Từ các vụ kỷ luật, khởi tố loạt lãnh đạo cấp tỉnh: Cấp thiết “bịt” các lỗ hổng của Luật Đất đai và xử nghiêm cán bộ sai phạm

(Pháp lý) - Quy định “tạo” cơ chế xin – cho; phương pháp định giá đất bất cập; “nhập nhằng” quy định đấu giá và không đấu giá QSDĐ; thanh toán dự án bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá… là những quy định có lỗ hổng của Luật Đất đai đang hàng ngày hàng giờ “tiếp tay” cho thất thoát, tham nhũng, trục lợi. Biểu hiện cụ thể đó là sự cấu kết giữa doanh nghiệp với những quan chức có thẩm quyền ký quyết định mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng…

Kỷ luật, khởi tố hàng loạt lãnh đạo cấp tỉnh do sai phạm trong quản lý đất đai

Liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa (nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020) và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa (nhiệm kỳ 2011-2016, nhiệm kỳ 2016-2021) trong việc quản lý sử sử dụng đất đai, vừa qua, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông: Lê Đức Vinh (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021); Nguyễn Chiến Thắng (Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016); Đào Công Thiên (Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021).

[caption id="attachment_215114" align="aligncenter" width="410"]Ba lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị cách hết chức vụ trong Đảng do sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, công sản (trong ảnh từ phải qua: ông Nguyễn Chiến Thắng, ông Lê Đức Vinh, ông Đào Công Thiên) Ba lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị cách hết chức vụ trong Đảng do sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, công sản (trong ảnh từ phải qua: ông Nguyễn Chiến Thắng, ông Lê Đức Vinh, ông Đào Công Thiên)[/caption]

Cả ba ông Vinh, Thắng và Thiên đã trực tiếp ký các văn bản của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, của UBND tỉnh Khánh Hòa về đất đai, về đầu tư xây dựng các dự án, vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nội dung cố ý vi phạm.

Theo tìm hiểu, có thời điểm tỉnh này chỉ định thầu và chỉ định luôn giá mà không tổ chức đấu thầu, đấu giá, dẫn đến thất thoát tài sản và ngân sách Nhà nước. Khánh Hòa có nhiều vi phạm trong một số dự án thực hiện theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Theo một số nguồn tin, cơ quan chức năng kết luận 20 dự án liên quan đến đất đai có vi phạm, gây thiệt hại ít nhất 16.559 tỉ đồng, trong đó riêng dự án Trung tâm Đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (khu đất sân bay Nha Trang cũ) thiệt hại ít nhất là 11.994 tỉ đồng.

Trước đó, Ban Bí thư cũng đã thi hành quyết định kỷ luật bằng hình thức cách hết tất cả các chức vụ trong đảng đối với ông Tất Thành Cang (Phó Bí thư trường trực Thành ủy TP.HCM) vì liên quan đến nhiều sai phạm nghiêm trọng, trong đó có việc chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (một Công ty thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM) chuyển nhượng hơn 32ha đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai chỉ với giá 1,29 triệu đồng/ m2. Trong khi giá thị trường của thời điểm đó, mỗi m2 đất ở đây lên đến khoảng 40 triệu đồng.

Không chỉ bị kỷ luật mà nhiều lãnh đạo cấp tỉnh còn vướng vòng lao lý, bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.

Điển hình, tại Đà Nẵng, liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ tức Vũ “nhôm” thâu tóm “đất vàng”, VKSND Tối cao đã khởi tố ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng) cùng nhiều cán bộ lãnh đạo. Viện kiểm sát xác định từ năm 2006 đến năm 2014, ông Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) và các đồng phạm đã giúp Vũ "nhôm" thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác 22 nhà, đất công sản và 7 dự án đất. Hậu quả, Nhà nước bị thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng. Riêng dự án 29 ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, số tiền thiệt hại đã trên 11.200 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm 2018, cũng liên quan đến Vũ “nhôm” tại TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt lãnh đạo cũng đã bị khởi tố. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố cùng một số lãnh đạo cấp phòng khác do liên quan đến sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án bất động sản tại khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1.

Chưa hết, các bị can trên tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" liên quan đến khu đất 15 Thi Sách, Quận 1. Ông Nguyễn Hữu Tín là người ký các văn bản giao khu đất này cho Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 để xây dựng khu phức hợp thương mại-dịch vụ-căn hộ trái quy định.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBNDTP. Hồ Chí Minh cũng bị bắt để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu đất 5.000m2 số 8-12 đường Lê Duẩn, Quận 1, gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước.

Những lỗ hổng pháp luật “tiếp tay” cho thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng…

Từ những vụ - việc khiến hàng loạt lãnh đạo cấp tỉnh bị kỷ luật, khởi tố vừa qua, có thể thấy sai phạm đều xuất phát từ những sai phạm của các quan chức trong việc ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không qua đấu giá đấu thầu, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, tài sản và ngân sách Nhà nước…

Theo chúng tôi, ngoài nguyên nhân nhìn thấy rõ là các quan chức cố ý làm trái, không tuân thủ các quy định pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, còn một nguyên nhân lớn khác là do lỗ hổng của Luật Đất đai.

Nghiên cứu các quy định của Luật Đất đai hiện hành, thấy bộc lộ nhiều bất cập tạo ra những kẽ hở để cho các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, trục lợi.

Thứ nhất, Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Như vậy việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng.

Thứ hai, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất. Đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.

Vấn đề này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường, là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách Nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hoá, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá trong điều kiện nguồn đất đai có hạn, nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao, nhất là tại đô thị với các khu đất có giá trị sinh lời cao.

Thứ ba, quy định pháp luật về phương pháp định giá đất còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa phù hợp thực tế. Một trong những nguyên tắc định giá đất là phải “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” (điểm c, khoản 1, Điều 112) nhưng trên thực tế thực hiện thì hầu như lại thoát ly khỏi giá cả thị trường. Ngay từ khi thông qua Luật Đất đai năm 2013, Tổng Cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra rằng, khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường.

Tương tự như thế, khung giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 đến 60% giá đất thị trường tại địa phương.

Đáng lưu ý, toàn bộ quy trình định giá đất đều do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện. Mặc dù, Điều 115 và Điều 116 có đề cập đến tư vấn giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập... Do vậy, giá đất mang nặng tính “áp đặt”.

[caption id="attachment_215115" align="aligncenter" width="410"]Phương pháp xác định giá đất hiện có lỗ hổng, bất cập lớn đang bị lợi dụng, gây thất thoát lãng phí Phương pháp xác định giá đất hiện có lỗ hổng, bất cập lớn đang bị lợi dụng, gây thất thoát lãng phí[/caption]

Trước đây, theo Luật Đất đai 2003, chỉ có đầu mối là Sở Tài chính chủ trì toàn bộ công tác xác định và thẩm định giá đất cụ thể. Còn theo Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ, công tác này được phân chia cho 2 đầu mối. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch định giá đất cụ thể và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất cụ thể; Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh để thẩm định phương án giá đất. Cơ chế này đã dẫn đến quy trình hành chính xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất thiếu tính minh bạch, thiếu tính liên thông, có sơ hở tạo ra cơ chế xin-cho, nhũng nhiễu, dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước.

Thứ tư, quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện giao đất để thực hiện dự án đặc biệt đối với các dự án BT cũng không hợp lý, không cụ thể, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai.

Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất. Đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.

Luật Đất đai năm 2013 chỉ có khoản 3 Điều 155 quy định về việc Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án. Ngoài ra không có quy định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất đai để trả cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định thi hành chi tiết Luật Đất đai có riêng Điều 54 quy định về đất thực hiện dự án BT và BOT. Tuy nhiên, Nghị định này cũng chỉ quy định về việc nhà nước giao đất và chuyển giao đất, không hề có quy định gì về loại đất đem đổi và xác định giá trị đất đai đem đổi.

Như vậy, đang tồn tại một khoảng trống pháp lý rất lớn về dự án BT tại Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn Luật này, trong khi nhiều văn bản khác về BT lại quy chiếu về việc thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

[caption id="attachment_215117" align="aligncenter" width="410"]Dự án Louis City Đại Mỗ - một trong những dự án bất động sản “đình đám” của Tập đoàn Lã Vọng Dự án Louis City Đại Mỗ - một trong những dự án bất động sản “đình đám” của Tập đoàn Lã Vọng[/caption]

Bên cạnh đó, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng khiến việc thanh toán dự án bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.

Về nguyên tắc, đất đai trả cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán tài chính và kiểm toán độc lập vì lúc đó mới biết rõ giá trị cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP cho phép thực hiện ngay trong lúc đang triển khai xây dựng công trình hạ tầng tùy thuộc vào thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư dự án BT.

Đang tồn tại một khoảng trống pháp lý rất lớn về dự án BT tại Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn Luật này, trong khi nhiều văn bản khác về BT lại quy chiếu về việc thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Bên cạnh đó, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng khiến việc thanh toán dự án bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.

Theo quy định, giá đất được xác định tại thời điểm giao đất, còn giá trị công trình BT được xác định tại thời điểm quyết toán công trình. Trong khi hầu hết các dự án BT được giao đất trước khi hoàn thành công trình, dẫn đến việc có đơn giá đất tại thời điểm giao đất thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình. Điều này khiến việc thanh toán không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư và thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Ở Hà Nội mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận toàn diện về 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng ở Hà Nội, theo những gì TTCP chỉ ra cho thấy doanh nghiệp này được ưu ái một cách rất đặc biệt. Theo đó, các dự án của tập đoàn này đầu tư đều có chung một công thức: chỉ định đầu tư dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng - qua đó dần sở hữu các khu đất ở đô thị và các khu đô thị có giá trị hàng ngàn tỉ đồng tại Hà Nội.

Một trong những dự án điển hình được TTCP chỉ ra là, năm 2010, thông qua công ty thành viên Công ty CP thương mại Ngôi Nhà Mới chi 30 tỉ đầu tư cải tạo môi trường hồ Đầu Băng, quận Long Biên theo hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp này được Hà Nội ưu ái chỉ định đầu tư dự án BT cải tạo, xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng - hồ Tư Đình theo hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư 610 tỉ đồng.

Tuy nhiên qua thanh tra, tổng vốn đầu tư được xác định chỉ khoảng 400 tỉ đồng, vì vậy Công ty Ngôi Nhà Mới phải nộp bổ sung ngân sách nhà nước khoảng 125 tỉ đồng. Đổi lại công trình BT trên, Hà Nội bố trí cho Công ty Ngôi Nhà Mới 14,5ha đất xây dựng khu đô thị mới Tây Nam đường 70, quận Nam Từ Liêm. Theo kết luận thanh tra, quỹ đất bố trí tăng gần 1ha so với diện tích đất cam kết trong hợp đồng BT. TTCP cho rằng việc Hà Nội đã thanh toán quỹ đất cho Công ty Ngôi Nhà Mới khi chưa hoàn thành công trình BT xây dựng 1,85km cống nối 3 hồ này là chưa đủ cơ sở.

Theo quy định hiện hành có 5 phương pháp xác định giá đất, song kết quả xác định giá giữa các phương pháp chênh lệch với nhau khá lớn, trong khi luật pháp cũng không bắt buộc áp dụng phương pháp nào. Quy định về phương pháp định giá đất là kẽ hở lớn, dễ bị lợi dụng để trục lợi. Giá đất được xác định quá rẻ so với giá trị thị trường chẳng những sẽ khiến ngân sách bị thất thu, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất.

“Việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, trong đó, hoàn thiện phương pháp xác định giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng gây thất thoát lãng phí”, TS. Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

“Công không chính thì tư tất loạn”: Cần xử nghiêm các “công bộc” sai phạm

Thạc sỹ Phan Đăng Hải, Giảng viên Học viện Ngân hàng nhận xét: một điều rất dễ nhận thấy là các vụ việc sai phạm liên quan đến dự án ở Khánh Hòa và của Tập đoàn Lã Vọng đa số tập trung theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), rất nhiều trường hợp giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất vi phạm Luật đất đai 2013 hoặc có biểu hiện sai phạm liên quan đến đấu thầu, vi phạm qui định theo Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 và hàng loạt các sai phạm khác.. Kết quả chung của những vụ việc này là doanh nghiệp được lợi khi sở hữu những “mảnh đất vàng” tại các địa phương.

Từ những vụ việc kể trên, có thể nhận thấy các sai phạm chủ yếu tập trung vào những trường hợp sau. Thứ nhất, các cá nhân, tổ chức có chức vụ, quyền hạn tự ý ra các quyết định vượt quá thẩm quyền luật định. Ví dụ UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt 47 dự án vượt thẩm quyền với rất nhiều các văn bản có nội dung vi phạm.

Hai là, các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền quyết định nhưng ra các quyết định không phù hợp với các yêu cầu của pháp luật, chủ trương của cơ quan cấp trên hoặc phương án đã được thông qua trước đó. Ví dụ như các hành vi: Chỉ định thầu; không tổ chức đấu thầu, đấu giá theo quy định; phê duyệt giá đất dự án thấp hơn giá đất Nhà nước; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không tính tiền sử dụng đất; không tính tiền chậm nộp trái quy định của pháp luật...

Có thể kết luận sai phạm diễn ra ở cả lĩnh vực “công” và “tư” nhưng sai phạm của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền là nguồn cơn nảy sinh những sai phạm của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, “công không chính thì tư tất loạn”.

Đáng lưu ý, vấn đề nổi lên rõ nhất là sự tha hóa của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đặc biệt trong thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng. Vai trò của người đứng đầu, người tham mưu cho người đứng đầu đặc biệt quan trọng, nếu những đối tượng này cố ý làm sai sẽ dẫn đến toàn bộ chu trình sai theo. Chính vì vậy, xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm là việc làm cấp thiết để làm trong sạch bộ máy công quyền, lấy lại niềm tin từ nhân dân. Đồng thời là lời cảnh báo nghiêm khắc nhất cho bất cứ cán bộ nào, nhất là cán bộ lãnh đạo trong tương lai không đi vào vết xe đổ.

[caption id="attachment_215116" align="aligncenter" width="410"] Luật Đất đai hiện hành đang bộc lộ những lỗ hổng “giúp” các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng trục lợi (trong ảnh phải là Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP. HCM (giai đoạn 1) ký hợp đồng sai gây thất thoát ngân sách 282 tỉ đồng)
Luật Đất đai hiện hành đang bộc lộ những lỗ hổng “giúp” các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng trục lợi (trong ảnh phải là Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP. HCM (giai đoạn 1) ký hợp đồng sai gây thất thoát ngân sách 282 tỉ đồng)[/caption]

Với vụ việc sai phạm tại 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng, cần quy kết trách nhiệm phải thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài chính và UBND TP. Hà Nội, từ những hoạt động tham mưu, chỉ định đầu tư cho đến việc làm ngơ, buông lỏng quản lý, không xử lý hoặc không xử lý dứt điểm sai phạm.

Với vụ việc tại Khánh Hòa thì sai phạm lớn nhất là thẩm định giá đất, cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan có thẩm quyền và xử lý sai phạm kịp thời trong quá trình tư vấn tham mưu, thực hiện dự án. Đặc biệt, nếu trong quá trình thanh tra kiểm tra có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý về hình sự nghiêm minh đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo qui định hiện hành.

Ngoài ra, ông Hải kiến nghị cần thiết có thể cho áp dụng một số biện pháp điều tra đặc biệt để nhanh chóng giải quyết vụ việc sai phạm lớn về đất đai và theo dõi, thu hồi kịp thời, với mức cao nhất được tài sản thất thoát, vận động tổ chức, cá nhân vi phạm giao nộp lại tài sản được hưởng lợi để giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý.

Mặc dù các sai phạm chủ yếu tập trung vào yếu tố con người (cố ý làm trái, tha hóa, tư lợi), nhưng cũng vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách về quản lý tài sản công được thể hiện trong Luật Đất đai 2013, Luật Sử dụng tài sản công 2017... theo hướng ngày càng công khai, minh bạch hơn. Chỉ có công khai, minh bạch ở mức độ cao nhất mới có thể chặn việc “công – tư” bắt tay nhau. Đối với khu vực nhà nước, đó là tuân thủ hoạt động thu chi theo Luật Ngân sách nhà nước; đối với tư nhân thì tuân thủ các yêu cầu của Luật Kế toán, Luật Thuế...

Với những vụ việc trên, mặc dù sai phạm diễn ra ở cả lĩnh vực “công” và “tư” nhưng có thể nhận thấy, sai phạm của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền là nguồn cơn nảy sinh những sai phạm của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, “công không chính thì tư tất loạn”. Vì vậy, kiến nghị cần thiết có thể cho áp dụng một số biện pháp điều tra đặc biệt để nhanh chóng giải quyết vụ việc sai phạm lớn về đất đai và theo dõi, thu hồi kịp thời, với mức cao nhất được tài sản thất thoát, đồng thời vận động tổ chức, cá nhân vi phạm giao nộp lại tài sản được hưởng lợi để giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý.
(Thạc sĩ Phan Đăng Hải, Giảng viên Học viện Ngân hàng)

Đinh Chiến và Đình Hòa (thực hiện)

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin