Từ loạt vụ án kinh doanh đa cấp trái phép, lừa đảo hàng trăm tỉ đồng: Chuyên gia nêu nhiều khuyến cáo và kiến nghị.

(Pháp lý) – Thời gian qua, những thủ đoạn lừa đảo qua mô hình kinh doanh đa cấp với nhiều vỏ bọc phức tạp, chiêu thức mới lạ núp bóng dưới hình thức đầu tư tiền ảo, ngoại hối, dự án ma… nở rộ . Đây không phải là loại hành vi phạm tội mới , tuy nhiên mỗi vụ án xảy ra thường kéo theo hàng trăm nghìn người vào bẫy với số tiền thiệt hại cực lớn.

Xung quanh vấn nạn này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với một số Luật sư và chuyên gia kinh tế để ghi nhận lại những khuyến cáo và kiến nghị của họ, chuyển tới bạn đọc và các cơ quan chức năng.

Kinh doanh đa cấp biến tướng với muôn vàn chiêu thức mới …

Mới đây, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an vừa ra quyết định tạm giữ khẩn cấp một số lãnh đạo của Công ty Cổ phần tập đoàn Thời gian vàng (Tập đoàn Gold Time) để điều tra, làm rõ hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thu lợi bất chính và có dấu hiệu vi phạm vào Điều 217a Bộ luật Hình sự.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Gold Time không mua bán, sản xuất bất cứ thứ gì chỉ tập trung chủ yếu vào việc lôi kéo người dân tham gia mua phân quyền kinh doanh. Cụ thể, công ty “dụ dỗ” người dân với chính sách mua thương hiệu cafe Gold time với giá 3 triệu đồng được tặng cổ phần, hưởng cổ tức hàng tháng. Nhà đầu tư có thể phân phối hàng hóa, được giao dịch tại sàn nội bộ.

Đặc biệt, khi giới thiệu người tham gia, nhà đầu tư sẽ nhận được 10% (F1), 0,5% (F2) cho đến cấp F11, giới thiệu được càng nhiều người đầu tư vào Golden Time) số tiền % được hưởng sẽ càng lớn. Sau gần 2 năm hoạt động, hệ thống của Gold Time đã phát triển mạng lưới 400 nghìn thành viên, vươn vòi về tới tận làng quê và thôn xóm ở các tỉnh, thành. Vì ham lãi suất cao, nhiều người bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua cổ phiếu Gold Time đến nay chưa biết cách gì lấy lại.

Một chiếu thức khác là thông qua ứng dụng di dộng (app). Hôm 13/8, Công an tỉnh Bình Phước đã đưa ra cảnh báo phương thức hoạt động của ứng dụng (app) thanh toán hộ Myaladdinz có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, lừa đảo.

MyAladdinz được giới thiệu là sản phẩm của Success Resources (Singapore) - một công ty chuyên tổ chức các sự kiện đào tạo quốc tế quy mô lớn với sự tham gia của những diễn giả nổi tiếng.

MyAladdinz huy động vốn kiểu đa cấp bằng chiêu khuyến mãi “khủng”

Chức năng của ứng dụng My Aladdinz là giúp thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… với khả năng hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn mua hàng. Người dùng thanh toán càng nhiều thông qua ứng dụng My Aladdinz sẽ được hoàn trả càng nhiều tiền hơn. Chính vì vậy, MyAladdinz đã thu hút được một lượng đông đảo thành viên tham gia sử dụng.

Để là thành viên của My Aladdinz, người dùng phải đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân và thông tin về người giới thiệu, đồng thời nạp vào tài khoản của mình số tiền ít nhất 100 USD (khoảng 2,4 triệu đồng). Số tiền khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem” (đơn vị thanh toán trong ứng dụng). Mỗi “gem” có giá trị tương ứng với 1 USD.

Ngoài hình thức thanh toán bằng “gem”, My Aladdinz còn dụ dỗ người tham gia đầu tư bằng cách cho ứng dụng này vay số “gem” họ có. Đổi lại, My Aladdinz sẽ trả lãi từ 0,1-0,2% mỗi ngày. Số tiền này được app chi trả liên tục cho tới khi người dùng nhận tổng số gem bằng 5 lần mức đã cho vay trước đó.

Khổng chỉ thế, gần đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 các kênh đầu tư truyền thống trở nên kém hấp dẫn. Tranh thủ cơ hội này, hàng loạt công ty môi giới đầu tư ngoại hối (Forex) và chứng khoán phái sinh quốc tế nở rộ, kèm những ứng dụng “cao siêu” có khả năng đánh bại thị trường và đặc biệt là dễ chơi, như robot giao dịch, trí tuệ nhân tạo, thuật toán ma trận,…

Với chiêu bài “ngồi chơi cũng được cam kết lợi nhuận 21%-26%/tháng”, thông qua việc gửi tiền ủy thác đầu tư cho các “ban chuyên gia”, những trưởng nhóm, team leader, cộng sự môi giới, team phát tín hiệu, cộng thêm các công nghệ thời thượng như trí tuệ nhân tạo, giao dịch tự động, …Vì vậy không ngạc nhiên khi nhiều người bị “hút” vào forex với cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền. Lợi nhuận được hứa hẹn ổn định bất kể điều kiện thị trường, thậm chí bao lỗ, bao cháy tài khoản…

Tin vào những lời đường mật của môi giới, nhiều nhà đầu tư đã sập bẫy khi đầu tư vào forex, tiền ảo, đa cấp.

Tuy nhiên, các giao dịch, tư vấn giữa nhà đầu tư và nhân viên môi giới chủ yếu trao đổi qua tin nhắn Zalo, Facebook, …Thậm chí, phần lớn nhà đầu tư khi đổ tiền vào các tài khoản được mở còn không biết đơn vị nào đứng sau các sàn Forex mà mình đang giao dịch. Trường hợp nhà đầu tư thua lỗ hoặc gặp rủi ro lớn cũng không biết liên hệ đâu để xử lý.

Theo quy định hiện hành, chỉ tổ chức tín dụng và tổ chức khác được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mới được kinh doanh ngoại hối, cá nhân đầu tư forex là trái pháp luật .

Chuyên gia nêu nhiều khuyến cáo và kiến nghị

Những ví dụ trên cho thấy, bất chấp từ cảnh báo qua các đại án liên quan đến kinh doanh đa cấp trái phép với số tiền chiếm đoạt lên đến cả nghìn tỷ đồng như trường hợp các Công ty Liên Việt, địa ốc Alibaba,… từng bị phát giác, hành vi lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nguyên nhân chủ yếu khiến các đối tượng lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp tiếp tục lộng hành vẫn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, lòng tham, hám lợi trước mắt của nạn nhân.

Nhưng ở chiều ngược lại, có một sự thật là hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính đang biến tướng ngày càng tinh vi, khó nhận diện so với thủ đoạn truyền thống trước đây mà yếu tố chụp giật khá lộ liễu, chỉ quẩn quanh một vài mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu hình thức các khái niệm “phân quyền kinh doanh” hay “nhượng quyền thương hiệu” chỉ là cách nói khác đi của các công ty đa cấp, nếu như nó vẫn hoạt động theo mô hình ponzi thì vẫn là đa cấp.

Chính bởi vì không đi theo hướng kinh doanh đa cấp bài bản, hợp pháp nên các công ty này không xin cấp phép từ bộ Công Thương mà lại xin giấy phép từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hình thức kinh doanh hợp pháp khác, sau đó tìm cách lái sang hướng kinh doanh đa cấp kiểu biến tướng lừa đảo.

Một vấn đề nữa là hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh đã cấp còn nhiều lỗ hổng. Theo PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, kinh doanh ngoại hối nói chung ở Việt Nam hiện nay vẫn là một vấn đề mang tính đặc biệt được nhà nước quản lý chặt chẽ thông qua việc nhà nước yêu cầu chỉ được mua bán ngoại tệ thông qua các điểm, cơ sở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Vì thế việc mua bán ngoại tệ phải theo đúng quy định pháp luật về quản lý kinh doanh ngoại tệ.

Tuy nhiên thời gian vừa qua, có một số cá nhân thậm chí một số doanh nghiệp đã hình thành nên các sàn ảo và thực hiện mua bán ngoại tệ trên các sàn ảo đó, đây là hành vi vi phạm luật pháp Việt Nam mà các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo. Bởi vì, rõ ràng là việc kinh doanh ngoại hối như đã nói là không được phép.

Điều thứ hai là các hoạt động kinh doanh môi giới ngoại tệ này lại được thực hiện trên sàn giao dịch ảo cho nên người dân mà tham gia vào thì không thể nắm bắt được cơ chế của thị trường cũng như cách thức để điều hành thị trường đó cho nên rất dễ mắc phải hình thức lừa đảo.

Ở một số quốc gia trên thế giới việc mua bán ngoại tệ được cho phép, do đó nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch. Nhưng mà ở Việt Nam thì khác, đầu tiên chủ thể kinh doanh ngoại hối phải được chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc cá nhân Việt Nam đầu tư ngoại hối tại các sàn Forex là trái với các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.

Ngoài ra, ở một số nước hoạt động này là được phép, cho nên người ta có thể giao dịch trực tiếp trên sàn thật bằng tiền thật. Không giống như ở Việt Nam nhà đầu tư tham gia vào phải thông qua một ai đó để mua bán thông qua sàn ảo 100%. Phần lớn nhà đầu tư khi đổ tiền vào các tài khoản được mở còn không biết đơn vị nào đứng sau các sàn Forex mà mình đang giao dịch. Nếu gặp rủi ro mất tiền thì cũng không biết liên hệ đâu để xử lý.

Ở một số quốc gia trên thế giới việc mua bán ngoại tệ được cho phép, do đó nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch. Nhưng mà ở Việt Nam thì khác, đầu tiên chủ thể kinh doanh ngoại hối phải được chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc cá nhân Việt Nam đầu tư ngoại hối tại các sàn Forex là trái với các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.

PGS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định, các giao dịch ngoại hối trên các sàn Forex là những giao dịch chui, là giao dịch không được pháp luật cho phép. Ở đây, có một số vấn đề cần phải lưu ý:

Thứ nhất, người tham gia vào đó rõ ràng là đã vi phạm pháp luật dù biết hay không biết. Bởi, việc kinh doanh ngoại hối đến mua bán đồng tiền thật ở các cửa hàng vàng hay tổ chức không được cấp phép là đã vi phạm pháp luật rồi.

Thứ hai, thiếu sự quản lý sát sao của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lý mạng để cho họ quảng bá, mời chào lôi kéo tràn lan trên các trang web, mạng xã hội… nhưng không có biện pháp xử lý.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính.

Về pháp luật, PGS. Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, chúng ta đang hướng đến thị trường tài chính mang tính tự do hơn vì thế cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu để có biện pháp dần dần nới lỏng hoạt động quản lý hối thoái, để từ đó có thể được mua bán các đồng ngoại tệ bằng tiền thật cũng như thành lập được các sàn mua bán ngoại tệ để có thể quản lý được…

Bên cạnh đó, chế tài trong các hoạt động kinh doanh đa cấp còn thấp, chưa tương xứng với những hậu quả mà nó gây ra. Tới đây cần sửa đổi chế tài theo hướng tăng nặng hình phạt kể cả tăng phạt tiền và tăng xử lý hình sự.

Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thị trường ngoại hối và chứng khoán phái sinh quốc tế tại Việt Nam thời gian qua rất hỗn độn. Đây là lĩnh vực mà Nhà nước chưa cho phép các cá nhân đầu tư và chưa có khung pháp lý rõ ràng. Do vậy, các nhà đầu tư cá nhân muốn vươn ra thị trường toàn cầu bắt buộc phải đi theo con đường chui, dẫn tới nhiều sàn giao dịch trái phép mọc lên. Các sàn này dùng mọi hình thức để lôi kéo người dân tham và đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, muốn làm giàu…nên gây ra rủi ro lớn cho người tham gia.

Trước biến tướng phức tạp của lừa đảo kinh doanh đa cấp, lời khuyên của các chuyên gia đó là, tuyệt đối không đầu tư vào lĩnh vực, mặt hàng không được pháp luật Việt Nam công nhận hay lĩnh vực doanh nghiệp chưa đăng ký kinh doanh.

Nếu thấy sự tăng trưởng đáng ngờ của doanh nghiệp, những lời mời chào huy động vốn, hoa hồng cao bất thường không tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi, không có hoạt động làm giàu nào lại dễ dàng, tốn ít công sức, ngoại trừ các thủ đoạn lừa đảo chiếm dụng tài sản người khác.

Nam Kiên

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin