Vì sao Trung Quốc bất ngờ chấp thuận cho doanh nghiệp phá sản?

08/11/2019 07:02

Có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về số lượng các công ty sụp đổ ngày một nhiều và cố gắng tìm giải pháp.

Ảnh: Nikkei
Ảnh: Nikkei)

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang ngập chìm trong nợ, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một quyết định gây sốc: để cho các công ty sụp đổ.

Điều này không khỏi khiến các chủ nợ tức giận, nhiều người chủ doanh nghiệp cố gắng chật vật để cứu công việc kinh doanh, còn phía tòa án không ngớt nói về lợi ích của việc phá sản.

Sau nhiều năm không ngừng bơm tiền nhằm giữ cho nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cũng như giúp người lao động hài lòng, Trung Quốc đã bắt đầu quá trình điều chỉnh nợ nần. Bắc Kinh đang xây dựng hệ thống quy định phá sản giúp giải quyết hàng loạt vụ vỡ nợ của doanh nghiệp.

Trung Quốc hiện giờ có hơn 90 tòa án phá sản kiểu Mỹ để giúp giải quyết tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp, mãi cho đến gần đây, các vụ việc này chịu sự quản lý của ngân hàng và nhiều chủ nợ nhà nước.

Có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về số lượng các công ty sụp đổ ngày một nhiều và cố gắng tìm giải pháp. Hệ thống mới được thiết lập đang hỗ trợ quan trọng cho điều này, theo nhận định của nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như chủ nợ bởi nó giúp làm giảm áp lực lên nhiều chính quyền địa phương vốn thiếu nguồn lực cho các vụ giải cứu như vậy.

Hệ thống phá sản tại Trung Quốc, vốn dựa trên chương 11 Luật Phá sản Mỹ, cho phép các công ty tái cấu trúc theo quy định của tòa án nhằm duy trì được công việc kinh doanh và trả tiền cho chủ nợ qua thời gian.

Hệ thống của Trung Quốc khác biệt ít nhất trên một phương diện: Tòa án ở Trung Quốc trong nhiều trường hợp muốn bảo vệ cổ đông nhiều hơn các chủ nợ, với mục tiêu ngăn bất ổn xã hội.

Việc tái cấu trúc hay đóng cửa một số công ty dường như khá lộn xộn trong nhiều trường hợp, nhiều khi nó gặp khó bởi nhiều sự bất đồng, biểu tình và rối loạn tại một đất nước có tỷ lệ phá sản cao.

Trong năm ngoái, từng có vụ việc xảy ra, hơn 1 nghìn người trong đó có các luật sư, thẩm phán, người làm ngân hàng, người mua nhà và nhiều người khác đã tập trung vào để chứng kiến công ty luật phân chia khối tài sản còn lại của một công ty bất động sản đã sụp đổ.

Hàng trăm nhân viên cảnh sát và an ninh đã phải đứng theo dõi vụ việc từ đầu đến cuối bởi lo sợ bạo lực sẽ xảy ra.

Cách khu vực này chỉ 7 dặm, tòa nhà 21 tầng vẫn chưa được hoàn thành xong từ cuối năm 2014 sau khi công ty bán ra hàng nghìn căn hộ nhà ở và khu vực kinh doanh mặt tiền nhưng rồi sau đó vỡ nợ.

Bà Liu Changyun năm nay đã 50 tuổi. Bà đã chi ra gàn 600 nghìn nhân dân tệ tức khoảng 85.700USD để mua một khu vực kinh doanh mặt tiền. Và cuối cùng bà vẫn đang chờ đợi không biết khi nào mới nhận được nó, bà buồn rầu nói: “Tôi chẳng có gì ngoài nó cả”.

Trung Quốc đưa ra luật phá sản vào năm 2007. Thế nhưng cho đến nay tòa án không ngừng bác đơn xin phá sản của nhiều doanh nghiệp cũng như chủ nợ của họ bởi lo lắng về khả năng bất ổn xã hội tăng cao cũng như sa thải người lao động trên quy mô lớn.

Nhiều công ty mất thanh khoản đã sống lay lắt bằng tiền trợ cấp từ nhà nước cũng như khoản vay từ ngân hàng quốc doanh. Một số công ty mặc kệ nợ nần và đẩy chủ nợ vào tình thế bi đát.

Trung Quốc đang thử nghiệm chiến lược mới. Phần lớn các tòa án phá sản của Trung Quốc đã mở cửa từ năm 2015. Một số tòa mới được bổ sung trong năm nay tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Các công ty luật và kế toán Trung Quốc giúp sắp xếp cho việc xác nhận yêu cầu, tổ chức cuộc gặp của các chủ nợ, lên danh sách và bán tài sản. Giới chức cố gắng giải quyết thật nhiều trường hợp và xử lý chúng nhanh chóng.

Sau một thập kỷ tăng trưởng nóng và vay nợ trầm trọng, tăng trưởng của Trung Quốc đang chững lại. Tòa án trên khắp Trung Quốc đã chấp thuận khoảng 19 nghìn hồ sơ phá sản trong năm 2018, cao gấp 3 lần con số của 2 năm trước đó.

Trong đó phải kể đến việc tái cấu trúc lại công ty thép Bohai, công ty vốn đang đương đầu với khối nợ hơn 200 tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 28 tỷ USD. Đây là vụ phá sản lớn nhất của một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây. Một số tài sản của Bohai sẽ được tiếp quản bởi một công ty thép khác, còn một số chủ nợ cũng đang nhận được lại một phần tiền.

Theo bizlive.vn

Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/vi-sao-trung-quoc-bat-ngo-chap-thuan-cho-doanh-nghiep-pha-san-3526578.html

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Trung Quốc bất ngờ chấp thuận cho doanh nghiệp phá sản?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin