Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu chia sẻ cách đọc sách, có một cuốn sách được ông tâm đắc nhiều lần đem tặng và giảng cho nhân viên

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu chia sẻ cách đọc sách, có một cuốn sách được ông tâm đắc nhiều lần đem tặng và giảng cho nhân viên.

6.1

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ mới đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có những chia sẻ thú vị về chuyện đọc sách của mình.

Theo báo Tuổi trẻ dẫn lời vị Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ông là người đọc sách rất nhiều nhưng sở thích thay đổi theo thời gian.

Khi còn nhỏ, ông thích đọc sách lịch sử và thuộc hết sử sách nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê. Lên đại học, ông thích đọc tiểu thuyết. Giờ đây, khi đã vào top 300 người giàu nhất hành tinh, ông thích đọc sách về quản trị, công nghệ, những cuốn sách tổng kết về công nghệ, xu hướng công nghệ...

Là một người bận rộn, ông Vượng cho biết, cách đọc sách của ông cũng rất khác. Ông không đọc toàn bộ cuốn sách mà xem mục lục, chọn mục hay để đọc. Chỗ nào không hiểu hoặc thấy quan trọng ông có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.

Ông Vượng tiết lộ, một trong những cuốn sách mà ông đã từng tặng cho các cán bộ của mình đọc, cũng như đã mang ra giảng nhiều lần cho nhân viên, là cuốn "Từ tốt đến vĩ đại" (Good to Great) của tác giả Jim Collins, một chuyên gia tư vấn quản lý tài năng và từng giảng dạy tại trường Stanford Business School.

 Cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins
Cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins)

Sở dĩ cuốn sách này được ông Vượng yêu thích là bởi trong đó có tinh thần kỷ luật, tư tưởng kỷ luật, đây gần như trở thành văn hóa của Vingroup.

"Trong cuốn đó ghi rất rõ là muốn thành công phải có tư tưởng kỷ luật và hành động kỷ luật. Tôi xây dựng văn hóa của Vingroup đúng 3 điểm: Một là yêu nước, hai là kỷ luật, ba là văn minh. Chốt lại có đúng 3 từ đấy thôi", ông Vượng nói.

Cuốn "Good to Great" bán được 1 triệu bản chỉ sau 18 tháng ra mắt. Cuốn sách này từng được tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn là một trong số 20 tác phẩm có ảnh hưởng nhất thế giới về quản trị trong vòng 20 năm qua.

Cuốn sách đưa ra một mô hình để chuyển một công ty chỉ ở mức bình thường, hay ở mức tốt, thành một công ty vĩ đại. Theo đó, bằng cách áp dụng con người kỷ luật, suy nghĩ kỷ luật và hành động kỷ luật, một công ty có thể xây dựng và tạo sự đột phá và phá vỡ những rào cản ngăn mình đến sự vĩ đại.

Jim Collins đã tổng kết từ 11 công ty được xem là vĩ đại trên thế giới và nhận ra rằng, 10 trong số 11 công ty vĩ đại thì người lãnh đạo của họ chọn những đồng nghiệp bình thường. Một trong những luận điểm đáng chú ý của cuốn sách là "con người đi trước, công việc theo sau".

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn bài viết: http://soha.vn/ty-phu-pham-nhat-vuong-lan-dau-chia-se-cach-doc-sach-co-mot-cuon-sach-duoc-ong-tam-dac-nhieu-lan-dem-tang-va-giang-cho-nhan-vien-201901111531497.htm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin