Ảnh minh họa
1. Cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “pháp nhân thương mại” (PNTM) là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận phải được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác (trừ doanh nghiệp tư nhân).
Trên cơ sở này, khoản 1 Điều 75 BLHS đã quy định vấn đề chịu trách nhiệm hình sự của PNTM khi có đủ các điều kiện sau:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
Là việc thực hiện hành vi phạm tội do người đứng đầu PNTM (đại diện theo pháp luật) hoặc cá nhân là thành viên trong PNTM (đại diện theo ủy quyền) thực hiện, nhân danh pháp nhân và mục đích là thu lợi nhuận về cho pháp nhân. Cụ thể các hành vi cụ thể là sử dụng danh nghĩa, nguồn vốn, con dấu của pháp nhân và lợi ích thu được thuộc về pháp nhân.
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
Tương tự như trên, hành vi phạm tội của chủ thể hướng đến một mục đích nhất định của pháp nhân như tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, quy định này không loại bỏ việc cá nhân có hành vi vi phạm trong pháp nhân lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm cụ thể thì cá nhân liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân thương mại cũng chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở nói chung.
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
Là việc người đứng đầu pháp nhân thương mại (Đại diện theo pháp luật), một hoặc một số cá nhân là thành viên trong PNTM (theo ủy quyền) thực hiện hành vi phạm tội vì mục đích tìm kiếm lợi luận theo sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận thông qua quyết định, kế hoạch, hoạt động chỉ đạo điều hành của người đứng đầu pháp nhân thương mại. Nếu không có sự chỉ đạo thì thành viên trong đó không thể thực hiện hành vi phạm tội.
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
Như vậy, cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là việc pháp nhân thương mại nào (đáp ứng các điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự) thông qua người đại diện của mình phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 BLHS mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Kiến nghị hoàn thiện
Qua nghiên cứu từ thực tiễn, tác giả đề xuất một số ý kiến nhằm hoàn thiện trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội như sau:
a, Sửa đổi các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại phạm tội
Quy định về các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cần bảo đảm tính hợp lý và logic, cũng như cần bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với một số tội phạm khác. Bốn điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 75 BLHS 2015 là các điều kiện độc lập và phải có đủ các điều kiện này mới truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Song, trong các điều kiện trên, điều kiện (a) và điều kiện (c) dường như chưa độc lập với nhau, vì thực tế, nếu hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại thì không thể lại có trường hợp không có sự chỉ đạo, điều hành, chấp thuận của pháp nhân thương mại và ngược lại, nếu đã có sự chỉ đạo, điều hành hay chấp thuận của pháp nhân thương mại thì chính là đã nhân danh pháp nhân rồi. Do đó, có thể ghép hai điều kiện này vào thành một điều kiện chung.
b, Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể
Trách nhiệm hình sự pháp nhân và thủ tục tố tụng đối với pháp nhân là vấn đề hoàn toàn mới trong BLHS 2015 và BLTTHS 2015. Do đó, để bảo đảm thi hành tốt thì cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về pháp nhân thương mại phạm tội.
Ví dụ: hình thức lỗi của pháp nhân, điều kiện áp dụng, phạm vi áp dụng, đặc biệt là phân loại tội phạm đối vơi pháp nhân thương mại nếu không sẽ khó áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn về thủ tục truy cứu tố tụng hình sự pháp nhân như xác định đại diện khi pháp nhân đang tiến hành thủ tục phá sản, việc pháp nhân giải thể, phá sản có bị đình chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự không.
Ảnh minh họa
c, Nghiên cứu mở rộng thêm một số tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự
Hiện nay, mặc dù Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định rõ ràng phạm vi 33 tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 76) - tăng thêm 02 tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó, đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cũng như bảo vệ an ninh môi trường tránh thảm họa cho con người, cũng như bảo đảm an toàn cá nhân, tính mạng, sức khỏe của mọi người và của người tiêu dùng - bất kỳ ai trong xã hội, qua đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, rõ ràng theo người viết, cần mở rộng thêm các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với người phạm tội như:
Tội mua bán người (Điều 150)
Vì lợi nhuận, nhiều tổ chức lợi dụng lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và đã giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; hoặc biết hoặc có khả năng để biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục; hoặc tổ chức đưa trái phép người đi lao động nước ngoài, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác (như: người bị đưa ra nước ngoài bị buộc phải làm việc trong môi trường độc hại, không bảo đảm an toàn lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe; bị buộc phải hoạt động mại dâm) nhưng vẫn lừa gạt hoặc ép buộc người lao động và giao họ cho người khác ở nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác...
Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 319)
Vì lợi nhuận, doanh nghiệp vì cần đất xây dựng khu du lịch, kho bãi... đã tự ý di dời trái phép rất nhiều mồ mả của người dân, gây bức xúc đối với gia đình, người thân, họ hàng và ảnh hưởng đến trật tự trị an, nhưng chưa được xử lý... nên cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự cả người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội.
Tội nhận hối lộ (Điều 354) và đưa hối lộ (Điều 364)
Với mong muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu, nhận được nguồn tài trợ, các pháp nhân kinh tế (doanh nghiệp kinh tế, tập đoàn, tổng công ty, các tổ chức kinh tế khác nhau thuộc các thành phần kinh tế) đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, làm méo mó cạnh tranh, cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và đe dọa niềm tin vào sự liêm chính trong hoạt động thương mại. cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự cả người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội.
…………………………..
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
2. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021.
3. PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (2023), Trách nhiệm hình sự và loại trừ trách nhiệm hình sự, NXB Chính trị quốc gia sự thật;
4. TS. Trần Văn Biên, TS Đinh Thế Hưng, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Thế giới.