Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được bầu vào Ủy ban Luật pháp quốc tế mang lại cơ hội để hoàn thiện đội ngũ chuyên gia luật lẫn hệ thống luật pháp của Việt Nam.
Sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tiến hành bỏ phiếu bầu chọn các vị trí thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế (gọi tắt là ILC) hôm 3-11, Đại sứ (ĐS) Việt Nam (VN) tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử với số phiếu 120/191. Đây là lần đầu tiên có người VN tham gia ứng cử và trúng cử tại một diễn đàn pháp lý có uy tín, cơ quan chuyên soạn thảo những công ước quốc tế quan trọng như ILC. Cơ quan này còn nghiên cứu về những vấn đề lớn của luật pháp quốc tế, luật về quan hệ giữa các quốc gia.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ (thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo VN), việc ĐS Nguyễn Hồng Thao được bầu vào ILC mở ra nhiều cơ hội để VN đấu tranh pháp lý hiệu quả hơn để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của VN trên biển, đảo, đặc biệt là tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiệm vụ ĐS Nguyễn Hồng Thao tại ILC
. Phóng viên: Xin ông có thể giải thích cụ thể hơn về vai trò và cách thức hoạt động của ILC đối với hệ thống luật pháp quốc tế?
+ PGS.TS Vũ Thanh Ca: Căn cứ vào một số nghị quyết của ĐHĐ LHQ, ILC có trách nhiệm dự thảo các công ước về những chủ đề chưa được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế hoặc là các chủ đề chưa được điều chỉnh đầy đủ trong thực tiễn áp dụng luật pháp của các nước. Ngoài ra, ILC cũng “pháp điển hóa” luật pháp quốc tế, có nghĩa là quy định chi tiết và hệ thống hóa thành luật pháp quốc tế những vấn đề trong thực tiễn, có tiền lệ hoặc các học thuyết đã được áp dụng rộng rãi tại các nước. Các bản dự thảo sau đó sẽ được trình lên ĐHĐ LHQ để xem xét, thông qua và ban hành.
ILC cũng xem xét các đề xuất, dự thảo công ước đa phương được các nước thành viên LHQ, các Tổ chức chính của LHQ (trừ Đại hội đồng), các cơ quan đặc biệt, các tổ chức chính thức được thành lập theo các thỏa thuận liên chính phủ để thúc đẩy việc phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Ủy ban cũng có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ hơn những bằng chứng về luật tập quán quốc tế, thí dụ như Ủy ban cần phải xem xét các cách thức để thu thập và xuất bản những tài liện liên quan đến thực tiễn quốc gia và các quyết định của các tòa án quốc gia, quốc tế về các vấn đề luật pháp quốc tế, sau đó báo cáo lại ĐHĐ LHQ.
. Có thể hình dung trách nhiệm của ĐS Nguyễn Hồng Thao khi trở thành Ủy viên của ILC là như thế nào thưa ông?
+ Với tư cách là thành viên Ủy ban, ĐS Nguyễn Hồng Thao sẽ có nhiệm vụ thực hiện tất cả các công việc như nêu ở trên. Đặc biệt là ĐS Nguyễn Hồng Thao sẽ có trách nhiệm tổng kết tất cả những thực tiễn, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu, những thuận lợi, khó khăn của VN trong việc thực thi luật pháp quốc tế để phục vụ cho việc phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế.
Các công việc này đòi hỏi phải có kiến thức rất sâu rộng về luật pháp quốc tế. Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này và là một chuyên gia có tiếng tăm trên thế giới về lĩnh vực liên quan, tôi tin tưởng ĐS Nguyễn Hồng Thao sẽ hoàn thành xuất sắc công việc của mình tại Ủy ban.
Khẳng định vai trò và uy tín của VN
. Việc ĐS Nguyễn Hồng Thao trúng cử Ủy viên của ILC có ý nghĩa gì với vai trò, hình ảnh của VN tại LHQ nói chung và tại ILC nói riêng?
+ Việc VN cử ĐS Nguyễn Hồng Thao tham gia ILC lần này là thể hiện mong muốn, quyết tâm của VN trong hội nhập, bao gồm việc tuân thủ và nội luật hóa các quy định của luật pháp quốc tế vào hệ thống pháp luật VN cũng như đóng góp vào sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế.
Sự kiện ĐS Nguyễn Hồng Thao được bầu vào ILC lần này là một bằng chứng chứng tỏ sự công nhận của thế giới về vai trò của VN trong việc phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế. Ngoài ra, đó cũng cho thấy rằng bạn bè quốc tế đã thừa nhận việc VN kiên định con đường đổi mới, hội nhập.
Cần chú ý là tiêu chuẩn để được bầu làm thành viên ILC là những người có tiếng tăm trên thế giới về luật pháp quốc tế. Do vậy, việc ĐS Nguyễn Hồng Thao được bầu làm thành viên ITC chứng tỏ giới luật gia VN đã có những người đạt tới trình độ đỉnh cao của thế giới về phương diện luật pháp quốc tế.
Củng cố mặt trận pháp lý VN ở biển Đông
. Sự kiện lần này mang ý nghĩa như thế nào đối với việc xây dựng đội ngũ chuyên gia về luật quốc tế nói chung và luật biển nói riêng phục vụ trực tiếp cho lợi ích VN thưa ông?
+ ĐS Nguyễn Hồng Thao là một chuyên gia về vấn đề luật pháp quốc tế phân định chủ quyền biển, đảo, đã có nhiều công trình được xuất bản bởi những nhà xuất bản nổi tiếng thế giới và đăng tải trên những tạp chí có uy tín cao. Tuy rằng nguyên tắc hoạt động của các thành viên ILC là độc lập với nước chủ nhà (nghĩa là ĐS Nguyễn Hồng Thao không đại diện cho Chính phủ VN – PV) và chỉ tuân theo sự điều hành của ILC; nhưng quá trình hoạt động của các thành viên cung cấp cơ hội tốt nhất để họ học hỏi, nâng cao kiến thức.
Vì vậy, ĐS Nguyễn Hồng Thao sẽ có cơ hội góp phần đào tạo đội ngũ chuyên gia cho VN và trực tiếp tham gia giải quyết những tranh chấp sau này. Ngoài ra, ILC cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ với các toà án quốc tế, đặc biệt là Tòa án quốc tế vì công lý (ICJ). ILC thường mời Chủ tịch ICJ trình bày về những hoạt động gần đây của Tòa, những án lệ của Tòa. Các thành viên ILC cũng thường xuyên thảo luận, trao đổi với Tòa để củng cố kiến thức và thống nhất nhận thức.
. Ngoài việc củng cố đội ngũ chuyên gia luật uy tín và chất lượng, ở phạm vi phổ quát hơn, hệ thống luật pháp VN sẽ có cơ hội nào để đảm bảo đứng vững trên “mặt trận pháp lý” trong các vấn đề tranh chấp tại biển Đông?
+'Quan điểm của VN là giải quyết những bất đồng trên Biển Đông bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển. Sự kiện ĐS Nguyễn Hồng Thao được bầu vào ILC sẽ giúp VN hiểu biết tốt hơn luật pháp quốc tế, tiếp cận sâu hơn tới các cơ chế tài phán quốc tế.
Ngoài ra, các thực tiễn áp dụng luật pháp quốc tế của VN và những kết quả nghiên cứu của các học giả VN về lĩnh vực này cũng sẽ được nghiên cứu, tổng kết đầy đủ hơn để có thể xem xét, pháp điển hóa thành luật pháp quốc tế trong tương lai. Do vậy, việc này sẽ giúp chúng ta hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật trong nước và đấu tranh hiệu quả hơn về mặt pháp lý để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của VN trên biển, đảo, đặc biệt là tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
. Xin cảm ơn ông.
Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) được thành lập năm 1947 với 34 thành viên là những người, được bầu 5 năm một lần.
Ủy ban bao gồm các giáo sư, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà ngoại giao, luật gia nổi tiếng có trình độ và năng lực trong lĩnh vực luật quốc tế cả về lý luận và thực tiễn.
ILC góp phần xây dựng được các văn bản quốc tế quan trọng, tiêu biểu là Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, Công ước Viên về luật Điều ước năm 1969; Công ước Viên về Thừa kế Quốc gia liên quan đến Điều ước năm 1996; Quy chế Rome của Tòa Hình sự Quốc tế năm 1998; và bộ Điều khoản về Trách nhiệm Quốc gia đối với Hành vi sai phạm quốc tế năm 2001.
Theo TTXVN tại LHQ, “việc giới thiệu ĐS Nguyễn Hồng Thao ứng cử Ủy ban trên thể hiện mong muốn của Việt Nam đóng góp vào sự phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế, thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của VN”.
Theo Plo