(Pháp lý) - Ngày 21/5/2017, Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM ( Trung tâm thuộc Hội Luật gia Việt Nam) và Chi hội Luật gia Trung tâm đã tổ chức buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Tại buổi Tọa đàm, các Luật gia, Luật sư đã tập trung trao đổi, góp ý các vấn đề: Quy định trách nhiệm cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống tham nhũng; Quy định về kê khai tài sản để phòng ngừa tham nhũng; Phòng ngừa và xử lý trong phòng, chống tham nhũng; Vai trò của Báo chí với việc tham gia phòng, chống tham nhũng.
Luật gia Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc kiêm Chi hội trưởng Chi hội luật gia Trung tâm tư vấn đánh giá chung về dự thảo luật lần này đã cơ bản quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tinh thần “công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị - xã hội”.
Tại buổi tọa đàm, Luật sư – Luật gia Trần Đình Dũng góp ý: Tệ nạn tham nhũng trong xã hội ta hiện nay rất phức tạp. Vì vậy cần một đạo luật chặt chẽ, cụ thể, trong đó cần chú trọng các qui định điều chỉnh công tác phòng ngừa tham nhũng. Ràng buộc người có chức vụ có cơ hội tham nhũng bằng cách kê khai minh bạch tài sản và thu nhập là phương cách hữu hiệu trong phòng chống tham nhũng. Theo ông Dũng thì cần bổ sung thêm vào quy định kê khai tài sản một vài điểm sau: Thứ nhất, bổ sung các đối tượng phải kê khai gồm cả con đã thành niên, con nuôi, cha, mẹ ruột, cha mẹ nuôi. Sửa lại Điều 42 Dự thảo trở thành như sau: Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, của con chưa thành niên và đã thành niên, của cha, mẹ và của con nuôi, cha mẹ nuôi nếu có. Thứ hai, mở rộng quyền được biết thông tin về bản kê khai tài sản cho các cơ quan giám sát quyền lực và báo chí.
Đề cập đến vần đề vai trò của Báo chí trong công tác chống tham nhũng, Luật gia, nhà báo Lương Duy Cường (Chi Hội phó Chi hội luật gia Trung tâm tư vấn) nhận định “Thực tế đã chứng minh, báo chí, truyền thông có vai trò to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia công tác này… Qua nghiên cứu Dự thảo Luật, chúng tôi thấy Điều 9 Dự thảo đã qui định vấn đề này. “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa”. Tuy nhiên, nhà báo Lương Duy Cường góp ý, cần phải ghi rõ trong dự luật là “Cơ quan báo chí có quyền tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng” chứ không thể nói chung chung là chỉ “có trách nhiệm”. . .
Trần Như