Có đến 34% đề cử quy định tốt nằm ở cấp luật, trong khi tỷ lệ này ở các đề cử quy định kém chỉ là 24%. Ngược lại ở cấp nghị định và thông tư, tỷ lệ quy định bị đánh giá mức kém cao hơn, lên đến 70%. Theo TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM), cho rằng thông điệp của Chính phủ là đưa DN và người dân lên thành đối tác dường như chưa ngấm đến các bộ, ngành.
Hôm qua, 28/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) đã công bố 30 quy định pháp luật tốt và 30 quy định pháp luật chưa tốt năm 2016.
“Giải Oscar” cho các quy định pháp luật
Theo Báo cáo của Ban tổ chức, sau giai đoạn đề cử, Ban Tổ chức đã nhận được 9.297 đề cử các quy định từ 1.739 cá nhân và tổ chức (trung bình mỗi phiếu đề cử 5,34 quy định). Sau khi sàng lọc, có 114 quy định tốt và 123 quy định tồi đã được đề cử. Trên cơ sở này, nhóm chuyên gia đã lựa chọn và đề cử 30 quy định tốt nhất và 30 quy định chưa tốt thay vì bình chọn 10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất theo dự kiến ban đầu.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là cuộc bình chọn gặp nhiều sóng gió khi triển khai. Cuộc bình chọn này được khởi động từ ngày 22/12/2015 với kỳ vọng sẽ cổ vũ, biểu dương các văn bản, cơ quan ban hành những văn bản tạo thuận lợi cho DN, cho người dân trong việc được trao quyền; tiếp cận các cơ hội về đầu tư, việc làm, thu nhập, tham gia các ngành nghề kinh doanh.
Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đã ví von rằng cuộc bình chọn có thể được coi như giải Oscar cho các quy định pháp luật tốt và chưa tốt tại Việt Nam. “Cuộc bình chọn đã thể hiện sự trung thực, sự ủng hộ của các DN đối với cơ quan Nhà nước trong việc ban hành những chính sách pháp luật ủng hộ hoạt động kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cũng như kỳ vọng vào sự thay đổi pháp luật hiện đang tạo ra khó khăn và rào cản đối với DN”, ông Lộc phát biểu..
Trong lần công bố đầu tiên này, trong số 30 quy định tốt nhất được xướng tên, có thể kể ra đây mốt số quy định được cộng đồng DN rất hoan nghênh như: Bỏ tội kinh doanh trái phép trong Bộ luật Hình sự; Quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế. Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; Bãi bỏ quy định về mức trần 15% cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hỗ trợ… liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN; Bỏ quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản.”; Giảm tần suất kê khai thuế theo quý thay vì theo tháng đối với DN có doanh thu năm liền trước từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng; Bãi bỏ quy định phải cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước; Điều kiện kinh doanh bất động sản có vốn pháp định được chứng minh bằng vốn điều lệ; Mở rộng cho phép người nước ngoài quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam…
Ngược lại các quy định chưa tốt được liệt kê cũng khá nổi tiếng như: Yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô; Điều kiện về số lượng xe tối thiểu trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng ô tô; Hạn chế đối với hoạt động hợp tác của các cơ sở in; Yêu cầu điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in; Yêu cầu về trách nhiệm ghi chép thông tin của các DN in; Ghi mã ngành cấp bốn khi làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư; “Giấy vàng – Giấy trắng” trong đăng ký DN; Thay đổi trụ sở phải thay đổi tên gọi của Văn phòng; Yêu cầu DN kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển phải có bộ phận pháp lý; Khi cột đo xăng bị hư hỏng, chỉ được thuê cơ sở khác sửa chữa nếu được cơ sở sản xuất, nhập khẩu, cung cấp phương tiện đo đồng ý…
Văn bản dưới Luật có vấn đề?
Theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, trong số 237 quy định được đề cử thì có 79 quy định nằm ở cấp luật (chiếm 33%); 75 quy định nằm trong các nghị định (chiếm 32%) và 69 quy định nằm ở cấp thông tư (chiếm 29%), còn lại ở các văn bản khác. Tuy nhiên, khi phân loại theo đề cử tốt và kém thì thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm này.
Theo đó, có đến 34% đề cử quy định tốt nằm ở cấp luật, trong khi tỉ lệ này ở các đề cử quy định kém chỉ là 24%. Ngược lại ở cấp nghị định và thông tư, tỉ lệ quy định bị đánh giá mức kém cao hơn, lên đến 70%.“Điều này cho thấy theo cảm nhận chung của cộng đồng, chất lượng văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư có xu hướng kém hơn so với văn bản ở cấp luật”, ông Tuấn nhận xét.
Với 30 quy định chưa tốt bị đề cử, đại diện VCCI cho biết, hiện đã có 5 quy định được các bộ, ngành chủ động điều chỉnh, sửa đổi; 13 quy định đang được các bộ ngành đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để sửa đổi trong thời gian tới. Trong số các văn bản bị đề cử xếp loại kém, Bộ TT&TT dẫn đầu với 6 đề cử, tiếp đến là Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT…
Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng thông điệp của Chính phủ là đưa DN và người dân lên thành đối tác chứ không phải là đối tượng bị quản lý như trước kia. “Tuy nhiên tư tưởng này chưa ngấm đến các bộ ngành”, ông Cung nhận xét.
Ông Cung cũng cho rằng báo cáo cuộc bình chọn các quy định pháp luật năm 2016 sẽ là tài liệu hữu ích cho các cơ quan Nhà nước, các cán bộ hoạch định chính sách, pháp luật về kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thúc đẩy sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh.
“Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục được chuyển đổi,hệ thống quản lý Nhà nước đang được đổi mới theo hướng hội nhập và công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng trở thành một nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhà nước, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của DN, nếu có nội dung phù hợp, sẽ là tiền đề cho sự phát triển của hoạt động kinh doanh và nền kinh tế”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Theo Ban Tổ chức, danh sách các quy định tốt và chưa tốt được gửi cho 17 cơ quan ban hành hoặc chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo để lấy ý kiến giải trình, gồm: TANDTC, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ GD&ĐT, Bộ GTVT, Bộ KH&CN Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ TB&XH, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT, Bộ VH, TT&DL, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ban Tổ chức đã nhận được 12 công văn phúc đáp của các Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ KH&CN Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ, TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT, Bộ VH, TT&DL, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Trong 5 cơ quan không có công văn phúc đáp thì có 3 cơ quan không có đề cử quy định tồi là TANDTC, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế; hai cơ quan còn lại không có công văn phúc đáp là Bộ GD&ĐT và Bộ NN&PTNT.
Theo Bao Phapluat