Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV: Những dấu ấn trong lòng cử tri (Kỳ 1)

13/06/2019 13:29

(Pháp lý) - Quốc hội khóa XIV đã đi được hơn nửa chặng đường. Ủy ban Tư pháp - một Ủy ban trực thuộc Quốc hội trong suốt thời gian qua đã ghi nhiều dấu ấn trong lòng cử tri. Đặc biệt là tiếng nói, hành động cụ thể thiết thực của Ủy ban này khi thực hiện các hoạt động lập pháp, giám sát, vì dân, vì công lý…

Trong hoạt động lập pháp, các dự án Luật mà Ủy ban Tư pháp cho ý kiến, tiến hành thẩm tra như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Luật Đặc Xá, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)… đều là những dự án Luật liên quan chặt chẽ đến tư pháp, có ý nghĩa quan trọng đấu tranh trấn áp các loại tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng.

Nỗ lực hoàn thiện pháp luật để chống tham nhũng hiệu quả

Để PCTN hiệu quả thì hoàn thiện pháp luật là yêu cầu bức thiết. Tại Quốc hội khóa XIV, công tác hoàn thiện thể chế pháp luật để PCTN và hoàn thiện chính sách kinh tế – xã hội để PCTN thu được nhiều kết quả đáng chú ý. Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng, đóng vai trò chủ đạo trong công tác PCTN.

Với nhiệm vụ được giao, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành thẩm tra toàn diện, sâu sắc các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật PCTN. Việc sửa đổi nội dung các văn bản Luật này, một mặt nhằm đáp ứng giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mặt khác cũng hài hòa hóa các quy định của pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế về vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Các quy định này đã và đang được triển khai áp dụng trên thực tế sẽ trở thành một hệ thống công cụ pháp lý đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tham nhũng.

Còn nhớ, dự án Luật PCTN (sửa đổi) đặt ra việc sửa đổi toàn diện Luật với nhiều vấn đề lớn như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật ra khu vực ngoài nhà nước; phạm vi, đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; các giải pháp đồng bộ để tăng cường minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập, cũng như có các chế tài phù hợp xử lý nghiêm khắc những hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực… đều là vấn đề lớn, thu hút nhiều ý kiến khác nhau.

Với nhiệm vụ được giao, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành những tọa đàm chuyên sâu với các chuyên gia pháp luật để phân tích, làm rõ các nội dung cần sửa đổi, tác động khi sửa đổi Luật, lấy ý kiến về những vấn đề còn nhiều tranh cãi... Sau đó Ủy ban Tư pháp là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này. Thống nhất các ý kiến về Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 30); Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34). Luật có hiệu lực quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng đã thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm là phù hợp với năng lực của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã thẳng thắn giải thích trước dư luận những vấn đề còn băn khoăn của dự án Luật mà cơ quan này tiến hành thẩm tra (Ảnh nguồn Tuổi trẻ)
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã thẳng thắn giải thích trước dư luận những vấn đề còn băn khoăn của dự án Luật mà cơ quan này tiến hành thẩm tra (Ảnh nguồn Tuổi trẻ))

Một vấn đề sau khi Luật PCTN được Quốc hội thông qua mà dư luận cử tri quan tâm đó là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giữa hai lần kê khai mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng chưa được thể chế trong Luật. Là cơ quan thẩm tra, ngay sau khi Luật này được thông qua, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp đã thắng thắn trả lời báo chí: Trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), vấn đề xử lý tài sản để phục vụ phòng ngừa và chống tham nhũng là nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm dưới hai góc độ: Thứ nhất, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng, do vi phạm pháp luật mà có. Thứ hai, xử lý tài sản tăng thêm mà nhà nước chưa chứng minh được do phạm tội mà có nhưng người có tài sản cũng chưa giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm giữa 2 lần kê khai.

Trong quá trình thảo luận, rất nhiều phương án khác nhau được đưa ra như: Thông qua thủ tục tại tòa án để thu hồi tài sản này cho nhà nước; thu thuế thu nhập cá nhân; xử phạt hành chính với mức xử phạt nặng; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính…. Qua nhiều phiên họp thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học pháp lý đều phân tích rất kỹ lưỡng dưới nhiều góc cạnh khác nhau và ý kiến rất phân tán, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Qua cân nhắc kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, không có phương án nào đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Qua cân nhắc thận trọng, do chưa đủ điều kiện chín muồi, chưa đạt được sự đồng thuận cao nên Quốc hội chưa đưa vào Luật quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc và nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới quy định vào trong luật.

Luật PCTN (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm 10 chương, 96 điều. Luật PCTN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Sau khi Luật được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga chia sẻ: Tôi tin rằng cùng với quyết tâm PCTN cao độ của Đảng và Nhà nước và sự kỳ vọng lớn lao của nhân dân, trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật trong thời gian tới, chúng ta sẽ có đủ trải nghiệm để hoàn thiện hơn nữa, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.

Thẩm tra sắc sảo nhiều quy định của Luật Đặc Xá

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tiến hành thẩm tra dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Khi thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành 05 quan điểm, định hướng xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời có những nhấn mạnh đáng lưu tâm cho cơ quan soạn thảo và các ĐBQH: Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là: thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá. Đáng lưu ý, Bộ luật Hình sự đã bổ sung chế định Tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu không sửa đổi cơ bản về điều kiện đặc xá mà áp dụng song song hai chế định này thì dẫn tới trùng lặp về chính sách. Vì vậy, một mặt, cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua, bảo đảm ý nghĩa đặc ân của người đứng đầu Nhà nước. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Đặc xá cũng phải bảo đảm cân đối giữa việc thực hiện chính sách khoan hồng đặc biệt với tính nghiêm minh trong thực thi bản án của Tòa án, không làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của toàn bộ quá trình tố tụng trước đó.

Các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp mang đậm tiếng nói của cử tri. Nhận được phản ánh của cử tri cho thấy còn có ý kiến băn khoăn về công tác đặc xá thời gian qua triển khai gấp gáp nên chưa bảo đảm đầy đủ sự tham gia, giám sát của nhân dân, từ đó có thể làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác đặc xá. Cơ quan thẩm tra đã đề nghị Luật sửa đổi phải khắc phục được những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đặc xá, đồng thời tránh việc hiểu sai đặc xá ngoài việc thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước thì còn có mục đích nhằm giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở giam giữ.

Hầu hết trong các văn bản thẩm tra Ủy ban Tư pháp lưu ý quá trình sửa đổi Luật cần quán triệt quan điểm tham khảo kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới. Đề nghị Chính phủ nêu và phân tích rõ những kinh nghiệm tốt của các nước mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.

Đối với Luật Đặc xá, những ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp có ý nghĩa trong việc đảm bảo tính phù hợp của pháp luật và đời sống. Sau khi đã cân nhắc đầy đủ các yếu tố về chính trị - xã hội, đối nội, đối ngoại, tình hình tội phạm. Về đối tượng: Chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như: người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi… Về điều kiện: đáp ứng các điều kiện: có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.

Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án thì nên quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự.

Hoạt động thẩm tra được tiến hành toàn diện. Báo cáo thẩm tra Luật Đặc xá còn yêu cầu làm rõ, và giải trình với nhiều nội dung của Luật Đặc xá (sửa đổi) với mong muốn dự luật này hoàn thiện hơn như: Về đặc xá trong những trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định (Điều 10 dự thảo Luật); Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại và nhân ngày lễ lớn của đất nước (Điều 15 dự thảo Luật); Về thẩm quyền trình hồ sơ đề nghị đặc xá đến Hội đồng tư vấn đặc xá (Điều 16 dự thảo Luật); Về quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá (Điều 20 và Điều 23 dự thảo Luật); Về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành (Điều 26 dự thảo Luật); Về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (Điều 28 dự thảo Luật); Về các quy định liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng; Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đặc xá; Về hiệu lực thi hành Luật (Điều 38 dự thảo Luật)

Cho ý kiến chuyên sâu vào Dự Luật Thi hành án hình sự

Dự án Luật Thi hành án hình sự theo dự định ban đầu là được thảo luận tại kì họp thứ 6 và dự kiến thông qua vào kì họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Các ý kiến của Ủy viên Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra tính cần thiết của việc sửa đổi Luật nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể là giữa Luật Thi hành án hình sự và Bộ luật hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Vì tính quan trọng của Luật này, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 03 kỳ họp.

Một buổi thảo luận chuyên sâu tại Ủy ban Tư pháp về Luật Thi hành án hình sự  (Ảnh nguồn quochoi.vn)
Một buổi thảo luận chuyên sâu tại Ủy ban Tư pháp về Luật Thi hành án hình sự (Ảnh nguồn quochoi.vn))

Tại nhiều phiên họp của Ủy ban Tư pháp cho ý kiến dự án Luật này, có thể thấy sự quan tâm đến những vấn đề còn vướng mắc của dự luật, nhằm hướng đến những thảo luận sâu, những ý kiến chuyên môn có ý nghĩa với việc xây dựng Luật. Một trong những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Nhiều ý kiến băn khoăn, dự thảo Luật quy định về thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại nhưng lại chưa có quy định về biện pháp cưỡng chế mà giao Chính phủ quy định. Điều này có thể dẫn đến tình trạng Luật phải chờ văn bản hướng dẫn

Là cơ quan thẩm tra dự Luật này, nhiều ý kiến sắc sảo đã được đưa ra. Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến về nhiều vấn đề cụ thể như: Về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam (khoản 4 Điều 17); Về cụ thể hóa quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo Hiến pháp (Điều 27); Về phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động (Khoản 5 Điều 32); Về xếp loại chấp hành án phạt tù (Điều 35); Về quyền, nghĩa vụ của người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án (Điều 80); Về việc giải quyết hậu quả khi thi hành các hình phạt đối với pháp nhân thương mại (Khoản 3 Điều 174, Khoản 3 Điều 176, Khoản 3 Điều 181, Khoản 3 Điều 185).

Trong xây dựng pháp luật, để thể chế được một quy định pháp luật còn nhiều tranh cãi là điều không đơn giản. Quá trình tìm hiểu các văn bản thẩm tra của Ủy ban Tư pháp trình Quốc hội, nhận thấy có những lập luật sắc sảo, riêng biệt nhưng sát thực được đưa ra trong bối cảnh phù hợp với tình hình chính trị, bối cảnh xã hội và thực tế thực thi pháp luật. Ví dụ như trong vấn đề về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại. Tán thành với quy định của dự thảo Luật và cho rằng, việc thi hành hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn về bản chất là một hình thức kết thúc hoạt động của pháp nhân thương mại. Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra đã khuyến nghị mang tính chất gợi mở: Cần xem xét việc giải quyết các hậu quả như: giải quyết việc làm cho người lao động, thanh toán các khoản nợ, vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, các nghĩa vụ khác của pháp nhân bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn,... vì không chỉ ảnh hưởng đến pháp nhân thương mại chấp hành án mà còn ảnh hưởng đến cả quyền, nghĩa vụ của người lao động, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Hoạt động thẩm tra cũng như những ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng pháp luật của Ủy ban Tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Những văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, phù hợp với đời sống sau khi được ban hành sẽ tác động tích cực đến đời sống xã hội nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng…

(Còn nữa…)
Phan Tĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV: Những dấu ấn trong lòng cử tri (Kỳ 1)" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin