Trong quá trình đấu tranh ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá Việt Nam để xuất khẩu, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc vi phạm. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi chống đối của các doanh nghiệp, nên công tác này còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Những “động tác đơn giản” trước khi xuất khẩu
Theo ông Trần Mạnh Cường – Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Tổng cục Hải quan – trước đây, cơ quan Hải quan chủ yếu tập trung kiểm tra ngăn chặn gian lận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu trong thông quan và sau thông quan. Tuy nhiên từ giữa năm 2018 đến nay, khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra, Hoa Kỳ đang áp thuế cao lên nhiều dòng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, cơ quan Hải quan đã tập trung nghiên cứu những phương thức, rủi ro về gian lận giả mạo xuất xứ, lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ, EU…
Cụ thể, qua kiểm tra, cơ quan Hải quan phát hiện rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư tại Việt Nam chỉ thực hiện những “động tác đơn giản”, như: thay đổi tem, nhãn, gia cố bao bì sản phẩm… để xuất khẩu sang quốc gia khác, trong đó có những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… nhằm hưởng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại mà quốc gia nhập khẩu đã ký kết với Việt Nam.
“Có những doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam chỉ thuê đất và sử dụng những công cụ sản xuất rất đơn giản để lắp ráp hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu từ nguyên vật liệu có xuất xứ Trung Quốc” – ông Cường nói và cho biết, trước tình trạng này, từ ngày 8/10/2019, Cục KTSTQ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tập trung nghiên cứu, kiểm tra làm rõ những nghi vấn, gian lận này, trong đó tập trung vào hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Qua công tác thu thập, phân tích thông tin, thấy nổi lên một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến, cơ quan Hải quan đã thống kê sơ bộ 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ. Từ đó lập danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ trong phạm vi toàn quốc để tiến hành kiểm tra.
“Cục KTSTQ đã kiểm tra 9 DN và chỉ đạo 9 Cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra 24 doanh nghiệp khác” – ông Cường thông báo và cho biết kết quả một số vụ vi phạm điển hình, như tại Công ty TNHH Xe đạp Excel – doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc, thành lập năm 2018, chuyên lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu – phát hiện, công ty này nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm hoàn chỉnh. Đặc biệt, các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào khác và xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi do Chính phủ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam.
“Đối chiếu quy định tại Thông tư 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 3/8/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa thì các sản phẩm của công ty không đủ tiêu chí để xác định là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam” – ông Cường chỉ rõ.
Không chỉ có vậy, trong quá trình kiểm tra, cơ quan Hải quan còn phát hiện công ty này đã thực hiện các thủ tục gian dối để được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O Form B).
Quá trình điều tra, công ty đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình nên Tổng cục Hải quan đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu toàn bộ tang vật là sản phẩm hoàn chỉnh, các bán thành phẩm và các linh kiện chưa xuất khẩu đang lưu kho.
Ngoài vụ việc nói trên, trên cơ sở tổng hợp 19 nhóm mặt hàng có rủi ro cao, có kim ngach tăng đột biến vào thị trường Hoa Kỳ và EU, Cục KTSTQ đã thực hiện kiểm tra 9 doanh nghiệp khác và phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ của 4 doanh nghiệp (3 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và 01 doanh nghiệp lắp ráp mặt hàng sản phẩm gỗ).
Chủ doanh nghiệp “đập bàn, đập ghế bỏ ra về”
“Ngoài Công ty TNHH xe đạp Excel, các doanh nghiệp còn lại có biểu hiện co cụm chống đối, lấy nhiều lý do để cố tình không ký các biên bản làm việc, biên bản vi phạm hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, tẩu tán tài sản…” - ông Trần Mạnh Cường nói về khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý.
Liên quan đến những vướng mắc về pháp lý, đại diện Cục KTSTQ cho biết, Nghị định 31/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, tại điều 9 về “Công đoạn gia công chế biến giản đơn” hay quy định về việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại điều 25, Nghị định 31/2018/NĐ-CP, song chưa có hướng dẫn cụ thể hoạc quy định còn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ dẫn đến việc đấu tranh của cơ quan Hải quan với doanh nghiệp để xác định công đoạn gia công giản đơn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã chống đối cơ quan chức năng, dù chỉ là cá biệt, song ông Nguyễn Tiến Lộc – Cục trưởng Cục KTSTQ – nêu ví dụ, có trường hợp khi cơ quan Hải quan mời doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hoá đến làm việc, họ mời thêm cả luật sư cùng trực tiếp làm việc.
“Cuộc làm việc kéo dài đến 1 giờ sáng, sau đó Giám đốc đập bàn, đập ghế, nói bận đi công tác nhưng không uỷ quyền cho người khác tiếp tục làm việc” – ông Lộc nêu dẫn chứng và cho biết, doanh nghiệp rất lo sợ, nhất là bị tịch thu hàng hoá bởi bản thân họ ý thức được rằng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Việt Nam, mà cụ thể là lợi dụng chính sách ưu đãi thương mại của Việt Nam đã ký kết với các quốc gia khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ thương mại và uy tín của Việt Nam.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá Việt Nam, trong thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng KTSTQ toàn quốc tiến hành kiểm tra, trong đó tập trung vào các địa bàn có dấu hiệu rủi ro cao, các doanh nghiệp mới thành lập từ cuối năm 2018 trở lại đây nhập khẩu hàng hóa là linh kiện, nguyện liệu, phụ tùng từ Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ và EU…
Cơ quan Hải quan cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành sớm rà soát và có hướng dẫn cụ thể về việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá; rà soát, sửa đổi và bổ sung quy định về các công đoạn gia công chế biến giản đơn và sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất giữa Luật xử phạt vi phạm hành chính với Nghị định 185/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/vi-sao-kho-ngan-chan-hanh-vi-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa-viet-nam.html