Thống kê của Cục Thi hành án Dân sự Tp.Hồ Chí Minh trong 3 năm gần đây cho thấy, tỷ lệ các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng trên địa bàn được giải quyết chỉ đạt cao nhất hơn 24%/năm.
“Tỷ lệ thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng chỉ đạt hơn 24%” là thông tin tại buổi tọa đàm "Thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm tại Tòa án và Thi hành án", do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tòa án Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26/3.
Thống kê của Cục Thi hành án Dân sự Tp.Hồ Chí Minh trong 3 năm gần đây cho thấy, tỷ lệ các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng trên địa bàn được giải quyết chỉ đạt cao nhất hơn 24%/năm. Thậm chí trong năm 2019, con số này chưa tới 12%.
Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Số tiền thu hồi lại theo đó cũng đạt rất thấp, có năm chỉ đạt gần 10%.
Cụ thể trong năm 2020 (từ ngày 01/10/2019 đến 30/9/2020), các đơn vị thi hành án trên địa bàn thành phố tiếp nhận 4.541 vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng phải giải quyết, tương ứng với số tiền là 63.321 tỷ đồng (chiếm 4,49% về việc và 59,2% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Tuy vậy, tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 24,14% về việc và 36,81% về số tiền.
Lý giải điều này, ông Phan Văn Thụy, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Thi hành án Dân sự Tp.Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Tuy nhiên, lý do chính nhất vẫn là các quy định về trình tự thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản trong thi hành án còn rất phức tạp, ngoài ra còn có sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Trong khi đó, số lượng tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng là rất nhiều, chiếm trên 50% tổng giá trị mà các cơ quan Thi hành án phải tổ chức thi hành.
Do vậy, áp lực đối với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng là rất lớn.
Trong khi hệ thống Tòa án đang chịu áp lực giải quyết khối lượng lớn các vụ án và có xu hướng tăng theo từng năm thì các ngân hàng cũng gặp vô vàn khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Nhiều trường hợp khách hàng chây ì trong thanh toán nợ, khi đưa ra tòa lại không chấp hành án, dẫn đến áp lực lớn cho ngân hàng.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Trình, Trưởng Phòng Pháp lý, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), việc khởi kiện tại Tòa án là biện pháp xử lý “đặng chẳng đừng”, sau khi ngân hàng và khách hàng không thể tìm kiếm biện pháp xử lý chung, trong khi số dư nợ ngân hàng cần phải thu hồi gia tăng qua từng ngày.
“Thời gian xử lý nợ càng bị kéo dài, áp lực thu hồi nợ cho ngân hàng càng tăng, tiềm ẩn khả năng tổn thất, mất nhiều thời gian, nhân lực, chi phí của ngân hàng để theo đuổi vụ án. Ngân hàng không hiếm lần buộc phải làm việc trực tiếp với thẩm phán thụ lý vụ án, thậm chí khiếu nại về việc thụ lý quá hạn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tồn tại, ngân hàng vẫn thường xuyên phải đối mặt”, đại diện Sacombank nói.
Theo bà Nguyễn Hồ Thu Thủy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, phản ánh của các ngân hàng cho thấy nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc khởi kiện và quá trình giải quyết tại tòa án các cấp.
Trong đó, chủ yếu là các vướng mắc, bất cập của pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án, như giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn; việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự; việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm; rút một phần yêu cầu khởi kiện, về giao nộp tài liệu, chứng cứ…
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gặp vướng mắc trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết vụ án; xác định địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; việc xác định, triệu tập đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; bảo vệ người thứ ba ngay tình…
Tại tọa đàm, một số ngân hàng đã đề nghị tòa án xem xét, chỉ đạo tòa án các cấp quán triệt việc tuân thủ thời hạn thụ lý các vụ án liên quan đến hồ sơ xử lý nợ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, hạn chế phát sinh trường hợp thụ lý vụ án quá hạn.
Đồng thời, kiến nghị cơ quan lập pháp xây dựng chế tài đối mạnh mẽ đối với đương sự cố ý không chấp hành án, tạo tranh chấp để kéo dài thời gian thi hành án…
Đại diện cơ quan tòa án, thi hành án cũng đề nghị các ngân hàng cần rà soát lại khâu thẩm định tài sản thế chấp; kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý của tài sản thế chấp khi cho vay.
Đây được xem là vấn đề nổi cộm lớn nhất hiện nay trong các vụ việc liên quan đến xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, giải quyết tranh chấp và thi hành án, các ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra hiện trạng tài sản thế chấp để tránh trường hợp khách hàng thay đổi hiện trạng tài sản sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án về sau… ./.
Theo bnews.vn
Nguồn bài viết: https://bnews.vn/ty-le-thi-hanh-an-lien-quan-den-to-chuc-tin-dung-chi-dat-hon-24/190676.html