Từ Trịnh Xuân Thanh đến Châu Thị Thu Nga

Hai vụ trọng án này dù khác nhau về tội danh, nhưng có một số điểm tương đồng “chết người”. Sự tương đồng này phần nào chỉ ra một số “lỗi” ở các khâu quản lý nhà nước

Nguyên đại biểu (ĐB) Quốc hội Châu Thị Thu Nga bắt đầu bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo. Còn Trịnh Xuân Thanh tuy chỉ đang trong quá trình điều tra, nhưng dư luận lại biết rất nhiều về “thành tích” của nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang này. Vậy hai vụ án với hai tội danh rất khác nhau liệu có điểm gì tương đồng?

4

Thứ nhất, đó là chạy chức, chạy quyền. Với con đường của Trịnh Xuân Thanh, dư luận đã biết quá rõ. Còn bà Châu Thị Thu Nga khai với cơ quan điều tra, đã dùng nhiều tiền, rất nhiều tiền để “mua” chức danh ĐB Quốc hội. Dù rằng, hiện tuy vẫn chỉ là lời khai, không ai xác nhận, nhưng cũng là điều không thể bỏ qua. Bởi, với tư cách ĐB Quốc hội, bà Nga không chỉ có rất nhiều quyền, trong đó có quyền giám sát, chất vấn các cơ quan chức năng. Đặc biệt, cơ hội tiếp xúc với các thành viên Chính phủ, các cơ quan chức năng một cách dễ dàng với vị thế nhất định. Mà đó là cơ hội vàng của bất cứ doanh nghiệp nào. Đó cũng là một trong những lý do bà Châu Thị Thu Nga “chạy” ĐB Quốc hội.

Thứ hai, nếu như ông Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Cty cổ phần bất động sản Điện lực dầu khí VN (PVP Land - 1 trong 5 cổ đông của Cty Xuyên Thái Bình Dương và chiếm trên 50,5% cổ phần của Cty này) mua rồi bán cổ phần dự án Thanh Hà - Cienco5 (Hà Nội). Chính ông Trịnh Xuân Thanh bị tố cáo chỉ đạo “ăn” tới 1/3 giá trị hợp đồng trong dự án khủng này. Hậu quả, vụ án Thanh Hà - Cienco5 có tới 429 người bị lừa đảo với trị giá khoảng 800 tỉ đồng. Nếu trong vụ án trên, PVP Land là bên bán dự án, thì trong vụ án của mình, bà Châu Thị Thu Nga là một bên tham gia dự án B5 Cầu Diễn (Hà Nội). Cả hai vụ án này cùng có đặc điểm chung là tự “vẽ” ra các quy hoạch để rao bán, dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Hậu quả bà Châu Thị Thu Nga để lại nặng nề không kém: 752 hợp đồng được ký kết với tổng giá trị 348 tỉ đồng. Hiện, số tiền này đã bị tiêu hết và dự án vẫn chỉ trên giấy.

Thứ ba, cả hai vụ án này đều cho thấy lỗ hổng lớn về trách nhiệm. Các chủ đầu tư dự án lừa đảo khách hàng quá dễ dàng, hầu như không có một lời cảnh báo của cơ quan chức năng. Đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, hậu quả đã cực kỳ nghiêm trọng. Vì sao các dự án này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các chủ đầu tư vẫn có thể “vẽ” các quy hoạch “ma” để bán công khai trong thời gian dài? Các cơ quan chức năng các cấp liệu có biết chuyện này không? Họ không thể không biết. Đó là trách nhiệm của họ, mặt khác, với số tiền lớn phải nộp, không ít khách hàng đến cơ quan chức năng hỏi thực hư. Nếu biết, sao họ vẫn làm ngơ? Do đó, trong vụ án Châu Thị Thu Nga, viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của các vị có trách nhiệm ở các cơ quan chức năng của UBND TP và UBND huyện Từ Liêm (cũ). Rất tiếc, đến nay cơ quan điều tra chưa làm rõ được nội dung này.

Thứ tư, nói đi cũng phải nói lại, liệu các bị cáo trong các vụ án này có ý định lừa đảo ngay từ đầu? Phần nhiều là không. Diễn biến của nhiều vụ án lừa đảo liên quan đến đất đai cho thấy, các khâu phê duyệt dự án của chúng ta còn rất rườm rà, lòng vòng, kéo dài bởi phải lấy quá nhiều ý kiến của các sở, ban, ngành và địa phương. Trong khi, các DN vốn không nhiều, tốn rất nhiều tiền ở khâu thủ tục, do đó, họ tìm mọi cách để huy động vốn. Nếu thời gian kéo dài ba, bốn năm (có nhiều dự án kéo cả chục năm) vẫn chưa thấy dự án động tĩnh, các khách hàng bắt đầu khiếu kiện, tố cáo và thế là thành …lừa đảo.

Do đó, để hạn chế tối đa các vụ án kiểu này, vẫn phải là minh bạch thông tin. Lý gì, các dự án chỉ một số ít DN được biết và không đấu thầu công khai mà cứ để một số DN lẳng lặng “chạy”. Đồng thời, khi đã công khai, người dân cũng rất dễ kiểm chứng các thông tin của các dự án, nên khả năng bị lừa ít hơn rất nhiều.

Vậy vì sao một số cơ quan chức năng vẫn cứ thích tù mù các dự án?

Theo Dantri

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin