Phiên cấp cao của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên sáng 21/2 đã ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Cho phép DN được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, bà Trần Thị Lan Anh – Tổng Thư ký Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, khảo sát doanh nghiệp do VCCI thực hiện năm 2021 cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch gây ra, như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng...
Với những trọng tâm điều hành chính sách của Chính phủ trong năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đều ủng hộ và thống nhất cao. Theo đó, để góp phần hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra, cộng đồng doanh nghiệp trong nước có 10 kiến nghị gửi đến Chính phủ.
Thứ nhất là tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp. Bà Lan Anh cho rằng, các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ), HTX và hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, các hướng dẫn thực hiện cần rõ ràng hơn với những tiêu chí đánh giá cụ thể giúp đánh giá mức độ hoàn thành của mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện. Trong quá trình này, các cơ quan chức năng cũng cần vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách.
Thứ hai là hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. “Việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết”, bà nhấn mạnh.
Do đó, cần nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ.
Đơn giản thủ tục, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền
Thứ 3 là cần đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia. Đối với chuyên gia nước ngoài, VCCI đề nghị Bộ, ngành rà soát quy trình đối với thủ tục nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài theo hướng: áp dụng giải quyết thủ tục trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục... Chính sách đối với chuyên gia nước ngoài cần thống nhất thực hiện giữa các địa phương trên toàn quốc.
Thứ 4, nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong đề xuất này, VCCI cho rằng cần triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động; thực hiện có hiệu quả các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động; nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hoạt động sàn giao dịch việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới.
Thứ 5 là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Thực tế trong 2 năm qua, việc áp dụng các quy định giãn cách gây khó khăn trong tiếp cận khách hàng, đối tác để thực hiện các giao dịch kinh doanh, đặc biệt là các dịch vụ có liên quan đến cấp, xác nhận giấy tờ.
Vẫn có nhiều tồn tại như một số thủ tục chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến hay sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong quá trình đăng ký và phê duyệt hay một số thủ tục nộp hồ sơ đăng ký và xin phê duyệt vẫn đòi hỏi phải nộp bản gốc bằng văn bản...
Kiến nghị thứ 6 được đại diện VCCI nêu ra là cần nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền. Cần có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương để củng cố niềm tin cho cộng đồng kinh doanh và người dân.
Chính phủ thường xuyên nắm bắt và chỉ đạo địa phương trong triển khai chính sách, tránh tình trạng "cát cứ" mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp…
Phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế
Thứ 7, nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. Việt Nam hiện có 15 FTA đang có hiệu lực trong đó có nhiều thị trường mà Việt Nam hiện có lợi thế do các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA (ví dụ EU, Liên minh kinh tế Á-Âu, Chile, Canada... chưa có FTA với phần lớn các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong ASEAN, Trung Quốc).
“Do đó, lợi thế thuế quan theo các FTA là công cụ quan trọng để hấp dẫn các khách hàng quay trở lại đặt hàng với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, đề nghị cần có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA”, bà Lan Anh nêu.
Thứ 8, xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử (sàn giao dịch điện tử, vận tải công nghệ, chợ đầu mối trực tuyến....); hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, tư vấn/định hướng ứng dụng công nghệ/số hoá quy trình quản trị doanh nghiệp...), tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số...
Thứ 9, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt”.
Đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Kiến nghị cuối cùng được VCCI nêu ra là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ….
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/vcci-kien-nghi-10-de-xuat-khoi-phuc-kinh-te-vung-chac-a543690.html