Vị Tướng 40 năm trấn ải miền biên viễn Tây Bắc để hoa ban nở trắng rừng

Đã hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc đến miền biên viễn Tây Bắc, vị Tướng già 90 tuổi lại xúc động nghẹn ngào. Vùng đất, con người nơi ấy như một phần máu thịt mà suốt cuộc đời ông không thể nào quên.

Gắn bó 40 năm núi rừng Tây Bắc

Chúng tôi có mặt tại nhà Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân trong một buổi chiều cuối năm se lạnh. Dù đã bước vào tuổi 90, nhưng Tướng Tháp vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, thân thiện, cởi mở ít ai có thể hình dung đây là một vị tướng từng trấn ải miền Tây Bắc ngút ngàn.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng tại xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, Thiếu tướng công an Nguyễn Trọng Tháp sớm đã được hun đúc tinh thần vượt khó và ý chí quyết tâm đi theo cách mạng.

Ngoài hai mươi tuổi, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, mang trong mình khát vọng được cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc đã khoác ba lô băng rừng, vượt núi về công tác tại huyện Tuần Giáo, Lai Châu. Kể từ đó Nguyễn Trọng Tháp đã gắn bó và trở thành người con của núi rừng Tây Bắc. “Tây Bắc ngày ấy hoang sơ, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn gian khổ, đồng bào dân tộc thiểu số hầu như không biết tiếng phổ thông. Để có thể sống và gắn bó với những con người nơi đây tôi phải học được tiếng của đồng bào, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Từ sự gắn bó ấy, đồng bào đã rất tin tưởng, cung cấp cho tôi và tổ chức nhiều tin tức có giá trị” Tướng Tháp chia sẻ.

Gần 40 năm (từ 1951 đến 1988) sống, chiến đấu tại địa bàn Tây Bắc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp đã trải qua nhiều cương vị như: Chính trị viên huyện đội, Chính trị viên Tiểu đoàn biên phòng Lai Châu, Huyện ủy viên, Trưởng Công an huyện Tuần Giáo, rồi Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị Sở Công an Khu Tây Bắc, Phó trưởng Ty Công an Lai Châu; Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu... Dù ở vị trí nào, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp cũng thể hiện bản lĩnh ý chí của người chiến sĩ cộng sản, luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập được nhiều chiến công trong đó phải kể đến hành trình hơn 3.600 ngày (1961 – 1967) chống gián điệp, biệt kích tại miền biên ải Tây Bắc.

 Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung gắn huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng Thiếu tướng AHLLVTND Nguyễn Trọng Tháp
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung gắn huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng Thiếu tướng AHLLVTND Nguyễn Trọng Tháp)

Trong 10 năm đó, Sơn La và Lai Châu là địa bàn trọng điểm mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tung nhiều toán gián điệp hoạt động ở đây. Dưới sự chỉ đạo của bộ Công an, Tướng Nguyễn Trọng Tháp đã trực tiếp tham gia, chỉ đạo các phương án, lập kế hoạch và tổ chức đấu tranh, truy lùng, vây bắt được hầu hết các toán gián điệp biệt kích, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn Tây Bắc.

Chống gián điệp, biệt kích

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp nhớ lại: “Đêm 27/5/1961, Mỹ tung toán gián điệp, biệt kích đầu tiên mang tên “Castor” nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Hỳ, xã Phiềng Ban, Phù Yên, Sơn La. Ngay lập tức, trạm cảnh giới Bản Hỳ đã phát hiện tiếng máy bay lạ và liên tục đánh kẻng báo động. Bà con các thôn bản đã khẩn trương tập hợp “đón lõng” máy bay thả biệt kích xuống điểm cao 828. Lúc này, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng bộ Công an chỉ đạo, phải lập chuyên án đấu tranh phải nắm và bắt cho được số biệt kích đã ra Bắc. Bộ Công an đã lập chuyên án mang bí số PY 27”.

Được giao phụ trách trực tiếp chuyên án, ông Nguyễn Trọng Tháp xác định đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, không cho phép được xảy ra bất kỳ một sai sót nào. Ông nhận ra rằng, để chuyên án được thành công, cần phải nghiên cứu kỹ âm mưu, thủ đoạn của địch đặc biệt là nắm được thông tin từ những tên gián điệp, biệt kích giữ vị trí “đầu não”. Sau 2 năm kiên trì đấu tranh, chuyên án đã bắt gọn 7 tên biệt kích tăng cường cho nhóm Caster, thu giữ 6 kiện hàng và ông Nguyễn Trọng Tháp được trao tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba.

Có lẽ, khi nhắc đến chuyên án PY 27, kỷ niệm khó quên nhất đối với Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp là những giờ đấu trí căng thẳng với những tên gián điệp biệt kích cứng đầu. Tại địa bàn tỉnh Sơn La, ông là người đã trực tiếp hỏi cung 4 tên biệt kích đầu tiên để khai thác nhanh những thông tin quan trọng. Tướng Tháp chia sẻ: “Việc lấy được thông tin từ những tên biệt kích này không phải là dễ dàng bởi các đối tượng vô cùng lì lợm, luôn lấy im lặng làm “vũ khí”. Qua đấu tranh của ta, được biết đối tượng mà địch tuyển vào biệt kích là những tên có họ hàng, hoặc bản thân từng làm tay sai cho Pháp, Nhật đã di cư vào Nam. Nên khi bắt được những đối tượng này, đấu tranh để khai thác thông tin chính xác thật không đơn giản. Chúng hết sức ngoan cố, thậm chí đưa ra rất nhiều thông tin để “tung hỏa mù” với công an. Nếu chúng ta không tỉnh táo, phán đoán suy luận một cách chính xác thì rất dễ rơi vào bẫy của bọn chúng”.

Từ những thông tin ban đầu khi khai thác 4 tên biệt kích, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng bộ Công an Trần Quốc Hoàn và sự phối hợp của các đơn vị chức năng thuộc Bộ, một kế hoạch mang tên “Trò chơi nghiệp vụ” được tiến hành. Sau vụ đầu tiên chống gián điệp biệt kích vào năm 1961 thành công, ta tương kế tựu kế liên tiếp giành thắng lợi nhiều chuyên án bắt gián điệp biệt kích. Trong những năm ấy, được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp cùng đồng đội, nhân dân đã phát hiện, tiêu diệt, bắt sống 19 toán với hơn 100 tên, thu giữ 200 tấn vũ khí, quân trang, quân dụng và hàng hoá. Qua đó, làm thất bại âm mưu và hoạt động gián điệp, biệt kích của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Trải qua bao thăng trầm, cam go, đối đầu với các loại kẻ thù Pháp, Mỹ và phản động, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Trọng Tháp và đồng đội kiên cường, mưu trí, chế ngự, trấn áp chúng, góp sức cho Tây Bắc bình yên để hoa ban mãi nở trắng rừng¦ Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung gắn Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Trọng Tháp. Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Trọng Tháp. miền biên viễn Tây Bắc để hoa ban nở trắng rừng Cả cuộc đời ông đã dành trọn trái tim mình cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân. Năm lần vợ sinh con, ông đều vắng nhà khi cha mất ông cũng không thể có mặt vì đang làm nhiệm vụ quan trọng. Một tay vợ ông - bà Nguyễn Thị Lượt vun vén, chăm lo gia đình để chồng yên tâm công tác.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/vi-tuong-40-nam-tran-ai-mien-bien-vien-tay-bac-de-hoa-ban-no-trang-rung-a260981.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin