“Chúng tôi hoan nghênh tất cả các sáng kiến nếu đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Sáng kiến cần mở, mang tính bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết tại phiên họp về triển vọng địa – chính trị châu Á trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) đang diễn ra tại Hà Nội.
Mưa lớn trước 100 năm/lần, nay còn 2 năm
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết ông quan tâm nhất về biến đổi khí hậu, mực nước biển đang ngày càng tăng.
“Ở Nhật Bản đang chứng kiến những cơn bão ngày càng tăng, mưa nhiều hơn. Những cơn mưa lớn trước đây xảy ra 100 năm 1 lần thì giờ đã 2 năm một lần. Vấn đề này hiện không chỉ liên quan đến môi trường mà còn liên quan đến quản lý nguồn nước, an ninh lương thực. Đây là những thách thức mà toàn bộ nhân loại phải đối mặt, do đó chúng ta cần nghiêm túc quan tâm giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Nhật nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại trước bất cứ nỗ lực đơn phương nào để thay đổi hiện trạng ở châu Á.
"Tôi nghĩ chúng ta cần thiết lập một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Bất cứ một sự thách thức, thay đổi nào một cách đơn phương với trật tự này thì cộng đồng quốc tế cần có tiếng nói phản đối”, ông nói.
Ssự thay đổi trong hệ thống thương mại đa phương cũng là một vấn đề khiến ông lo ngại, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết.
Việt Nam hoan nghênh sáng kiến giúp duy trì hòa bình
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết có 3 điểm ông quan tâm hiện nay. Đó là Cách mạng Công nghiệp 4.0; sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, chính trị cường quyền, cạnh tranh chiến lược, khiến những quốc gia đều phải thích nghi và cuối cùng là những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thông đang là mối đe dọa, đặc biệt là cạnh tranh, tranh chấp trên biển, an ninh mạng.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều lợi ích song những nước không tận dụng được các cơ hội đó thì sẽ bị bỏ lại phía sau đồng nghĩa với việc khoảng cách phát triển ngày càng tăng, làm thay đổi bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế trong khu vực, đặt ra những thách thức đối với các nước không tận dụng được thời cơ mà Cách mạng 4.0 mang lại.
Về các sáng kiến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, hiện có rất nhiều sáng kiến ở khu vực như sáng kiến Thái Bình Dương mở và tự do, Một vành đai, một con đường, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương…
“Chúng tôi hoan nghênh tất cả các sáng kiến nếu đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Sáng kiến cần mở, mang tính bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh tự do hàng hải là một vấn đề chủ chốt với kinh tế toàn cầu. Nhật Bản đang nỗ lực để tăng cường kết nối giữa khu vực bờ đông Châu Phi với nền kinh tế ASEAN thông qua Thái Bình Dương và bờ phía tây của châu Mỹ.
“Nhật Bản nỗ lực hỗ trợ xây dựng trật tự trên biển dựa trên quy tắc, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng cao: dự án cởi mở, công khai, có ý nghĩa kinh tế, lành mạnh về mặt tài chính của quốc gia được hỗ trợ. Bên cạnh đó là chống lại những nguy cơ như cướp biển, khủng bố và tăng cường năng lực các quốc gia trong đảm bảo an ninh trên biển. Định hướng chiến lược dành cho một khu vực Ấn Độ Dương với mong muốn đó là một khu vực mở và tự do. Cần có sự nỗ lực, chung tay của tất cả mọi người trong những vấn đề bảo đảm an ninh biển”, ông nói.
Theo Hoàng Nam (baophapluat.vn)
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/thoi-su/viet-nam-hoan-nghenh-cac-sang-kien-dong-gop-duy-tri-hoa-binh-khu-vuc-412257.html