luật

Điều đáng nói, lừa dối khách hàng là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật cũng đã quy định rất rõ về chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi lừa dối khách hàng.

Theo đó, về chế tài hành chính,  hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử phạt được quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng với mức phạt cao nhất 20 triệu đồng.

Đặc biệt, từ lâu Bộ luật hình sự cũng đã quy định lừa dối khách hàng là tội phạm, cụ thể tội lừa dối khách hàng được quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1985 và điều 162 Bộ luật Hình sự 1999 và hiện nay là điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, số vụ việc lừa dối khách hàng bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự trong thực tế rất hiếm.

Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) quy định về" Tội lừa dối khách hàng":

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Vì sao hành vi lừa dối khách hàng ít bị xử lý hình sự ?

Trao đổi với Phóng viên TCPL, Luật sư Lê Cao (Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN) cho biết, mặc dù tội lừa dối khách hàng được quy định từ lâu trong Bộ luật Hình sự và trong thực tế hành vi lừa dối khách hàng cũng diễn ra khá phổ biến, nhưng hầu như rất ít trường hợp bị khởi tố về tội danh này. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, chẳng hạn như do trong các giao dịch hàng ngày, hàng hoá thường có giá trị không lớn hoặc hậu quả chưa đến mức bị khởi tố hoặc do khách hàng không tố cáo…

Tuy nhiên một nguyên quan trọng nữa cũng đến từ các quy định của điều luật. Bởi, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nào đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải xác định hành vi của họ có thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể (bao gồm: khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm) được quy định trong Bộ luật hình sự.

Theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự 2015, lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi mua bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác đối với khách hàng để thu lợi bất chính.

Tuy nhiên có thể thấy, hành vi lừa dối theo quy định của điều luật chủ yếu tập trung vào hành vi cân, đong, đong đếm, tính gian, đánh tráo hàng trong các giao dịch hàng ngày.

Theo đó, cân, đong, đo, đếm, tính gian, được hiểu là cân đong đo đếm tính toán khôrg chính xác, không đúng (ít thì tính nhiều hoặc ngược lại) vối số lượng, trọng lượng, khối lượng, kích thước thực tế của từng loại hàng trong việc mua bán làm thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Đánh tráo hàng, được hiểu là việc khi giao hàng đã thực hiện không đúng về chất lượng, chủng loại theo thỏa thuận (ví dụ: đổi mặt hàng này lấy mặt hàng tương tự khác nhưng kém chất lượng hơn, giá thấp hơn so với loại hàng đã thỏa thuận) làm thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Tuy nhiên thực tế hàng hoá thường có giá trị không lớn hoặc hậu quả chưa đến mức bị khởi tố…

luat-su-le-cao-1656081521-1681893133.jpg

Luật sư Lê Cao (Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN)

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều trường hợp các khách hàng của những lĩnh vực kinh doanh như bất động sản, bảo hiểm, tín dụng… thường bị đặt vào bên yếu thế trong giao dịch, khách hàng không được tư vấn rõ về nội dung hợp đồng trong khi hợp đồng lắt léo nhiều điều khoản khó hiểu mà doanh nghiệp cài cắm, thậm chí có những trường hợp tư vấn sai, che dấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác… đến khi có bất trắc hoặc tranh chấp, khách hàng luôn là bên thất thế. 

Thế nhưng, vướng chỗ là gian lận, gian dối, bẫy khách hàng ký hợp đồng có phải là “thủ đoạn gian dối khác” để có thể cấu thành tội danh theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự 2015 hay không thì chưa có văn bản nào hướng dẫn và quy định chi tiết về việc này.

Trong khi đó, khả năng chứng minh hành vi gian lận, gian dối, bẫy khách hàng ký hợp đồng cũng vô cùng khó, bởi các biểu hiện của gian lận, lừa dối khách hàng không phải khi nào cũng biểu hiện ra bên ngoài, không phải khi nào cũng có thể xác định được hay có thể thu thập được thành các chứng cứ vật chất. Ngay cả khi chứng minh được thì việc quy trách nhiệm cũng chỉ dừng lại ở mức trách nhiệm dân sự, hành vi lừa dối khách hàng chủ yếu bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc được phân xử trong các vụ tranh chấp dân sự mà khó có trường hợp xử lý trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật hình sự 2015.

Về nguyên tắc, các loại hợp đồng được ký kết giữa các bên phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận và tự định đoạt giữa các bên, nếu các bên đều thấu hiểu hợp đồng trước khi ký, nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ thì rõ ràng quan hệ dân sự, kinh tế đó không thể bị hình sự hóa được.  Luật sư Cao phân tích.

Còn theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, lừa dối được hiểu là việc cung cấp thông tin, số liệu… sai sự thật hoặc khiến người khác tin tưởng là thật. Lừa dối khách hàng là việc tại thời điểm giao dịch bên bán tính gian hàng hóa dịch vụ để hưởng lợi một phần giá trị tài sản bất hợp pháp. Người mua không được hưởng đúng theo giá trị, khối lượng, chủng loại hàng hóa thật theo như thỏa thuận với bên bán.

Đối với những hàng hóa đặc thù như: Bất động sản, bảo hiểm, dịch vụ…, luật sư Hùng cho rằng hành vi lừa dối khách hàng thể hiện ở việc giao hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo tính năng, quyền lợi, giấy tờ pháp lý, điều kiện sở hữu, sử dụng như cam kết của các bên khi mua bán hoặc theo quy định của pháp luật. Bên bán cố tình che giấu, cung cấp không đầy đủ thông tin hàng hóa, tính toán khối lượng, giá trị không đúng thực tế khiến cho bên mua không thể thực hiện đầy đủ quyền sở hữu, sử dụng của mình hoặc không thể sử dụng các dịch vụ theo như tính năng cam kết… Tuy nhiên, luật sư Hùng cho rằng trong những vụ việc này phải có đơn của bị hại, cơ quan điều tra mới có thể khởi tố điều tra được tội lừa dối khách hàng.

Một điểm nữa mà Luật sư Lê Cao chỉ ra đó chính là hiện nay trong các giao dịch về bảo hiểm, bất động sản… hợp đồng thường được ký giữa bên bán là pháp nhân, tuy nhiên theo quy định tại Điều 76 BLHS về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều: 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 mà  không bao gồm điều 198 - tội lừa dối khách hàng.

Việc chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân lừa dối khách hàng trong kinh doanh mà không truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân là một hạn chế bất cập lớn trong xử lý hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng nói chung và hành vi lừa dối khách hàng nói riêng bằng chế tài pháp luật hình sự đối với hành vi lừa dối khách hàng.

Như thế, để xử lý được hình sự hành vi lừa dối khách hàng thì các quy định pháp luật hình sự phải tiếp tục hoàn thiện, đồng thời có sự kết nối giữa các luật liên quan cho thống nhất, để dẫn chiếu và áp dụng được các hành vi có yếu tố gian lận, lừa dối trong hoạt động kinh doanh đặc thù, từ đó có quy định của Bộ luật hình sự điều chỉnh tương ứng. Nếu có luật hoặc quy định hướng dẫn các hành vi, dấu hiệu cụ thể để xử lý các trường hợp lừa dối khách hàng được chứng minh, cũng là giải pháp để chấn chỉnh các hành vi kinh doanh bất chính lừa dối khách hàng đang diễn ra hiện nay. Luật sư Lê Cao nói.

Kiến nghị

Kinh tế - xã hội phát triển, các giao dịch kinh doanh thương mại ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, vì mục tiêu lợi nhuận có nhiều cá nhân và không ít doanh nghiệp lừa dối khách hàng khi thực hiện giao dịch. Lừa dối khách hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của khách hàng cũng như xâm phạm trật tự quản lý thị trường.

Điều đáng nói là, lừa dối khách hàng là hành vi diễn ra phổ biến hiện nay, nhưng nếu chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính thì chưa đủ sức răn đe. Mặc dù pháp luật cũng đã có quy định chế tài hình sự, tuy nhiên thực tế chứng minh xử lý được tội lừa dối khách hàng cũng rất ít.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý kiên quyết răn đe đối với những đối tượng có hành vi “lừa dối khách hàng”; với những vụ việc có tính chất mức độ nghiêm trọng cần tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm minh hành vi lừa dối khách hàng bằng chế tài hình sự, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung Điều 198 BLHS theo hướng quy định rõ hành vi “lừa dối” không chỉ dừng lại ở việc cân, đo, đếm, đánh tráo hàng hoá mà còn có cả các hành vi như che dấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, tư vấn sai lệch về sản phẩm, dịch vụ…

Đồng thời, nghiên cứu mở rộng đối tượng điều chỉnh về chủ thể thực hiện hành vi tội phạm đối với cả pháp nhân thương mại. Bởi thực tế hiện nay, để tối đa lợi nhuận có không ít doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội, trong đó có các hành vi lừa dối khách hàng do các pháp nhân thực hiện.

Ngoài ra, cần phải có sự quyết tâm cao của các cơ quan chức năng, đặc biệt cơ quan tiến hành tố tụng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm để  xử lý nghiêm hành vi bao che, bỏ lọt tội phạm (nếu có) để răn đe.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm minh hành vi lừa dối khách hàng bằng chế tài hình sự, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung Điều 198 BLHS theo hướng quy định rõ hành vi “lừa dối” không chỉ dừng lại ở việc cân, đo, đếm, đánh tráo hàng hoá mà còn có cả các hành vi như che dấu thông tin, cung cấp thông tin không chính xác, tư vấn sai lệch về sản phẩm, dịch vụ… Đồng thời, nghiên cứu mở rộng đối tượng điều chỉnh về chủ thể thực hiện hành vi tội phạm (tội Lừa dối khách hàng) đối với cả pháp nhân thương mại. Bởi thực tế hiện nay, để tối đa lợi nhuận có không ít doanh nghiệp cố tình gian dối, vi phạm pháp luật. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội, trong đó có các hành vi lừa dối khách hàng do các pháp nhân thực hiện.
Đinh Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin