Từ vụ án xảy ra tại Thủ Đức House: Nhận diện những lỗ hổng chính sách pháp luật thuế, hải quan, doanh nghiệp

08/09/2023 15:15

(Pháp lý) - Nghiên cứu vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và một số đơn vị ở các tỉnh phía Nam, đồng thời nghiên cứu các quy định pháp luật Thuế, Hải quan, Doanh nghiệp, … chúng tôi nhận thấy còn không ít những lỗ hổng.

1-1686719887.jpg

Vụ án Thuduc House: điển hình của tội phạm kinh tế, buôn lậu, lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế…

67 bị can, 10 tội danh liên quan

Nghiên cứu vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và một số đơn vị ở các tỉnh phía Nam, có thể khẳng định đây là một vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, điển hình của tội phạm kinh tế, buôn lậu, lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế…  với 67 bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về 10 tội danh liên quan gồm: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Buôn lậu”, “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Đáng chú ý, trong 67 bị cáo, có rất nhiều cán bộ ngành thuế và hải quan.  Trong đó có 15 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của Cục Thuế TP.HCM bị truy tố vì gây thất thoát hơn 365 tỉ đồng, gồm Phó cục trưởng Nguyễn Thị Bích Hạnh và 14 bị cáo: Phạm Minh Tuấn, Lê Hữu Thanh, Nguyễn Hòa Bình, Cao Văn Tỵ, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Hữu Thành, Hứa Quang Sơn, Trần Thị Túy Nga, Lê Thúy Hằng, Trần Bảo Thịnh, Đặng Thị Huỳnh Yến, Võ Quang Lâm, Đặng Thị Minh Châu.

Bên cạnh đó, còn có 3 bị cáo: Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế Q.1), Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế Q.3) và Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế Q.5, cùng TP.HCM) bị Viện KSND tối cao truy tố về tội nhận hối lộ hơn 7,3 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn có 7 cán bộ hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Hải quan TP.HCM) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Phạm Duy Bình, Hoàng Trung Kiên, Hồ Hoàng Hải, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Bùi Hữu Trên và Nguyễn Lê Hùng…

Cáo trạng xác định, năm 2016-2020, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo đồng phạm thành lập nhiều công ty "ma" ở Việt Nam và nước ngoài để phục vụ cho hoạt động phạm pháp. Nhóm này lập khống hàng trăm hợp đồng xuất nhập khẩu mua bán lòng vòng linh kiện điện tử giả, đã nâng khống giá trị gấp nhiều lần để chiếm đoạt hơn 538 tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT thông qua 3 công ty trung gian. Trong đó, thông qua Thuduc House giúp chiếm đoạt 365 tỷ đồng của Cục Thuế TP HCM.

Ngoài ra, Dũng và đồng phạm đã chuyển trái phép 1.700 tỷ đồng qua biên giới; buôn lậu 39 lô hàng trị giá hơn 72 tỷ đồng; làm giả nhiều tài liệu giấy tờ của cơ quan tổ chức...

2-1686719893.jpg

Các bị cáo tại phiên toà xét xử vụ án xảy ra tại Thuduc House

Nhận diện những lỗ hổng chính sách pháp luật liên quan

Từ thực tế nghiên cứu những tình tiết của vụ án, đồng thời nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi nhận thấy không ít những lỗ hổng pháp luật trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm kinh tế, đặc biệt tội phạm buôn lậu, trốn thuế…

Điển hình như, các quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá chưa thực sự hoàn thiện, thiếu sự đồng bộ và còn nhiều sơ hở. Đặc biệt nhiều văn bản quy phạm pháp luật thực tế chưa đáp theo kịp sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, công tác quản lý của các cơ quan chức năng chuyên môn như cơ quan hải quan, thuế có lúc, có nơi vẫn chưa thực sự chặt chẽ, chưa nắm bắt, đánh giá chưa đúng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp…

Đây là những “kẽ hở”, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi sai phạm như: Xuất khống hàng hóa; xuất ít hơn so với khai báo; xuất không đúng chủng loại so với khai báo (khai báo một loại, xuất một loại); xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa với trị giá cao bất thường; Khai báo hàng có trị giá cao, xuất hàng có trị giá thấp; Khai báo sai tên hàng, mã số hàng hóa để lập khống hồ sơ mở tờ khai xuất khẩu, xác nhận thực xuất, sau đó doanh nghiệp làm việc với doanh nghiệp thành lập công ty để hoàn thuế giá trị gia tăng; Lập khống hóa đơn, chứng từ, xuất khẩu hàng hóa ít nhưng khai nhiều để tăng số thuế giá trị gia tăng được hoàn; quay vòng hàng hóa để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng…

Hay, theo Khoản 4 Điều 132 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đối với tiền thuế GTGT được hoàn theo quy định tại khoản 2 Điều này, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai với cơ quan Thuế nơi quản lý doanh nghiệp về số tiền thuế GTGT đã được cơ quan Hải quan hoàn theo quy định của pháp luật. Sau khi ban hành quyết định hoàn thuế, cơ quan Hải quan cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế.

Tuy nhiên, việc thực hiện kê khai này dựa hoàn toàn vào ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, cơ chế thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan sau khi có quyết định hoàn thuế chưa thực sự có độ tin cậy cao, dễ thiếu sót, thất lạc. Điều này dẫn đến khả năng có không ít trường hợp doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ tiền thuế đối với hàng hoá xuất khẩu rồi nhưng vẫn thực hiện quyền hoàn thuế GTGT tại cơ quan Hải quan.

Thực tế trong vụ án, Trịnh Tiến Dũng đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về khuyến khích DN xuất khẩu linh kiện điện tử với thuế suất 0%, tạo dựng hồ sơ mua bán trong nước và xuất khẩu linh kiện điện tử có giá trị chênh lệch rất lớn, móc nối với các đối tượng tại Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chiếm đoạt hơn 153 tỷ đồng tại Cục thuế tỉnh Tây Ninh, móc nối với các đối tượng tại Thuduc House lập hồ sơ hoàn thuế GTGT chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tại Cục thuế TP Hồ Chí Minh.

3-1686719893.png

Tồn tại nhiều lỗ hổng chính sách pháp luật trong công tác phòng ngừa tội phạm kinh tế

Thứ hai, quy định về thành lập doanh nghiệp, đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quá dễ dãi. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, người đăng ký thành lập doanh nghiệp khi nộp hồ sơ, giấy tờ thì chỉ cần hồ sơ hợp lệ (tự cung cấp thông tin về vốn, điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh…) là được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không buộc cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra tính hợp pháp giấy tờ.

Do vậy, nhiều trường hợp đăng ký kinh doanh nhờ người khác đứng tên hộ, thậm chí là cung cấp hồ sơ giả nhưng vẫn được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây là lỗ hổng rất lớn để một số đối tượng lợi dụng nhờ người thân trong gia đình, thuê người hoặc sử dụng CMND/CCCD của người không quen biết đứng tên đại diện pháp luật thành lập công ty “ma” tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn GTGT...

Theo đó, từ năm 2016-2020, bị can Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo các đồng phạm sử dụng giấy chứng CMND giả để thành lập nhiều doanh nghiệp “ma” ở Việt Nam và ngoài nước để thực hiện hành vi phạm tội.

Tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong, Malaysia và các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Dũng sử dụng pháp nhân các công ty: Lams, Avi, Kimco, Fomula, Meas Cheny, Rothady, Akchalnak, Abutech, DSPSG, WZH, Stronics Global, Icentre... Tai Việt Nam, Dũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh, Mạc Văn Nguyện, Nguyễn Hoàng Lân, Nguyễn Thiên Phủ, Đinh Công Thành... sử dụng CMND của người khác (do cho mượn, bị thất lạc...) thuê làm giả và sử dụng chứng minh nhân dân giả để thành lập các công ty.

Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Dũng, các công ty trong nước mua bán hàng hóa với nhau để hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa. Sau đó các công ty trong nước lập hồ sơ bán hàng đã được nâng khống giá trị cho các công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao của công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài.

Thông qua các hợp đồng xuất nhập khẩu linh kiện điện tử giả, Trịnh Tiến Dũng còn cùng đồng bọn đã vận chuyển trái phép hơn hơn 73 triệu USD, trong đó 51.675.638 USD từ Việt Nam ra nước ngoài và 22.731.686 USD từ nước ngoài về Việt Nam

Thứ ba, quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn cũng đang có lỗ hổng. Theo quy định trước 31/12/2014, hồ sơ khai thuế GTGT phải kèm theo Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra, mua vào. Tuy nhiên, từ năm 2015, để đơn giản về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, phù hợp thông lệ quốc tế, Luật số 71/2014/QH13 Luật Thuế sửa đổi đã bỏ quy định doanh nghiệp phải gửi Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra, mua vào khi lập hồ sơ khai thuế GTGT. Lợi dụng việc này, các đối tượng tự kê những số liệu không có thật vào bảng kê để nộp tờ khai cho cơ quan thuế.

Thứ tư, hiện nay chế tài đối với các hành vi phạm còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Điển hình, chế tài đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, theo quy định tổ chức, cá nhân bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Trong đó, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về khai hải quan chỉ là 40 triệu đồng. Đối với hành vi phạm quy định về khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì mức phạt cao nhất cũng chỉ bằng 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế… (Nghị định 128/2020/NĐ-CP).

Hay đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn nếu xử phạt hành chính, theo Điều 7, Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền tối đa không quá 100 triệu đồng đối với tổ chức, không quá 50 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn.

Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế mức phạt tiền tối đa không quá 200 triệu đồng đối với người nộp thuế là tổ chức, không quá 100 triệu đồng đối với người nộp thuế là cá nhân.

Đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn mức phạt chỉ bằng 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định…

Đối với hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Điều 203 BLHS, cũng chỉ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất là 5 năm đối với cá nhân phạm tội. Đối với pháp nhân, mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng…Việc này khiến các đối tượng “nhờn luật”, vì lợi ích lớn nên chúng sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm. Thậm chí, nhiều đối tượng sau khi bị xử lý hình sự vẫn tái phạm.

Cuối cùng, lỗ hổng lớn nhất mà chúng tôi muốn nói đến chính là công tác cán bộ, công tác kiểm soát cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Bởi, dù pháp luật có hoàn hoàn thiện, có kín kẽ đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu có sự tiếp tay, thông đồng, móc ngoặc giữa của một phận cán bộ thoái hoá biến chất thì các đối tượng vẫn có thực hiện trót lọt một loạt những hành vi vi phạm. Trong vụ án cho thấy có không ít cán bộ ngành thuế và hải quan tiếp tay cho Trịnh Tiến Dũng và các đồng phạm thực hiện trót lọt một loạt những hành vi vi phạm.

Để dễ dàng thông quan hàng hoá, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm chi tiền bồi dưỡng 200.000 - 500.000 đồng một tờ khai cho cán bộ hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ. Nếu tờ khai bị kiểm tra thực tế hàng hóa các đối tượng sẽ trực tiếp liên hệ với cán bộ hải quan làm nhiệm vụ kiểm hóa để thống nhất thời gian kiểm hóa. Sau khi kiểm hóa, các đối tượng chi tiếp từ 2 - 8 triệu đồng mỗi lô hàng cho cán bộ hải quan làm nhiệm vụ kiểm hóa tại bàn làm việc, số tiền chi tùy theo tỷ lệ kiểm tra thực tế. Liên quan đến vụ án, 7 cán bộ hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Hải quan TP.HCM) bị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Nhiều bị cáo cũng thuộc Cục Thuế TP bị xét xử tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (SN 1969, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” vì đã có hành vi chỉ đạo, ký các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House 15 kỳ (từ tháng 4/2018 đến 6/2019) trái quy định, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro về thuế, không áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế để có ý kiến chỉ đạo các bộ phận giải quyết hoàn thuế cho Thuduc House áp dụng đúng, đầy đủ quy trình và các văn bản hướng dẫn về quản lý hoàn thuế, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 331,4 tỷ đồng

Đáng chú ý, nhiều cán bộ thuế tại TP.HCM nhận hối lộ tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng từ nhóm của Dũng tạo điều kiện cho các công ty "ma" của bị can này bán hóa đơn GTGT. Trong đó, Đào Thị Nga cán bộ thuế Chi cục Thuế quận 1 nhận hối lộ 776 triệu đồng, Ngô Huỳnh Lũy cán bộ Chi cục Thuế quận 5 nhận hối lộ 497 triệu đồng, Nguyễn Phương Nam cán bộ thuế Chi cục Thuế quận 3 nhận hối lộ hơn 6,1 tỉ đồng.

Kiến nghị

Nghiên cứu vụ án này có thể thấy, thủ đoạn chính của các đối tượng là thành lập công ty con trong nước, mua bán hàng hóa với giá thấp, sau đó nâng giá lên hàng trăm lần, làm giả hồ sơ để xuất khẩu. Đồng thời, thông qua các hợp đồng xuất nhập khẩu chuyển tiền ra nước ngoài, làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Có thể khẳng định đây là một vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, điển hình của tội phạm kinh tế, buôn lậu, lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế… 

Do đó, trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các loại tội phạm kinh tế, đặc biệt là tội phạm buôn lậu, lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế…  các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách kinh tế, trong đó đặc biệt là các quy định luật Doanh nghiệp, Luật thuế, luật Hải quan… để các quy định của pháp luật, đảm bảo khoa học, chặt chẽ, không tồn tại những kẽ hở, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để trục lợi.

Thứ hai, đối với các cơ quan quản lý tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ quan chức năng, chuyên môn như cơ quan thuế, hải quan, tài chính, … cần làm tốt công tác kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trong đó có hoạt xuất nhập khẩu hàng hoá. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Phải giám sát chặt chẽ việc thành lập các doanh nghiệp.

Thứ ba, cần có những chế tài hành chính, hình sự đủ mạnh để răn đe và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thành lập doanh nghiệp, hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, khai gian, khai khống trong xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm gian lận, trốn thuế…

Đặc biệt cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của quan chức, cán bộ để tránh tình trạng thông đồng, cấu kết với doanh nghiệp tiếp tay cho các sai phạm.

Đinh Chiến - Bùi Lộc
Bạn đang đọc bài viết "Từ vụ án xảy ra tại Thủ Đức House: Nhận diện những lỗ hổng chính sách pháp luật thuế, hải quan, doanh nghiệp" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin