Vì sao hàng trăm cổ phiếu mất thanh khoản?

25/09/2020 08:43

Bên cạnh những giao dịch sôi động, trên thị trường chứng khoán vẫn còn một lượng lớn mã cổ phiếu rơi vào trạng thái “chết thanh khoản", khó thu hút đầu tư bởi rủi ro “mắc cạn” dòng tiền. Vậy, điều gì đã khiến các cổ phiếu này rơi vào cảnh "nằm im"?

Thống kê sơ bộ trên cả 3 sàn giao dịch cho thấy, bất chấp thị trường chung sôi động với thanh khoản ở mức cao so với vài năm gần đây, nhưng vẫn có gần một nửa số cổ phiếu trên HoSE và HNX cùng 2/3 mã trên UPCoM (tổng cộng khoảng 788 mã) có thanh khoản bình quân dưới 10.000 đơn vị/phiên. Đáng chú ý, có tới 142 mã hoàn toàn không có giao dịch, trong đó có 5 mã sàn trên HNX và 137 mã của UPCoM.

Bị dòng tiền lãng quên

Góp mặt trong số này thậm chí có nhiều doanh nghiệp tên tuổi, quy mô vốn hóa lớn, như: CTCP Bibica (mã: BBC, vốn hóa thị trường hơn 755 tỷ đồng); CTCP Thép Pomina (mã: POM, vốn hóa gần 1.500 tỷ đồng); CTCP Transimex (mã: Transimex, vốn hóa 2.200 tỷ đồng); CTCP Cao su Hòa Bình (mã: HRC, vốn hóa 1.600 tỷ đồng); CTCP Thủy điện Thác Bà (mã: TBC, vốn hóa 1.533 tỷ đồng)…

Hoạt động quan hệ nhà đầu tư của doanh nghiệp không tốt dẫn đến giá cổ phiếu trên sàn chưa được phản ánh đúng giá trị.

Hay như trường hợp của CTCP Nông Súc Sản Đồng Nai (Dolico, mã: NSS) đã không có một giao dịch nào kể từ khi lên sàn đến nay. Tình trạng "nằm im" này diễn ra trong bối cảnh Dolico là một doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn bằng tiền mặt. Cùng với đó là kết quả kinh doanh khả quan khi quý I/2020, công ty đã đạt 38,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 141% kế hoạch năm, cao hơn cả lợi nhuận năm 2019 (27,3 tỷ đồng).

Tương tự, cổ phiếu BIO của CTCP Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang, mã BCB của CTCP 397, mã CAB của CTCP Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam, mã CAM của Môi trường đô thị Cà Mau… cũng hoàn toàn trắng mua bán kể từ khi chào sàn (năm 2018) đến nay. Đáng chú ý, có một trường hợp đã ghi nhận kỷ lục “nằm im tuyệt đối” gần 5 năm kể từ khi chào sàn là CMK của CTCP Cơ khí Mạo Khê - Vinacomin.

Thực tế, đối với những cổ phiếu trên UPCoM, việc “bất động” sẽ dễ khiến nhà đầu tư thông cảm hơn, bởi lâu nay sàn này vẫn khá kén nhà đầu tư, thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp. Còn trên sàn niêm yết, tình trạng thanh khoản kém cũng là một câu chuyện lớn cần lời giải.

Vì sao dòng tiền lãng quên hàng trăm cổ phiếu trên sàn chứng khoán, trong đó có nhiều mã vốn hóa hàng nghìn tỷ, là câu hỏi mà lãnh đạo các doanh nghiệp cần trăn trở. Nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận ra điểm mạnh của doanh nghiệp, nhưng để mua cổ phiếu lại là chuyện khác.

Với tình trạng nhà đầu tư tự tìm nhau để khớp lệnh như hiện nay, thanh khoản là một trong những tiêu chí có yếu tố tác động đến quyết định đầu tư. Những cổ phiếu thanh khoản thấp thường không thu hút dòng tiền bởi rủi ro “mắc cạn”, không kịp "thoát hàng" để bảo toàn vốn trong trường hợp cấp bách.

“Nút thắt” quan hệ nhà đầu tư

Theo ông Lê Nhị Năng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thanh khoản “đìu hiu” của các cổ phiếu là do khoảng trống truyền thông tài chính khiến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có nền tảng tốt chưa phản ánh đúng giá trị.

Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 5/2019 - 4/2020, số lượng doanh nghiệp niêm yết tuân thủ đúng và đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin trên 2 sàn chứng khoán HoSE và HNX mới đạt 329/729, tương ứng tỷ lệ 45%. Như vậy, còn 400 doanh nghiệp, tương đương khoảng 55% tổng số doanh nghiệp niêm yết chưa tuân thủ đúng nghĩa vụ công bố thông tin.

Điều đó chứng tỏ hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của nhiều doanh nghiệp đang bị coi nhẹ, chưa phân bổ nguồn lực hợp lý cho hoạt động này. Trong khi đây là một hoạt động rất quan trọng để xây dựng niềm tin với nhà đầu tư và công chúng, qua đó giúp doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư, các nguồn vốn tốt và dài hạn; cải thiện thanh khoản cổ phiếu, phản ánh đúng, xác định đúng giá trị thực của công ty; ngăn ngừa rủi ro và kiểm soát tốt khủng hoảng.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HNX, hiện nay, các doanh nghiệp đang quan hệ với nhà đầu tư một cách “vô cảm” khi chỉ thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong những dịp niêm yết, đấu giá, IPO… Tuy nhiên, sau đó đều đột ngột im lặng và chỉ tiếp xúc với nhà đầu tư khi bắt buộc.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF) nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp không làm tốt hoạt động quan hệ nhà đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt thông tin, mức định giá giảm.

Do đó, các doanh nghiệp cần thiết lập một bộ phận quan hệ nhà đầu tư riêng với bộ tiêu chí rõ ràng tích hợp hoạt động tài chính, truyền thông, tiếp thu theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo mối quan hệ hiệu quả, bền vững, đa chiều giữa doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư, nhà tài trợ, trung gian tài chính, giúp cho cộng đồng đầu tư đánh giá đúng về giá trị của doanh nghiệp.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/vi-sao-hang-tram-co-phieu-mat-thanh-khoan.html

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao hàng trăm cổ phiếu mất thanh khoản?" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin