(Pháp lý) – Các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính là Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế hoặc chính Bộ này là nơi thường xuyên ra các văn bản hướng dẫn áp thuế, khai thuế, hướng dẫn về thuế và đó là những văn bản có tác động trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp. Thế nhưng qua thực tế thực thi, đã xảy ra tình trạng không ít văn bản có hạn chế, bất cập, đẩy khó và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Những ví dụ mà doanh nghiệp bị áp thuế, truy thu thuế dưới đây cho thấy bất cập của việc ban hành các văn bản này. Văn bản bất cập, đợi đến khi doanh nghiệp phải lên tiếng kêu cứu mới sửa đổi. Thế nhưng, doanh nghiệp thì đã thiệt hại, …Vấn đề đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm, đền bù cho doanh nghiệp?
Ngành Gỗ và Lâm sản kêu cứu vì bị áp thuế sai
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cách đây ít ngày đã có văn bản “kêu cứu” lên Bộ NN&PTNT, Tài chính, Công Thương về vấn đề liên quan đến hàng ván ghép thanh bị ùn tắc tại cảng. Nhiều DN bị đối tác phạt vì chậm giao hàng, chịu chi phí lưu container và đặc biệt bị áp thuế tới 25%. Thế là nhiều doanh nghiệp vừa bị ngấm đòn vì dịch COVID-19, không ít doanh nghiệp (DN) phải rời khỏi thị trường, phá sản. Tuy nhiên, thay vì được “hà hơi tiếp sức”, nhiều DN ngành gỗ còn bị áp mức thuế rất cao, phải kêu cứu lên các bộ, ngành.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, nguyên nhân xuất phát từ Văn bản 4250 do ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Hải quan ký ngày 24/6/2020. Theo văn bản này, ván ghép thanh chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã HS 4407 là “gỗ đã cưa và xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm”… Do vậy, gỗ ghép thanh bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế xuất khẩu 25% để hạn chế, thậm chí ngăn chặn xuất khẩu vì không tạo nhiều giá trị gia tăng, phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước. Trong khi trước đó, thực tế, gỗ ghép thanh đã được áp mã HS 4418 (đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xốp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp) và được áp thuế 0%.
Điều đáng nói là vụ việc có dấu hiệu của áp thuế sai, trái với văn bản đã ban hành trước đó. Trước đó, tại Văn bản số 9365/BTC-CST, ngày 1/7/2009, về thuế xuất khẩu tấm gỗ ghép thanh thành tấm, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã khẳng định gỗ ván ghép thanh thuộc nhóm từ 44.18 đến 44.11, với thuế suất 0%. Ngoài ra, Cục Hải quan TPHCM (tại Văn bản số 959 ngày 10/4/2015) và Chi cục Kiểm định Hải quan 4 (tại Văn bản số 337, ngày 13/3/2019), cũng khẳng định gỗ ván ghép thanh thuộc nhóm hàng mã HS 4418. Đồng thời, về quy chuẩn và thông lệ quốc tế, Malaysia và Indonesia là hai nước thành viên ASEAN, đều kê khai gỗ ván ghép thanh theo mã HS 4418. Tại Chương 44 của Biểu thuế quan hài hòa, Vương quốc Anh cũng quy định ván ghép thanh thuộc mã HS 4418 thuế suất 0%.
Về vấn đề trên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, quá trình sản xuất ván ghép thanh đã làm thay đổi hoàn toàn kết cấu của thanh gỗ xẻ cơ sở ban đầu (mã HS 4407) thông qua các công đoạn chế biến sâu tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.Vì vậy, việc áp dụng mã hàng hóa của ván ghép thanh theo mã HS 4407 là không phù hợp với Thông tư 65 cũng như ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản số 9365/BTC ngày 01/7/2009 và sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp trong nước sản xuất chế biến sâu để hạn chế nhập khẩu đối với loại ván này.
Mặt khác, trước thời điểm ngày 24/6/2020, ván ghép thanh xuất khẩu được áp mã 4418 (thuế suất bằng 0%). Do vậy, với quy định mới của Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp không thể điều chỉnh ngay được giá xuất khẩu vì các hợp đồng đã ký từ trước.
Phải đến khi các công ty gỗ kêu cứu thì Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan Đồng Nai trước mắt cho Cty mộc Cát Tường xuất khẩu ván gỗ ghép với thuế suất 0%, nhưng doanh nghiệp phải cam kết thực hiện quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền. Đây là ví dụ cho thấy sự thay đổi chính sách nhất là chính sách thuế đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Thay đổi chính sách này khiến các DN không thể điều chỉnh ngay được giá xuất khẩu.Thực tế này khiến hàng bị tồn đọng ở cảng kéo dài, gây thiệt hại lớn cho DN.
Doanh nghiệp thủy sản cũng kêu vì cán bộ hiểu máy móc?
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản "chế biến" và "sơ chế".
Theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều doanh nghiệp bị các cơ quan quản lý nhà nước ngành thuế áp mức thuế suất cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 15% (theo thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính).
VASEP cho biết, hiện nay hoạt động chế biến của doanh nghiệp thủy sản gồm 3 dạng là chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -18 độ C, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng.
Nhưng khi thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các cơ quan ngành thuế kiểm tra thu nhập của doanh nghiệp hoạt động chế biến hay hoạt động sơ chế và với cả 3 dạng chế biến nêu trên các cơ quan ngành thuế đều không công nhận là sản phẩm chế biến mà chỉ là sơ chế, khiến tỉ lệ phải nộp thuế của các doanh nghiệp thủy sản hiện tại (bao gồm cả sản phẩm xuất khẩu, tiêu thụ nội địa hay gia công) đều là 20%. Việc áp thuế như vậy có đúng với bản chất của ngành ?. Vasep cho rằng, cách hiểu chưa đúng bản chất của ngành, khiến nhiều DN thuỷ sản phải nộp thuế TNDN 20% (sản phẩm xuất khẩu, nội địa hay gia công), thay vì mức 10-15%.
VASEP cũng cho rằng Ngành tài chính có văn bản hướng dẫn nhưng các văn bản hướng dẫn của ngành này chưa có cơ sở vững chắc xác định thế nào là sơ chế và thế nào là chế biến, sản phẩm như thế nào sẽ được coi là sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào. Cũng theo VASEP, hiện nay các cơ quan thuế căn cứ các văn bản về thuế để áp thuế đối với sản phẩm sơ chế, chế biến.
Còn doanh nghiệp cho rằng quy định về sơ chế, chế biến tại các văn bản về thuế của Bộ Tài chính chưa phù hợp với thực tế ngành chế biến thủy sản, không phù hợp với quy định của Luật an toàn thực phẩm và Quyết định số 27/2018 của Thủ tướng về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Theo đó, quan điểm của DN cho rằng công nghệ đông lạnh thực phẩm, cấp đông sản phẩm đến nhiệt độ -18 độ C không được xem là sản phẩm chế biến.
Những vướng mắc nêu trên trong thời gian qua đã gây khó khăn, tổn thất cho nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản. Vì vậy, VASEP kiến nghị cho phép chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -18 độ C, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng được xem là hoạt động chế biến của doanh nghiệp thủy sản và được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trước những vướng mắc trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giải quyết và hướng dẫn để giải quyết về kiến nghị của VASEP nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay, doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Quy định khống chế lãi vay với giao dịch liên kết: Kêu nhiều năm mới sửa!
Còn nhớ năm 2017, một văn bản được cho là gây nhiều thiệt hại cho DN, đó là Nghị định 20/2017 của Chính phủ về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (NĐ 20). Theo đó, quy định khống chế lãi vay không được quá 20% sẽ gây khó khăn cho hoạt động xây dựng chuỗi giá trị, cũng như đầu tư cho các công ty con. Những công ty đang được đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu thì cần nguồn vốn lớn, dẫn đến lãi vay lớn, sẽ vượt quá mức khống chế trên nhưng lại không được tính vào chi phí hợp lý của DN. Quy định như vậy, vô hình chung gây ra những bất hợp lý so với chính sách khác của nhà nước như ưu đãi miễn giảm thuế đối với đầu tư mở rộng.
Nói về quy định này, đại diện Công ty CP XNK Tổng hợp Bình Phước (BIGIMEXCO) phân tích, khoản 3, Điều 8, NĐ 20 đã gây thiệt hại cho công ty. Cụ thể vào tháng 7.2017, BIGIMEXCO góp vốn thành lập Công ty Quốc Toản để sản xuất chế biến cao su bán cho BIGIMEXCO. BIGIMEXCO và Công ty Quốc Toản là 2 DN nội địa, không có vốn đầu tư nước ngoài, không có yếu tố nước ngoài liên quan. Giá mua bán cao su giữa 2 công ty bằng giá mua bán đối với nhà cung cấp độc lập trên thị trường. Thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN) của 2 công ty đều bằng 20%, không có ưu đãi về thuế, nộp thuế đầy đủ và không có rủi ro về thuế. Theo NĐ 20, 2 công ty có quan hệ liên kết nhưng 2 công ty không có thỏa thuận về chi phối trong điều hành kinh doanh, tổ chức bộ máy công ty. Các giao dịch liên kết của 2 DN bảo đảm đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính như các giao dịch độc lập. Tỷ lệ doanh thu của Công ty Quốc Toản so với BIGIMEXCO chỉ chiếm 2,78 - 6,61% trong năm 2017 và 2018 (tương ứng 210,51/7.585,75 tỉ đồng vào năm 2017 và 500,24/7.562,76 tỉ đồng vào năm 2018) cho thấy Công ty Quốc Toản không phải đối tác tạo ra ảnh hưởng trọng yếu đến doanh thu, lợi nhuận, tiền thuế TNDN của BIGIMEXCO.
Trường hợp BIGIMEXCO không mua hàng của Công ty Quốc Toản thì sẽ vẫn vay ngân hàng để đảm bảo kế hoạch nhưng khi đoàn thanh tra vào đã căn cứ mức khống chế lãi vay đã xuất toán toàn bộ chi phí lãi vay của năm 2017, 2018. Từ đó không giảm chi phí lãi vay ngân hàng khi tính thuế TNDN hơn 52,7 tỉ đồng, làm tăng số thuế TNDN phải nộp của năm lên hơn 10,5 tỉ đồng, phát sinh tiền chậm nộp hơn 815 triệu đồng, tiền phạt 20% trên số tiền thuế TNDN phải nộp lên hơn 2 tỉ đồng. Theo quyết định của Tổng cục Thuế vào tháng 10.2019, tổng số tiền mà công ty này phải nộp vào ngân sách trên 13 tỉ đồng.
“Một vấn đề cực kỳ bức thiết với chúng tôi là kính đề nghị Chính phủ xem xét lại để điều chỉnh nội dung khống chế lãi vay cho hợp lý, hợp pháp, hợp tình và có quy định hồi tố hoàn trả các khoản thiệt hại do cách tính áp đặt của quy định, xác định số thuế hoàn trả lại cho DN”, đại diện BIGIMEXCO kiến nghị.
Sau hơn 2 năm, với nhiều doanh nghiệp phải liên tiếp lên tiếng về bất cập của quy định trên. Vào đầu năm 2020, quy định này đã được sửa đổi bởi Nghị định 68/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/06/2020. Cụ thể: Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ. Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định ở trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định ở trên. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ. Quy định trên áp dụng cho năm tài chính 2019 và cho phép điều chỉnh ảnh hưởng đối với các năm tài chính 2017, 2018, cụ thể: Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017; năm 2018 để xác định chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng (nếu có) và nộp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 01/01/2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có). Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020. Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 không đủ bù trừ hết thì phần còn lại được bù trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.
Bị áp thuế cao, kiến nghị mãi mới được giảm…
Vào năm 2015 – 2017, Thiết bị đầu thu kĩ thuật số Analog trước đây là rất cần thiết cho đề án số hóa dịch vụ truyền hình. Trong khi năng lực sản xuất hạn chế của các nhà sản xuất trong nước thì cần thiết phải nhập khẩu.
Từ tháng 9/2015 trở về trước, các doanh nghiệp nhập khẩu STB, truyền hình cáp số, truyền hình IPTV đều được áp mã 8528.71.11, 8528.71.19 hoặc 8543.70.50 và hưởng thuế suất nhập khẩu là 0%. Tuy nhiên bất ngờ bị hướng dẫn tại công văn số 2852/TCHQ-TXNK ngày 7/4/2016 của Tổng cục Hải quan trước đây thì các doanh nghiệp truyền hình đứng trước nguy cơ bị truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng. Đầu thu nhập khẩu bị áp thuế cao lên tới 35% nhưng lại không thể tăng giá bán do thị trường đầu thu số DVB-T2 đang có sự cạnh tranh khốc liệt.
Theo thống kê của Cục Viễn thông kho đó, có 67 model đầu thu số DVB-T2 được thực hiện công bố hợp quy, trong số này có khoảng 75% là đầu thu nhập khẩu. Mức thuế nhập khẩu 35% được áp dụng cho những lô hàng nhập về từ ngày 15/8/2015 trở lại đây. Ước tính các doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế nhập khẩu khoảng từ 80.000 – 150.000 đồng trên một sản phẩm.
Bộ TT&TT khi ấy đã phải nhiều lần có văn bản gửi Bộ Tài chính nêu ý kiến đối với việc phân loại mã hàng hóa STB, nếu STB nhập khẩu được xác định có tính năng kết nối Internet và tương tác với người dùng sẽ thuộc mã HS 8528.71.11 hoặc 8528.71.19. Các mặt hàng STB khác dùng cho truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình cáp có cấu trúc, chức năng chủ yếu thực hiện giải mã tín hiệu thì xét trên phương tiện kỹ thuật, theo quan điểm của Bộ TT&TT được xác định là bộ thu hoặc giải mã tích hợp (IRD) cho hệ thống của phương tiện truyền thông trực tiếp sẽ thuộc mã số 8543.70.50 hoặc mã số 8543.70.90.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ TT&TT và ý kiến của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, xét mặt hàng được quản lý chuyên ngành đặc thù, có ý kiến cụ thể về cấu tạo, tính năng kỹ thuật của Bộ TT&TT và ý kiến của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam về việc sử dụng thiết bị để thực hiện lộ trình số hóa truyền hình, hỗ trợ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn chuyển đổi sang thu xem các kênh chương trình truyền hình thiết yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị phát sóng trên truyền hình số; Sau nhiều văn bản qua lại, thuyết phục thì ngày 27/6/2017, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 8460/BTC-TCHQ gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn về việc phân loại mặt hàng Set top box. Theo nội dung công văn này, các loại set top box (thiết bị thu tín hiệu truyền hình nói chung) sẽ được áp mã số có mức thuế nhập khẩu bằng 0%. Những doanh nghiệp nào đã nộp thuế nhập khẩu trong thời gian trước đây sẽ được xem xét hoàn thuế.
Văn bản hướng dẫn về thuế, cần hết sức thận trọng và phải qui trách nhiệm cán bộ!
Về mặt pháp lý thì Bộ Tài chính, các cơ quan thuộc ngành tài chính có quyền ra các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tuy nhiên từ những ví dụ thực tế trên cho thấy việc ra một văn bản chính sách sát sườn liên quan đến đời sống doanh nghiệp, nhưng lại thiếu thực tiễn, cứng nhắc hoặc hiểu máy móc hoạt động của doanh nghiệp,… có thể gây ra những khó khăn thậm chí khiến doanh nghiệp khốn đốn.
Vấn đề đặt ra là các văn bản hướng dẫn Luật, hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn áp thuế tuy được vận dụng nhiều trong thực tế nhưng lại thiếu vắng trách nhiệm khi ban hành. Theo Luật, doanh nghiệp có quyền khởi kiện. Nhưng nhiều DN lại không dám kiện vì nhiều áp lực khác bủa vây, hoặc có kiện thì “ chờ được mạ, má đã sưng” khi hành trình tố tụng cũng lắm gian nan…
Pháp lý trước đây từng đăng tải nhiều bài viết nói về nỗi sợ của doanh nghiệp liên quan đến một số văn bản chính sách bất cập cụ thể. Theo đó, một nỗi sợ phổ biến của doanh nghiệp, đó là sợ chính sách thay đổi liên tục, sợ chính sách xa rời thực tiễn. Điều đó, khiến doanh nghiệp bị động, không kịp trở tay và thiệt hại. Với những doanh nghiệp lớn có thể nhờ công luận lên tiếng, nhờ các ban ngành, báo chí công luận lên tiếng… Nhưng thực tế có không ít doanh nghiệp phải ngậm ngùi chịu đựng.
Thiết nghĩ, những chính sách bất lợi cho doanh nghiệp cần được ngành tài chính “tiền kiểm” chặt chẽ, không thể để tình trạng đưa vào áp dụng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, doanh nghiệp mất nhiều thời gian kêu sai, kêu bất cập mới sửa đổi.
Những vụ việc trên cho thấy, có vụ việc là do máy móc, có vụ việc là do cơ quan thuế đã áp thuế sai. Thế nhưng doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh rõ ràng đã thiệt hại do nhiều lô hàng đang bị ứ tại cảng, bị đối tác nước ngoài phạt do chậm giao hàng, chậm đầu tư… Việc áp mã sai, vận dụng sai luật thì vai trò của cán bộ hải quan như thế nào? Việc ra chính sách sai thì trách nhiệm cán bộ đến đâu? Ai sẽ đền bù cho doanh nghiệp? .. Chỉ khi nào giải quyết thỏa đáng những câu hỏi đó, thì Doanh nghiệp mới mong kinh doanh an toàn và minh bạch.
Phan Tĩnh